DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 191
  1. #1
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________



    Viếng châu-thành

    Đã hai giờ ngoài, anh Venugopala hối đi nhà dây-thép trước, theo chưn ảnh, và đi và xem thành-phố, nhơn-vật. Cũng để mắt xem coi có người đạo-Phật hay chùa Phật không. Phút tới bến xe điện, anh cùng tôi lên xe điện, rảo xem cảnh-vật, tả hữu ngó liền-liền, xe ngừng nhiều bến. Đoạn tới nhà thơ, xuống xe, thẳng vào, thấy rộng lớn, nhiều phòng, nhiều gui-chet, sạch-sẽ, ghế bàn láng-bóng. Có salle d’attendre (phòng chờ của khách) trong có bàn ghế (salon meublé) đẹp-đẽ. Hai anh em gởi thơ về Saїgon và anh ta cũng gởi về nhà ảnh một cái dây-thép. Xong việc đi ra, thả qua nhà băng, anh ta lãnh bạc, nhà băng lớn hơn nhà băng xứ mình, có vẻ đẹp-đẽ hơn. Ảnh lãnh xong bèn trở ra đường, thả bộ lần theo nẻo nào chưa đi. Ngó xem không mãn-nhãn. Mình mặc áo tràng vải-dà, nên khêu mắt mọi người. Trối ai xem ta rằng lạ, mà thật, tự-cổ chí-kim họ chưa từng thấy, cũng như ta mới lần đầu, mới thấy cảnh trạng và nhơn vật của thành Madras của nước Tây-thiên. Ôi thôi, ta ngó phố phường, tiệm hãng, dinh-thự, lầu-đài không mãn-nhãn. Số người lại qua, đếm không hết. Họ lạ mắt, mà ta cũng chẳng quen ngươi, ngó ngang, ngó dọc dưới cùng trên. Thiệt là :

    Mỏi mắt cảnh-mầu, người tạo đó,
    Nguy-nga thành-thị, ngó không cùng.
    Xe-hơi, xe-điện cũng lung,
    Chở không hết khách trong vùng Trời-tây.
    Nam, nữ đó toàn bầy Hắc-tộc.
    Số lại qua lốc-cốc muôn-ngàn.
    Lộn trong một mỗ da vàng.
    Chen cùng anh chị một đoàn huyền-mun.
    Chưn đã mỏi, chưa cùng đường-xá.
    Phường phố kia xem lạ, quên thôi.
    Thịt buôn, cá bán làm mồi,
    Lẫy lừng sát-khí, làm hôi khí trời.
    Mắt Thích-tử thầm rơi nước lụy.
    Tủi đoàn em, anh chị cường quyền.
    Hoàn-cầu giặc-giã nhân-duyên.
    Thần kinh, quỉ khóc, đất nghiêng, trời gầm.
    Than ôi ! giống nghiệp gieo-giâm.
    Con Trời có biết lỗi lầm hay chưa ?
    Mặt nhựt xế, chẳng thưa dạng khách.
    Đoàn nam-thanh trắng-bạch áo chăn.
    Xông pha nữ-tú lăng-xăng.
    Má huyền, mũi ngọc, môi ngâm, răng ngà.
    Áo xiêm phủ màu da sậm tím.
    Chéo chăn hồng, đậy điệm tóc xanh.
    Đỏ, vàng, hàng vải đành rành.
    Neo, chuyền, kiềng cẳng đã thành thuyền-quyên.
    Trâm, hoa, cũng tùy duyên thủ phận.
    Vàng, ngọc đầy là phẩm giàu sang.
    Hột chai, đồ bạc, bần-hàn.
    Salon, ngọc-điệp là đoàn trung gia.
    Đừng khinh đó chà-và…


    Om Mani Padme Hum !

  2. #2
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________


    Đã về tới nhà-hội ngụ. Năm giờ rưỡi, anh bảy vô, tôi đứng lại cửa xem tấm bảng đồng gắn nơi cột tường. Lấy cuốn nhựt-ký ra biên mấy hàng chữ khắc trên đó “Nagara Viduthi No. 4 Coral Merchant. Street Mannady – Post Madras”. Bước vô nằm nghỉ mệt. Chập lâu họ kéo nhau đi ăn cơm. Một mình nằm suy nghĩ, chốn nầy không có chùa Phật, ở lâu không ích ; mình gấp đi Ba-la-nại, mà nói với Tào-kê đặng mai đi, mà ổng nằng nằng nói mốt sẽ đi, vì mốt ổng và ba người kia cũng đồng về nhà hết.

    Họ ăn cơm rồi, kéo lên rần-rộ, nổi đèn khí sáng trưng. Lấy cuốn guide ăng-lê ra tập đọc, vừa đặng vài câu, anh bảy và hai chú Tampi lại kêu tôi, bảo đi coi chợ đêm, rồi đi coi hát ông Phật, ông Trời. Tôi nói không coi hát, anh Venugopala nói : “Hát ông Phật, thầy đi coi tốt, tôi mua giấy rồi.” Tôi không hiểu sao, chỗ không có chùa Phật mà có hát Phật. Mà sao mình lại có duyên bói tuồng hát Phật. Thôi tùy thuận, bận áo tràng theo mấy ảnh. Chín giờ mới hát, nên mấy ảnh còn có ý dẫn tôi đi xem chợ đêm mà khoe bổn-xứ. Mấy nơi thắng cảnh họ đều trải-sang. Thiệt là :

    Đèn sáng chói, trời hôm cảnh lịch.
    Người dạo đêm, chẳng ít hơn ngày.
    Từ lớn lên, mới có bữa nay.
    Mắt xem trần thế, lối ngoài bổn-hương.
    Cảnh-vật đó, không nhường không sút.
    Nhơn-luân nầy, phong-tục nhu-hòa.
    Trong điều cợt-nguyệt trêu-hoa.
    Trên đường lả-lúa hẳn là bặt tin.
    Chỗ truy-hoan, lao hình tốn của.
    Trang-sức thân, sáng-sủa nhượng người Nam…


    Gần 9 giờ, đem nhau lại rạp hát bóng. Tôi hỏi anh Venugopala, coi hát ở đây sao ? Anh gật-đầu. Tôi nói : Tôi tưởng hát tại chùa, chớ ở đây thì coi không tốt. Ảnh không hiểu ý, chỗ mình nói. Cứ nói hát ông Phật tốt lắm. Bỗng thấy một tốp sư ngoại-đạo kéo tới, mà kẻ tục cũng đông. Vào rạp, thấy rạp hát sạch sẽ rộng rãi, kiểu đẹp lắm. Tới khi hát, tôi thấy hình rọi mà có nghe tiếng hát, ăn theo cử chỉ hình bóng. Tôi thiệt ngạc-nhiên, vì tưởng tới cái văn-minh vật-chất nầy, đã tấn-hóa lắm rồi. Từ mấy năm tu-hành, không hay không biết. Nay thấy thiệt lạ, hình hát bóng, mà có máy nói, thì như hát-bộ. Mỗi lớp thì anh Venugopala cắt nghĩa, mới biết hát sự tích Phật tổ, lúc hành bồ-tát đạo. Hiện sanh Thái-tử, tại Ba-la-nại quốc. Tầm ma-ni-châu bố-thí nhơn-dân vân vân… Cũng là một tấn-tuồng mà Thích-tử nên lưu-ý. Vãn hát, ra về, đêm nay ngủ mê mết.

    Khuya thức, đồng hồ đã ba giờ ngoài, một mình ngồi suy nghĩ. Trên vuông đất, ba trăm ngoài triệu nhơn-dân, cái sống chưa phải dễ-dàng như xứ ta. Đường tranh-cạnh cuộc sanh-nhai, vì cái khó-khăn mà tấn-hóa. Nên chi, nước nhà ta khó sánh, bởi cái sự dư ăn dư mặc…

    Sáng, anh Venugopala dẫn tôi đi điểm-tâm, trong tiệm café ở trước đường gần nhà hội ngụ. Khi no-nê rồi, trở ra, đi ngang một cái tiệm may, tôi nói với anh bảy. Tôi muốn mua vải-dà, hôm qua tôi thấy mấy ông thầy bận đó. Vô tiệm may đưa ra thứ vải nội-hóa hiệu Găng-đi. Tôi mua sáu thước và mướn may máy liền một cái vô-điều-y. Tám giờ rồi, tôi bèn thay y-phục, mặc dưới chăn trên choàng theo ngoại-đạo. Cất áo tràng vì xứ nầy không dùng. Từ đây, hết lạ mắt người bổn thổ. Chín giờ lại nhà đổi bạc Ismaёl et Cie, đưa chèque, đổi bạc. Ký tên lấy tiền rồi về nhà hội. Đưa 30 rupi(8) cho Tào-kê, mượn mua giấy xe lửa trước.

    Chiều ngày 27 Avril, Tào-kê và mấy anh em quen, bốn giờ kêu xe lại, chở đồ đi về Karaikuli. Trước khi đi có dặn ông già tri-thơ của hội 7 giờ tối, đem giùm tôi ra gare xe lửa, đi Bénarès city. Đoạn tôi đưa mấy ảnh ra xe và đưa cho Tào-kê 3 rupi, xin đền ơn hội trong ba ngày tá ngụ. Tào-kê nói, tôi tính rồi, thầy không cần lo sự ấy.

    Xe chạy, tôi trở vào nhà-hội sắm sửa đồ hành-lý. Sáu giờ rưỡi bèn theo chưn ông Tri-thơ ra đường đón xe điện lại gare. Thiệt là :

    Dường chim chung ngụ, một đêm rừng,
    Chớp cảnh lìa nhau, lúc tửng-bưng.
    Đổi dạng tùy duyên, trong cảnh huyễn,
    Ngoan là nòi giống, lũ người dưng.


    Om Mani Padme Hum !

  3. #3
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________


    Bốn đêm trên xe lửa


    Trong xứ Ấn-độ, người đạo Bà-la-môn và đạo Hindou y-phục mường-tượng phái Tiểu-thừa bên đạo Phật. Nhưng, cái y không phân điều, tôi bèn cải trang theo đó, y như hình đây. Nhờ đó xông pha với họ một cách dễ-dàng, người bổn-thổ, không lạ mắt như cái áo tràng.

    Tới gare, xuống xe, theo sau ông Tri-thơ bước vào gare. Đưa cho ông ta 1 rupi đặng huê-hồng cho ông. Gare lớn mênh mông, đèn khí sáng-rỡ, bộ-hành chật nứt. Chỗ bán giấy cũng nhiều, người mua giấy chen nhau và chờ rục cẳng. Trong gare mà chẳng khác một cái chợ. Nào nhà nghỉ, nhà hàng, nhà tắm, nhà tiêu cho khách hạng nhứt, nhì, ba. Còn chỗ khách bình dân rộng lớn, sân đợi có băng ngồi, hai bên buôn bán đủ vật. Rất tiện cho hành khách, quạt máy gắn cùng, vì xứ nầy nóng lắm. Ngó vào chỗ xe lửa đậu, mỗi xe có trên vài chục toán wagon, mà có đến vài chục đường rầy, xe nằm chờ giờ chạy. Xe nào cũng đầy hành khách, chạy khắp nơi, không biết họ đi đâu dữ vậy. Tôi theo anh tri-thơ, lại cửa trình giấy vào cửa cổng lên xe. Thấy một anh trai đang trình giấy, trong giấy đề Calcutta, tôi chiếp trong bụng, vì trên xe ba ngày mới tới thành Calcutta. Phải theo chưn anh trai nầy, tiện cho ta vì không biết đi dọc đường có đổi xe khúc nào không. Vào cửa rồi, tôi thấy anh trai ấy lên wagon khoảng giữa, để bụng ; tôi còn nhờ anh tri-thơ đi theo đây. Ảnh dẫn tôi lên xe, chỉ chỗ ngồi rồi ảnh chào tôi mà ra về. Tôi bèn mang gói, rảo kiếm anh trai khi nãy, té ra bộ hành đông quá, và mặt trai nào cũng hệt nhau, kiếm không biết ai. Bỗng tới một cái băng rộng, bên kia có một người, đang sửa-soạn chỗ ngồi, thấy cái giấy xe của ảnh để trên cái trấp da của anh. Lẹ mắt xem qua thì giấy Calcutta, mừng lòng bèn để hành-lý choán chỗ gần anh ta. Để mắt xem người hành-khách, phần đông người nước da như Annam, như người nông-phu rẫy bái bị nắng sậm da vậy. Không phải đen như xả-tri, lại trên đầu có để một rẻo tóc, nơi giữa xoáy bằng ngón tay út vậy. Tiếng nói ít đánh lưỡi như xả-tri, nghe dịu và suông giọng. (Sau mới biết là dân Hindou ở Bắc Ấn-độ.)

    8 giờ, xe xúp-lê lìa Madras. Ngồi gần cửa sổ, dòm ra ngoài hai bên phố-phường, nhà cửa, đèn đuốc rạng ngời. Lần lần, vẻ lịch kém bớt, đèn đuốc lờ-mờ, thì biết xe đi khỏi thành-thị. Trên xe đông đảo ngồi dập-dựa ngủ mòm. Sáng ra, lúc tới gare thì tôi lấy bình đồng (của Tào-kê cho tôi, vì tục xứ nầy, đi đường phải có), xuống xe lại fontaine hứng nước. Đem lên xe rửa mặt, và cho anh trai gần mình mượn rửa mặt, ấy là sự làm quen trong lúc đi đường. Anh ta cũng vui lòng tiếp lấy và tỏ ý cám ơn. Từ đây làm quen với nhau, anh ta hỏi tôi đi đâu, tôi bèn đưa giấy xe cho anh ta xem. Nhờ đó mới biết, xe nầy tới gare Calcutta thì đổi qua xe khác. Ở dưới tàu học đặng ba chữ Tamil, nay đã vô dụng vì người Hindou nói khác. Nên chi, ba ngày trên xe lửa, tôi hỏi thăm anh nhỏ nầy mà học tiếng Hanh-đu. Dòm cử chỉ của họ, tập theo thói-tục của họ, không cử chỉ nào, tôi không lưu-ý và tập theo. Ấy là phận sự người du-lịch, cần nhất là “Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Còn sự ăn uống thì cũng dễ, mỗi gare đều có kẻ buôn bán. Nghe họ kêu đồ mua, tôi cũng để ý từ tiếng nói, nghe đặng đâu, lật sổ viết vào rồi học cho nhớ. Ba ngày trên xe, tôi học bộn, khi tới Calcutta thì nói đặng chút ít.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #4
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________


    Từ Madras đi tới Calcutta trải qua nhiều cái thành thị cũng lớn, nhơn-dân chỗ nào cũng nhiều. Tôi lấy làm lạ là mỗi gare nào cũng thấy hành-khách đen-nghẹt. Không biết họ đi đâu quá vậy, ngày đêm cũng vậy. Tôi đi đâu cũng vậy, mua sẵn bánh-mì, bỏ vào túi-dết sẵn-sàng, có đến giờ ngọ thì khỏi lo trễ hụt. Ba ngày không tốn một xu đồ chi cả.

    8 giờ bữa sớm mơi ngày 30 Avril, xe tới gare Kinh-đô Ấn-độ là Calcutta. Thấy anh trai sửa hành-lý, trắp, rương, mình cũng y theo lo thu xếp. Xe ngừng, kẻ chen người lấn, phút lạc anh trai, tôi cứ theo toán người ra cửa. Kiếm một góc chỗ bình-dân hành-khách, để gói xuống ngồi đó chơi. Để mắt xem chung-quanh trong gare, rộng lớn hơn gare Madras. Cách sắp đặt trong gare y một kiểu. Hành khách ra, hành khách vô nượp-nượp. Tôi quảy gói đi lại hỏi, một người lính gác cửa cổng : Chừng nào có xe đi Bénarès, anh ta bảo đưa giấy coi. Đoạn nói : 3 giờ chiều. Tôi cám ơn, chào rồi mang gói đi rảo trong gare ; ban ngày thấy rõ hơn khi tại gare Madras. Còn sớm, đi xem lối phố-phường, chung-quanh xóm gare, không dám đi xa, sợ lạc đường. Sánh với Madras thì còn đẹp hơn bội phần trăm, không nói đặng cái chỗ nguy-nga lầu-các, phố xá láng nầy. Nếu có ngày giờ thì vào lối trong nữa, ắt càng thêm lịch lãm. Thôi, đó để đó, còn ngày sau, lúc ta trở về cũng không muộn. Trở lại gare đã 11 giờ ngoài, vào kiếm chỗ ngồi lấy bánh mì ra ăn ngọ. Ăn rồi, đi lại chỗ bán hình xem và mua vài tấm để làm kỷ-niệm.

    Ba đêm trên xe, ngồi lụn đêm ngày, mỏi mê quá lẽ. Kiếm chỗ trải mền nằm nghỉ, cũng như kẻ hành khách kia vậy. Không ngại-ngùng chi cả, màn trời, chiếu đất cửa nhà thầy tu. Ngủ ngon một giấc, thức dậy thì gần 3 giờ, may không hụt xe lửa. Thiên hạ đã trình giấy vào cổng rồi. Xếp mền, mang gói thẳng lại máy nước rửa mặt. Đoạn uống một bụng rồi đi lại trình giấy, lên xe thì bộ hành đã chật nứt. Gặp đặng một cái wagon còn dư chỗ ngồi. Ngồi an-ổn, phút có một anh trai trạc 17, 18 tuổi xách valise lại ngồi gần tôi. Tôi hỏi ảnh đi đâu, nói đi Delhi. Tôi nghe không hiểu, sợ trật xe lửa, bèn móc giấy ra hỏi anh ta. Đi Bénarès, xe nầy phải chăng. Phải, tôi có nói, tôi không biết, mới đi lần đầu. Anh ta nói, anh ta biết.

    3 giờ rưỡi xe chạy, ngồi dòm ra xem cảnh-vật Kinh-đô Ấn-độ. Chiều tối, có tốp bộ-hành ở băng gần, xuống xe, tôi bèn choán đó, trải mền nằm nghỉ. Anh trai nhỏ, nhờ tôi qua băng kia, nên đặng rộng cũng trải mền ra nằm như tôi. Anh ta hỏi, ông ở đâu lại ? Tôi nói ở Annam lại. Anh ta không hiểu, mà mấy người ngồi chung quanh cũng không hiểu. Cùng nhau chuyện vãn tới khuya mới ngủ.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #5
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________


    Khi tôi thức-giấc, nghe xe ngừng, bộ-hành lao-xao kẻ xuống người lên. Tôi hỏi anh nhỏ, gare nào ? Ảnh trực nhớ tôi đi Bénarès, ảnh liền hối tôi đi xuống. Quảy gói lật-đật xuống, vì xe xúp-lê chạy. Bọn coli chạy lại hỏi rân, tôi nói đi Bénarès, có một anh coli, giựt gói tôi mà ôm và đem lại xe đi Bénarès. Trả tiền coli 1 cắc, thì xe cũng xúp-lê chạy. Tôi nghĩ hết hồn. Nếu chẳng thức giấc, ắt xe kéo đi tít mù, không biết đâu mà rờ. Có ngờ đâu sự đổi xe, mà không có người cắt giấy đặng hỏi, nếu chẳng nhờ chú Hindou nhỏ, ắt rối cho tôi rồi. Chuyến nầy sợ không dám ngủ, xe-ngừng gare nào cũng hỏi thăm. Phút tới một cái gare nhỏ, tôi thấy chữ Bénarès Kashi, bèn lấy gói đi xuống, trong gara thâu giấy. Tôi nói trong bụng rằng : giấy mình đi Bénarès city, còn gara nầy tên Bénarès Kashi, đó là trật rồi. Nhưng cũng là Bénarès thì cũng không mất dấu. Bọn đánh xe thấy bóng bộ-hành, bèn chạy a vào gare hỏi lia, đi đâu thầy. Tôi nói Bénarès city. Họ biểu xe đi, anh nầy biểu đưa gói, anh kia kéo áo lăng-xăng, chín mười người. Tôi còn lưỡng-lự, vì giờ khuya có đi cũng không ích. Đồng hồ gare gần 3 giờ. Té ra, từ ga Moghal Sarai chỗ đổi xe khi nãy, là 11 giờ ngoài, lại gare nầy có ít giờ xe lửa. Còn bọn xe bảo đi, thì định Bénarès Kashi nầy với Bénarès city là một chỗ mà chia quận chia thành chi đây. Bỗng có một anh trai, chăn áo trắng-phau, xem cũng bảnh-bao tướng-tá. Vẹt bọn đánh xe ra, rồi hỏi : Thầy đi đâu ? Tôi đi Bénarès city. Anh ta bảo tôi theo anh ta. Nói tiếng Hindou : Ao, ao Bà ba di. Tôi điếc con ráy, không hiểu nói gì. Cẳng bước ra gare mà trí bất định đi cùng không. Trước gare có nhà trống, thấy có hành khách nằm liệt-địa, thì trong bụng đã nhất định ở lại gare chờ sáng sẽ đi. Bèn đi lại một cái quán nhỏ trước đó, mua một xu thuốc lá và hộp quẹt. Đoạn móc ra một cắc bạc, đưa ra hỏi anh đánh xe : “Một cắc đi không. Tôi có một cắc mà thôi.” Mấy ảnh nghe và thấy cắc bạc bèn bổ ngửa hết. Anh trai kia cũng nhả, tính bề gặm không nổi, và họ thấy bộ đồ thầy tu họ cũng đã thèm. Trở vào chỗ nhà trống, trải mền nơi một góc không gần ai cả, nghỉ mệt và nói thầm rằng : Xứ nào cũng vậy, bọn coli và đánh xe, phần nhiều là tay vô-lương. Nếu họ biết mình là khách tha phương, thì họ thường thừa nước đục. Đây rồi, họ kéo đi lu bù, làm bộ hỏi thăm đầu nầy đầu kia, kéo cho xa, cho nhiều giờ mà tính tiền cho cố. Nghỉ đặng vài giờ, 5 giờ thì tên coli gare kêu dậy cho anh ta quét-tước. Sáng rồi, lại máy nước rửa mặt, đặng sắm sửa hành-lý đặng vào thành.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #6
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________


    Nhập thành Ba-la-nại (Bénarès)


    Mang gói ra đi, phú mặc cơ-duyên, bần-tăng chỉ vững lòng niệm Phật đi tới. Cách gare ước bốn trăm năm trăm thước gặp một cái vòng thành có hai cái cửa lớn, nhưng không khép. Tôi không biết đi vào cửa nào, niệm Phật rồi cứ thuận phía mà đi. Ngó tới phía trước, mặt chót lầu đài, chùa tháp lu-bù mừng quá. Đoạn thấy bên phía đường bên tay trái có một cái xe bò chở hàng-bông, bèn định chắc xe ấy đi bán tại chợ. Theo sau xe bò đi tới, không chút ngại ngùng, để mắt xem hai bên nhà cửa phố xá còn thưa thớt, lớp cũ lớp mới nhỏ hẹp, thì định còn xa thành phố. Bỗng đi ngang qua một cái chùa, thấy tháp cao và nhà thiền rộng rãi, sạch sẽ mà chưa hiểu chùa đạo nào. Sau mới rõ là chùa đạo Hindou.

    Xe bò sang đường nầy nẻo nọ, phút đụng một cái vòng thành nữa, xe đi vào cửa, tôi bèn dòm tới trước, thấy cảnh vườn bông, lại có băng ngồi để theo lối lề đường, biết chỗ nầy là chỗ thắng cảnh chi đây. Chính giữa có một cái nhà tròn, có dựng một hình, trông xa-xa đã lộ dạng thành-thị. Càng đi tới càng đẹp-đẽ phố xá, nhà cửa, đường qua nẻo lại càng nhiều. Giờ mơi còn sớm, có phố mở cửa, có phố còn ngủ. Trên đường chưa có kẻ đi, lâu-lâu gặp một hai người. Chừng xe bò trẽ qua một con đường nhỏ hẹp, tôi nói trong bụng rằng : mình đi theo đường xứ lớn tốt hơn. Đoạn đi thẳng không theo xe bò nữa, lần lần đi tới, người đi đường gặp lần lần đông. Đi ngang một cái ngã tư, không biết ngã nào phải quấy, cứ đi thẳng là hay.

    Bỗng thấy một người mặc âu-phục, bên kia đi qua, tôi bèn cầm thơ sẵn trên tay. Khi người trai nầy lầm lũi đi ngang tới, tôi bèn nói : “Xin ông làm ơn chỉ giùm cái nhà nầy.” Và nói và chỉ cái thơ của Ông Ramassamy, phó-hội-trưởng xả-tri ở Saїgon, ra trước mắt người. Ông ta thấy thơ không niêm, móc ra coi, nhưng chữ Tamil, ông ta bí-lối. Ông ta thấy y phục của tôi, cũng đủ biết là người tu-hành. Bèn đưa thơ lại cho tôi, rồi bảo tôi đi theo. Ông đi thẳng con đường trước mắt, tôi thấy trên một tấm bảng đề hai chữ Bénarès city, mừng vì không hẹn mà gặp. Đến một cái đường hẻm, thấy có một tấm bảng vẽ một cái bàn tay chỉ hai chữ “Bikku frère”. Tôi mừng quá, đây là chỗ của chư Bí-sô thích-tử, vậy thì tiện cho mình quá. Tới một cái cửa còn đóng, thầy âu-phục bèn gõ cửa. Cửa mở, thấy thầy bí-sô, y-vàng đứng trước mắt, tôi xá, còn thầy âu-phục cũng chào rồi chỉ tôi trăm lia. Thầy bí-sô mời vào trong, thầy bạch-y kiếu đi ra. Tôi theo thầy thích-tử vào trong, xem không phải chùa, mà chỗ ở hẹp hòi quá. Thầy mời tôi ngồi tại ghế nơi nhà cầu. Giây lâu có một vị Đại-sa-môn bước tới. Tôi bèn thi lễ. Thầy hỏi tôi ở đâu đến, tôi nói ở Annam lại. Thầy xem thơ cũng không hiểu, rồi lắc đầu bỏ đi vào liêu. Tôi thấy tình cảnh lợt-lạt ấy, thì biết mấy thầy đây không thể giúp và khi nãy nghe thầy bạch-y nói thầy không biết chỗ chỉ nơi bao thơ. Tôi ngồi một mình giây lâu, bèn tính sửa soạn y phục lại hẳn-hòi, rồi bước lại liêu gõ cửa, đi vào xá rối kiếu ra đi.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #7
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________


    Ra tới đường lớn, phút gặp một người Hindou vạm-vỡ, tôi thi lễ, trao thơ xin chỉ giùm. Người coi không hiểu, anh ta nói : “Gần đây có mấy thầy Birmanie, đi lại đó hỏi thăm” tôi nói có đi rồi. Anh ta cũng không nghe, bảo tôi đi với ảnh trở lại mấy thầy Birmanie (nhờ anh nầy, mới biết mấy sư đó là Bí-sô Birmanie (Miến-điện), vào trăm lia. Anh nầy coi bộ nóng-nảy, không biết mấy sư nói sao mà ảnh nói lại cách cự-nự lớn tiếng. Rồi bảo tôi đi theo anh ta, anh ta đem tôi đến một cái căn phố lớn, không phải nhà buôn, thấy có trải đệm lu bù. Tôi định là trường tư vì anh trai nầy dẫn thẳng lại một ông đầu bạc, râu bạc, ngồi tại bàn viết. Thấy có năm, ba người đứng chung-quanh. Anh ta thi lễ và trao cái thơ, đoạn trăm với ông ta. Ông xem thơ và hỏi tôi, ở đâu lại ? Tôi nói Annam, Saїgon. Ông bèn lấy tự-vị kiếm hai chữ ấy. Kiếm đặng rồi đọc cho mấy người kia nghe, ai nấy ngó tôi, có vẻ cảm tình. Đoạn ông viết một miếng giấy, trao cho anh trai nầy. Anh nầy dẫn tôi đi đến một tiệm bán hàng vải lớn, trao miếng giấy ấy, rồi chuyện-vãn một hơi, chào ra đi, bảo tôi ở lại. Người trong tiệm mời tôi ngồi, lại sửa-soạn ăn lót-lòng. Mời tôi ăn, tôi không dùng và nói đã dùng rồi. Một anh trai trong tiệm ăn rồi, liền mặc áo, ra mời tôi đi. Theo chưn người, sang đường nầy, tới nẻo nọ, anh cầm thơ đi hỏi cùng. Phút gặp một người mặc âu-phục, anh ta kêu chào, rồi đưa thơ. Ông nầy đọc bon-bon, tôi định chắc là người xứ Madras. Ông ta xem rồi, chỉ đường cho anh trai đi. Vòng quanh phường-phố, phút tới chỗ bến xe ngựa, có cái đường hẻm, đầu đường hẻm ấy có cái nhà lầu. Anh ta đến đó, thấy tấm bảng đồng khắc chữ lớn “Nagara Chatram”, tôi thấy rất mừng. Đoạn bước lên tam cấp, thì có một gã trai, mang bảng đồng nơi cánh tay, chào rồi anh trai đi cùng tôi, trăm lia. Dẫn vào, lên lầu ra mắt chủ nhà. Ông xem thơ rồi, chào mừng mời ngồi nơi đệm. Hai đàng chủ khách chuyện-vãn, rồi anh trai kiếu về. Ông chủ vui cười và hỏi tôi mới tới sao ? Tôi nói mới tới. Đoạn đích thân ông mời tôi đi xuống lầu, chỉ phòng bảo tôi tự ý muốn ở phòng nào cũng đặng. Đoạn ông bảo coli trong nhà quét phòng trong có cái giường mặc dây luột (thằng-sàng). Tôi để đồ hành lý rồi nói cám ơn ông chủ. Ông chào tôi rồi trở lên lầu, thì tôi mới lo sắp đặt hành lý, đặng lo ăn ngọ, vì lúc lên tới lầu ra mắt ông chủ, thấy đồng hồ đã 11 giờ rưỡi. Mình vừa sửa soạn an-ổn, thì có người bưng cơm và cà-ri dưng, lại có một thố lạc (sữa chua). Cám ơn ông chủ có lòng hậu đãi, ngồi dưới nền xi-măng (tục của họ vậy), bốc cơm ăn. Ăn rồi, khép cửa liêu nghỉ một chập. Khi thức dậy, bèn đem bạc lên lầu gởi cho ông chủ. Ông đếm 250 rupi, ông cho một cuốn sổ nhận gởi số tiền và nói : Chừng nào ông cần dùng bạc thì đem cuốn sổ nầy lại. Đoạn bây giờ tôi mới để mắt xem qua chỗ ở và biết cũng là nhà hội, nhưng thi thế hội nầy giàu hơn hội ở Madras. Có một cảnh chùa tư ở gần bên hông nhà hội. Ông chủ còn nhỏ trạc ba mươi ngoài tuổi, vui-vẻ. Dưới tay ông có nhiều người phụ-tá biên chép và nhiều kẻ tôi tớ. Tuy tôi nói nhà hội cho vay, nhưng tôi e không phải, vì ông có vợ con ở chung. Tôi định là nhà tư-bản, chớ không phải hội-hàm. Ngó đồng hồ 3 giờ rưỡi, tôi bèn kiếu ông mà xuống liêu. Bây giờ thấy rõ, hai dãy liêu, mỗi bên tám cái, chính giữa có một cái sân tráng xi-măng và một cái máy nước có hồ chứa nước. Ấy là nơi tắm giặt, chớ không phải sân hóng mát. Có hai ông sư Hindou ở hai cái liêu, còn bao nhiêu trống. Có một người Madras làm từ chùa, cũng ở liêu trước liêu của tôi. Từ đây tôi an ổn nương ngụ trong chùa Hindou nầy. Làm quen mấy ông sư kia, ai nấy cũng vui-vẻ.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 2 người đọc bài này. (0 thành viên và 2 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •