Ngày 10 Aouât 1936 – 24-6-â.l.

Sớm lo điểm trang y phục chỉnh tề, rửa mặt, súc miệng, tay chơn tẩy uế, rồi uống một ca trà sữa, đoạn ra đi hành hương. Khi tới Chô-khăng tự thì để ý coi cả thảy ba từng chùa là mấy điện. Từng dưới cả thảy là mười bảy điện trong và ba điện ngoài. Trước hết điện Tổ sư Lama, kế điện Phật tổ Thích Ca, kế đó là điện chư Long-thiên Hộ-pháp Bồ-tát, kế đó là điện chư Bồ-tát kiểu Tây-tạng, kế đó là điện lớn thờ. Trong là tượng Phật tổ to lớn, sau bàn chánh tượng Phật tổ nhỏ ngồi sau lưng một tượng Bồ tát áo mão mỹ lệ nghiêm trang châu ngọc, điện chạm rồng sơn son phết vàng pha lê lưu ly, ngọc thạch gắn cùng, đèn lưu ly lớn nhỏ để dài phía trước toàn bằng vàng và bọc khảm bông vàng. Chung quanh là chư vị Bồ-tát tượng đứng, có hai vị Long-vương Hộ-pháp đứng hai bên gần cửa điện. Trước cửa điện có bốn vị Tổ sư Lama, có treo hai bên bốn, năm cái tiểu chung. Hỏi ra là : Phật tổ hậu kiếp giáng sanh vị Bồ-tát Quốc-vương tại Lhassa nầy, nên gọi Thích Ca nhứt thể. Chỗ nầy thiện nam tín nữ, tăng tục hằng bữa tới cúng dường lung lắm. Đi khắp các điện thì duy có điện nầy là lớn hơn hết. Thường có ba ông sư Lama hầu sự tại điện. Có mâm cúng tiền, một vị lama ngồi phía hữu trong góc trước điện, cầm tịnh bình hầu rót vào tay mặt đàn na chút tịnh thủy gọi ẩm phước cam lồ. Một vị đứng trước hàng đèn và bông hoa lễ vật, đặng tiếp tô-du và lễ vật, một vị ngồi dưới một cái ghế phía tả tay cầm tịnh bình cúng chư Bồ tát và một tay cầm cái mâm cỗ cúng tiền cho đàn na tùy hỉ và cũng rót vào tay đàn na chút nước cúng rồi trong tịnh bình ấy. Đàn na hữu nhiễu rồi ra tới vị lama nầy là hườn tất. Đoạn tới điện đức Phật mẫu Chuẩn-đề, tới điện Tiền Tả-lê Lama vân vân… Các điện sau đó cũng là điện Phật-tổ, Tổ-sư, Long-thần, Hộ-pháp, Bồ-tát. Từng nhì cũng vậy, ban đầu là điện Tổ-sư, kế Phật-tổ, kế Long-thiên, đoạn tới điện Phật-mẫu, chỗ nầy thiện nam tín nữ và chư tăng hay đến cúng đông lắm, có gần bên điện một căn trù phòng, có để sẵn xăng trong bình cây, đặng cho Đàn na thỉnh lại điện cúng dường, rồi tùy hỉ từ 1 yogăng (là giá một bình xăng) đổ lên tùy ý trao tay cho ông sư hằng ở tại điện lo tiếp lễ cúng và tụng kinh cúng dường. Rốt hết là điện Long-thiên, Hộ-pháp, thường có bốn, năm sư Lama ngồi trước tợ phía trước điện kinh kệ cả ngày và hầu tiếp lễ cúng bằng tiền. Đoạn lên từng thứ ba có một chỗ rầm trống có xây tháp hương cho Đàn na thiêu hương vì tục Tây-tạng, không có đốt hương cắm trong bàn Phật như xứ Annam có lư để sẵn trên bàn điện, có chỗ riêng trống trải ngoài trời trống để đốt hương, trầm, tóc, lá mộc bá, lá thơm tùy hỉ, và bột sadou, lớp đổ vào lò hương, lớp đổ chung quanh, rồi rải gạo quanh rầm chim chóc hưởng hậu (nhứt là tại điện Phật-mẫu, chuột lắc cả trăm, bò láng trên điện ăn gạo cúng, uống tô-du mập tròn và tại điện chót Long-thiên cũng vậy).

Đoạn đốt hương rồi, lại nhà trù lấy xăng đem lại điện Phật mẫu, hai điện thờ Tổ sư và Quan âm, cũng có thầy Lama tiếp lễ cúng. Tới đây hết, quanh lại thang xuống, quanh qua bên tả chỗ đốt hương, xuống thang đi cúng xăng nơi điện Hương vân Bồ tát, gần đó phía tả của điện có lò hương cho Đàn na đốt hương. Chỗ nầy thường có kẻ bần nhơn ngồi trước và dưới lầu chực của bố thí. Cúng rồi chỗ nầy là hết ra cửa đi ra phường buôn, đi thẳng lại chùa nhỏ, chỉ có một chỗ Tổ sư và Hộ pháp, vào cúng tiền xăng rồi ra về luôn. Lúc về ghé mua 1 yôgăng khoai lang tây chín về chấm muối ăn điểm tâm. Trưa lại cúng ngọ với cải bẹ xanh xào với bột sết-sết. Ăn rồi lo đi xuống sông giặt đồ. Chiều Samdhen rủ đi dạo phường rồi vào nhiễu chùa,đi chung quanh xem các lớp vẽ trên vách tích Phật tổ và tích tại Kỳ-thá-quất-sơn, Nalanda. Cách vẽ thiện nghệ lắm và vẽ bằng màu dầu. Chung quanh chùa có ống lục tự Quan âm cho Thiện-nam tín-nữ quây gọi là chuyển pháp luân. Xong ra cửa chùa vào điện Phật mẫu lễ bái. Đoạn Samdhen rủ vào chùa thì bần đạo từ chối vì mang giày da đóng cúc vào chùa bất tiện, Sonnam cũng vậy. Huỷnh thấy hai, ba phen từ hẳn, bèn bảo : thôi ra ngoài chơi đợi huỷnh. Ra chùa, bảo Sonnam ở trước sân chùa đợi, bần đạo về luôn đi vòng quanh phường về thẳng nhà ngụ. Sáu giờ huỷnh về tới hỏi sao không đợi về một lượt cho vui, về một mình rủi đi lạc mất ắt khó cho tôi phải thường mạng cho hội Đại-bồ-đề, nói cợt rồi cười xòa. Tối kinh kệ rồi nghỉ.