SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
Phần 1

__________________________________________________ _____________________________________


Ra tới đường lớn, phút gặp một người Hindou vạm-vỡ, tôi thi lễ, trao thơ xin chỉ giùm. Người coi không hiểu, anh ta nói : “Gần đây có mấy thầy Birmanie, đi lại đó hỏi thăm” tôi nói có đi rồi. Anh ta cũng không nghe, bảo tôi đi với ảnh trở lại mấy thầy Birmanie (nhờ anh nầy, mới biết mấy sư đó là Bí-sô Birmanie (Miến-điện), vào trăm lia. Anh nầy coi bộ nóng-nảy, không biết mấy sư nói sao mà ảnh nói lại cách cự-nự lớn tiếng. Rồi bảo tôi đi theo anh ta, anh ta đem tôi đến một cái căn phố lớn, không phải nhà buôn, thấy có trải đệm lu bù. Tôi định là trường tư vì anh trai nầy dẫn thẳng lại một ông đầu bạc, râu bạc, ngồi tại bàn viết. Thấy có năm, ba người đứng chung-quanh. Anh ta thi lễ và trao cái thơ, đoạn trăm với ông ta. Ông xem thơ và hỏi tôi, ở đâu lại ? Tôi nói Annam, Saїgon. Ông bèn lấy tự-vị kiếm hai chữ ấy. Kiếm đặng rồi đọc cho mấy người kia nghe, ai nấy ngó tôi, có vẻ cảm tình. Đoạn ông viết một miếng giấy, trao cho anh trai nầy. Anh nầy dẫn tôi đi đến một tiệm bán hàng vải lớn, trao miếng giấy ấy, rồi chuyện-vãn một hơi, chào ra đi, bảo tôi ở lại. Người trong tiệm mời tôi ngồi, lại sửa-soạn ăn lót-lòng. Mời tôi ăn, tôi không dùng và nói đã dùng rồi. Một anh trai trong tiệm ăn rồi, liền mặc áo, ra mời tôi đi. Theo chưn người, sang đường nầy, tới nẻo nọ, anh cầm thơ đi hỏi cùng. Phút gặp một người mặc âu-phục, anh ta kêu chào, rồi đưa thơ. Ông nầy đọc bon-bon, tôi định chắc là người xứ Madras. Ông ta xem rồi, chỉ đường cho anh trai đi. Vòng quanh phường-phố, phút tới chỗ bến xe ngựa, có cái đường hẻm, đầu đường hẻm ấy có cái nhà lầu. Anh ta đến đó, thấy tấm bảng đồng khắc chữ lớn “Nagara Chatram”, tôi thấy rất mừng. Đoạn bước lên tam cấp, thì có một gã trai, mang bảng đồng nơi cánh tay, chào rồi anh trai đi cùng tôi, trăm lia. Dẫn vào, lên lầu ra mắt chủ nhà. Ông xem thơ rồi, chào mừng mời ngồi nơi đệm. Hai đàng chủ khách chuyện-vãn, rồi anh trai kiếu về. Ông chủ vui cười và hỏi tôi mới tới sao ? Tôi nói mới tới. Đoạn đích thân ông mời tôi đi xuống lầu, chỉ phòng bảo tôi tự ý muốn ở phòng nào cũng đặng. Đoạn ông bảo coli trong nhà quét phòng trong có cái giường mặc dây luột (thằng-sàng). Tôi để đồ hành lý rồi nói cám ơn ông chủ. Ông chào tôi rồi trở lên lầu, thì tôi mới lo sắp đặt hành lý, đặng lo ăn ngọ, vì lúc lên tới lầu ra mắt ông chủ, thấy đồng hồ đã 11 giờ rưỡi. Mình vừa sửa soạn an-ổn, thì có người bưng cơm và cà-ri dưng, lại có một thố lạc (sữa chua). Cám ơn ông chủ có lòng hậu đãi, ngồi dưới nền xi-măng (tục của họ vậy), bốc cơm ăn. Ăn rồi, khép cửa liêu nghỉ một chập. Khi thức dậy, bèn đem bạc lên lầu gởi cho ông chủ. Ông đếm 250 rupi, ông cho một cuốn sổ nhận gởi số tiền và nói : Chừng nào ông cần dùng bạc thì đem cuốn sổ nầy lại. Đoạn bây giờ tôi mới để mắt xem qua chỗ ở và biết cũng là nhà hội, nhưng thi thế hội nầy giàu hơn hội ở Madras. Có một cảnh chùa tư ở gần bên hông nhà hội. Ông chủ còn nhỏ trạc ba mươi ngoài tuổi, vui-vẻ. Dưới tay ông có nhiều người phụ-tá biên chép và nhiều kẻ tôi tớ. Tuy tôi nói nhà hội cho vay, nhưng tôi e không phải, vì ông có vợ con ở chung. Tôi định là nhà tư-bản, chớ không phải hội-hàm. Ngó đồng hồ 3 giờ rưỡi, tôi bèn kiếu ông mà xuống liêu. Bây giờ thấy rõ, hai dãy liêu, mỗi bên tám cái, chính giữa có một cái sân tráng xi-măng và một cái máy nước có hồ chứa nước. Ấy là nơi tắm giặt, chớ không phải sân hóng mát. Có hai ông sư Hindou ở hai cái liêu, còn bao nhiêu trống. Có một người Madras làm từ chùa, cũng ở liêu trước liêu của tôi. Từ đây tôi an ổn nương ngụ trong chùa Hindou nầy. Làm quen mấy ông sư kia, ai nấy cũng vui-vẻ.