SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
Phần 1

__________________________________________________ _____________________________________



Cả thảy đều đứng quanh hồ, múc nước xối tắm. Mình cũng chẳng nên ngại, chen với họ mà tắm, mà coi họ vui lòng. Có một người xả-tri đứng gần tôi, nói : “Hồi trước tôi có ở Saїgon hai ba năm. Về miền-dưới lâu rồi, quên tiếng Annam lung lắm.” Anh nói còn sửa quá. Đây là thêm một bạn tại Madras đó. Tắm rồi, giặt đồ dơ. Đoạn thay áo sạch, quần sạch, theo họ đi ăn cơm. Đồ ăn chay, cà-ri và vài món cũng cà-ri chua, cà-ri khô không có nước. Họ nấu khéo, ngon, nhưng cay xé họng. Mới tắm đó, mà muốn tuôn mồ-hôi. Dưới tàu ít cay và không ngon bằng. Có sữa chua, mỗi người một thố đất, y như thố ô-môi khách-trú bán trong xứ mình. Họ trộn cơm họ ăn, thiệt chua quá lẽ. Song họ nói nó kỵ ớt, mát tì và không bón. Tập ăn cho quen, ớt lung lắm, nếu không dùng nó thì sẽ đau bao-tử. No nê rồi, lên nghỉ trưa, chiều thả rểu ra phía trước. Ngó qua phía trước gian phố bên kia, thấy một người không giống bọn xả-tri, vì nước da màu bánh-ít, hồng-lợt, tóc bạc, râu dài, trên trán có vẽ một cái chỉa ba hai bên trắng, ở giữa đỏ. Trong cổ đeo một xâu chuỗi hột kim cang. Tôi lấy làm lạ, không biết thuộc phái đạo nào. Kế anh bảy Venugopala bước ra, rủ đi nhà dây thép. Tôi hỏi ông già ngồi bên kia, trên trán vẽ chi vậy ? Anh ta nói : “Thiếu gì đạo, cũng thờ Ông Phật, Ông Trời.” Tôi hỏi : “Đạo gì ?” Ông nói : “Đạo Brahmana.” Tôi mới hiểu đạo Bà-la-môn. Đã biết đặng hai đạo rồi. Như đạo-sĩ nhỏ khi nãy, thì trong kinh có nói : Lục chưởng tà-sư, các hữu khổ-hạnh giái. Lục khổ-hạnh Phá-kích vi đệ tử. Trong kinh luận ngoại-đạo lục sư rằng : “Tứ giả : Tự-tòa-ngoại-đạo, thường vi lõa hình, bất câu hàn thử, tọa ư lộ địa giả.” Còn bọn Bà-la-môn nầy, là nòi giống đặng người đời tôn-kính, quí-trọng hơn hết. Bởi dân Ấn-độ có bốn giai-cấp, phân biệt trong nhơn-dân : 1. Bà-la-môn (Brahmana) là nòi giống người tu-hành ; 2. Sắc-đế-rị (Ksatrya) dòng vua-chúa ; 3. Phệ-xá hoặc Tỉ-xá (Vais’ija) dòng thương-mãi ; 4. Thủ-đà hoặc Thủ-đà-la (Sudra) nông-phu, tôi tớ, chuyên nghề hạ-tiện.

Trong bốn cấp dân nầy, đến nay, tuy hết hàng vua chúa, nhưng họ cũng còn y phong-tục tôn-kính vậy. Ngoài thị-tứ thì lợt-lạt hơn ở trong xóm, làng, đồng-bái ; nhơn-dân còn tôn-kính mấy sư Bà-la-môn, cư-sĩ hay xuất-gia lắm. Mà nòi-giống ấy, còn là người thế-gian, cũng đặng yêu-mến kính nể vậy, vì họ có cái tánh-tình thuần-hậu, ngay-thẳng.

Lúc đang suy nghĩ cái giai-cấp, bốn bực loài người nầy, dường như đã định kiếp ban-sơ, trong lúc sanh nhơn-loại. Do đức Phạm-thiên-vương từ miệng, tay, hông và cẳng mà sanh bốn bậc người. Cùng hữu-mạng, vô-mạng, vạn-vật đều ở tay của ngài sanh-hóa cả thảy. Toại kệ rằng :

(Do tích Tỉ-nửu-thiên cỡi Ca-lầu-la điểu)
Tỉ-nửu, Ca-lầu cỡi khắp bay.
Na-la-diên rúng, trổ liên hoa.
Phạm-vương từ đó, sanh nhơn-loại.
Bốn giống, muôn hình của Thích-ca.

(Xin xem trong Đại-nhựt-kinh sớ thập)