DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 9/20 ĐầuĐầu ... 789101119 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 81 tới 90 của 191
  1. #81
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 20 Juin 1936 – mùng 2-5-â.l.

    Thức sớm, huynh đệ sửa soạn hành lý. Tám giờ có ngựa lại, hai con gác hành lý đi trước với hai huynh Khampa, đoạn 8 giờ rưỡi ăn bột và thịt nấu bún, bần đạo ăn với nước muối rồi 9 giờ Issê, Isess lên ngựa đi trước. Samden, Choundouss, Sonnam và bần đạo, ngày mai mới có bốn con ngựa lên đường. Ngày nay không ăn ngọ, 4 giờ chiều cô chủ gia đem hộ một chén nổ (né) dùng đỡ bữa cũng qua ngày. Đoạn lúc 5 giờ có một vị tiểu lama lại chơi, Samdhen bảo bần đạo ở nhà, huỷnh cùng Lama khách đi thăm người quen và mướn may lá lót yên ngựa. Hai người ra đi, bần đạo một mình ở nhà, kế một lát có huynh Lama Lađặt lại ngồi ngoài với Choundouss cùng nhau uống xăng, lối 6 giờ Samdhen về với tiểu lama, huỷnh bị uống rachi say mèm, vào phòng ngụ kêu Choundouss bảo đãi xăng cho bạn đồng hương. Huỷnh kêu Lama đồng hương và nói và khóc, tỏ ý lâu ngày gặp nhau, nay gặp mừng lắm. Huynh đồng hương có ý cằn-rằn quở trách tiểu lama, sao đi với Samdhen lại để Samdhen uống quá chén. Tiểu lama nói tỏ ý, huỷnh bị Babon ép uống, nhưng không bao nhiêu, bị huỷnh yếu nên say. Bảy giờ rưỡi thì huỷnh ngủ. Huynh đồng hương lúc 8, 9 giờ mãn tiệc về.

    Đêm nay Choundouss sanh dâm tâm, mượn bần đạo 4 cắc Tây-tạng cho tình nhơn. Huỷnh làm cho Issê Sonnam cũng ngủ không đặng cứ vô ra hoài. Tiểu lama cũng không ngủ. Bần đạo dòm tình hình lấy làm thương ôi cho thế tục, vì dâm mà phải trầm luân nơi khổ bể. Bần đạo tư duy thị sự, đoạn niệm Phật rồi nghỉ.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #82
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 21 Juin 1936 – mùng 3-5-â.l.

    Sớm mơi thức dậy, Samdhen có hơi bẽn lẽn cùng cô chủ gia, song cũng rán giả lả hỏi han chuyện vãn, rồi lấy 3 R đền đáp tiền phòng. Bần đạo có viết thơ gởi về Nam Việt. Samdhen mượn cô chủ cho người bỏ thùng giùm có đưa vài cắc tiền nước.

    Đoạn 8 giờ điểm tâm vì có mã tử đem bốn con ngựa lại rồi, ấy là ngựa hộ tống, vì Samdhen có quen với Bơda-Alessir Trấn quan nguyên nhung tại Giăng-sê, nên có xin trát quan, đặng đến các trạm trình cho quan, làng sở tại đặng mướn ngựa giùm, chỗ nào ở ngụ đêm thì có chỗ ăn nằm tử tế và có củi nước đủ lẽ, nếu không có trát ấy, dầu có tiền cũng khó kiếm chỗ ngụ, khó mướn ngựa, khó có củi nước.

    Thiệt cũng đáng kính tánh ý lanh lợi xử thế của huynh Samdhen, lấy tép nhử tôm, đem cơm đổi gạo. Làm quen các nơi danh tộc hào phú, quan dân, nhờ vậy mà đi tới đâu cũng đặng người kính mến và nội bọn an ổn, bần đạo dựa chút hơi ấy mà đặng trải qua các hiểm trở đất Tây-tạng.

    9 giờ ngựa gác yên xong, bốn huynh đệ đồng tạm biệt Yangksê thành, chào chủ gia, xuống lầu lên ngựa. Đường đi cũng dễ, chỉ có một cái đèo cao mà thôi, còn bao nhiêu đều là đường bằng. Các huynh quen theo phong thổ, cả thảy nhơn dân đều biết cỡi ngựa làm chưn, nên lên lưng ngựa giục sải, tế như bay. Còn bần đạo mẹ đẻ đến lớn không biết cỡi ngựa, vì xứ Việt-nam, đường sá thông thương, xe hơi, xe ngựa hằng dùng, nên không biết cỡi ngựa, ngựa đi thủng thẳng thì đặng, bằng nhảy sải, thì hỏng đít hòng té xuống đất, nên đi sau chót, cho nhảy cà xọt, đau đít đau hông, nhưng cũng rán mà theo họ, nếu không thì lạc đường. Niệm Phật mà đi. Tới một khoảng đường kia, mấy huỷnh dừng ngựa chờ, khi bần đạo tới thì Samdhen nói : Sao lâu vậy, đường xa mà đi vậy thì không tới sớm đặng. Bần đạo có ý buồn lòng, trả lời rằng : Mới lần thứ nhứt bần đạo cỡi ngựa, cỡi đi lung quá không đặng, mấy huynh cứ việc đi trước, bần đạo lần hồi theo sau, nói rồi họ đi. Coi ý huynh Samdhen giận, bần đạo nhẫn nhục đi sau 10 giờ rưỡi thì họ đã tới làng Guôi-si, ghé đổi ngựa. Bần đạo bị đi sau, nên lúc qua cầu Guôi-si thì cho ngựa đi thẳng, vì ngỡ mấy huynh đã đi xa rồi. Bỗng có một cô Tây-tạng chạy sau kêu ngừng ngựa, bần đạo bèn quày ngựa lại, tới cô Tây-tạng xuống ngựa, cô dắt ngựa vào nhà trạm, bần đạo theo sau, khi vào đó thì thấy mấy huỷnh đã ăn bột uống trà rồi.

    Choundouss mời ngồi rồi bảo dùng bột và trà, rồi đổi ngựa đi nữa. Samdhen ngồi trong đơn ở trong phòng yên ổn không quở tới bần đạo, nhưng bần đạo an lòng nhẫn nhục, vui cười với Choundouss và nói : Con ngựa đi không đặng, bần đạo bị nó nhảy cà xọt nên mệt quá, và nói và cười, ăn sơ sài bột, uống sơ vài chén trà, đoạn Samdhen trong đơn bước ra, bần đạo dã lã cười nói, hỏi : huynh trà rồi sao ? Đoạn huỷnh thấy bần đạo tươi cười thì huỷnh ăn năn bèn nói : Thầy hãy dùng bột cho khá vì đường còn xa. Bần đạo nói : ăn rồi, ăn rồi, bèn đứng dậy ra giúp người gác yên ngựa. Cô chủ nhà cầm cái trát xem rồi, trao lại cho Samdhen. Ngựa xong rồi 11 giờ rưỡi lên đường, chuyến nầy đặng con ngựa đi chạy, êm ái, bần đạo không sút tấc đường cũng đồng với các huỷnh. Hai giờ tới làng, trình trát xin đổi ngựa, nhưng có một cô chủ gia kia đứng dưới ngựa xá Samdhen xin tạm nghỉ mai lên đường vì ngựa ở xa đổi không kịp. Huynh Samdhen cũng hoan hỉ vì tiếng nài nỉ. Cô nọ bèn dắt thẳng về nhà, đơn tợ tử-tế. Không có đồ ăn chay, nên Samdhen mượn cô chủ gia mua hột gà ăn đỡ.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #83
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 22 Juin 1936 – mùng 4-5-â.l.

    2 giờ sáng thức, trà nước xong, 4 giờ lên ngựa 9 giờ tới làng Gialum đổi ngựa, ăn bột ngọ rồi 10 giờ rưỡi lên ngựa lối 1 giờ tới một chỗ núi trùm tuyết trắng phao, huynh đệ đồng xuống ngựa nghỉ đoạn thấy cảnh tốt, bèn chụp hình rồi trà nước nghỉ một chập lên đường. Ba giờ chiều tới xóm Gia-ra, xuống ngựa vào nhà trạm cận đường nghỉ ngựa, thì đã gặp các huynh đi trước với toán la chở hành lý. Cùng nhau xăng, trà, bột rồi hỏi thăm làng Năng-cann-sê đường còn bao xa, thì chủ gia nói còn xa lắm, nếu đi bây giờ thì khuya mới tới, tốt hơn là nghỉ đây sáng đi. Nghe qua, Samdhen bảo các huynh Isess, Issê và hai huynh Khampa lo đi trước với hành lý. Bốn huynh đệ ở lại nghỉ, mua cỏ cho ngựa ăn, nghỉ đêm tại đây. Thương thay Samdhen cả buổi chiều cho tới khuya bị kiết, đi ngoài liền đeo. Phần chốn nầy núi tuyết tứ phía bao quanh, thêm gió thổi nên lạnh lẽo hết sức, huỷnh đi hoài mệt lắm, lạnh lắm. Khuya huỷnh nghỉ êm. Bần đạo bốn lớp mền còn lạnh, phần bị ngủ dưới đất không đơn, giường chi hết, phần vách đá không tô, hơi lạnh càng thêm. Đêm nay bần đạo không ngủ.


    Ngày 23 Juin 1936 – 5-5-â.l.

    Sáng trà nước xong, Samdhen hết kiết. Sáu giờ rưỡi lên ngựa đi, ngựa chạy, gió dồi, tuyết lạnh, đi tới làng Năng-cann-sê đã 10 giờ rưỡi. Lúc ấy thì đã có chư huynh đệ đi trước hôm qua, đứng chực đón. Xuống ngựa vào nhà của một vị chủ gia quan lại nghỉ. Làng nầy đông đảo, có hồ nước chạy dài theo chưn núi, đây có đài quan cất trên đảnh xem ra cũng oai nghi. Isess xầm xì to nhỏ, ý nói nhà quan trang nghiêm, giàu có. Samdhen nghe qua, sắp đặt đơn tề chỉnh, chủ gia có cho một cô tiểu nữ hầu trà nước. Isess vào ra, dường như làm chim mồi nói năng cùng chủ nữ, nên chi chủ nữ mới xin coi quẻ. Isess vào nói nhỏ với Sam-dhen, huỷnh lại càng khoái ý nói : Đặng. Họ xầm xì, nhưng cử chỉ ấy bần đạo đều thấu đáo. Isess đi hỏi tuổi, chập lâu vào nói : Samdhen xủ quẻ, làm mặt. Xem quẻ rồi viết các việc trao cho Isess đem cho chủ nữ. Lạ chi cái thói đờn bà ham điều dị đoan, và buộc đờn ông cũng thuận theo họ. Đoạn một chập chủ gia vào ra mắt Samdhen tỏ ý cám ơn và xin phái quy y nội nhà. Samdhen càng khoái ý, làm mặt làm mày, lấy phái đã làm sẵn, đem ra làm đủ lễ, niệt, chú đủ điều, Isess làm sứ đệ đi. Chừng ông chủ gia mới đem thịt dê khô và tiền lễ vào dưng, huynh đệ họ coi bộ khoái lắm. Biết đặng một nhà thì ra quen cả xóm, bọn con cái và bà chủ nhà đi cùng các nhà hào hộ trong làng đồn nói rủ ra, nên cả buổi chiều sáu, bảy cô ăn mặc tử tế, đầu cung diện ngọc tới xin xem quẻ, xin phái, xin niệt, thi lễ cúng dường, Samdhen càng bày vẽ linh đình. Kế kẻ ít tiền đem chút ít tiền thỉnh niệt, tới khuya rồi việc. Huỷnh còn phòng hờ giờ sáng, lấy vải vàng vải đỏ xé làm niệt, hỏi bần đạo có vải vàng, cho huỷnh. Bần đạo nói có cái y ngũ điều đó huynh dùng thì dùng. Huỷnh lè lưỡi, rằng không dám. Đoạn ngủ.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #84
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 24 Juin 1936 – mùng 6-5-â.l.

    6 giờ uống trà, huỷnh nghe ở ngoài có tiếng, hay tiếng giày thì ngóng cổ qua cửa sổ dòm chừng ấy là tưởng cho còn ai tới xem quẻ hay cần thọ phái hoặc xin niệt. Vì ngày hôm qua tiền công quả trên 1 rupee.

    Ngóng không ai, 7 giờ xứ nầy mặt trời lên cao bằng xứ ta 10 giờ, vì 4 giờ sáng đã có mặt trời lên cả sào. Đoạn ngựa gác yên rồi, đồng lên đường, ngựa không mấy mạnh, xấu mã lắm, đi lối sáu, bảy cây số thì mã tử vào làng đổi ngựa, không vào xóm, ngồi đỡ ngoài bờ lộ chờ. Đoạn có ngựa, đồng đi tới 12 giờ rưỡi thì tạm ghé làng Pê-tê, đổi ngựa và ăn ngọ luôn và nghỉ luôn đêm tại trạm nầy.


    Ngày 25 Juin 1936 – mùng 7-5-â.l.

    Sáng thức sớm, 5 giờ lên ngựa đi, ngựa lên đảnh núi Nhaip-xốc-la (nhaip là đất, xốc là lưng) lên đèo nầy ước vài giờ mới tới đảnh, xuống ngựa, vì xuống cái dốc ải nầy, ngựa dắt đi còn trợt lên trợt xuống, hà huống là cỡi. Đi bộ trút 3 giờ đồng hồ mới tới triền bình địa, mệt ngất lên ngựa đi tới 10 giờ rưỡi tới làng Dum-bô-chê xóm Nhaip-xốc. Vào xóm trình trát, có quan lại tiếp trát xem, đoạn mời vào căn nhà có đơn tợ tử tế, uống trà đợi đổi ngựa. Đoạn 11 giờ rưỡi ngọ bột rồi lên ngựa đi, 12 giờ rưỡi thì tới bến đò. Mã tử dắt ngựa về. Samdhen nói : Thầy ở đây ngủ một đêm với Issê và hai người Khampa, còn tôi cùng Choundouss, Isess và Sonnam qua đò vào làng xin mướn ngựa rồi đi luôn đàn bộ đến Xú-xuol, còn thầy sáng đi đường thủy với ba huynh đệ kia. – Đặng. Đoạn ba huỷnh xuống đò bằng da đi qua bến bên kia xóm. Trên núi mà có ngọn hồ nầy, hỏi ra giòng 50, 60 cây số. Khi họ xuống đò, bần đạo có chụp hình. Chừng họ qua bển rồi, thì bần đạo lại bến đò cùng hai huynh Khampa đem hành lý lại chỗ bến chất đồ gần đó mà nghỉ. Chập lâu thì người ngựa Issê đã đến, toán la chở 12 bao da gạo và rương với hành lý đã đến, chất các vật trên bến, mã-tử và la-tử trở về, có huynh Tanzine Guêgane cũng tới, năm người đồng tạm nghỉ nơi bến. Sẵn nước bần đạo bèn giặt áo, khăn, vớ, mũ, đoạn tắm sơ. Nước ngọn hồ nầy có chỗ chảy mạnh có chỗ ương, chỗ bến nầy nước rỉ rả chảy, nước hơi đứng. Nước cũng lạnh như đồng, tắm sơ lược thôi. Chiều lại đồ khô, mặc vào, kế gió thổi cát bay lấp đầu cổ, quần áo trắng phao. Issê bàn lấy vải che sơ gần đống thùng chất của bọn Népal chỗ khuất gió, lấy đồ ngủ của bần đạo trải rồi mời lại tạm ngồi trốn gió. Cám ơn huỷnh, lại đó ẩn gió đỡ quá. Mấy huỷnh bèn lấy đá làm táo nấu trà uống và nấu ăn chiều. Các huỷnh đi rảo trên bến lượm phân bò khô đem lại lò lấy ống bễ da thổi lửa nấu ăn. Cách nầy cũng ngộ, nhờ ống bễ, phân bò cháy có ngọn không sợ gió, lại mau sôi mau chín, bần đạo ngồi xem cách họ cực lực vì bữa ăn chiều cũng khá thương. Họ ăn uống rồi thì kế trời có hơi muốn mưa, vừa rớt hột thì họ lấy vải căng che chỗ bần đạo ngồi, song mưa vừa ướt áo rồi thôi. Cả buổi tối tới khuya mới hết gió. Năm huynh đệ chèo queo ngủ. Bần đạo ngủ gần huynh Tanzine Guêgane, khuya thức giấc thì trăng đã gần chen lặn. Chung ra ngoài, hết gió, ít lạnh, ngồi ngoài hút tàn một điếu thuốc, chun vào nghỉ.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #85
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 26 Juin 1936 – mùng 8-5-â.l.

    4 giờ sáng thức dậy, lo nấu trà uống, uống chừng hai giội trà, kế bọn đò tới, chất hành lý vào hai chiếc đò da, chất rồi đồng xuống đò chèo đi. Trải qua nhiều khúc rạch hồ nước bị hàn ngăn chảy ồ ào như xối, có nhiều khúc rộng lớn mênh mông, hai bên mé nhà cửa xóm làng cũng đông đảo. Trên đảnh cây mọc không nổi vì tuyết, nhưng theo bến có chỗ xóm ở có trồng cây cối sum sê. Đi tới 8 giờ, thấy một cảnh chùa cất dựa hông núi, ngó xuống ranh hồ xem qua đẹp đẽ. Bần đạo muốn chụp hình, nhưng trời u ám chụp không đặng. Đi một đỗi nữa trời thanh tỏ lại, gặp một cảnh bến có nhà, có cù lao, có miễu, bần đạo bèn chụp ảnh cảnh ấy. Đò da lúc chậm lúc mau vì ngọn nước, hai con đò (đờn ông) hò hát u ơ chèo rỉ rả 9 giờ rưỡi tới làng Xú-soul. Đò ghé bến, chất đồ lên, Guêgane đi dọ coi Samdhen tới chưa, dọ xong trở xuống bến, vác đồ hành lý ngủ của bần đạo và dắt bần đạo đi đến chỗ ngụ, đến nơi thấy một mình Samdhen ngồi chong ngóc, thấy hai huynh đệ vào, bèn chào hỏi, đoạn hỏi bần đạo hôm qua ở tại bến đò Cô-trúc Nhaip-xốc-la tốt chăng, đêm ngủ đặng chăng ? – Ôi ! cực vì gió lung quá, cát bụi đầy mình, thêm tối trời mưa, chỗ ngủ ngắn chẳng đầy thước, cả đêm chèo queo mà chịu. Huỷnh cười rằng : Tôi hôm qua vào xóm, tới chiều mới có ngựa, ngựa lại xấu mã, cà xọt tới Xú-soul nầy cùng Choundouss 10 giờ. Isess 11 giờ, Sonnam 12 giờ khuya mới tới, tôi tới trước, xóm đóng cửa ngủ hết, kêu rát cổ mới đặng nổi chỗ ngụ lôi thôi, tôi rầy la đưa trát ra, họ mới nhúc nhích, cực quá. – Đoạn 10 giờ ăn bột với nước muối rồi 10 giờ rưỡi lên ngựa đi tới làng kia… gặp Choundouss và Isess ở dưới bóng cây chực đón, có người trong xóm cũng sẵn đó. Xuống ngựa, uống trà, uống xăng, đổi ngựa xong rồi đi, chỉ có con ngựa của bần đạo, không đổi, để đi tới Lhassa. Mười hai giờ rưỡi đi, ngựa lúc đi mau lúc chậm. Hai giờ rưỡi đã tới Giăng-mạch, huynh đệ đồng xuống ngựa vào nhà trạm nghỉ luôn đêm.


    Ngày 27 Juin 1936 – mùng 9-5-â.l.

    Sáng 6 giờ lên ngựa. 9 giờ tới Nhê-thăng, nghỉ luôn sáng sẽ lên đường, bần đạo mừng vì ngựa còn đi xa đường, nghỉ vậy tốt lắm.

    Samdhen nói : Còn 30.000 thước tới Lhassa, vậy ngày mai sẽ tới nơi rồi, bần đạo rất mừng, mấy tháng mệt mỏi, nay nghe mai tới Lhassa mừng hết mệt. Đoạn 11 giờ rưỡi ăn ngọ bột với canh cải. Đường đi từ Yangk-sê tới Nhê-thăng, khó ít vì đèo dốc ít, đường bằng lung, nên ngựa cũng dễ đi. Bần đạo nói với Samdhen đổi giùm 2 rupee tiền Tây-tạng đặng bần đạo cho huynh đệ 1 rupee ăn uống tự tứ cho vui, vì mai tới Lhassa, trải mấy ngày đường cực nhọc, nhưng Samdhen đưa 15 trăng-nga nói : ít, ít tốt hơn, nhiều quá họ ăn uống say sưa. Đoạn bần đạo lấy tiền ấy đem xuống lầu vào chỗ phòng ngụ mấy huỷnh, nói với Choundouss, bần đạo cho huynh đệ vui một bữa vì mai tới Lhassa, họ mừng rỡ tiếp lấy tiền rồi ăn uống cùng nhau, bần đạo cũng đồng ngồi hoan hỉ ít chén xăng. Tới tối khuya họ mới rã tiệc. Đêm nay ngủ êm ả.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #86
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 28 Juin 1936 – mùng 10-5-â.l.

    5 giờ sáng, trà nước xong lên ngựa, đi tới 8 giờ rưỡi tới làng Đung-gar, bốn huỷnh đổi ngựa rồi đi, 10 giờ rưỡi tới chùa tên Dzêss-bung, chùa lớn có tới 7.700 tăng chúng, có một cảnh nhỏ cận bên, hằng ngày có 100 tăng sư lo cúng dường, ấy là Tăng sư chùa lớn thay đổi lo việc. Chùa nhỏ nóc vàng chói rực. Đoạn huynh đệ đến nhà quen ngoài xóm nghỉ uống trà nghỉ ngựa, chập lâu có một vị lama đồng hương Samdhen đến, chào nhau rồi uống vài chập trà, đoạn dẫn nội bọn đi viếng chùa nhỏ. Chùa nầy là chùa Tổ, thờ các vị Lama Tổ sư tịch diệt, có cốt có y mão Quốc Vương, gươm vía, giáp sắc, mão sắc treo đầy cột hàng ba. Đoạn đi lễ bái đủ chỗ rồi thì Samdhen có cúng dường chút ít, bần đạo không tiền lẻ, nên xuôi qua. Về chỗ ngụ 1 giờ rưỡi lên đường.

    3 giờ tới Kinh-đô Tây-tạng là thành Lhassa, ngựa đi ngang đảnh núi nhỏ trên có cất nhà, xem ra tốt đẹp, dãy dọc, dãy ngang, hỏi ra là nhà dưỡng bịnh của đức Boda Lama Quốc Vương, kế đó là cửa thành, vào cửa thành thì trước hết đi ngang qua Quốc-tự của Quốc Vương Lama, cất trên đảnh núi, xem ra không biết mấy nóc, khảm vàng rực rỡ năm, sáu từng lầu. Lúc còn đi đường xa xa lối ba, bốn cây số đã thấy phía hậu Đền chùa rồi. Kêu là Đền vì phần riêng của Quốc Vương, song Quốc Vương là một vị Đại-đức Lama nên gọi Chùa. Một mình làm vua sãi mà cũng vua toàn quốc cai trị quan dân. Lần lượt nẻo quẹo đường quanh, người ngựa đã tới chỗ ngụ, có người chực sẵn rước vào một căn phòng sẵn có đơn tợ. Ấy là nhà trong vòng thành Dinh-quan Tứ-trụ Thừa-tướng nước Tây-tạng. Samdhen đã có quen trước và cũng có thơ từ trước. Căn nhà ở gần bên tên Đầu bếp của Thừa-tướng. Người đầu bếp cũng vui vẻ, tiếp rước chỉ phòng sắp đặt hành lý, an đơn rồi, thì vợ chồng đầu bếp hộ củi phân bò, cà ràng, nước cho tổng khậu Isess nấu trà giải lao. Tối lại họ ăn chiều, rồi lo nghỉ ngơi. Huynh Samdhen nói : đây là nhà cửa trong vòng thành Quan Thừa-tướng. Dinh Ngài ở gần đây phía tả phòng nầy, mai huynh đệ mình sẽ ra mắt ngài.
    [Hai hình dán tại đây đã hư.]



    Điện Potala

    Om Mani Padme Hum !

  7. #87
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 29 Juin 1936 – 11-5-â.l.

    Sớm mơi thức sớm, 7 giờ trà, bột điểm tâm, đoạn đổi giấy bạc 2 rupee ra tiền Tây-tạng, hườn cho Sam-dhen 15 trăng-nga lấy bữa 27 Juin. Trưa lại ăn ngọ bột với cải củ trắng nấu cà-ri (bần đạo 9 giờ đi chợ mua). Qua 11 giờ 20 có người ở đằng Dinh-quan Thừa-tướng lại nói : Giờ nầy Quan tiếp khách, thì ba huynh đệ Samdhen, Choundouss và Bần đạo liền theo chơn tiểu-lại-quan. Mấy huynh kia khuân lễ vật : 2 bao gạo, vải Bhutan và các vật hình Bodhgaya tháp, nước sông Gange, trái ngâu tại tháp Phật-đà-gia, lá Bồ-đề, đất nền Nalanda, đem lại Dinh. Lên lầu, vào phòng khách, thì đã có Quan-lớn và Bà-lớn ngồi tại phòng. Các quan lại đem lễ vật vào, ba huynh đệ theo chơn, đến phòng bèn chào Quan và bà lớn. Đoạn ba huynh đệ đem vải, anh lạc tặng ngài. (Trước khi đi, thì tên đầu bếp có cho hay rằng : Quan lớn muốn cho Bần đạo đắp y phục Bí-sô ra mắt ngài, chớ không muốn bần đạo mặc đồ Tây-tạng ra mắt ngài.) Đoạn hai ông bà ngó trân bần đạo, chấp tay xá đáp lễ, rồi mời ngồi trên đơn. Tục người Tây-tạng nhà nào cũng có đơn tợ sẵn sàng, vì đất Phật, chư tu hành hằng hay đến nhà nên phải có đơn tợ, chớ không ghế ván như xứ khác. Kẻ thấp hèn thì ngồi trên rầm trên đất, chẳng đặng ngồi đơn. Đoạn an đơn rồi, thì Quan đàm đạo cùng Samdhen, kế bà-lớn kiếu vô, truyền quan lại sắm sửa trà bánh. Bà-lớn bèn vào phòng kế đó, một chập bước ra, bần đạo xem qua thì bà-lớn trang điểm, cài tóc, đeo ngọc, châu cách lạ lùng con mắt bần đạo. Tại Yank-sê chỉ thấy đầu cung gắn ngọc thạch. Đến đây lại thấy đầu cột ngôi sao ba chuôi gắn ngọc, tóc rẽ làm hai treo trên hai góc ngôi sao bỏ xả hai bên tai khỏi vai, đoạn dưới vóc bính rồi đâu hai bính ra sau lưng, có một sợi ngọc điệp cột hai bính ấy. Hai bên tai đeo hai tấm ngọc thạch xung quanh cẩn vàng lớn lấp tai, mặc áo vận tả hàng tử tế, liền có thế nữ bưng một cái bàn nhỏ sơn phết để vòng trước cái nệm vuông áo gấm. Bà lại nệm ấy ngồi, bà kêu thế nữ nói nhỏ, thế nữ bèn bưng một cái plateau(1) bạc có bình trà bình sữa, bình đường bằng bạc trên ấy, đoạn quan lại bưng để trước tợ mỗi người. Choundouss ngồi trên khảm nhỏ trải trước đơn, chớ không đặng ngồi đơn. Đoạn thế nữ bưng bình sữa và đường đem lại tợ Quan-lớn trước. Quan rót sữa bỏ đường vào trà rồi, thì kế Samdhen, Bần đạo và Choun-douss. Quan lớn và bà mời xơi trà, đoạn trà xong, thế nữ dưng bánh thuẫn, nhưng ba huynh đệ không ăn, thế nữ rót trà thêm, nhưng ba huynh đệ dự kiếu. Trà rồi, bèn thấy một người trai ốm cao, ăn mặc đồ âu-phục bước vào ngồi tại chiếc nệm của bà lớn ngồi làm trà khi nãy. Đầu tóc vóc hai bính rồi thắt như hình bánh neo ngay trên xoáy thượng, giữa bánh neo có giắt ngọc thạch xanh, y như Quan-lớn. Quan-lớn nói tiếng Tây-tạng cùng người trai ấy, thì người trai ấy bèn nói tiếng Ăng-lê hỏi bần đạo quê hương xứ nào ? – Thưa Annam quốc. Quan lớn nghe thông ngôn lại thì nói Annam, Annam, hai, ba lần thì bần đạo nói, ừ, ừ, tỏ ý biết và có thấy trong họa đồ.

    [Hình dán tại đây đã hư.]

    ------------------





    Người trai bèn hỏi, từ xứ của thầy đến Ấn-độ, đi bằng chi ? – Đi tàu 10 ngày tới Madras, ngồi xe lửa từ Madras đến Bérarès ba ngày ba đêm. Đoạn quan lớn cùng Samdhen chuyện vãn một chập rồi ba huynh đệ từ kiếu về chỗ ngụ. Mười hai giờ rưỡi Samdhen thuật lại rằng : Huỷnh học với Quan rằng : Bần đạo chịu cực khổ tới Lhassa, trải bốn tháng trời theo huynh đi các nơi. Tại xứ đường xá xe cộ chớ không từng cỡi ngựa trèo non lên đèo xuống ải. Quan khen ngợi và huỷnh nói bần đạo ăn chay ngọ. Quan nghe khen nói : Biết kinh kệ nhiều rồi nên mới đặng bực ngọ trung. Quan hỏi huỷnh sao chư Lama không ngọ trung chay lạt. Huỷnh nói còn bực thấp và còn lập công quả nên ăn chưa đặng. Qua 1 giờ rưỡi huynh đệ kéo nhau đi viếng chùa Kinh đô tại thành phố. Chùa nầy tên Lhassa Chô-khăng (Sakia muni), rộng lớn, không biết mấy cung điện Phật và Tổ-sư, mỗi điện lễ bái cúng dường 1 trăng-nga. Bốn giờ mà chưa tất, bèn kéo về, hẹn ngày khác sẽ viếng nữa, lúc về ghé chùa nhỏ tên Chomi-chúchđorgiê hành hương và cúng tiền. Chùa lớn và nhỏ không có tăng chúng ở, chỉ để cho chư tăng các tự xa tới viếng Kinh đô, ở kinh-kệ. Tối lại họ ăn đêm, bần đạo cứ lệ cũ, ngồi thiền, niệm Phật tới giờ ngủ.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #88
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 30 Juin 1936 – 12-5-â.l.

    Nhựt thường lệ, trưa dùng ngọ cốm dẹp với cải củ kho, vì hết bột cà-ri. Trọn ngày nghỉ mệt không đi đâu. Bần đạo nói với Samdhen, bần đạo muốn mua chút ít đồ Ăng-lê, đem tết Quan Thừa-tướng. Huỷnh bèn bàn luận cùng huynh đầu bếp, thì người nói để mua bánh biscuit, beure và trà ăng-lê tết tốt.
    Học thêm tiếng Tây-tạng.


    Ngày 1er Juillet 1936 – 13-5-â.l.

    Nhựt thường lệ, điểm tâm trà bột rồi, thì Samdhen nói : Bữa nay ăn một bữa cơm, bèn bảo tổng khậu nấu cơm cho bần đạo ăn ngọ. Xứ Lhassa củi quế gạo châu. Hơn mươi ngày mới ăn một bữa cơm. Mười một giờ bần đạo ăn cơm ngọ với cải kho hôm qua. Các huỷnh lo kết cờ và giấy in thần chú, gọi ngày mai đem cúng chùa. Kế 1 giờ Quan lớn sai người đem beurre Tây-tạng, cải bẹ trắng và bột né hộ. Đầu bếp nói Quan hộ hai thầy, Samdhen cho người bưng đồ vài cắc Tây-tạng. Hai giờ đầu bếp lấy 12 rupee của bần đạo đi chợ mua đồ tết, đem về hai hộp bánh lạt và hai chai nước xì yểu, nói beurre và trà không có. Vậy hai chai xì yểu cũng quí quá giá 9 rupee ngoài. Bốn giờ đem lễ vật cùng Samdhen đi viếng Quan lớn. Chào xong, mời ngồi, quan lớn bữa nay bật tiếng Hindou với Bần đạo, chuyện vãn trút giờ, trà Tây-tạng cạn chén rút về. Kế tối Quan sai người lại mời hai huynh đệ lại dinh xem hát bóng. Tám giờ tối, hai huynh đệ theo chơn sai nha, đến phòng khách dinh Thừa tướng, thì đã thấy có đông người khán giả tựu đông rồi. Quan lớn bận áo nhỏ ngồi ghế đẩu (tabouret) gần bàn để máy chớp bóng. Ông bà mời huynh đệ tọa đơn rồi thì Quan bèn tắt đèn khí, đoạn mở máy chớp bóng, hình rọi vào tấm vải lớn một thước bề dài, tám tấc bề ngang. Hình rọi hát toàn bản Tây-tạng, du hồ thuyền da, chúng dân thầy thợ làm cầu, đúc trụ, hát rằm mang mặt nạ, đức Quốc Vương Lama dạo thành. Lớp chót hát bản Anglais giễu. Chín giờ hết bản, bà lớn đãi trà, thuốc, lúc vặn đèn thì thấy có Quan sứ Népal và toán quan lại quân lính của ngài lối mười người đồng có dự khán, đoạn hát một lớp nữa, hết lớp ấy hai huynh đệ kiếu về là 10 giờ. Bà lớn cách niềm nở với Bần đạo, tỏ ý thương người tuổi tác, xa phương cực khổ đến Tây-tạng, nên bà niềm nở, nói với Samdhen, bảo bần đạo có buồn thì lại chơi đừng ngại. Bà mời hút thuốc rồi chính tay bà quẹt cho bần đạo đốt thuốc.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #89
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 2 Juillet 1936 – 14-5-â.l.

    Sớm điểm tâm trà sữa, ấy nhờ đầu bếp mua giùm sữa tươi, 9 giờ ăn bột không ăn ngọ kịp, vì cùng huynh đệ đi dạo Thành phố. Phố xá cất y như kiểu Yanksê, không có nóc, cất rầm ở trên như plafond, sạch sẽ hơn các quận đã trải qua, nhưng cũng có sự dơ dáy, không có chợ chỉ che giại theo lề đường bán và bán trong phố. Có chợ riêng bán thịt lối vài chục thớt. Đồ bán phần nhiều đồ Anglais-Calcutta đem đến, có dân Népal qua buôn bán, có người đạo Dehamoden ở cũng bộn. Đi giáp khắp chỗ buôn bán rồi về 12 giờ rưỡi tới nhà.


    Ngày 3 Juillet 1936 – 15-5-â.l.

    Bữa nay điểm tâm cải salade chấm muối, không có giấm mà trộn salade. Đoạn 9 giờ Quan Thừa tướng cho người lại bảo, giờ nầy đi đảnh lễ Quốc Vương Bơda Lama(1) đặng. Bảo rằng : Bần đạo phải đắp y Bí-sô, chớ không nên bận đồ Tây-tạng đi yết kiến Quốc Vương. Y theo lời dạy, rồi cùng huynh đệ của Samdhen bốn người khuân lễ vật y như đồ lễ dưng Thừa tướng ngày nọ, đi ra đường thành phố, cả người đi đường đều dòm bần đạo, ấy là lạ mắt họ lắm. Bần đạo chỉ cứ đi không chút ngại ngùng. Khi đến nhà Thiền Lama-Quốc, nghĩa là chư tăng sư của Quốc Vương Lama, thì huynh đệ đem lễ vật vào đó, lên lầu thì có một vị lama ra chào và mời vào liêu một vị lama gần đó tạm ngồi uống trà đặng chờ vị lama hầu cận Quốc Vương đến dẫn lộ. Đồng đi lên lầu ngự điện Ratrinh Labrăng Dziđê, trụ tại căn phòng quan hoàng môn để lễ vật trên bàn trình cho hoàng môn xem xét sắp đặt rồi, đoạn mới cho vào. Mở cửa Ngự điện, huynh đệ đồng bước vào. Samdhen đi trước, kế bần đạo, Choundouss, Issê và Sonnam. Lét ngó, thấy đại đức Bơda Lama Quốc Vương tác còn thơ (hỏi lại thì mới 27 tuổi, thế ngôi Tả-lê Lama(2) Quốc Vương tịch, đặng bốn năm), mặt mày sáng láng, ngồi nơi long đơn, trước có tợ sơn son phết vàng. Trên đơn trải gấm Tây-tạng. Nội bọn chỉ bần đạo đắp y vàng rực từ trên sấp dưới, làm cho Quốc Vương chăm chỉ ngó ngay, các Lama và quan nội điện đều để mắt. Đoạn Samdhen đảnh lễ, bần đạo y theo, rồi Samdhen đem anh lạc lại long tợ dưng và cúi đầu ngay Quốc Vương. Đại đức bèn tay mặt (thủ ma kỳ đầu) rờ đầu Samdhen, đoạn có vị Lama cầm một nắm niệt lụa điều đứng kế long tợ, lấy một sợi niệt ấy giắt lên cổ Sam-dhen, rồi huỷnh bèn thối lui đứng chấp tay hầu, bần đạo cũng y theo huỷnh, rồi thối lui lại đứng chấp tay gần huynh. Lét xem chung quanh Long-điện, chỗ cất riêng cho ngài ngự nghỉ khỏe lúc ít việc nước, chớ thường ở tại Tapola(1) Quốc tự, có Long điện chánh thì cách sơn vẽ rất thiện nghệ, có điện Phật cùng điện tiền Tả-lê Lama Quốc Vương. Xem ra cũng nguy nga rực rỡ. Ba huynh kia đều y theo tiền bối mà đảnh lễ Quốc Vương. Đoạn Đại đức Tả-lê Lama chỉ cái đơn phía hữu trước Long-đơn, bảo Samdhen tọa đơn, còn bốn huynh đệ tôi, quan hầu cận bèn mời xuống lầu vào một căn phòng khách thết trà Tây-tạng. Phòng có đơn tợ đẹp đẽ, tapis hàng màu trải trên đơn, tợ cũng sơn vẽ rực rỡ. Quan hầu mời bần đạo ngồi nơi đơn cao, tợ lớn hơn các chỗ kia, đoạn bảo ba huynh đệ kia ngồi đơn thấp tợ nhỏ, rồi giao việc cho quan phòng trà. Người bèn đặt chén trà (tàu) trước mỗi người, rót trà mời giải lao. Hai chập trà, chừng 20 phút, thì huynh Samdhen trên Long điện xuống bước vào phòng trà nói : Xong rồi các việc, vậy huynh đệ mình lui. Đồng kiếu quan phòng trà ra về. Về dọc đường cả người bổn quốc nam nữ đại tiểu trên đường và hai bên phố đều dòm ngó bần đạo xầm xì. Huynh Samdhen nói, họ xúm xem thầy và nói : Cha chả vàng lườm. Bần đạo tươi cười vững lòng vững bước như không người và nói với Samdhen rằng : Tốt lắm, tốt lắm, tôi muốn cả xứ Lhassa đều biết y phục của nhà Phật là vậy. Chừng bần đạo phút nhớ tới huynh Dammajoti và Samdhen đã có nói : Có Bikku Rahula (Patna) đi Tây-tạng hằng niên. Dhammajoti có nói tại Bodh Gaya với bần đạo, trước khi đi Lhassa rằng : Năm nay Rahula Bikku sắm sửa đi Tây-tạng và ở lại ít năm học tiếng Tibet. Tôi muốn viết thơ cho thẩy, gởi huynh đi với thẩy. Nhưng bần đạo nói : Tôi không muốn vì thẩy dầu có đi rồi biết đường đi nước bước xứ Tibet mặc dầu, chớ gẫm cũng không bằng người Tây-tạng, vậy nên tôi muốn đi cùng Samdhen Lama dễ hơn, có lẽ người thạo hơn Rahula. Khi nghĩ nhớ sự ấy, thì và đi và hỏi Samdhen rằng : Ủa, vậy chớ người bổn quốc không từng thấy y phục phật pháp của tôi mặc đây sao ? Vậy chớ Rahula bí-sô ở Patna thường đi Lhassa, nhơn dân xứ nầy không thấy sao ? Samdhen rằng : Rahula bí-sô đâu dám mặc y phục vàng như thầy vậy, người mặc y phục theo Lama sư và y phục người thế Tây-tạng. Nếu thẩy mặc đồ vàng thì phải bị bắt và đánh đuổi ra khỏi nước, vì xứ Lhassa trọng sắc vàng lắm. Sắc Phật chỉ đặng làm y, làm áo, làm mão thì đặng, còn ai dùng làm chăn, làm quần, làm vớ, làm giày bằng sắc vàng ấy thì bị phép nước bắt đánh đòn, lột đồ ấy rồi đuổi ra khỏi nước. Nhơn dân quăng đá mắng chưởi. Ấy là tục lệ xứ nầy vậy.

    Còn thầy lại là khác, chỉ có một mình thầy đặng ân huệ ấy. Vì khi thầy đi tới xứ Lhassa, mặc đồ Tây-tạng, đặng ở trong vòng thành dinh Thừa tướng. Đến bữa ra mắt Quan, quan lại muốn cho thầy đắp y phục Bí-sô theo xứ thầy, ấy là ngài đặng thơ trước và biết thầy là Bí-sô của hội Maha-Bodhi-Sociéty, thảy đều mặc trên dưới y phục sắc vàng. Vì ngài có đi Bodh Gaya, Calcutta và Sarnath cúng dường, nên biết y phục ấy. Nay ngài lại muốn thấy, nên không phải tự ý thầy. Lúc đến viếng Quan, cả người trong dinh đều thấy, và đã đồn rân khắp thành thị, phần đông đều hiểu trước thầy là người quen của nhà Thừa-tướng quốc. Đến nay đi ra mắt Quốc Vương thì Thừa tướng đã có tâu trước, lại đi với bọn tôi, đi con đường đến Ngự điện, ai ai thấy cũng biết, lại thêm lúc đi có Lama quan cận sự đem đường, nào ai không biết, nào ai dám nói. Lại thêm lúc về tuy nội bọn đi không có Lama quan dẫn đường, nhưng nhơn dân quan-lại xem thấy cái niệt điều trên cổ cũng đủ biết ở trong Ngự điện, hoàng thiền mà ra. Bần đạo nghe qua, niệm Phật và cảm đức oai linh Phật lực ủng hộ làm cho bần đạo an ổn các nơi vô chướng ngại. Về đến nhà ngụ đã 11 giờ rưỡi nghỉ ngơi rồi ăn ngọ bột với canh cải bẹ trắng. Chiều y lệ.

    Om Mani Padme Hum !

  10. #90
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 4 Juillet 1936 – 16-5-â.l.

    9 giờ ăn bột với cải chua xào. Đoạn 9 giờ rưỡi có một vị Lama ở dinh Thừa tướng lại mời đi hành hương, nơi Quốc tự Hoàng thành Tapola. Huynh đệ đồng đi với Lama dẫn lộ. Khi đến trước Quốc tự thì Bần đạo có chụp ảnh chùa. Qua cầu, vào cửa chùa lần bước lên không biết mấy cấp thang, mệt ngất, chùa cất trên đảnh, lên cao chừng nào dòm xuống thành thị như thấy bàn cờ. Hôm qua có đưa cho Samdhen 2 rupee mua beurre cúng đèn trong chùa, ấy là tiền dầu. Beurre thắng đổ vào bình, bưng vào chùa, Lama dẫn lộ, bèn kêu ông từ chùa đi theo đặng chế beurre trong các đèn lưu ly các điện, chùa rộng lớn nhiều lầu nhiều nóc, nóc nào cũng thếp vàng. Hành hương đủ các điện, đều có cúng tiền cầu chúc phước cho Đàn na tín thí, vì bần đạo ít đức, e không đủ chia cho đàn na.
    [Hình dán tại đây đã hư.]



    Rốt chói mắt vì thấy nhiều điện Phật toàn bằng vàng ròng, lư, đèn, lục bình các món làm bằng vàng. Rồi việc cúng dường, đến cúng dường tháp của chư Tả-lê Lama Quốc vương tịch diệt. Ôi đến nơi : thấy tháp (cũng trong Quốc tự) cao lớn, cả trên dưới đều thếp bọc vàng ròng, chạm trổ, ngọc thạch xanh, đỏ, vàng, trắng, lưu ly, pha lê, trân châu, thủy xoàng của Quan dân cúng dường gắn cùng tháp, trước tháp trên bàn để lư hương, đèn lưu ly toàn bằng vàng, lớp dọc lớp ngang, châu ngọc kết thành, có cây vàng, lá bạc, trái ngọc bông châu, bần đạo chưa từng thấy. Ấy là tháp Tả lê Lama Quốc Vương tân tịch đã bốn năm rồi. Còn 12 cái tiền Quốc Vương cũng tốt đẹp, lớn nhỏ không đồng, nhưng cũng toàn thếp vàng gắn ngọc gắn châu, có liễn theo biên chạm, tràng phan, phướng của người Tàu đến cúng dường. Có một vị từ tháp dắt chỉ, cắt nghĩa châu ngọc cái nào giá quí báo thế nào. Có chỉ một cây cột cận tháp trổ bông, ấy là tai nấm lạ lùng mọc một chùm như bông đá dưới biển (corail) bông nấm ấy có làm thùng bao kiến chụp và khóa lại.
    [Hình dán tại đây đã hư.]



    Người nói : trước khi Quốc Vương tịch, thì chỉ chỗ cất tháp và nói chỉ cột sẽ trổ bông, chỉ đương kim Tả lê Lama nối ngôi. – Xong việc cúng tháp, sang qua nơi phòng kinh. Kinh chất đầy kệ không biết mấy ngàn mà kể. Một căn phòng lớn chung quanh làm kệ để những bản khắc kinh, rộng lớn hơn cái Bibliothèque Saїgon. Xong rồi, tiền nước cho ông từ rồi ra về, quận xuống núi chùa khỏe ru, không mệt như lúc đi lên, thở ra khói. Vị Lama dẫn lộ (ấy là Lama đồng hương của Thừa tướng và ở trong nhà Thiền của Thừa tướng cất đặng nuôi người tu đồng hương cũng trong chùa, chư tăng đồng hương lối 300 sư) cũng đưa huynh đệ về nơi liêu ngụ, khi ra về Samdhen có hộ chút ít tiền.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 2 người đọc bài này. (0 thành viên và 2 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •