SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
Phần 1

__________________________________________________ _____________________________________



Bước đầu trên đất Tây-trúc
Ba ngày nương tại thành Madras


Bảy giờ sáng ngày 25 Avril, tàu đã tới hải-cảng Madras. Quảy gói lên bong, ngó lên thành-phố, có ý sốt-lòng và nghĩ thầm trong trí : “Ngờ đâu mà Thành-phố xứ Ấn-độ đặng lịch-lãm, đồ-sộ như thế.” Ngó dài theo bến bực thạch, cũng đủ ngưng tròng.

Tàu cập cầu, anh Venugopala kêu tôi bảo sửa-soạn đặng trình thông hành rồi lên bờ. Lính xuống tàu, đứng tại cửa thang tàu đã thòng đụng mặt cầu. Ai lên tại đây đều lại trình giấy tờ mà lên. Tôi theo anh bảy lại trình thông hành rồi, bèn xuống thang, đứng nơi cầu đặng chờ mấy anh bảy. Họ còn đồ-đạc, rê ở xứ Annam, đem về Ấn-độ lung lắm. Cả năm mười rương. Nên tôi đứng đó coi chừng giùm và để mắt xem tốp người trên cầu. Ròng là người bổn-xứ, mà tôi nghĩ sao lạ quá, vì không thấy một người Hoa-kiều nào cả. Mấy ảnh đem đồ hành-lý lên đủ rồi, kêu xe chở lại sở Thương-chánh. Xét rồi, đóng thuế rồi, xe lần-lượt ra cửa sở. Đụng đường-lộ lớn, láng-bóng không một miếng rác. Càng đi vào thành-thị càng thấy nguy-nga, trẽ qua một con đường hẻm lớn, đi ngang qua một đống rác và tro. Tôi để ý khắp nơi, ấy là đầu-óc người lữ-khách. Đến xứ người, không một sự việc chi trong cảnh-vật, quanh mình, dầu lớn dầu nhỏ, cũng có thể dạy ta đặng những sự ta chưa từng thấy. Vì vậy nên mới thấy đặng một gã trai ốm yếu, đầu cổ chôm-bôm, trạc chừng hai mươi tuổi, nằm lăn nơi tro rác. Mình mẩy trần truồng, chỉ có một rẻo vải che chỗ kín. Lạ thay, không ai chiếu cố, để mắt chia giùm cảnh thảm ấy. Tôi bèn hỏi huynh Venugopala (anh bảy nầy biết nhiều tiếng Annam, nên hay lân-la với tôi, hơn hai chú nhỏ Tampi), nên mới rõ là một người tu-hành trong đạo Phá-kích (Fakir). Hành khổ hạnh, lấy tro ướp thân, trần truồng chịu mưa, nắng, tuyết, sương. Bấy lâu nay nghe trong kinh nói, chớ chưa từng thấy. Nay đặng tận mắt, thì phá tan đặng một màn tưởng-tượng. Xe quẹo qua một con đường không mấy rộng, ngừng trước một cái nhà hai từng, rộng lớn nền cao. Đây là nhà hội Xả-tri cho vay đó, tôi theo chưn ông Tào-kê bước vào. Thì cả thảy cặp mắt tròng trắng như bạc kia, đều nhắm qua hướng của tôi, cách sững-sờ tự-nhiên. Tào-kê biết, trăm lia, ai nấy gật đầu, tôi cũng chào họ. Chôi cha, dưới tàu học được ít tiếng chà miền-dưới, như con nít mới học nói. Phúc gặp đám mừng bạn đường xa mới về, nghe qua như vịt nghe sấm. Tôi đem thẳng cái gói hành-lý lại một cái góc-xó, cận tường mà rộng-rãi. Để đồ đó, ngồi đó mà nghỉ một cách không e-lệ. Vì đã quen mắt dưới tàu, vào ra cùng người da đen nầy. Ngồi nghĩ rằng : “Ta nay mới hạ sanh trên đất Ấn-độ, phải chịu câm, điếc một ít lâu, như con trẻ mới ra khỏi lòng mẹ. Có tai không biết nghe tiếng người là điếc, có miệng không nói đặng tiếng người là câm. Nhưng, ta khá hơn trẻ bé, vì biết ra dấu, đỡ lắm. Mở gói, lấy dết đựng trang phục, lấy cái chăn nhuộm già, có đem theo phòng lúc tắm rửa. Thay quần áo, vì tám ngày ở dưới tàu chịu lì. Đoạn trải cái mền ra, trên nền tráng xi-măng, nằm nghỉ như mấy ảnh, trên đệm trên chiếu đó. Chớ họ có bàn, ghế, ván, giường chi đâu. Mấy anh kia đem đồ vô rồi, họ cũng đi chào bạn cố hương của họ. Mười giờ rưỡi, mấy ảnh hô : “Côlick borème” tôi nghe biết họ đi tắm. Tên Tampi cháu Tào-kê, lại bảo tôi đi tắm. Tôi nói không tắm, thì y nói : “Không tắm ăn cơm không đặng mà.” Tôi hiểu đó là phong-tục của họ. Thôi thay chăn đi tắm, có hồ nước phía sau, lớn và đầy nước.