SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐCPhần 1
__________________________________________________ _____________________________________
Phần 1
Ngày giờ thấm thoát, phút đã qua năm Ất Hợi (1935), tháng hai, ngày mười chín, dương lịch là 1er Avril 1935. Nghĩ rằng : tiền lo cũng đủ đủ, tham học cũng vừa thông thông. Nay cũng nên nhất định, bèn làm đơn trình quan Chủ-tỉnh, xin giấy xuất dương. Sự tích Tây du Phật quốc sơ dẫn vậy.
Xin giấy xuất dương
Ngày 1er Avril 1935, tôi cầm đơn đến dinh quan Chủ-tỉnh, lại phòng việc trình đơn. Quan phủ cho thầy thông coi về vụ xuất dương ; thầy hỏi tên họ, nhựt ký vào sổ và biên số hiệu giấy căn-cước. Thầy làm giấy cho phép xuất dương, đem hầu ký tên và đóng dấu quan Chủ-tỉnh. Đoạn thầy trao cho tôi, bảo đem đến phòng việc sở Thông-hành (ở Saїgon, tại đường Catinat) mà trình và xin giấy Thông-hành. Cám ơn thầy, lấy giấy đi ra chợ, tìm tiệm chụp hình, chụp ba tấm hình nhỏ, y kiểu hình gắn vào giấy Căn-cước, đặng đem đến phòng việc thông hành, dán vào thông hành. Ba ngày mới rồi.
Xin giấy Thông hành
Ngày 3 Avril, tôi đem giấy cho phép xuất-dương và ba tấm hình, thẳng xuống Saigon, lại phòng Thông hành trình cho quan đầu-phòng. Ngài xem rồi, phủ cho thầy thông coi việc ấy. Thầy lấy giấy in kiểu (imprimé de déclaration) bảo tôi khai lý-lịch, y theo lời hỏi trong giấy, đoạn thầy hỏi giấy thuế-thân và căn-cước. Thầy bảo, thôi để giấy tờ ấy lại đây, ông về nghỉ và trước khi đi một tuần lễ, thì lại đây lấy giấy thông-hành. Tôi chào thầy, ra về, và đi và nghĩ : “Đó là kiểu của sở Thông-hành, trước khi cho người bổn-xứ xuất dương, thì cho lính mật-thám dọ xem tánh-tình, vân vân…”, đi luôn về thảo-thất.
Đến bữa 8 Avril, tôi thẳng xuống tại Nhà-rồng, hãng tàu, lại tại phòng việc hay về sự tàu đi (bureau de départ), tàu về (arrivée), đặng hỏi thăm. Vào đó, có mấy thầy Annam và Ấn-độ làm việc. Tôi chào và hỏi thăm, chừng nào có tàu đi qua Madras ? Thì có thầy Ấn-độ, xem sổ và lấy giấy in, biên tên tàu và ngày giờ đi, rồi trao cho tôi và nói : “17 Avril có chuyến tàu đi về Tây, sẽ đi ngang Ấn-độ và đáp bến Madras ; thầy đem giấy nầy đến sở Thông-hành mà trình thì tiện việc.” Chào mấy thầy, đi qua sở Thông-hành, trao giấy cho thầy thông, thầy xem rồi bảo đóng 3.$00 tiền giấy thông-hành. Thầy thâu bạc rồi, bảo 15 Avril lại lấy đủ giấy tờ. Chào thầy, trở về nghỉ.
Đúng 7 giờ rưỡi mơi ngày 15 Avril tôi có tại sở Thông-hành kỳ chót. Thầy thông thấy tôi, bèn lo làm giùm giấy thông-hành. Tôi thấy bữa nay thầy mới chịu làm thông-hành, thì biết rằng : “Không điều chướng ngại, vì sở mật-thám đã cho tin lành rồi. Ăn thua bữa nay, nếu có điều ma chướng thì không trông đi đặng.” Thầy bảo đưa 40.$00 đăng tiền thế-chưn quận về. Tôi trao rồi, thầy bèn làm giấy đăng kho, đem qua thượng-thơ ký tên và đi đăng kho giùm. 10 giờ, thầy về sở, trao giáp lai kho cho tôi và nói : “Số tiền nầy, lúc trở về sẽ lãnh lại, phải giữ giáp lai.” Buổi sớm mơi, hầu ký tên chưa đặng. Chiều 3 giờ trở lại sở, chờ tới 4 giờ, ký tên rồi, thầy giao giấy thuế-thân, căn-cước và thông-hành cho tôi. Cám ơn thầy và từ giã ra về, hai cẳng nhẹ nhàng, vì bữa nay mới chắc xong việc và phỉ-nguyện. Đêm nay mới hả hơi và ngủ êm-đềm.