DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 1/3 123 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 191
  1. #1
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 1er Mai 1936 – 11-3-â.l.

    Bữa nay thức dậy, lo thu xếp đồ hành lý ngủ, rồi dùng trà điểm tâm, đoạn 9 giờ ăn bột sadou với canh cải. Chín giờ rưỡi lên đường, tạm biệt chủ gia Pharijong (vì còn trở lại) đi Bhutan (Bửu-tàn). Huynh Issê và Choundouss ở lại đợi Mã-tử đem ngựa lại chở hành lý. Bốn huynh đệ đi trước, lần hồi lên dốc qua đảnh, trời đã lạnh lại thêm gió thổi, đã lên dốc còn bị gió ngược, tạt vào mặt, thở không kịp, phần hai lỗ tai bị gió lòn vào lạnh nhức thấu óc. Bần đạo mệt run cả hình, thở hào hển muốn hụt hơi, song cứ niệm Phật mà đi. Lên tới nửa dốc bèn cùng huynh đệ tạm thạch bàn nghỉ. Thấy huynh Thinhless guồi nơi lưng cốt đá Phật tổ, nặng 70, 80 kilos, lên dốc huỷnh thở ra khói. Nghĩ sự cũng thân con người mà huỷnh phải thân anh phụ trọng cực nhọc hơn các huynh đệ, nghĩ vậy bần đạo bắt cảm nghiệp của huỷnh. Đi đường hằng van vái chư Hộ-pháp, Long-thiên và chư sơn thần, thổ thần, chư quỉ thần đặng xin ủng hộ huỷnh, thân đai Phật cốt nặng nề, bần đạo xin niệm vãng sanh giúp chư thần đoạn nghiệp chướng và vãng sanh Tịnh-độ mà đền ơn ủng hộ huynh Thinhless, và hằng chú nguyện cho huỷnh kiếp nầy trả hết nghiệp báo tiền khiên, kiếp sau sanh vào phước-đức tộc gia, hưởng phước và thọ tam-qui ngũ giới làm thiện tác phước nhiên hậu thành Phật đạo. Trong lúc tạm nghỉ nơi thạch bàn tư duy và lòng chúc nguyện xong, bỗng trực nhớ tới sự lạnh lọt vào hai tai, bèn lấy mão lama xuống xủ hai cánh đậy trùm lỗ tai, và lấy khăn mouchoir bịt ngang lỗ mũi, đoạn huynh Samdhen chỗi gót thì ba huynh đệ cũng đồng đi. Họ sanh trưởng đất núi non, nên đi giỏi quá. Bần đạo lục thục đi sau với huynh Thinhless. Nhưng, tuy huỷnh vai guồi thùng nặng, nhưng hình vóc cao lớn bằng hai bần đạo, nên bước của huỷnh bằng rưỡi bần-đạo, huỷnh đi cũng mau hơn tôi. Nhờ đậy tai, bịt mũi đỡ gió, nên ít mệt như khi nãy, cứ xủ hai tay áo tràng, đi bớt lạnh. Đoạn qua đảnh, mừng xuống triền đỡ mệt, và đi và nghĩ cho cái xác tứ đại nầy, biết bao nặng nề, mang nó như mang gông nặng, đi mới một đôi giờ mà nó đã đuối và muốn nuỗng hơi. Bần đạo tư duy thế sự bèn nói với xác tục rằng : Còn sống một giờ, bần đạo cũng nguyện mượn thân tứ đại hành Phật sự, thế thế hằng nguyện y như thử. Còn nay, như ngươi có hết nghiệp thì cứ việc ngã-tử trên núi Hi-mã-lạp nầy đặng ta tác dụng cái khác mà hành Phật-sự. Và đi và thầm nói trong trí như vậy và so sánh với huynh Thinhless, thì lần hồi thân tứ đại bớt mệt, song lúc xuống nửa dốc núi lại gặp mưa tuyết, hột nhỏ như hột tiêu, áo mão ai nấy trắng phêu, ngó hai bên đường trắng dã. Huynh Isess trao cây dù của bần-đạo mà huỷnh đã cầm giùm lúc lên dốc, bần đạo mắc chống gậy, nhưng mưa tuyết có ướt-át gì, thôi để cho huỷnh che cho mát lòng đã cầm giùm cả vài giờ. Bần đạo chịu gió mưa tuyết ấy ước trên một giờ, đoạn huynh Samdhen bảo tạm nghỉ dùng trà, nhưng bần đạo sợ mệt mà dùng nước nó lỏng bỏng đi không đặng, bèn từ chối đi luôn, và lấy cây dù che đi, hai huỷnh và uống và đợi Thinhless, lúc nầy huỷnh đã đi chậm lại rồi. Nhờ cây dù che gió, bớt lạnh, bần đạo đi lần hồi, kế hai huynh theo kịp. Lúc nầy bớt mệt lại bớt lạnh đi kịp hai huỷnh, ráng đi, hai chưn mang giày đã ê chưn rồi, mấy đầu ngón cẳng đau quá, họ quen mang từ nhỏ tới lớn, mình bỏ giày đã bảy, tám năm, nay mang lại đi phải cáng-náng. Xứ nầy không mang giày thì cẳng chịu lạnh không nổi. Phút đã tới trạm Yasa, vào nhà quen của một ông Tây-tạng cư sĩ mà tạm nghỉ. Nhà chật hẹp, song cũng xen nhau tạm ngồi. Cô con gái của ông lật đật trải đệm để ghế nhỏ làm tợ cho Samdhen và bần đạo ngồi, đem trà rót cho hai huynh-đệ tôi dùng, kế huynh Isess nấu trà cũng chín rồi, đổ vào ống thục (vì huỷnh bươn bả đi trước đặng nấu trà). Hai huynh đệ dùng ước ba, bốn chén trà, thì huynh Thinhless đã tới, chó sủa hồ hào thì biết huỷnh đã tới, liền mang thùng thẳng vào nhà, an trí gần cửa trên sàng để củi, rồi vào chỗ huynh đệ đang ngồi, liền ngồi thở hào hển, huynh Samdhen bảo nhậu trà. Đoạn huynh Isess lo nấu canh cải đặng huynh đệ dùng bột. Chờ hai huynh Choundouss và Issê tới 5 giờ mà chưa thấy tới, anh em kẻ đi dạo đầu nầy, người đi nẻo nọ, chờ đợi hai huynh. Bần đạo 6 giờ mới nghe chuông ngựa, hai huynh bước vào thì Isess và Thinhless bước ra lấy đồ hành lý, mới có bột sadou, chớ nãy giờ con gái của ông chủ gia dưng một quảo nổ, mấy huynh đệ dùng đỡ đói. Đoạn hai huynh thuật sự mã tử nầy không tốt, 2 giờ mới đi là huynh đệ tôi cự với y lắm, chớ y nói để mơi mai sẽ đi, lại không chịu chở valise nói nặng, nên huynh đệ tôi phải mang.

    Đoạn mã tử bước vào nói chi không biết mà chỉ Choundouss, song bần đạo biết ý, đó là nói huynh Choundouss cự với y. Đoạn cãi nhau một hồi. Huynh Samdhen phủ ủy bảo uống trà, thì hai bên đã êm và đưa tiền cho mã-tử, mã-tử uống trà rồi ra nhà trạm nấu ăn và nghỉ. Xóm nầy chỉ có ba cái nhà mà thôi, có một cái nhà để cho ngựa và mã tử ở, còn hai cái nhà, tùy ý ai tạm nơi nào cũng đặng, miễn biết xử điệu (trả tiền) thì tốt. Ấy là tiền củi lửa, dầu đèn và chủ nhà nấu ăn uống giùm cho cả. Huynh Samdhen hối mở rương lấy lễ vật. Một cái hình chùa tháp Phật-đà-gia, một tấm vải in cẳng Phật và một tấm tượng Phật tổ kiểu Burma, một cục xà-bong và một cục trà, một cái hộp quẹt, dưng cho chủ nhà, tiếp lễ và coi bộ mừng lắm, vì mấy thuở, xứ nầy mà có tượng Phật và mấy món dấu tích kia. Bèn đem bột sadou đáp lễ. Huynh đệ ăn uống rồi đồng lo ngủ.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #2
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Huynh Samdhen và Choundouss ngồi nghỉ. Bần đạo cũng nghỉ, cẳng đã bết bát rồi, ước nghỉ tại xóm nầy là vừa, nhưng huynh Samdhen nói, đây không có nhà quen, lần tới trước có nhà quen. Đoạn đi, thì huynh Issê sụt sau với bần-đạo, ba huynh kia đi trước. Thiệt bết bát, bước muốn hết nổi, song biết sao, phải ráng hết gân cốt mà đi, đi tới khúc đường kia thấy Samdhen và hai huynh ngồi chờ, hai huynh đệ tôi đi tới thì Samdhen bảo ngồi nghỉ, chập lại đi trẽ vào đường hẻm bên tả vào làng Chakha có trạm bèn vào một cái nhà của người quen, đến cửa ngõ, huynh Samdhen và Choundouss còn đứng ngoài cửa chờ người mở, trên lầu chó sủa vang rân. Bần đạo thấy nhà ấy lòng mừng đặng nghỉ mệt, đoạn thấy hai huynh bước vào cửa thì bần đạo cũng đã tới cửa, bước vào thì thấy người chủ nhà mở cửa rồi đứng nép một bên, chào hai huỷnh, đoạn hai huỷnh trèo lên thang, thang ấy bằng một cái cây y mổ như máng heo ăn vậy , bần đạo cũng lên thang vào căn phòng, có một chú nhỏ lật đật quét. Bần đạo mỏi quá, đợi quét rồi bèn ngồi bẹp xuống rầm không đợi trải chi hết, đoạn huynh Samdhen lấy réveil ra xem đã 4 giờ 50, vừa móc khám và dù xong, thì mã-tử đã đến, mấy huynh kia xuống lầu, đem hành lý lên và sắp đặt nơi phòng. Phòng lớn rộng rãi, kế phòng có nhà bếp cũng rộng rãi. Mở rương, valise, lấy lễ vật ra dưng cho chủ gia, thì coi bộ anh chủ nhà mừng rỡ, ngồi chuyện vãn một chập bèn kiếu bước ra thẳng vào phòng bên kia, bưng trà và hột nổ với cốm dẹp lại dưng cho hai huynh đệ tôi. Đoạn bưng lại một nồi xăng đãi mấy huynh kia. Chính giữa cái nồi, có nhận một cái giỏ đương bằng hàng đen, chung quanh giỏ ấy là nếp xăng hèm. Đổ nước nóng chung quanh hèm ấy, nước hèm chảy lượt vào giỏ đoạn có gáo cây múc đổ vào chén uống. Uống hết nước nhứt, tới nước nhì, lấy giỏ ra, lấy nước nóng đổ vào nồi, có cây quậy lộn hèm, rồi qua nước ba, thì lấy giỏ lên, lấy cây có tiện đầu tròn như trái chùy tán nghiền hèm rồi đổ nước nóng vào quậy đều, đặt giỏ lượt vào múc uống, vậy mà cũng say vùi. Đoạn chờ huynh Thinhless. Tới 6 giờ tối huynh mới tới, coi bộ mệt ngất, bần đạo khi ấy xuống lầu đi ngoài, thấy huynh đã tới, chạy lại hỏi sao lâu trễ, huỷnh vừa thở vừa chỉ đầu nói nhức, chỉ ngực nói tức, chống cây đỡ thùng đứng nghỉ, bần-đạo rất thương và cũng than đường xa mang nặng. Kế hai huynh đệ đồng đi vào nhà, để thùng lên lầu, thì huỷnh xề ngồi nơi rầm, ngã dựa vào đống hành lý gần bên mà thở dốc ôm đầu. Samdhen hối Isess rót trà cho huỷnh uống. Đoạn bần đạo móc tiền bảo Choundouss mua xăng cho huỷnh uống đặng giải lao, huỷnh từ chối, song bần đạo nói : có xăng uống cho máu chạy bớt nhức đầu và tức ngực “Phai unhlờ sitro Katêkha poudou, xăng xú giác poudou.” Huynh Choundouss tiếp lấy tiền, nhưng nói, huỷnh không biết nói sao mà mua xăng. Thinhless giỏi tiếng Bhutan, để huỷnh khỏe rồi lại phòng chủ nhà nói mua. Đoạn trao tiền cho huỷnh, huỷnh bước ra, qua phòng trăm lia với chủ nhà, đoạn một chập trở lại ngồi như cũ. Bần đạo hỏi : “Xăng minh con ?” thì huỷnh nói một lát sẽ đem lại, coi bộ huỷnh cũng còn mệt lắm, kế xăng bưng lại một nồi như khi trước. Huỷnh đưa tiền cho Choundouss, rồi trả lại cho bần-đạo nói : Chủ nhà không chịu lấy tiền. Đoạn Choundouss uống với Thinhless. Thì Sam-dhen rằng : có xăng coi Thinhless hết mệt mỏi, ấy là lời nói giỡn. Uống xăng ăn bột tới 9 giờ rưỡi ngủ. Bần đạo cũng mỏi mê ngủ vùi tới 1 giờ thức đi tiểu và o bế bóp cẳng. Tại xóm trọ Chakha nầy ít lạnh vì ở dưới triền thấp.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #3
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 3 Mai 1936 – 13-3-â.l.

    Sáng, lúc 3 giờ thì Samdhen đã thức, kêu Isess thức nấu trà, nhưng huỷnh còn mê ngủ, đoạn một chập lâu Samdhen bèn kêu nữa, nói đã 4 giờ rồi, thức nấu trà. Bận nầy Isess thức lo đi rửa mặt rồi nấu trà. Bần đạo cũng chỗi dậy, thu xếp đồ ngủ rồi cũng đi rửa mặt. Isess kêu mã-tử. Ai nấy đều xúm lại uống trà ăn sadou rồi 6 giờ tạm biệt chủ gia Chakha lên đường. Bần đạo đã xuống lầu đi theo Choundouss và Isess, ra tới đường thì Choundouss bảo, thầy thủng thỉnh đi sau, cứ một đường đi tới. Hai anh em tôi đi trước đặng sắm sửa chỗ trú ngụ. Nói rồi hai huỷnh đi như dông. Bần-đạo thỉnh thoảng đi, vì hôm qua đã bết rồi, nhờ đêm nay bóp cẳng nên mang giày đi cũng khỏe. Kế huynh Samdhen đã đi tới gặp bần đạo, đến một khúc đường kia không có xóm nhà ở gần, huỷnh nói : tạm nghỉ đây dùng trà. Tôi nghe nói dòm lại chỗ huỷnh ngồi không thấy khay trà, sao huỷnh nói dùng trà. Huỷnh cởi bớt y phục (vì đã nực rồi) để nơi thạch bàn gần lộ rồi đi tiểu, trở lại ngồi nghỉ, thì huynh Isess và hai mã-tử với hai ngựa đã tới, nói đi tới trước kia có nước, nghỉ nấu trà mới đặng. Xách đồ đi chừng 50 thước, bèn thấy có chỗ cũ của hành khách lấy đá làm táo nấu ăn. Thì Samdhen bèn bảo Isess mở gói lấy khảm cụ trải bên lộ ngồi. Mã-tử mở hành lý thả ngựa cho ăn. Hai mã-tử quơ củi, Isess lại khe múc nước. Kế Thinhless tới, để thùng xuống nghỉ, rồi huỷnh cùng tôi đi lại khe nước. Tôi lau mình vì chốn nầy không lạnh, tiện dịp lau mình, giặt vớ và khăn. Rồi việc lên phơi đồ và đồng ngồi uống trà ăn bột sadou (ăn với đường). Qua 10 giờ rưỡi lên đường, lúc nầy bần đạo đã cởi giày đi cẳng không, thật khỏe cẳng, và cặp vớ chưa mấy khô, lấy kim (surêté) ghim trên nóc dù và che và phơi vớ vì trời nắng chan chan. Đi tới 1 giờ chiều, cũng tạm nghỉ bên đường như trước, nhưng không có uống trà, chỉ lo lại mương kế đó rửa mặt. Bần đạo thấy nước nhiều chảy mạnh, tiện việc gội cái đầu, đoạn lên ngồi nghỉ, kế huynh Thinhless đã tới cũng ngồi nghỉ, huynh Samdhen chỉ cái nhà lầu vách sơn vôi trước kia đã thấy và nói : Đó là nhà Quốc-tự và nhà công sở Trấn quan Bahalama xứ Bhutan, còn chừng ba cây số ngàn nữa thì tới. Đoạn 2 giờ đi, trước mắt thấy nhà cửa lầu đài, nhưng đi bết cẳng mà không thấy tới, lần lượt đi riết xế qua đã tới thành Patrô, quan ải nước Bhutan (là Kinh-đô cách đây 10 cây số) thì đã có Issê chực sẵn đón, rồi cùng nhau hiệp hành đi vào cửa kinh-đô là một cái cầu bắt ngang qua suối sâu như cầu quan ải Xana-Chamba nhưng tốt hơn, trên nóc nhà cầu sơn vẽ có viết chữ bùa “Âm-ma-ni-bát-mê-hồng” trên đó, đoạn qua cầu ấy rồi lên dốc, đường cẩn đá núi láng, đã mệt mà gặp cái dốc nầy thêm duyên mệt uối, nghỉ hai lần vậy mới tới nhà thiền của Baha-lama, thì có huynh Choundouss, đứng chực đón, lúc ấy đã 3 giờ rưỡi chiều, gặp nhau họ trăm lia rồi dẫn lại cái nhà lầu gần nhà Baha, đem đồ hành lý lên và tạm nghỉ ngoài hàng ba các từng lầu thứ nhì đã sắp đặt đàng hoàng, bèn khui thùng đem ba tượng Phật nhỏ ra và lấy đủ lễ vật : trà, đường, savon, nước sông Gange, tượng lớn Bodh-gaya và tượng Phật tổ kiểu Burma và anh lạc, rồi mấy huỷnh đồng bưng lại Baha-lama, xa nhà ngụ ít chục thước. Bần đạo ở coi chừng đồ đạc và huynh Isess lo nấu trà. Bốn huynh lại Baha dưng lễ ra mắt rồi một chập lâu huynh Thinhless về guồi thùng Phật cốt lớn đem lại Radja. Bần đạo rảo mắt xem qua khóm Kinh-đô Bhutan, thua Népal lung lắm, nghĩ cho là một cõi Viên-ngoại dân giã mà chưa tấn hóa. Đoạn mấy huỷnh rồi việc ra mắt Bahalama, bèn trở về chỗ ngụ, bưng lễ vật đi ra mắt Đại vương và các danh tự tại kinh đô, tới tối 8 giờ mới dùng sadou. Bần đạo mỏi mệt lắm, cả ngày đi đường không cơm, nên cũng dùng bột với muối, rồi 9 giờ ngủ.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #4
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 5 Mai 1936 – 15-3n-â.l.

    Sáng 5 giờ thức dậy nghe cả xác tục nhức nhối. Samdhen bèn lấy một hộp thuốc của Baha-Ghoom cho, đưa cho bần-đạo bảo nhai uống hết đau đớn. Song hột thuốc cứng quá, bần đạo lén bỏ vào đãy chớ không uống.

    8 giờ rưỡi, dùng nổ lót lòng. Chín giờ rưỡi Sam-dhen sắm lễ đi viếng danh tộc, trước khi đi có hai người khách đem dưng cho Samdhen một xấp đũi(2) đỏ, đeo Choundouss một xấp đũi trắng, ấy là sự đáp lễ nhau, mời ăn nổ dùng trà, đoạn hai người xin thỉnh hai cốt Phật nhỏ về cúng dường bữa rằm rồi đem trả lại, tục của họ vậy. Đoạn Samdhen cùng Choundouss với Issê khuân lễ vật đi viếng danh tộc. Bần đạo ở nhà, muốn viết thơ gởi về đạo-tràng cho hay rằng đã đến nước Bhutan, nhưng hỏi thăm thì không có nhà thơ, không có cò riêng. Các thơ từ xứ nầy muốn gởi ra ngoại quốc đều đi qua Pharijong, dùng cò Inde-Anglaise mà gởi. Nghe vậy nên không muốn gởi, tưởng có cò riêng nước họ thì gởi, bằng cũng dùng cò India thì có quí gì. Qua 11 giờ bần-đạo ăn ngọ một mình, vì mấy huỷnh chưa về, ăn gần tàn bữa, thì mấy huỷnh về, ăn cơm rồi. Samdhen thấy bần đạo có hơi bần thần, bèn rủ đi dạo, bảo đem máy chụp ảnh theo, đặng lén chụp Pháp đường (là nơi Bahalama mỗi tháng 1er và 15 thuyết pháp, cả nam nữ xuất gia và cư-sĩ đều đến nghe). Đoạn đến nơi, ở xa xa lén chụp rồi trở lại gần tới cầu-chùa, thì Samdhen bảo Choundouss và bần đạo đứng gần ngũ-tháp trước cửa cầu, huỷnh chụp ảnh xong, bước lại chỗ bán đồ đương(1) bằng tre của Bhutan nội hóa, xem và hỏi mua một cái mủng có nắp (của chư tu hành ăn cơm) đòi 1 rupee Ăng-lê. Samdhen nói mắc quá, để mủng xuống chỗ cũ và rủ nhau lại ngồi nơi Ngũ-tháp hứng gió mát. Chập lâu về đến chỗ ngụ, thì bần-đạo nghe mỏi mê và lạnh quá, bị mửa, mở đồ ngủ lấy mền trùm, nằm mê mệt tới 1 giờ khuya mới thức.
    [Hình dán tại đây đã hư.]


    Ngày 6 Mai 1936 – 16-3n-â.l.

    Cả đêm hôm qua vùi vẫn không hay biết chi cả, có lúc mở mắt thấy mấy huỷnh chơi bài ăn đột cười giỡn với nhau. Đoạn khuya 1 giờ sáng thức giấc, nghe bớt mỏi mê, nhưng sôi ruột, đoạn nghe huynh Samdhen kêu hỏi : Thầy bớt không ? ¬– Bớt. – Quá 3 giờ đi đại thì tả rất nhiều. Kế sáng 6 giờ còn đi tả một lần nữa. Huynh Samdhen bảo nấu trà sữa cho bần-đạo dùng, sẵn huỷnh có mua tại Calcutta một hộp sữa đặc Ăng-lê. Choundouss khui rồi rót ra cho Isess nấu trà cả huynh-đệ đều dùng với nếp dẹp, rồi Samdhen bảo Isess nhồi sadou cho bần đạo dùng với buerre Bhutan, nhưng bần đạo mới ăn cốm dẹp nên dùng ba vắt bột rồi thôi. Samdhen ép ăn thêm, song no quá phải từ kiếu. Issê hầu tàn với chư huynh đệ. Ăn rồi Choun-douss và Issê khuân lễ vật đi viếng danh tộc nữa vì ba bữa rồi đi chưa hết. Nghĩ vậy, rất có túc thế nhân duyên cùng huynh Samdhen quá, nên chi huỷnh hết lòng lo cho bần-đạo từ chút, khi mạnh lúc đau huỷnh đều đối đãi rất tận tình.

    Trưa dùng ngọ, chiều cũng dùng trà sữa, chớ không dùng sadou. Tối 8 giờ cũng dùng trà sữa rồi nghỉ. Đêm nay ngủ êm ả, nghe trong mình đã hiện khí hậu ấm áp, không phải mê mệt như hôm qua, nên chi cởi hết y phục, ngủ không xót xái lại êm giấc.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #5
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 7 Mai 1936 – 17-3n-â.l.

    Ngủ luôn đêm thức giấc có một lần đi tiểu, rồi luôn một giấc tới sáng. Đi lại máng nước lau mình, rửa mặt, súc miệng xong nấu trà sữa dùng với nổ điểm tâm. Đoạn huynh Samdhen mượn viết thơ gởi tên Bhagwondos ở Bodh-gaya mua 80 hình postal Chùa tháp và hình Phật tổ, vì đến đâu dưng lễ ra mắt cũng có hình nầy, cả thảy đều ưa chịu. Nhờ cách đối đãi cùng quan dân danh-tộc hào-phú các nơi nên huynh đi đến đâu cũng dễ chịu, cả thảy hoan nghinh, vì vậy mà bần-đạo đặng tùng hưởng sự êm ả, thảy đều vui lòng cùng bần-đạo không điều chướng ngại. Nếu cùng ai ắt có sự trành tròn khó dễ, không dễ để bước vào xứ của họ đâu. Nay huynh thân-hành đi viếng một người danh tộc Bhutan tuy không làm quan chớ cũng là một tay Bổn-đạo danh tiếng trong xứ Bhutan.

    Lúc nầy rảnh hỏi thăm huỷnh cái cơ-sở tôn chỉ của nước Bhutan nầy. Bần-đạo xem người Bhutan và Tibetain không khác tiếng nói mường tượng, hai đàng chuyện vãn cũng thông hiểu, hay là người xưa gốc là Tây-tạng nhơn đến đào tạo xứ nầy, nên chi cách ăn mặc không khác bao nhiêu, cũng một thứ áo, đều mặc khác là áo cụt hơn, bận thì trôn áo chí gối, quần xà-lỏn. Đờn bà áo cụt quần dài, trước mang tã (dệt màu). Chư tu-hành ăn mặc y như Tây-tạng Lama. Huỷnh đáp rằng : Lời thầy luận đó phải rồi, sáng ý lắm, xứ nầy chư lama cũng thọ phái chùa Tây-tạng, Đại-đức Baha-lama tôn chức cho và viên quan chức sắc đều thọ ấn sắc nhà vua Tây-tạng, y một luật nước Tây-tạng, tiếng nói của họ trọ-trẹ chút ít, nên người Bhutan và Tây-tạng chuyện vãn cũng phổ thông vậy. Kinh kệ sách vở đều thỉnh mua tại Lhassa. Xứ Bhutan cũng rộng đất đai chớ chẳng phải một khóm nầy (là nơi huynh-đệ mình đến ở ngụ đây) thôi đâu, cách đây chừng năm, sáu ngàn thước cũng chùa, cũng phố xá lầu đài như đây, cũng có trấn quan, dân cư cũng rải rác như đây, rồi cách chín, mười ngàn thước từ thành phố ấy cũng còn có thành phố khác vậy. Chỗ nào cũng có Quốc-tự, Quốc-miếu, hễ có một quan trấn thì có một vị Bahalama đồng cùng nhau chia mối trị dân, trong đạo ngoài thế. Bần-đạo nghe qua thì nghĩ cho giống như nước nhà ta tam-kỳ dân tộc vậy, tiếng nói trọ-trẹ cùng nhau. Thiệt họ khéo lựa chỗ đóng đô, chung quanh núi bao như hàng rào đá, có suối nước chảy khắp nơi, cây cối thạnh mậu. Súc vật sung túc, gà vịt như xứ ta, chỉ có con heo thì ròng loại heo rừng chẳng thấy heo cụt mỏ bông lan như xứ ta. Tục họ không chịu ở dưới đất, nhà cất lầu cất gác mà ở, còn ở dưới chứa khí cụ và súc vật. Họ ở núi non, mọi vật đều kém, nên mắc mỏ lắm. Nhà cửa vẽ vời, cách vẽ thì theo kiểu vở của Tàu. Trong xứ họ chỉ có nghề dệt, kỳ dư không thấy xưởng chi cả, có thợ rèn, thợ đúc chút ít, đồ nội hóa còn thô tháo, cách ăn ở như người Cao-man, còn dơ dáy lắm. Thí như một bọn năm người, thì bần đạo chỉ sợ cách ở dơ của huynh Isess, quần áo, đầu cổ, mình mẩy, tay chơn, chẳng có chỗ nào là sạch, mỡ dầu, mũi dãi bôi quẹt khắp nơi. Họ ưa lấy beurre thoa mặt bôi môi và râu tóc. Cách của họ là người rừng núi mới tấn hóa, họ ở theo miền Hi-mã-lạp-sơn, kém dân nên xứ trồng tỉa đủ nuôi thân. Còn đồ mà bán ra ngoại quốc chỉ có món đường đỏ và lông thú, nhứt là lông con trâu (là mao ngưu), trừu, dê, chó. Bởi xứ lạnh, tạo-hóa phải sanh vậy, chúng thú đều phải lông lá sum-sê đặng chịu khí hậu. Như loài chim, loài có cánh, đều có lông nhiều, đến đỗi một con quạ, sáo, két, nhồng, se-sẻ, bồ câu, gà vịt, xem hình lớn bằng hai xứ ta, nhưng họ bắt đặng làm thịt nhổ lông rồi thì không lớn hơn, chỉ nhiều lông mà xem ra lớn vóc. Bần đạo thấy một con ó, coi hình lớn bằng hai, ba lần con ó xứ ta, trái cây cũng vậy lớn mã lắm, như trái ớt sừng trâu bằng cườm tay, phơi khô rồi còn bằng ngón cẳng cái vậy, vân-vân…

    Om Mani Padme Hum !

  6. #6
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 8 Mai 1936 – 18-3nh-â.l.

    Như thường lệ, điểm tâm rồi huynh Choundouss rủ đi lại nhà thiền Baha-lama, bèn theo chưn huỷnh, đến hai huynh-đệ đảnh lễ Đại-đức, đoạn ngài cụng đầu đáp lễ. Xong mời ngồi. Ngày nay tại nhà thiền, ngài có lễ cúng dường, chư tăng-sư lo chưng dọn bàn tam cấp, nhang đèn, bình tịnh thủy, cỗ bột có nắn bông màu gắn vào cỗ, bày bố y phong tục, cặm cờ, treo phan, cái. Huynh Choundouss hỏi : Xứ của thầy có giống sự chưng dọn cỗ bàn vậy chăng ? – Phan, cái, nhang, đèn, giống, cỗ bàn lại giống kiểu người Tàu. Đoạn Đại-đức mời dùng xăng, huynh Choundouss dùng một chén đoạn kiếu về. Ra ngoài, bần đạo về trước, Choundouss còn trẩn lại đi viếng thơ ký liêu kế đó. Đoạn về lo lấy kim, chỉ, mạng vớ, kế một chập huynh-đệ đồng dùng ngọ. Ăn ngọ rồi, huynh Isess nghe lời bần-đạo khuyên lơn, chịu thế trừ tu-phát, bần đạo thế phát giùm. Sam-dhen và Issê đi mua vật thực, cải, gạo, beurre. Lúc bần đạo đang cạo râu, bỗng có tên Tênzi là tên giúp sự cho Samdhen lúc tại Bodh-gaya, nay ở Ghoom đi đến xứ Bhutan, thấy bần-đạo thì mừng rỡ chào nhau. Đoạn bần-đạo hỏi : Đến đây rồi đi Tây-tạng chăng ? Huỷnh rằng : Đi chớ. Đoạn Choundouss về, đem vật thực về. Kế Issê đem gạo về. Chiều lối 3 giờ, người nhà quan trấn sai đem gạo hiến cho Samdhen thì Samdhen có hiến cho người ấy một tấm hình chùa tháp Phật-đà-gia. Người tỏ dấu cám ơn rồi về. Một chập lâu, đem lại một bao vật thực (đồ chay phơi khô và thịt khô), đoạn Samdhen tặng cho một gói thuốc bá bịnh. Kế người ngồi chơi, chuyện vãn, Samdhen nói : Tại chùa Chuẩn-đề nầy ở không an, vì nhiều người ra vào, đồ đạc khó giữ chẳng tiện vì ở ngoài hàng ba. Người ấy liền bảo huynh Samdhen cho người theo lại chùa Quốc-tự, người bẩm với quan, rồi chọn phòng liêu, dọn đồ lại ở. Đoạn sai Issê đi với một người đồng xứ cùng Samdhen (đến ngụ tại Bhutan). Ba người đi, một chập trở lại nói quan từ hàng cho một bên sạch sẽ trên lầu và bảo dọn đi lại ở. Đoạn huynh đệ đồng mang đồ hành lý lại Quốc-tự. Đêm nay huynh-đệ ngủ ấm áp, nhưng nước nôi không tiện, chỗ tiêu, tiểu hôi hám lắm.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #7
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 9 Mai 1936 – 19-3nh-â.l.

    Nhựt thường, sớm thức lo súc miệng, rửa mặt, ít nước, huynh Isess pha cho cả huynh đệ một nồi nước rửa mặt. Bần đạo thấy vậy, súc sơ rửa sơ, đoạn lấy cây chà răng và tấm tre nạo lưỡi, khăn đi thẳng lại chùa Chuẩn-đề (chỗ cũ) có máng nước, đi tiêu rồi lại máng xối chải răng nạo lưỡi, rửa mặt, lau mình. Trở về Quốc-tự điểm tâm trà và nổ. Đang khi ngồi điểm tâm, thì bỗng có một người, mặt áo Bhutan tới gối, đi cẳng không, lưng đai gươm, hình đẫm thấp, râu cụt, bước vào, thì cả thảy huynh-đệ đồng đứng dậy, bần đạo y theo. Người bảo “Xú, xú.” : ngồi, ngồi. Đoạn người bước lại chuyện trò với Samdhen một chập, thì Sam-dhen gởi mấy phong thơ (gởi qua Pharijong). Người lấy rồi bước ra. Bần-đạo hỏi thì mới rõ người ấy là Quan chánh-từ-hàng của Trấn quan, quản xuất cả thảy việc thâu xuất tiền tài, lương phạn, kho tàng trong quận nầy. Hỏi thăm Tênzi, thì Choundouss nói : Nó về nhà nó cách đây hai ngàn thước, ấy là đồng quê vợ của huỷnh, chừng bọn ta đi Tibet thì nó sẽ đi theo. Đoạn một lát Samdhen nói : Bữa nay có lễ cúng dường lớn, có Bahalama và Babon Radja, vậy huynh đệ mình cũng đi, mặc đồ tử tế. Huynh Samdhen trao cho bần đạo một cái áo lá hàng tàu của huỷnh bảo bận và huynh Isess phụ bận đồ lama giùm. Chín giờ huynh đệ đồng ăn cơm, rồi đi đến Pháp-đàn. Thấy chư tăng-sư, nào bổn đạo cư sĩ, nữ nam lão ấu lần lượt tới đạo tràng. Huynh-đệ còn rảo bước ở ngoài, chập lâu mới đi đến cửa nhà Pháp-đường, huynh Samdhen và bần đạo vào lạy, thì thấy ở trong Pháp-đàn đã có đôi ba trăm người đang lạy. Trong Pháp-đàn chưng dọn một cái bàn Pháp tọa chính giữa, trước Pháp tòa có bàn án trang trí một cốt Phật tổ Thích-ca lớn 0m.50 và hai cốt nhỏ hai tấc hoàn bằng bạch thạch của Samdhen thỉnh giùm cho Trấn quan, và trước có một bàn cúng dường lễ vật, tịnh bình và các món khác theo tục lệ của xứ Bhutan. Phía tả có một Pháp-đàn bày bố vật thực cúng dường, cũng chưng dọn tử tế, có tràn phan, bửu cái lớp treo, lớp cắm trên bàn. Lạy rồi hai huynh đệ tôi thối lui ra ngoài đi hữu nhiễu Pháp đàn như chư Lama Bhutan và Bổn đạo nữ nam. Tới trời đã gần đứng bóng mà Hòa-thượng Pháp-sư và Trấn quan chưa tới, nắng nực quá, huynh đệ đồng đi kiếm chỗ đụt mát. Ước lối đúng ngọ, có tuần-cảnh-nhơn mời mấy huynh đệ vào Pháp đàn ngồi vì đã gần tới giờ cúng dường, chỗ huynh đệ ngồi gần Pháp tòa chung với chư Tăng sư. Ngồi ước nửa giờ thì nghe kèn trống inh ỏi, bỗng thấy chư Tăng phò Hòa-thượng vào Pháp đàn, kế đại đức là Trấn quan, chư tăng phò Hòa-thượng pháp sư lên Pháp tòa, ngài tuổi tác mới 60 ngoài, râu bạc (tục Bhutan, Tây-tạng chư tăng tự ý cạo râu hay để cũng đặng), mặt tròn, hình tích gương mặt râu ria in như ông chủ Có Phú Cường, ngồi đội mão Tỳ-lư đắp y hàng tím (hàng Tàu có bông chữ thọ). Đoạn Trấn quan lại ngồi trên tấm nệm cao ở trước bàn án Pháp tọa cùng chư tăng sư sáu vị, ngồi dài theo đó, đồng day mặt ngó vào Pháp tọa. An tọa rồi, thì Hòa-thượng xướng… tụng kinh một chập bỗng kèn trống nổi lên inh ỏi. Có bốn vị mang mặt nạ Rồng, cầm đuốc bước tới trước Pháp đàn múa (hỏi ra là Hỏa long thần dưng lửa). Bốn vị hỏa long-thần múa, ước nửa giờ, rồi phà lửa khắp nơi Pháp đàn trong rồi ra ngoài, ước nửa giờ phà lửa khắp rồi (ấy là đem lửa đốt nhơn tâm các tật xấu xa), bèn vào Pháp đường múa một hồi nữa thì vô buồng. Đoạn cả thảy lẳng-lặng nghe Hòa-thượng tụng kinh cúng dường. Ban đầu dưng hương, có đủ thứ hương : thiên hương, đồ hương, trần thủy hương, tô lạc. Mỗi món dưng cúng rồi, thì chủ đàn là Trấn quan bèn đem cho chúng hội Tăng sư và bổn-đạo đều huệ hưởng hơi các vật. Trấn quan là người biết kinh kệ lung lắm, nên trong dịp cúng dường người thạo quá. Ngài đẫm thấp mập mạp trắng trẻo, mày rô, râu mép, râu cằm đen trại, đầu sói trước mỏ ác tới đảnh thượng, từ tai chí ót tóc đen huyền. Tướng mạo quang minh, mặc tròn như trăng rằm, tốt tướng lắm. Mới ngó xán qua như Khuê-lạc-tử lúc còn râu. Ngài mặc ở trong áo hàng trắng, ngoài áo lá hàng kim tuyến kiểu Lama, ngoài đắp y tím trơn. Trong cơn cúng dường từ món, mỗi món ngài thay y khác hết. Tục cúng Phật rồi thì dưng cho chư tăng và chúng hội, nên mỗi món mỗi thay y cúng dường. Có y kim tuyến (hàng Tàu, người Tây-tạng và Bhutan ưa dùng), y hàng tím chữ thọ. Cúng rồi tụng kinh. Đoạn gần rốt cuộc, ngài mặc triều phục võ tướng, đội mão lớn cúng dường rồi thì mặt trời chen lặng. Mang giỏ phát cơm và vật thực trộn lộn, phát khắp cả hội chúng trong ngoài. Ăn rồi, tụng kinh một chập, đoạn có người bưng trên mâm nhiều chén chung bằng thau, trong chén có năm viên bột ngọt, đem đi khắp pháp đàn, ai muốn dùng thì kêu, vì dùng rồi thì bỏ tiền cúng dường trong chén mà hườn lại. Nên bưng đi, tùy ý ai muốn thì kêu, bằng không thì thôi. Đó là rốt cuộc cúng dường, đoạn cả thảy hội chúng đồng tụng kinh tán công-đức chủ đàn, rồi rã cuộc là 7 giờ tối. Bần đạo cúng 6 anna Tây-tạng.

    Huynh đệ về chỗ ngụ, huynh Isess về trước hồi mặt trời xế lối 4 giờ, nấu trà và cơm, nên lúc về tới liêu ngụ thì đã có trà dùng, kế 8 giờ rưỡi dùng cơm. Cơm nước rồi, tụng kinh một chập rồi ngủ.

    [Hình dán tại đây đã hư.]
    Om Mani Padme Hum !

  8. #8
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 10 Mai 1936 – 20-3nh-â.l.

    Nhựt thường. Điểm tâm hột nổ với trà. Vào ra quan sát cử chỉ người Bhutan, không chi lạ, bèn vào liêu ngồi vá quần, ngày giờ như thoi đưa, phút huynh Isess bưng cơm, mời ăn ngọ. Đang khi ngọ thời, bần đạo dâng chén lên trán cúng dường, ngó qua Isess thấy huỷnh cũng bưng chén cơm của huỷnh ngang trán nhái bần đạo. Đoạn bần đạo cúng rồi, để cơm xuống nói với huỷnh rằng : Sự cúng dường đừng nhái không nên, huynh không phải người tu hành, huynh không biết sự cúng, thì cứ việc ăn, còn bần đạo cúng thì là lẽ thường, huỷnh đã ngó thấy thường ngày, từ ở Ghoom tới đây là hai tháng ngoài, biết rồi còn nhái chi. Đoạn huynh Samdhen nói : Y thường kiêu ngạo tới tôi nữa, y có tật đó xấu lắm. Bần đạo bèn dã-lã nói rằng : Không sao, hậu kiếp sẽ cúng dường lung lắm, trong kinh Phật có nói : Lúc Phật đi khất thực, đi ngang qua đám trẻ chơi, thì trong đám trẻ nhỏ ấy có một đứa hốt một nắm cát cúng dường bỏ vào bát của Phật. Phật vui thọ, đoạn nói với Xá Lợi Phất rằng : Kiếp sau sẽ có một vị vua tên Asoka cất 80.000 tháp Phật, ấy là đứa nhỏ ấy. Đoạn huynh-đệ cười nói, Isess hậu kiếp sẽ cúng dường lung lắm y như thầy nói, huynh-đệ đồng ăn ngọ. Ăn rồi, nghỉ ngơi, bần đạo đi chùi cái nồi nhôm để dùng cơm, đoạn cũng nghỉ như họ.


    Ngày 11 Mai 1936 – 21-3nh-â.l.

    Nhựt thường không chi lạ, vào ra Quốc tự, thấy chính giữa là chùa cất riêng cao lớn, xây tường đá núi, trên nóc lợp tôle, đảnh tự bằng đồng. Chung quanh cất phòng liêu khám thất, có chỗ công-thính, khám tù. Có hai người tội nhơn xiềng cẳng. Đêm có vọng canh, khắc sanh hai. Ngày thiên hạ vào ra như đi chợ, lớp thầy tu (100 vị) lớp thầy thợ làm công, thợ mộc, thợ hồ, coolie. Thợ hồ không thiện nghệ như xứ ta, chỉ biết xây tường xây cột, vậy nên không thước tấc chi (không biết làm tráng đắp bông, họa hoa tế kiển, những fronton), trần lộ thì dùng cây. Thợ mộc, thợ chạm còn thô dụng chỉ niển, không biết bắt cho rành, chạm sơ sài như trẻ mới học xứ ta. Lấy màu son vẽ làm lịch. Chùa miễu lầu đài nhà cửa đều làm trang cửa lộ rồi sơn vẽ làm như lồng bồ câu xứ ta. Hồ thì chỉ lấy đất sét có cát pha, đập rồi đãi nhuyễn mà làm hồ có trộn vôi tro chút ít. Nói tắt là họ mới tấn hóa công nghệ còn vụng-về. Nhưng cả nước đều là đạo Phật, lòng dạ phần đông tốt, hảo tâm. Theo sự tham lam vật chi ai bỏ quên hay đổ ngoài sân trước ngõ thì đâu cứ y nguyên đó, đến trẻ nhỏ cũng vậy, không bò què bò quẹt ăn cắp ăn kiêu. Tuy họ mới tấn hóa vật chất, chớ trí não của họ thật sống bằng tinh thần. Thân thể không cần, có tiền thì nửa phần ăn, nửa phần cúng dường, ngộ thiệt. Ăn lấy no chứ không lấy ngon. Mặc cho ấm chứ không cần tốt, mình mẩy không lo cho sạch, chỉ lo sạch cái tâm. Ăn uống sạch hơn Miên, Mọi xứ ta mà cách ở y Cao-miên, tấn hóa hơn Mọi, ăn trầu cũng với cao tầm dung, hút thuốc cũng còn y lá chớ không xắt. Cả thảy nhơn-dân đều mặc đồ vải bô, thao đuổi nội hóa có mỗi nhà quan nhà giàu thì sắm đồ hàng toàn để dùng trong đám tiệc. Cách họ ở cũng như Cao-miên, không ngồi ghế ván, chỉ ngồi dưới đất hay trên rầm. Sự cung kỉnh thầy thì thua xứ Cao-miên. Đờn bà còn xen lộn vào đám thầy tu hoặc thấy thầy tu như người thường, không mọp, không tránh đường như Cao-miên.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #9
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 12 Mai 1936 – 22-3nh-â.l.

    Nhựt thường. Ngọ thực rồi, huynh đệ rủ nhau đi xuống suối giặt y phục. Bần đạo giặt diệm rồi, bèn tuốt hết quần áo, vận chăn nhỏ, xuống suối tắm. Từ ngày xa Phật-đà-gia tới nay không có tắm, chỉ lau mình mà chịu. Nay tắm phỉ xác phàm lắm, khỏe khoắn, tuy là nước suối lạnh không thua nước đá, nhưng giờ trưa nầy, mặt trời cũng thạnh. Tắm rồi nhờ có nắng cũng đỡ, tắm gội rồi lên phơi nắng một giờ nghe trong xác tục nhẹ nhàng hết sức. Mấy huynh kia không ai dám tắm, chỉ gội đầu rửa mặt là cùng sự, họ sợ lạnh lắm. Tắm rồi, còn đợi đồ phơi cho khô, trong khoảng ấy hỏi thăm Issê mới biết nước Bhutan có ba thành mà thôi. 1 Kinh đô là Damtang cách cả thành Patrô nầy mười cây số ngàn và một Quan-ải nữa, kế ranh Kalimpong, tên là Hắc cũng có một trấn quan như đây mà nhỏ hơn. Đoạn đồ khô, thâu y phục. Về.


    Ngày 13 Mai 1936 – 23-3nh-â.l.

    Nhựt thường, lúc ăn ngọ rồi, cũng rủ nhau đi xuống suối tắm rửa tùy ý. Bữa nay có Samdhen rủ đi lên khúc suối trên xa, không có ai, nhiều kẻ lộn xộn. Đoạn tới một khúc suối vắng vẻ, trên bờ có đồng cỏ và một cội cây. Huynh đệ đồng ngồi trên cỏ chơi một chập rồi mới tùy ý tắm giặt. Bần đạo đi dọc theo mé suối lượm vài cục đá bạc làm kỷ niệm. Đoạn Samdhen ra tắm, bần đạo bèn tắm với huỷnh còn Choundouss, Issê và Isess sợ nước. Samdhen lạnh run, tắm sơ lên trùm áo phơi nắng. Ấy họ đã quen phong thổ mà còn lạnh hà huống bần đạo, nhưng phải tắm cho khỏe xác phàm. Tắm rồi, phơi khô y phục, huynh đệ họ chơi carte cho qua buổi. Samdhen trải vải dưới cội cây ngủ. Bần đạo rảo bước ra suối lượm đá. Khi đồ khô rồi, huynh đệ thu xếp đi về. Lúc về đến phòng liêu thì cùng nhau nghỉ ngơi rồi uống trà. Đoạn một huynh Bhutan Lama say xăng vào liêu đi xiên tó, nói nhầy nhựa cằn rằng chi đó. Mấy huynh kia trả lời lại. Lúc họ vào mở tủ của họ, lộn xộn bần đạo mất cái hộp đựng xà bông. Thôi họ cứ việc dùng, ta cũng vui lòng hết cực cùng vật chất một món.
    Ngày nay thấy dân nam-nữ nạp thuế gạo như mấy bữa trước. Tối xem kinh rồi ngủ.


    Ngày 14 Mai 1936 – 24-3nh-â.l.

    Nhựt thường lệ. Bữa nay cũng đi tắm. Đây thuật về cách cư xử của chư tu hành Bhutan : mỗi ngày có một Lama trị nhựt, quản xuất chúng tăng vào ra phải trình, người thế có việc chi can thiệp với đại chúng, hoặc thăm viếng, hoặc đem dưng lễ vật ẩm thực, cũng phải trình cho Trị-nhựt. Người có phép cầm roi da phạt đòn đại chúng, nếu có ai sái phép. Mỗi ngày, phần chánh phủ, thì chiều 6 giờ có cắt vọng canh, hễ tới giờ thu không thì người cai quản vọng canh lấy roi da nẹt trên thạch bàn ba tiếng, thì dân canh biết, liền khắc một chập sanh lại hai tiếng. Cả đêm phân nhau canh gác, khắc sanh hai.
    Thấy họ đắp cốt Phật đất giã nhuyễn. Xứ núi đá, nhưng họ còn chưa thạo nghề trổ đá, cách đắp cốt cũng khéo coi cũng đặng.

    Om Mani Padme Hum !

  10. #10
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 15 Mai 1936 – 25-3nh-â.l.

    Nhựt thường, bữa nay ăn ngọ rồi đi dạo đồng ruộng. Xứ nầy có cấy thứ lúa bông như bông cỏ. Có hai thứ : một thứ lông đuôi cụt gọi là Nễ, thường nhơn-dân dùng làm hèm rượu xăng ; một thứ lông đuôi dài gọi là Trô, thường nhơn-dân dùng làm bột sadou, rang rồi xay, đi xa đường đem theo khỏi nấu, phương tiện lúc hết gạo dùng cũng đỡ lắm. Cũng có cấy lúa, gạo đỏ là phần nhiều. Nấu cơm cứng ít nở. Đoạn huynh đệ trải vải ngồi chơi một chập. Kế có huynh đồng xứ (Lađặc) cùng Samdhen (huynh Isess đi lại nhà kêu) đến ngồi chuyện vãn một chập, bèn lấy túi trà (Issê về liêu lấy trà, beurre và chén) đi về nhà gần đó nấu trà thục. Huynh đệ một giây lát đồng đi đến nhà của huỷnh. Chỗ ở trên lầu thứ ba của cái nhà lầu ngoài hàng ba phía tả, chật hẹp, bề dài lối ba thước, bề ngang lối một thước, chỗ nấu ăn lại ở nơi lầu thứ nhì. Đến đó thì hai huynh đệ tôi và Samdhen vào ngồi nơi chỗ phòng chái, còn các huynh đệ ở dưới nhà bếp. Chập lâu con gái của huỷnh đem trà lên rót mời dùng. Còn chư huynh đệ ở nhà bếp uống xăng. Bữa nay bần đạo nghe êm bụng, bần thần mỏi mê cả châu thân, nhứt là cái cẳng đau nhức mỏi lắm. Chiều 4 giờ về, bần-đạo mê mết nhưng cũng gắng gượng. Tối ngủ nghe trong mình nóng nảy lắm, nhức mỏi cả đêm, song sáng cũng bớt. Huynh Samdhen nghe rên, huỷnh hỏi hoài : nhứt đầu bớt chăng ? Bần đạo nhức đầu vì nhiều điển âm nhập thấp (cẳng đau). Vuốt đều, đem âm thấp ra thì tự nhiên hết các chứng bịnh.


    Ngày 16 Mai 1936 – 26-3nh-â.l.

    Nhựt thường lệ, trong mình còn nóng lạnh, mỏi nhức bớt chút ít. Ngày nay phải nằm hoài. Đưa cho Samdhen 10 rupee đặng chi phí. Huỷnh bảo Choun-douss đổi tiền Tây-tạng, đoạn huỷnh bảo bần đạo bỏ túi chút ít, phòng có lúc dùng hữu dụng, tôi lấy phân nửa số huỷnh trao là 29 đồng 2 sous. Chiều Choundouss đi độ lương phạn nơi dinh Trấn quan. Khuya thức giấc nghe bớt mỏi mê.


    Ngày 17 Mai 1936 – 27-3nh-â.l.

    Thường lệ, song bữa nay Samdhen sớm mơi chưa điểm tâm, lo sắm sửa lại viếng Trấn quan, cám ơn vật thực ngài hộ và nói ở lâu cảm khí hậu nhức mỏi. Trấn quan bảo đi dầm nước nóng. Ngài cho người lo vụ đó và cho mượn chòi bố (tente). Đoạn 8 giờ, huỷnh về, thì ở nhà đã dùng điểm tâm rồi, huỷnh bảo lo khuân đồ ngủ đồ nấu ăn đi ra mé suối. Đoạn huynh-đệ lo mang đi, đến mé suối dựng chòi, có người của Trấn quan phụ giúp. Đoạn Isess lo nấu ăn, còn hai người của quan lo ôm rơm rải trong chòi rồi đem đồ vào, rồi lo đi hầm đá hòn, đổ nước vào máng. Đến khi đá đã đỏ, thì gắp đá (bằng kềm sắt spécial pour…) bỏ vào máng, sôi ục-ục, nước nóng lối 36, huynh Samdhen dầm trước nửa giờ, vào trùm (uống một chén nước cơm rượu) trùm một hơi mồ hôi ra lai láng như xông. Kế bần-đạo cũng đi dầm, khi vô chòi huỷnh cũng bắt uống một chén xăng rồi trùm. Huỷnh nói : như vậy khí độc, nước độc sẽ xuất ra hết, hết đau, mời bần đạo trùm một chập, mồ hôi ra, lau mình, nghe nhẹ nhàng xác tục. Bần đạo nghĩ cho, nhờ đá đốt đỏ, bỏ vào nước, ra khí đá, nên gân cốt đặng mạnh. Cách họ bày theo tục lệ của họ ở nơi núi non, nhưng thiệt tốt lắm, song tốn củi lắm. Đoạn chiều 6 giờ dầm một lần nữa. Trọn ngày chư huynh đệ và mấy người quân sai đều dùng xăng, vui cười, hò hát chơi tới khuya. Tội nghiệp Issê say xăng bị đòn. Đêm nay ngủ khỏe không nhức mỏi. Khuya thức giấc, nghe trong mình như cựu lệ không còn mê mệt.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •