DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 191
  1. #1
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________


    Ra tới đường lớn, phút gặp một người Hindou vạm-vỡ, tôi thi lễ, trao thơ xin chỉ giùm. Người coi không hiểu, anh ta nói : “Gần đây có mấy thầy Birmanie, đi lại đó hỏi thăm” tôi nói có đi rồi. Anh ta cũng không nghe, bảo tôi đi với ảnh trở lại mấy thầy Birmanie (nhờ anh nầy, mới biết mấy sư đó là Bí-sô Birmanie (Miến-điện), vào trăm lia. Anh nầy coi bộ nóng-nảy, không biết mấy sư nói sao mà ảnh nói lại cách cự-nự lớn tiếng. Rồi bảo tôi đi theo anh ta, anh ta đem tôi đến một cái căn phố lớn, không phải nhà buôn, thấy có trải đệm lu bù. Tôi định là trường tư vì anh trai nầy dẫn thẳng lại một ông đầu bạc, râu bạc, ngồi tại bàn viết. Thấy có năm, ba người đứng chung-quanh. Anh ta thi lễ và trao cái thơ, đoạn trăm với ông ta. Ông xem thơ và hỏi tôi, ở đâu lại ? Tôi nói Annam, Saїgon. Ông bèn lấy tự-vị kiếm hai chữ ấy. Kiếm đặng rồi đọc cho mấy người kia nghe, ai nấy ngó tôi, có vẻ cảm tình. Đoạn ông viết một miếng giấy, trao cho anh trai nầy. Anh nầy dẫn tôi đi đến một tiệm bán hàng vải lớn, trao miếng giấy ấy, rồi chuyện-vãn một hơi, chào ra đi, bảo tôi ở lại. Người trong tiệm mời tôi ngồi, lại sửa-soạn ăn lót-lòng. Mời tôi ăn, tôi không dùng và nói đã dùng rồi. Một anh trai trong tiệm ăn rồi, liền mặc áo, ra mời tôi đi. Theo chưn người, sang đường nầy, tới nẻo nọ, anh cầm thơ đi hỏi cùng. Phút gặp một người mặc âu-phục, anh ta kêu chào, rồi đưa thơ. Ông nầy đọc bon-bon, tôi định chắc là người xứ Madras. Ông ta xem rồi, chỉ đường cho anh trai đi. Vòng quanh phường-phố, phút tới chỗ bến xe ngựa, có cái đường hẻm, đầu đường hẻm ấy có cái nhà lầu. Anh ta đến đó, thấy tấm bảng đồng khắc chữ lớn “Nagara Chatram”, tôi thấy rất mừng. Đoạn bước lên tam cấp, thì có một gã trai, mang bảng đồng nơi cánh tay, chào rồi anh trai đi cùng tôi, trăm lia. Dẫn vào, lên lầu ra mắt chủ nhà. Ông xem thơ rồi, chào mừng mời ngồi nơi đệm. Hai đàng chủ khách chuyện-vãn, rồi anh trai kiếu về. Ông chủ vui cười và hỏi tôi mới tới sao ? Tôi nói mới tới. Đoạn đích thân ông mời tôi đi xuống lầu, chỉ phòng bảo tôi tự ý muốn ở phòng nào cũng đặng. Đoạn ông bảo coli trong nhà quét phòng trong có cái giường mặc dây luột (thằng-sàng). Tôi để đồ hành lý rồi nói cám ơn ông chủ. Ông chào tôi rồi trở lên lầu, thì tôi mới lo sắp đặt hành lý, đặng lo ăn ngọ, vì lúc lên tới lầu ra mắt ông chủ, thấy đồng hồ đã 11 giờ rưỡi. Mình vừa sửa soạn an-ổn, thì có người bưng cơm và cà-ri dưng, lại có một thố lạc (sữa chua). Cám ơn ông chủ có lòng hậu đãi, ngồi dưới nền xi-măng (tục của họ vậy), bốc cơm ăn. Ăn rồi, khép cửa liêu nghỉ một chập. Khi thức dậy, bèn đem bạc lên lầu gởi cho ông chủ. Ông đếm 250 rupi, ông cho một cuốn sổ nhận gởi số tiền và nói : Chừng nào ông cần dùng bạc thì đem cuốn sổ nầy lại. Đoạn bây giờ tôi mới để mắt xem qua chỗ ở và biết cũng là nhà hội, nhưng thi thế hội nầy giàu hơn hội ở Madras. Có một cảnh chùa tư ở gần bên hông nhà hội. Ông chủ còn nhỏ trạc ba mươi ngoài tuổi, vui-vẻ. Dưới tay ông có nhiều người phụ-tá biên chép và nhiều kẻ tôi tớ. Tuy tôi nói nhà hội cho vay, nhưng tôi e không phải, vì ông có vợ con ở chung. Tôi định là nhà tư-bản, chớ không phải hội-hàm. Ngó đồng hồ 3 giờ rưỡi, tôi bèn kiếu ông mà xuống liêu. Bây giờ thấy rõ, hai dãy liêu, mỗi bên tám cái, chính giữa có một cái sân tráng xi-măng và một cái máy nước có hồ chứa nước. Ấy là nơi tắm giặt, chớ không phải sân hóng mát. Có hai ông sư Hindou ở hai cái liêu, còn bao nhiêu trống. Có một người Madras làm từ chùa, cũng ở liêu trước liêu của tôi. Từ đây tôi an ổn nương ngụ trong chùa Hindou nầy. Làm quen mấy ông sư kia, ai nấy cũng vui-vẻ.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #2
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Đoạn 7 giờ, các sư đi thọ-thực, tôi từ kiếu không ăn và nói : tôi ăn ngọ. Tôi bèn thả thẳng ra trước nhà, đặng xem sơ cái cảnh tối chốn nầy. Không dám đi xa, hay quẹo ngã nào cả. Ra tới bến xe ngựa, rồi đứng nhắm hướng cho nhớ chỗ. Ngó thẳng trước mắt, thấy đèn đuốc sáng rỡ đầu đường, thiên-hạ đông-đảo thấp-thoáng lại qua. Định lại đó, lần đi tới, cách bến xe ngựa chừng ít trăm thước, gặp chỗ chợ hôm, phố-phường sáng rỡ ; ngoài lề đường buôn bán cũng đông. Thấy có mấy ông thầy đạo Hindou, Bà-la-môn lên xuống, người nào cũng đầy bát, những vật cúng dường. Tôi nói thầm rằng : “Mấy thầy chắc đi về chùa, đặng đi độ buổi chiều vì đồ bố-thí đã đầy bình-bát. Tiếc thay, ta chưa dám theo họ, vì mình mới tới, chưa quen thuộc đường xá. Thôi, bữa ban đầu mà thấy bao nhiêu đây là đủ, trở về, kẻo ở chùa không biết ta đi đâu. Mới một con đường mà phong-cảnh thị-tứ của thành Ba-la-nại mà đẹp-đẽ, thạnh-mậu dường ấy, thì cả châu-thành nầy chưa phải thua Madras. Nhưng, nghĩ vì mình là người tu-hành, không phải đến đây, đặng xem phong cảnh nhơn-gian, chỉ quyết xem tình-hình Phật-đạo và ngoại-đạo, chỗ thạnh-suy, trong thời kỳ Tam-thiên nhứt hiện, nó đã gần kề. Trở về chỗ ngụ, vào liêu khép cửa nằm nghỉ. Khuya thức giấc, đi tiểu, thì đi ngang qua cửa vô nhà trù phòng, trên có treo đồng hồ. Thấy đã quá giờ tý, khi vào liêu, đứng lại hồ nước rửa mặt, súc miệng xong-xuôi, vô ngồi thiền.

    Từ khi bước cẳng ra đi, không đêm nào mà ý loạn, hình sầu như đêm nay. Ngoài thân, trong tâm, phút tán-loạn, đến đỗi trong một đời của tôi, chưa đặng thấy cái cảnh-trạng tự thân-tâm, nó biến hiện như đêm nay. Tôi ngồi kiết-già vừa rồi, thì nước mắt không khổ-khốc kia liền rơi, phút đổ như gáo lủng nước sa. Chan-hòa một cách lạ-lùng, dường khi khốc,(13) hai thân tỵ-thế(14) thì cũng chưa tày. Hai bàn tay kiết ấn nơi đơn điền, ngửa ra mà hứng tràn trề. Muốn nín-dứt hột lụy, lấy hết trí lực cũng không ngăn cái mạch không thảm, không đau, không tủi kia, mà tự nhiên trào-phúng. Tôi thấy điều hy-hữu ấy, thì cũng điềm-nhiên để tự xem, cái cảnh ngoại làm đi gì. Chừng môi mếu, ngực tủi, tôi rán sức cản đó không đặng. Phút lại nghe trong tôi, dường có ai than thở. Trí ý tôi dường có vẻ khó chịu, bấn-loạn, đảo-điên, cái nhớ mà không biết nhớ chi, cái thương mà không biết thương chi, cái thảm đạm tức-tủi, mà cũng không biết sầu-bức, tức-tủi về cái hoàn cảnh nào. Sự xảy qua ước có 15 phút, lần hồi tôi điều đình đặng cái giọt phiền não vô nhân kia. Tôi bèn quay qua cái buồn-bã không nguồn nọ, tôi lấy cái trí-lực mà vấn thửa cái ý rằng. Nay đã đặng vào tận nơi, cuộc địa mà ngàn xưa Phật-tổ đã để dấu chơn, thì chí Thích-tử không còn chi là chẳng phỉ nguyện ; khác nào con trẻ chơi xa, trở về nhà thấy đặng mẹ, a vào mình mẹ, vui vẻ không cùng. Do cớ sao đổ lụy, âu sầu, làm tuồng hèn yếu như vậy ? Ta nghĩ rất hổ thẹn mà trông thấy cái nết tánh bạc-nhược ấy của ngươi. Tôi nghe dường có tiếng trả lời, trong cái đầu óc kia rằng : “Trong cơn loan-phụng hòa-hài, của tiền sự nghiệp trong tay sẵn-sàng.” Tôi nghe qua dường đã hết hồn xả kiết già chỗi dậy, đi ra hồ rửa mặt, trở vào lấy một điếu thuốc lá hút. Đoạn nghe gõ một giờ, vô liêu ngồi lại, khoanh tay nơi đầu gối mà tưởng rằng : “Bấy lâu ngỡ tắt rồi mãnh-hỏa, nào ngờ đâu không rơm-rạ cũng phát cháy bừng. Hết khoe tài Thích-tử, bấy lâu tưởng thắng đó rồi. Bấy lâu có ý kiêu-căng ngỡ mình đặng thức-vong, ý-diệt ; nay chan-nhản, hở-hang hết sức. Tôi bèn vận trí mà phá tan nội ma. Từ đây tôi mới biết, cái nghiệp thức của tôi còn núp trong, nên chi tôi không ngớt chống chỏi và nguyện không trở về Nam-việt nếu tôi không trọn thắng nó.” Đoạn nằm nghỉ, êm ả như thường.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #3
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Năm giờ sáng, trống, chuông, kèn inh ỏi, chùa đã công phu. Tôi đắp choàng lên chùa, thì cũng thấy sự cúng dường y như hồi chiều hôm qua. Tôi thấy các sư lạy, thì tôi cũng lạy bàn chánh mà đứng niệm vái : “Nam-mô Trung thiên giáo chủ, thiên bá ức hóa thân Thích-ca-mưu-ni phật.” Đoạn và lạy và quán Thế-tôn tùy thuận chúng-sanh, hóa thân chưởng chưởng hình ngoại-đạo chư thiên mà độ chúng sanh. Lạy rồi tôi thọ tro và son như mấy người kia. Buổi sớm mơi nầy, cả thảy trong nhà nam-nữ lớn nhỏ đều thọ tro, son. Ấy là đạo Thủ-la-hê-thiên tam-mục đó.
    Điểm tâm rồi, đi dạo cảnh, đem sổ nhựt-ký theo đặng biên. Tôi cũng đi con đường hồi hôm. Qua khỏi chỗ bến xe ngựa chừng vài trăm thước, có một cái đường hẻm, hai bên có buôn bán đông đảo, đường thì nhỏ, bề ngang chừng ba thước ; mà thiên hạ chen nhau đi. Mỗi người có bông-hoa, lễ-vật bưng đi, thì tôi định ở trong ấy có chùa. Nhưng tôi cũng đi thẳng, vì đi một con đường cho dễ nhớ. Tới khoảng chợ đêm, mới coi lại : chính giữa là chỗ dựng hình một vị danh hiền trong nước. Chung quanh có bồn-bông, có băng ngồi, xẻ đường, phân nẻo ở trong vùng rào sắt ấy. Đã có người dạo cảnh ở trong đó đông đảo. Còn vòng theo ngoài rào có xây thềm cẩn đá, thiên hạ ngồi quanh đó buôn bán đủ thứ, nhưng thưa hơn ban đêm. Cứ men men đi tới, phút thấy mé sông, tới đầu đường có cái tam cấp xuống bến. Tới đây, người ta đen nghẹt, tăng, tục, nữ, nam, già, trẻ, xuống lên không ngớt. Kẻ buôn, người bán, hai bên lề đường ngồi chật tới đầu đường chỗ tam cấp. Còn ở xa ngỡ là hết, vì thấy sông trước đó, ngờ đâu đi tới bực-thạch tam cấp, thấy dưới mé sông còn rộng và hẳm xuống sâu, thiên hạ trạc-hà. Thấy tấm bản đề “Gange Ghat”. Mừng đặng biết sông Linh (hằng-hà). Xuống tam cấp, chen cùng họ, xem đầu nầy, coi chỗ nọ, nhất là tôi ham quan-sát mấy chỗ của những thầy tu ngoại-đạo ngồi. Họ che cái giại hay cặm cây dù lớn mà ngồi, có đủ đồ, nào hình tượng, lư hương, son, phấn tro. Mỗi cây dù và mỗi cái giại là mỗi ông sư ngoại-đạo ngồi, đặng tiếp bổn-đạo nào đi cầu nước Sông-linh. Trước khi xuống múc nước, hoặc tắm, thì bổn-đạo nào tìm thầy đạo nấy mà xin phép và lễ hình-tượng đạo-giáo-chủ, rồi mới đặng xuống múc nước hoặc tắm. Mỗi đạo khác nhau, chỉ dòm hình trạng ông thầy tùy cái biểu hiệu vẽ nơi trán, tay hoặc có dấu riêng vật dụng ; như tích-trượng, chuỗi đeo cổ cùng hình tượng thờ. Khi múc nước hay tắm rồi thì lên thọ phép của thầy, hoặc phết tro, hoặc điểm son, hoặc cột niệt, đeo bùa, học chú, cầu kinh nguyện. Đoạn cúng ít xu, hột nổ, bánh trái, bông hoa rồi mới về. Kẻ múc nước, thì cũng dâng lễ vật rồi, thầy họa phù trong nước rồi đem đi về, nội nhà dùng, gọi là hạnh-phúc.














    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 4 người đọc bài này. (0 thành viên và 4 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •