Đoạn 7 giờ, các sư đi thọ-thực, tôi từ kiếu không ăn và nói : tôi ăn ngọ. Tôi bèn thả thẳng ra trước nhà, đặng xem sơ cái cảnh tối chốn nầy. Không dám đi xa, hay quẹo ngã nào cả. Ra tới bến xe ngựa, rồi đứng nhắm hướng cho nhớ chỗ. Ngó thẳng trước mắt, thấy đèn đuốc sáng rỡ đầu đường, thiên-hạ đông-đảo thấp-thoáng lại qua. Định lại đó, lần đi tới, cách bến xe ngựa chừng ít trăm thước, gặp chỗ chợ hôm, phố-phường sáng rỡ ; ngoài lề đường buôn bán cũng đông. Thấy có mấy ông thầy đạo Hindou, Bà-la-môn lên xuống, người nào cũng đầy bát, những vật cúng dường. Tôi nói thầm rằng : “Mấy thầy chắc đi về chùa, đặng đi độ buổi chiều vì đồ bố-thí đã đầy bình-bát. Tiếc thay, ta chưa dám theo họ, vì mình mới tới, chưa quen thuộc đường xá. Thôi, bữa ban đầu mà thấy bao nhiêu đây là đủ, trở về, kẻo ở chùa không biết ta đi đâu. Mới một con đường mà phong-cảnh thị-tứ của thành Ba-la-nại mà đẹp-đẽ, thạnh-mậu dường ấy, thì cả châu-thành nầy chưa phải thua Madras. Nhưng, nghĩ vì mình là người tu-hành, không phải đến đây, đặng xem phong cảnh nhơn-gian, chỉ quyết xem tình-hình Phật-đạo và ngoại-đạo, chỗ thạnh-suy, trong thời kỳ Tam-thiên nhứt hiện, nó đã gần kề. Trở về chỗ ngụ, vào liêu khép cửa nằm nghỉ. Khuya thức giấc, đi tiểu, thì đi ngang qua cửa vô nhà trù phòng, trên có treo đồng hồ. Thấy đã quá giờ tý, khi vào liêu, đứng lại hồ nước rửa mặt, súc miệng xong-xuôi, vô ngồi thiền.
Từ khi bước cẳng ra đi, không đêm nào mà ý loạn, hình sầu như đêm nay. Ngoài thân, trong tâm, phút tán-loạn, đến đỗi trong một đời của tôi, chưa đặng thấy cái cảnh-trạng tự thân-tâm, nó biến hiện như đêm nay. Tôi ngồi kiết-già vừa rồi, thì nước mắt không khổ-khốc kia liền rơi, phút đổ như gáo lủng nước sa. Chan-hòa một cách lạ-lùng, dường khi khốc,(13) hai thân tỵ-thế(14) thì cũng chưa tày. Hai bàn tay kiết ấn nơi đơn điền, ngửa ra mà hứng tràn trề. Muốn nín-dứt hột lụy, lấy hết trí lực cũng không ngăn cái mạch không thảm, không đau, không tủi kia, mà tự nhiên trào-phúng. Tôi thấy điều hy-hữu ấy, thì cũng điềm-nhiên để tự xem, cái cảnh ngoại làm đi gì. Chừng môi mếu, ngực tủi, tôi rán sức cản đó không đặng. Phút lại nghe trong tôi, dường có ai than thở. Trí ý tôi dường có vẻ khó chịu, bấn-loạn, đảo-điên, cái nhớ mà không biết nhớ chi, cái thương mà không biết thương chi, cái thảm đạm tức-tủi, mà cũng không biết sầu-bức, tức-tủi về cái hoàn cảnh nào. Sự xảy qua ước có 15 phút, lần hồi tôi điều đình đặng cái giọt phiền não vô nhân kia. Tôi bèn quay qua cái buồn-bã không nguồn nọ, tôi lấy cái trí-lực mà vấn thửa cái ý rằng. Nay đã đặng vào tận nơi, cuộc địa mà ngàn xưa Phật-tổ đã để dấu chơn, thì chí Thích-tử không còn chi là chẳng phỉ nguyện ; khác nào con trẻ chơi xa, trở về nhà thấy đặng mẹ, a vào mình mẹ, vui vẻ không cùng. Do cớ sao đổ lụy, âu sầu, làm tuồng hèn yếu như vậy ? Ta nghĩ rất hổ thẹn mà trông thấy cái nết tánh bạc-nhược ấy của ngươi. Tôi nghe dường có tiếng trả lời, trong cái đầu óc kia rằng : “Trong cơn loan-phụng hòa-hài, của tiền sự nghiệp trong tay sẵn-sàng.” Tôi nghe qua dường đã hết hồn xả kiết già chỗi dậy, đi ra hồ rửa mặt, trở vào lấy một điếu thuốc lá hút. Đoạn nghe gõ một giờ, vô liêu ngồi lại, khoanh tay nơi đầu gối mà tưởng rằng : “Bấy lâu ngỡ tắt rồi mãnh-hỏa, nào ngờ đâu không rơm-rạ cũng phát cháy bừng. Hết khoe tài Thích-tử, bấy lâu tưởng thắng đó rồi. Bấy lâu có ý kiêu-căng ngỡ mình đặng thức-vong, ý-diệt ; nay chan-nhản, hở-hang hết sức. Tôi bèn vận trí mà phá tan nội ma. Từ đây tôi mới biết, cái nghiệp thức của tôi còn núp trong, nên chi tôi không ngớt chống chỏi và nguyện không trở về Nam-việt nếu tôi không trọn thắng nó.” Đoạn nằm nghỉ, êm ả như thường.