DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 191
  1. #1
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________



    Kệ rồi, xây lưng, sắp xuống hầm, trực ngó một lớp lính "sơn-đá" (soldar), nằm ngủ trên bong và khách Ấn-độ, một đôi người sắp lớp, kẻ ngang, người dọc ngáy ro-ro. Tôi dừng bước, nhìn đó mà nghĩ rằng : “Kiếp con người đến bao nhiêu đó là cùng. Ngày thức, như kiếp sống, bôn ba tranh cạnh, bỉ-thử lấn-xô, hồ, cáo cấu xé, bất quá bảo tồn cái ngã và ngã-sở, nuôi sống xác-thân. Đêm ngủ, như giấc chết tạm, xả rồi mọi sự, ngã ấy bất quá bản-thân, cũng quên, cũng bỏ. Kẻ nghịch, đến giết cũng không hay không biết. Hà tất ngã-sở, vợ con, nhà cửa, của tiền, vân vân…

    Tuy thân còn tại thế, mà trong một giấc ngủ, đủ rồi buông bỏ ; sự mất còn, phú đó cho rủi-may. Huống chi là trong giấc ngàn thu của xác thịt… Một mình nghĩ đến đó, một mình thở ra, rồi thẳng xuống phòng ; thấy đồng hồ đã quá 3 giờ. Lên giường nằm nghỉ, chưa kịp nhắm mắt, nghe đằng chỗ nấu ăn, mấy người chà đầu bếp đã thức dậy, tôi cũng còn nằm nghỉ mệt.

    Sớm mơi, điểm tâm lúc 7 giờ, một ly café sữa với bánh mì. No-nê rồi lấy cuốn sách trợ khách (guide) chữ Tây và Ăng-lê, học ít câu để đi đường. Rồi cũng hỏi mấy anh chà tiếng Ấn-độ mà học. Họ nói đâu thì biên vào sổ tay tiếng nấy, vì tiếng Tamil khó nói và khó nhớ lắm.

    Trưa 11 giờ ăn cơm với cà-ri chay, chiều họ ăn, mình nghỉ. Ngày nào như ngày nấy. Ngày nào không có cà-ri chay thì tôi lại có cà-na muối, đậu phộng nấu mặn, sẵn dành trong túi-dết.

    Bảy giờ mơi ngày 20 Avril 1935, tàu đã tới Singa-pore. Tàu cập cầu rồi, thì khách trên bờ, khách dưới tàu, kẻ lên người xuống. Tàu đậu tới 1 giờ chiều, mặc-tình hành-khách đi xem thành-thị và mua vật-dụng.

    Khi ấy, tôi thấy nhiều người Ấn-độ xuống tàu, hỏi thăm anh Bảy Venugopala, ông nào là Tào-kê([5] chủ hội Xả-tri ? Anh ta chỉ rồi, tôi đem thơ của ông Ramassamy đưa cho Tào-kê chủ. Ông ngó tôi một cách sửng-sốt, như kiếm trên gương mặt tôi coi có vẻ quen hay không. Anh Bảy Venugopala bèn trăm(6) lia với ông. Ông lấy thơ ra xem, rồi tươi cười và xá-xá tôi, đoạn nói : “Tốt quá, tới Madras có tôi không sao mà.” Ông xếp thơ bỏ vào túi rồi hỏi tôi : “Ông đi lên chợ chơi, coi chơi.” Tôi lắc đầu, nói không đi. Mấy ảnh kéo nhau đi, còn tôi thì lên mé bực thạch coi người mua bán. Đoạn thả theo đường lộ, một nẻo cho dễ nhớ, không dám quẹo qua đường khác, vì sợ lạc đường. Singapore thì vui rồi, phố xá, lầu-đài, dinh-thự, ngó xán-qua thì cũng biết đẹp xinh. Người Tàu ở đây đông đảo lắm. Ấy là một cái hải cảng to lớn. Trở lại cũng một con đường đó, xuống tàu, lên giường ngồi, sực nhớ cặp mắt sửng-sốt của anh Tào-kê xả-tri ngó mình khi nãy, và những mắt người gặp trên đường ngó mình, trong lúc dạo xem thành-thị. Bèn toại ý kệ rằng :

    Om Mani Padme Hum !

  2. #2
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________



    Không kim, không cổ, vẫn quen nhau,
    Cảnh huyễn mài bôi, ngũ thể màu,
    Mắt huệ toàn xem, nào có lạ,
    Nơi mô cũng gặp, ngảnh là sao ?

    Là sao bỉ-thử, buổi hôm nay ?
    Ngũ dục tranh mồi, quên lửng ai ;
    Nhượng hết cho đời, tay rũ sạch,
    Xin đừng chia rẽ, nói là hai.


    Một giờ ngoài, tàu xúp-lê mở đỏi. Hành-khách xuống tàu, trong tay ai nấy cũng có ôm xách, không nhiều thì ít, những vật mua trên thành phố Singapore. Vì ở đây đồ đạc rẻ lắm, ai cũng ham vật tốt mà giá rẻ. Đem xuống tàu, phô-trương trầm-trồ, so-sánh cùng nhau.

    Tôi lên bong, đứng ngắm cái cảnh hải-cảng Singa-pore. Vì một lần thứ nhứt mới thấy, chớ bấy lâu nay nghe tiếng vậy thôi. Đi một con đường không thấy hết, đứng cao xa thấy trọn mặt châu-thành, thiệt là :

    Lầu-các, phố-phường cao chất-ngất,
    Trên bờ, dưới nước chật tàu xe.
    Dân-cư đủ sắc, nhiều phe,
    Bán-buôn đủ vật, dưới ghe trên phường.
    Xắt-xẻ phân, nhiều đường lắm nẻo,
    Khách lại qua kéo tốp, kéo bầy.
    Trông xa đảnh núi đụng mây,
    Đỡ trời ngăn bể hộ bầy sanh-linh.
    Thủy-long choán thinh-thinh ba hướng.
    Ngăn cõi bờ chẳng nhượng con trời.
    Hằng ngày hầm-hét khắp nơi.
    Đùng đùng binh sóng ngoài khơi áp vào.
    Mặt thành rấp xôn xao muốn hãm.
    Quyết trả thù cho đám cá tôm.
    Con trời đoài buổi đoài hôm.
    Mưu câu kế lưới chẳng nhờm sát-sanh.
    Bao giờ sóng lặng người lành.
    Ta-bà vàng trải đã thành Lạc-bang.


    Ngẫm nghĩ rồi cảnh vật, tàu chạy đã xa, còn thấy mờ-mờ, dạng-dạng. Bèn quày quả xuống phòng, xem kinh đọc sách, học tiếng chà đủ mửng, tiêu khiển ngày giờ, chờ ngày đến Ấn-độ. Ngày ăn, đêm ngủ không bỏ đặng.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #3
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________



    Bước đầu trên đất Tây-trúc
    Ba ngày nương tại thành Madras


    Bảy giờ sáng ngày 25 Avril, tàu đã tới hải-cảng Madras. Quảy gói lên bong, ngó lên thành-phố, có ý sốt-lòng và nghĩ thầm trong trí : “Ngờ đâu mà Thành-phố xứ Ấn-độ đặng lịch-lãm, đồ-sộ như thế.” Ngó dài theo bến bực thạch, cũng đủ ngưng tròng.

    Tàu cập cầu, anh Venugopala kêu tôi bảo sửa-soạn đặng trình thông hành rồi lên bờ. Lính xuống tàu, đứng tại cửa thang tàu đã thòng đụng mặt cầu. Ai lên tại đây đều lại trình giấy tờ mà lên. Tôi theo anh bảy lại trình thông hành rồi, bèn xuống thang, đứng nơi cầu đặng chờ mấy anh bảy. Họ còn đồ-đạc, rê ở xứ Annam, đem về Ấn-độ lung lắm. Cả năm mười rương. Nên tôi đứng đó coi chừng giùm và để mắt xem tốp người trên cầu. Ròng là người bổn-xứ, mà tôi nghĩ sao lạ quá, vì không thấy một người Hoa-kiều nào cả. Mấy ảnh đem đồ hành-lý lên đủ rồi, kêu xe chở lại sở Thương-chánh. Xét rồi, đóng thuế rồi, xe lần-lượt ra cửa sở. Đụng đường-lộ lớn, láng-bóng không một miếng rác. Càng đi vào thành-thị càng thấy nguy-nga, trẽ qua một con đường hẻm lớn, đi ngang qua một đống rác và tro. Tôi để ý khắp nơi, ấy là đầu-óc người lữ-khách. Đến xứ người, không một sự việc chi trong cảnh-vật, quanh mình, dầu lớn dầu nhỏ, cũng có thể dạy ta đặng những sự ta chưa từng thấy. Vì vậy nên mới thấy đặng một gã trai ốm yếu, đầu cổ chôm-bôm, trạc chừng hai mươi tuổi, nằm lăn nơi tro rác. Mình mẩy trần truồng, chỉ có một rẻo vải che chỗ kín. Lạ thay, không ai chiếu cố, để mắt chia giùm cảnh thảm ấy. Tôi bèn hỏi huynh Venugopala (anh bảy nầy biết nhiều tiếng Annam, nên hay lân-la với tôi, hơn hai chú nhỏ Tampi), nên mới rõ là một người tu-hành trong đạo Phá-kích (Fakir). Hành khổ hạnh, lấy tro ướp thân, trần truồng chịu mưa, nắng, tuyết, sương. Bấy lâu nay nghe trong kinh nói, chớ chưa từng thấy. Nay đặng tận mắt, thì phá tan đặng một màn tưởng-tượng. Xe quẹo qua một con đường không mấy rộng, ngừng trước một cái nhà hai từng, rộng lớn nền cao. Đây là nhà hội Xả-tri cho vay đó, tôi theo chưn ông Tào-kê bước vào. Thì cả thảy cặp mắt tròng trắng như bạc kia, đều nhắm qua hướng của tôi, cách sững-sờ tự-nhiên. Tào-kê biết, trăm lia, ai nấy gật đầu, tôi cũng chào họ. Chôi cha, dưới tàu học được ít tiếng chà miền-dưới, như con nít mới học nói. Phúc gặp đám mừng bạn đường xa mới về, nghe qua như vịt nghe sấm. Tôi đem thẳng cái gói hành-lý lại một cái góc-xó, cận tường mà rộng-rãi. Để đồ đó, ngồi đó mà nghỉ một cách không e-lệ. Vì đã quen mắt dưới tàu, vào ra cùng người da đen nầy. Ngồi nghĩ rằng : “Ta nay mới hạ sanh trên đất Ấn-độ, phải chịu câm, điếc một ít lâu, như con trẻ mới ra khỏi lòng mẹ. Có tai không biết nghe tiếng người là điếc, có miệng không nói đặng tiếng người là câm. Nhưng, ta khá hơn trẻ bé, vì biết ra dấu, đỡ lắm. Mở gói, lấy dết đựng trang phục, lấy cái chăn nhuộm già, có đem theo phòng lúc tắm rửa. Thay quần áo, vì tám ngày ở dưới tàu chịu lì. Đoạn trải cái mền ra, trên nền tráng xi-măng, nằm nghỉ như mấy ảnh, trên đệm trên chiếu đó. Chớ họ có bàn, ghế, ván, giường chi đâu. Mấy anh kia đem đồ vô rồi, họ cũng đi chào bạn cố hương của họ. Mười giờ rưỡi, mấy ảnh hô : “Côlick borème” tôi nghe biết họ đi tắm. Tên Tampi cháu Tào-kê, lại bảo tôi đi tắm. Tôi nói không tắm, thì y nói : “Không tắm ăn cơm không đặng mà.” Tôi hiểu đó là phong-tục của họ. Thôi thay chăn đi tắm, có hồ nước phía sau, lớn và đầy nước.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #4
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________



    Cả thảy đều đứng quanh hồ, múc nước xối tắm. Mình cũng chẳng nên ngại, chen với họ mà tắm, mà coi họ vui lòng. Có một người xả-tri đứng gần tôi, nói : “Hồi trước tôi có ở Saїgon hai ba năm. Về miền-dưới lâu rồi, quên tiếng Annam lung lắm.” Anh nói còn sửa quá. Đây là thêm một bạn tại Madras đó. Tắm rồi, giặt đồ dơ. Đoạn thay áo sạch, quần sạch, theo họ đi ăn cơm. Đồ ăn chay, cà-ri và vài món cũng cà-ri chua, cà-ri khô không có nước. Họ nấu khéo, ngon, nhưng cay xé họng. Mới tắm đó, mà muốn tuôn mồ-hôi. Dưới tàu ít cay và không ngon bằng. Có sữa chua, mỗi người một thố đất, y như thố ô-môi khách-trú bán trong xứ mình. Họ trộn cơm họ ăn, thiệt chua quá lẽ. Song họ nói nó kỵ ớt, mát tì và không bón. Tập ăn cho quen, ớt lung lắm, nếu không dùng nó thì sẽ đau bao-tử. No nê rồi, lên nghỉ trưa, chiều thả rểu ra phía trước. Ngó qua phía trước gian phố bên kia, thấy một người không giống bọn xả-tri, vì nước da màu bánh-ít, hồng-lợt, tóc bạc, râu dài, trên trán có vẽ một cái chỉa ba hai bên trắng, ở giữa đỏ. Trong cổ đeo một xâu chuỗi hột kim cang. Tôi lấy làm lạ, không biết thuộc phái đạo nào. Kế anh bảy Venugopala bước ra, rủ đi nhà dây thép. Tôi hỏi ông già ngồi bên kia, trên trán vẽ chi vậy ? Anh ta nói : “Thiếu gì đạo, cũng thờ Ông Phật, Ông Trời.” Tôi hỏi : “Đạo gì ?” Ông nói : “Đạo Brahmana.” Tôi mới hiểu đạo Bà-la-môn. Đã biết đặng hai đạo rồi. Như đạo-sĩ nhỏ khi nãy, thì trong kinh có nói : Lục chưởng tà-sư, các hữu khổ-hạnh giái. Lục khổ-hạnh Phá-kích vi đệ tử. Trong kinh luận ngoại-đạo lục sư rằng : “Tứ giả : Tự-tòa-ngoại-đạo, thường vi lõa hình, bất câu hàn thử, tọa ư lộ địa giả.” Còn bọn Bà-la-môn nầy, là nòi giống đặng người đời tôn-kính, quí-trọng hơn hết. Bởi dân Ấn-độ có bốn giai-cấp, phân biệt trong nhơn-dân : 1. Bà-la-môn (Brahmana) là nòi giống người tu-hành ; 2. Sắc-đế-rị (Ksatrya) dòng vua-chúa ; 3. Phệ-xá hoặc Tỉ-xá (Vais’ija) dòng thương-mãi ; 4. Thủ-đà hoặc Thủ-đà-la (Sudra) nông-phu, tôi tớ, chuyên nghề hạ-tiện.

    Trong bốn cấp dân nầy, đến nay, tuy hết hàng vua chúa, nhưng họ cũng còn y phong-tục tôn-kính vậy. Ngoài thị-tứ thì lợt-lạt hơn ở trong xóm, làng, đồng-bái ; nhơn-dân còn tôn-kính mấy sư Bà-la-môn, cư-sĩ hay xuất-gia lắm. Mà nòi-giống ấy, còn là người thế-gian, cũng đặng yêu-mến kính nể vậy, vì họ có cái tánh-tình thuần-hậu, ngay-thẳng.

    Lúc đang suy nghĩ cái giai-cấp, bốn bực loài người nầy, dường như đã định kiếp ban-sơ, trong lúc sanh nhơn-loại. Do đức Phạm-thiên-vương từ miệng, tay, hông và cẳng mà sanh bốn bậc người. Cùng hữu-mạng, vô-mạng, vạn-vật đều ở tay của ngài sanh-hóa cả thảy. Toại kệ rằng :

    (Do tích Tỉ-nửu-thiên cỡi Ca-lầu-la điểu)
    Tỉ-nửu, Ca-lầu cỡi khắp bay.
    Na-la-diên rúng, trổ liên hoa.
    Phạm-vương từ đó, sanh nhơn-loại.
    Bốn giống, muôn hình của Thích-ca.

    (Xin xem trong Đại-nhựt-kinh sớ thập)

    Om Mani Padme Hum !

  5. #5
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________



    Viếng châu-thành

    Đã hai giờ ngoài, anh Venugopala hối đi nhà dây-thép trước, theo chưn ảnh, và đi và xem thành-phố, nhơn-vật. Cũng để mắt xem coi có người đạo-Phật hay chùa Phật không. Phút tới bến xe điện, anh cùng tôi lên xe điện, rảo xem cảnh-vật, tả hữu ngó liền-liền, xe ngừng nhiều bến. Đoạn tới nhà thơ, xuống xe, thẳng vào, thấy rộng lớn, nhiều phòng, nhiều gui-chet, sạch-sẽ, ghế bàn láng-bóng. Có salle d’attendre (phòng chờ của khách) trong có bàn ghế (salon meublé) đẹp-đẽ. Hai anh em gởi thơ về Saїgon và anh ta cũng gởi về nhà ảnh một cái dây-thép. Xong việc đi ra, thả qua nhà băng, anh ta lãnh bạc, nhà băng lớn hơn nhà băng xứ mình, có vẻ đẹp-đẽ hơn. Ảnh lãnh xong bèn trở ra đường, thả bộ lần theo nẻo nào chưa đi. Ngó xem không mãn-nhãn. Mình mặc áo tràng vải-dà, nên khêu mắt mọi người. Trối ai xem ta rằng lạ, mà thật, tự-cổ chí-kim họ chưa từng thấy, cũng như ta mới lần đầu, mới thấy cảnh trạng và nhơn vật của thành Madras của nước Tây-thiên. Ôi thôi, ta ngó phố phường, tiệm hãng, dinh-thự, lầu-đài không mãn-nhãn. Số người lại qua, đếm không hết. Họ lạ mắt, mà ta cũng chẳng quen ngươi, ngó ngang, ngó dọc dưới cùng trên. Thiệt là :

    Mỏi mắt cảnh-mầu, người tạo đó,
    Nguy-nga thành-thị, ngó không cùng.
    Xe-hơi, xe-điện cũng lung,
    Chở không hết khách trong vùng Trời-tây.
    Nam, nữ đó toàn bầy Hắc-tộc.
    Số lại qua lốc-cốc muôn-ngàn.
    Lộn trong một mỗ da vàng.
    Chen cùng anh chị một đoàn huyền-mun.
    Chưn đã mỏi, chưa cùng đường-xá.
    Phường phố kia xem lạ, quên thôi.
    Thịt buôn, cá bán làm mồi,
    Lẫy lừng sát-khí, làm hôi khí trời.
    Mắt Thích-tử thầm rơi nước lụy.
    Tủi đoàn em, anh chị cường quyền.
    Hoàn-cầu giặc-giã nhân-duyên.
    Thần kinh, quỉ khóc, đất nghiêng, trời gầm.
    Than ôi ! giống nghiệp gieo-giâm.
    Con Trời có biết lỗi lầm hay chưa ?
    Mặt nhựt xế, chẳng thưa dạng khách.
    Đoàn nam-thanh trắng-bạch áo chăn.
    Xông pha nữ-tú lăng-xăng.
    Má huyền, mũi ngọc, môi ngâm, răng ngà.
    Áo xiêm phủ màu da sậm tím.
    Chéo chăn hồng, đậy điệm tóc xanh.
    Đỏ, vàng, hàng vải đành rành.
    Neo, chuyền, kiềng cẳng đã thành thuyền-quyên.
    Trâm, hoa, cũng tùy duyên thủ phận.
    Vàng, ngọc đầy là phẩm giàu sang.
    Hột chai, đồ bạc, bần-hàn.
    Salon, ngọc-điệp là đoàn trung gia.
    Đừng khinh đó chà-và…


    Om Mani Padme Hum !

  6. #6
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________


    Đã về tới nhà-hội ngụ. Năm giờ rưỡi, anh bảy vô, tôi đứng lại cửa xem tấm bảng đồng gắn nơi cột tường. Lấy cuốn nhựt-ký ra biên mấy hàng chữ khắc trên đó “Nagara Viduthi No. 4 Coral Merchant. Street Mannady – Post Madras”. Bước vô nằm nghỉ mệt. Chập lâu họ kéo nhau đi ăn cơm. Một mình nằm suy nghĩ, chốn nầy không có chùa Phật, ở lâu không ích ; mình gấp đi Ba-la-nại, mà nói với Tào-kê đặng mai đi, mà ổng nằng nằng nói mốt sẽ đi, vì mốt ổng và ba người kia cũng đồng về nhà hết.

    Họ ăn cơm rồi, kéo lên rần-rộ, nổi đèn khí sáng trưng. Lấy cuốn guide ăng-lê ra tập đọc, vừa đặng vài câu, anh bảy và hai chú Tampi lại kêu tôi, bảo đi coi chợ đêm, rồi đi coi hát ông Phật, ông Trời. Tôi nói không coi hát, anh Venugopala nói : “Hát ông Phật, thầy đi coi tốt, tôi mua giấy rồi.” Tôi không hiểu sao, chỗ không có chùa Phật mà có hát Phật. Mà sao mình lại có duyên bói tuồng hát Phật. Thôi tùy thuận, bận áo tràng theo mấy ảnh. Chín giờ mới hát, nên mấy ảnh còn có ý dẫn tôi đi xem chợ đêm mà khoe bổn-xứ. Mấy nơi thắng cảnh họ đều trải-sang. Thiệt là :

    Đèn sáng chói, trời hôm cảnh lịch.
    Người dạo đêm, chẳng ít hơn ngày.
    Từ lớn lên, mới có bữa nay.
    Mắt xem trần thế, lối ngoài bổn-hương.
    Cảnh-vật đó, không nhường không sút.
    Nhơn-luân nầy, phong-tục nhu-hòa.
    Trong điều cợt-nguyệt trêu-hoa.
    Trên đường lả-lúa hẳn là bặt tin.
    Chỗ truy-hoan, lao hình tốn của.
    Trang-sức thân, sáng-sủa nhượng người Nam…


    Gần 9 giờ, đem nhau lại rạp hát bóng. Tôi hỏi anh Venugopala, coi hát ở đây sao ? Anh gật-đầu. Tôi nói : Tôi tưởng hát tại chùa, chớ ở đây thì coi không tốt. Ảnh không hiểu ý, chỗ mình nói. Cứ nói hát ông Phật tốt lắm. Bỗng thấy một tốp sư ngoại-đạo kéo tới, mà kẻ tục cũng đông. Vào rạp, thấy rạp hát sạch sẽ rộng rãi, kiểu đẹp lắm. Tới khi hát, tôi thấy hình rọi mà có nghe tiếng hát, ăn theo cử chỉ hình bóng. Tôi thiệt ngạc-nhiên, vì tưởng tới cái văn-minh vật-chất nầy, đã tấn-hóa lắm rồi. Từ mấy năm tu-hành, không hay không biết. Nay thấy thiệt lạ, hình hát bóng, mà có máy nói, thì như hát-bộ. Mỗi lớp thì anh Venugopala cắt nghĩa, mới biết hát sự tích Phật tổ, lúc hành bồ-tát đạo. Hiện sanh Thái-tử, tại Ba-la-nại quốc. Tầm ma-ni-châu bố-thí nhơn-dân vân vân… Cũng là một tấn-tuồng mà Thích-tử nên lưu-ý. Vãn hát, ra về, đêm nay ngủ mê mết.

    Khuya thức, đồng hồ đã ba giờ ngoài, một mình ngồi suy nghĩ. Trên vuông đất, ba trăm ngoài triệu nhơn-dân, cái sống chưa phải dễ-dàng như xứ ta. Đường tranh-cạnh cuộc sanh-nhai, vì cái khó-khăn mà tấn-hóa. Nên chi, nước nhà ta khó sánh, bởi cái sự dư ăn dư mặc…

    Sáng, anh Venugopala dẫn tôi đi điểm-tâm, trong tiệm café ở trước đường gần nhà hội ngụ. Khi no-nê rồi, trở ra, đi ngang một cái tiệm may, tôi nói với anh bảy. Tôi muốn mua vải-dà, hôm qua tôi thấy mấy ông thầy bận đó. Vô tiệm may đưa ra thứ vải nội-hóa hiệu Găng-đi. Tôi mua sáu thước và mướn may máy liền một cái vô-điều-y. Tám giờ rồi, tôi bèn thay y-phục, mặc dưới chăn trên choàng theo ngoại-đạo. Cất áo tràng vì xứ nầy không dùng. Từ đây, hết lạ mắt người bổn thổ. Chín giờ lại nhà đổi bạc Ismaёl et Cie, đưa chèque, đổi bạc. Ký tên lấy tiền rồi về nhà hội. Đưa 30 rupi(8) cho Tào-kê, mượn mua giấy xe lửa trước.

    Chiều ngày 27 Avril, Tào-kê và mấy anh em quen, bốn giờ kêu xe lại, chở đồ đi về Karaikuli. Trước khi đi có dặn ông già tri-thơ của hội 7 giờ tối, đem giùm tôi ra gare xe lửa, đi Bénarès city. Đoạn tôi đưa mấy ảnh ra xe và đưa cho Tào-kê 3 rupi, xin đền ơn hội trong ba ngày tá ngụ. Tào-kê nói, tôi tính rồi, thầy không cần lo sự ấy.

    Xe chạy, tôi trở vào nhà-hội sắm sửa đồ hành-lý. Sáu giờ rưỡi bèn theo chưn ông Tri-thơ ra đường đón xe điện lại gare. Thiệt là :

    Dường chim chung ngụ, một đêm rừng,
    Chớp cảnh lìa nhau, lúc tửng-bưng.
    Đổi dạng tùy duyên, trong cảnh huyễn,
    Ngoan là nòi giống, lũ người dưng.


    Om Mani Padme Hum !

  7. #7
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________


    Bốn đêm trên xe lửa


    Trong xứ Ấn-độ, người đạo Bà-la-môn và đạo Hindou y-phục mường-tượng phái Tiểu-thừa bên đạo Phật. Nhưng, cái y không phân điều, tôi bèn cải trang theo đó, y như hình đây. Nhờ đó xông pha với họ một cách dễ-dàng, người bổn-thổ, không lạ mắt như cái áo tràng.

    Tới gare, xuống xe, theo sau ông Tri-thơ bước vào gare. Đưa cho ông ta 1 rupi đặng huê-hồng cho ông. Gare lớn mênh mông, đèn khí sáng-rỡ, bộ-hành chật nứt. Chỗ bán giấy cũng nhiều, người mua giấy chen nhau và chờ rục cẳng. Trong gare mà chẳng khác một cái chợ. Nào nhà nghỉ, nhà hàng, nhà tắm, nhà tiêu cho khách hạng nhứt, nhì, ba. Còn chỗ khách bình dân rộng lớn, sân đợi có băng ngồi, hai bên buôn bán đủ vật. Rất tiện cho hành khách, quạt máy gắn cùng, vì xứ nầy nóng lắm. Ngó vào chỗ xe lửa đậu, mỗi xe có trên vài chục toán wagon, mà có đến vài chục đường rầy, xe nằm chờ giờ chạy. Xe nào cũng đầy hành khách, chạy khắp nơi, không biết họ đi đâu dữ vậy. Tôi theo anh tri-thơ, lại cửa trình giấy vào cửa cổng lên xe. Thấy một anh trai đang trình giấy, trong giấy đề Calcutta, tôi chiếp trong bụng, vì trên xe ba ngày mới tới thành Calcutta. Phải theo chưn anh trai nầy, tiện cho ta vì không biết đi dọc đường có đổi xe khúc nào không. Vào cửa rồi, tôi thấy anh trai ấy lên wagon khoảng giữa, để bụng ; tôi còn nhờ anh tri-thơ đi theo đây. Ảnh dẫn tôi lên xe, chỉ chỗ ngồi rồi ảnh chào tôi mà ra về. Tôi bèn mang gói, rảo kiếm anh trai khi nãy, té ra bộ hành đông quá, và mặt trai nào cũng hệt nhau, kiếm không biết ai. Bỗng tới một cái băng rộng, bên kia có một người, đang sửa-soạn chỗ ngồi, thấy cái giấy xe của ảnh để trên cái trấp da của anh. Lẹ mắt xem qua thì giấy Calcutta, mừng lòng bèn để hành-lý choán chỗ gần anh ta. Để mắt xem người hành-khách, phần đông người nước da như Annam, như người nông-phu rẫy bái bị nắng sậm da vậy. Không phải đen như xả-tri, lại trên đầu có để một rẻo tóc, nơi giữa xoáy bằng ngón tay út vậy. Tiếng nói ít đánh lưỡi như xả-tri, nghe dịu và suông giọng. (Sau mới biết là dân Hindou ở Bắc Ấn-độ.)

    8 giờ, xe xúp-lê lìa Madras. Ngồi gần cửa sổ, dòm ra ngoài hai bên phố-phường, nhà cửa, đèn đuốc rạng ngời. Lần lần, vẻ lịch kém bớt, đèn đuốc lờ-mờ, thì biết xe đi khỏi thành-thị. Trên xe đông đảo ngồi dập-dựa ngủ mòm. Sáng ra, lúc tới gare thì tôi lấy bình đồng (của Tào-kê cho tôi, vì tục xứ nầy, đi đường phải có), xuống xe lại fontaine hứng nước. Đem lên xe rửa mặt, và cho anh trai gần mình mượn rửa mặt, ấy là sự làm quen trong lúc đi đường. Anh ta cũng vui lòng tiếp lấy và tỏ ý cám ơn. Từ đây làm quen với nhau, anh ta hỏi tôi đi đâu, tôi bèn đưa giấy xe cho anh ta xem. Nhờ đó mới biết, xe nầy tới gare Calcutta thì đổi qua xe khác. Ở dưới tàu học đặng ba chữ Tamil, nay đã vô dụng vì người Hindou nói khác. Nên chi, ba ngày trên xe lửa, tôi hỏi thăm anh nhỏ nầy mà học tiếng Hanh-đu. Dòm cử chỉ của họ, tập theo thói-tục của họ, không cử chỉ nào, tôi không lưu-ý và tập theo. Ấy là phận sự người du-lịch, cần nhất là “Nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”. Còn sự ăn uống thì cũng dễ, mỗi gare đều có kẻ buôn bán. Nghe họ kêu đồ mua, tôi cũng để ý từ tiếng nói, nghe đặng đâu, lật sổ viết vào rồi học cho nhớ. Ba ngày trên xe, tôi học bộn, khi tới Calcutta thì nói đặng chút ít.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •