Ngày 6 Février 1936 – ngày 14-1 âm-lịch.
Sáng lại, bần tăng đi một mình thơ thẩn vào phường. Thấy những món mà huynh Losang mua sắm lễ vật khi qua, bèn nghĩ rằng : Mình nên sắm bằng hai bằng ba hôm qua, rồi vào một mình ra mắt Thượng-tọa.
Nghĩ vậy, rồi bần tăng liền móc tiền ra mua đủ lễ-vật chất vào giỏ xách (của tiệm có treo bán sẵn). Tiền tính 15 rupee. Trả xong, bần tăng đem lễ-vật vào thăm Thượng-tọa. Cũng y như hôm qua. Thượng-tọa mời ngồi, đàm đạo, uống nước xong ngài bèn mời bần-tăng đi đem lễ-vật lên tháp cúng dường. Bần-tăng rằng : Bạch ngài, đã hai bữa cúng dường rồi, thì nay cái lễ nầy là lễ tôi ra mắt ngài và xin ngài thương tình thâu dụng thì tôi có phước lắm, chớ không phải lễ cúng dường, vì không có nhang đèn. Ngài xem lại, y như vậy, bèn nói : Đường xá xa xuôi, thầy đã tốn công và của mà đến đây cúng dường cũng là nhiều rồi, còn mua chi nữa cho tốn hao quá lẽ. Bần-tăng rằng : Theo phép con nhà Thích-tử thì phải vậy, ngài là bực Thượng-tọa đại-thừa, mà tôi đây cũng hành đại thừa đạo. Ngài nói : Sao lại thấy đắp y theo xứ Sinnalese (là Colombo) và Burma (là Birmanie) làm cho tôi tưởng thầy là phái tiểu-thừa. Đoạn bần-tăng thuật việc đi tới xứ người phải tùy phong tục, ấy là luật hành Bồ-tát đạo, phải chìu chúng sanh thân, ngữ, ý. Ngài nghe qua thì có vẻ cung kính hơn hai ngày trước và lúc mới vào nãy giờ. Đoạn bần-tăng xin ngài nhậm lễ ra mắt, ngài ái ngại quá lẽ, bị nài-nỉ đôi ba phen, ngài đành phải kêu đạo nhỏ thâu lễ ấy. Đoạn ngài hỏi thăm cách hành đạo nơi Nam-Việt thế nào, thì bần-tăng nói sơ lược cái pháp yếu. Ngài có vẻ vui mừng và phục lắm. Đoạn ngài nói : Đức bổn sư của thầy có lẽ cũng già lắm, vì thầy đã bạc đầu. – Thưa phải. Thầy tôi nay đã già, xuất gia từ lúc nhỏ, tụng niệm Pháp-hoa kinh. Ngài nghe qua khen tặng, nhưng bần đạo không tỏ vẻ vui và nói rằng : Tuy tu lâu mà không trọn, vì lý có mà sự không, nên tôi buồn quá. Bần tăng bèn nói : Vậy ngài không rõ sao ? Vì thầy của tôi hiểu lý kinh mà tu đó là lý, mà không đặng thấy Xá-lợi mà đảnh lễ cúng dường cầu phước cho chúng sanh đó là sự. Nói rồi bần-tăng bèn sụp xuống đảnh lễ ngài. Ngài lật đật cũng tuột xuống mà đỡ lấy đầu của tôi và nói : Nếu thầy làm như vầy thì tôi không vui, vì công-đức tu-hành của thầy rất dày, lễ vậy tôi mất hết phước. Tôi bèn chấp tay xin ngài hoan-hỉ cho thỉnh chút ít đem về, trước cho thầy tôi và chư Thích-tử đặng lễ bái và trông thấy, sau là chúng sanh nơi ấy cũng đồng chia đặng phước lành. Ngài là Thích-tử đại-thừa thì tự ngài đã biết việc ấy. – Ngài ngẩn ngơ đôi lát, bèn nói : “Sự ấy khó vưng, vì ngài cũng rõ Xá-lợi là vật báu nhà Phật đạo, sáu đời hằng giữ chỗ nầy, chưa có ai có đặng hồng phúc ấy. Nếu Quốc Vương rõ đặng thì cũng quở tôi, tuy ngài là đạo Hindou.”
Bần-tăng nghe qua bèn rưng nước mắt, sững sờ chập lâu, đảnh lễ ngài nữa, ngài cũng đỡ lên và nói : Ngày nay tôi rối tâm quá, không biết tính sao. Bần-tăng lễ nữa, ngài đỡ nữa và nói : Thôi thôi, vì đạo đức của thầy, vì công đức khổ hạnh của thầy và vì chúng sanh, dầu tôi có bị khổ sau khi dâng cho thầy chút đỉnh Xá-lợi, thì tôi cũng cam tâm.
Ôi ! nghe qua đường bịnh hấp hối mà gặp thuốc hồi-dương, nên lễ nữa, ngài đỡ nữa rồi nắm tay kéo thẳng vào Đại-điện, lầy chìa khóa mở cửa tháp, vào vọng bái, quì lạy, rồi đứng dậy nói rằng : Nhơn duyên bao nhiêu thì đặng bấy nhiêu, tôi không biết. Nói rồi bưng bửu-bình xuống, bảo bần-tăng lấy một cái khăn vải vàng của Bổn-đạo cúng trên điện, để trên đầu, trải ra, ngài trút cả bình trên khăn, thì nghe như có chút ít rớt vào khăn. Dở bình lên, bần tăng bèn túm khăn, rồi lễ bái đi ra. Ngài căn dặn : Cẩn thận, rồi ngài đưa ra cửa. Bần đạo kiếu luôn về chỗ ngụ đặng dùng bữa ngọ, lòng mừng khấp khởi.
Chiều lại, bần đạo nhớ đến vị Heat-Lama, hôm qua chỉ có Losang Lama và Phước-kiến dưng lễ vật ra mắt, bần đạo không biết nên không sắm trước. Bữa nay mới đi mua chút ít bánh trái đựng vào hộp alumium(1) dưng luôn cho ngài, vì người đối đãi rất tử tế hơn mọi người và nói : Tôi hằng ưa và kính mến chư vị Bikku.
Cả thảy người Tibetain đều tùng phục, vì người cho thông hành xuất ngoại, nếu không có cũng khó bề ra khỏi ải.