DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 9/9 ĐầuĐầu ... 789
Hiện kết quả từ 81 tới 90 của 191
  1. #1
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 25 Juillet 1936 – 8-6-â.l.

    Sáng thức thường lệ. Điểm tâm bột với cải chua, 8 giờ trời còn mưa rầm rỉ, đường xá khắp thành Lhassa, lầy lút chưn, nước ngập linh láng. Bữa nay không đi mua hàng bông. Mười một giờ ăn ngọ bột với cải bẹ của mấy huỷnh xào với thịt, dưng cho bần đạo một dĩa cải không có thịt. Ấy là rau gởi gần với thịt đó…

    Chiều 3 giờ trà sữa xong, huynh Samdhen kêu bảo coi tay giùm con trai của Thừa tướng, 13 tuổi, kế đi hành hương chùa chợ : chùa lớn Chôkhăng (Thích Ca) với Samdhen. Đã mấy lần đi mà bất ý xem tại cửa chánh có treo một tấm biển của Tàu cúng có bốn chữ : tây trúc chánh tông , hèn chi huynh Samdhen trước nói : Tibet gọi Chôkhăng Gompa, nghĩa là Thích-Ca-Mưu-Ni tự, là trọn thờ chánh pháp của đức Thế-tôn. Hai huynh đệ vào đi cúng các điện từ từng dưới cho tới từng thứ ba như mấy lần trước, đoạn cùng nhau đi về gặp một vị Lama người xứ Lhassa mà ở nhà thiền Lađặt, đến xin coi tay. Hoan hỉ coi giùm. Kế vợ huynh Đầu bếp đem ra hai bắp cải nói hộ cho Bần đạo. Hồi nãy đã gặp Đầu bếp trước cửa có nói rồi. Tôi hỏi mua bao nhiêu, Samdhen rằng : của Quan lớn, gần nhà có vườn trồng hàng bông. Bần đạo cám ơn cô Đầu bếp và nói : Quí lắm, đất nầy trồng được thiệt quí quá. Samdhen nói : Hôm qua huỷnh hộ thịt cho chúng tôi, còn thầy không dùng thịt, nên Đầu bếp hộ hai bắp cải ấy, một bông cải và một bắp cải. Lúc nghèo gặp bạc, lúc khát gặp nước.


    Ngày 26 Juillet 1936 – 9-6-â.l.

    Điểm tâm cải bắp ăn sống với muối. Trưa ngọ bột với cải bông chấm nước muối ớt. Samdhen và Sonnam cũng xề lại ăn ít lá cải bắp chấm muối hột. Mười hai giờ có vị Lama mập quen (của Quan) lại thăm và dưng một sợi anh lạc. Đàm đạo vui cười, huỷnh xề lại ngồi gần Bần đạo, nắm lấy tay bần đạo vào lòng bàn tay huỷnh một cách thâm mến. Samdhen thông ngôn rằng : Lama đây muốn thầy ở lại Lhassa chung liêu cùng huỷnh một năm. Bần đạo nói : Bất tiện ! (theo lời tiên tri của Đại đức Quốc Vương gởi ý điển vào trí-não bần-đạo), nay bần-đạo lớn tuổi, ở lại học hành không bao nhiêu mà làm cho mất ngày giờ của huynh, lại mất ngày giờ độ Thiện nam tín nữ tại bổn-quốc-độ đang trông đợi. Để sau về Đạo tràng, như có đạo đồng nào có tín lực mộ Đại đạo Tây-tạng Pháp môn, thì Bần tăng sẽ cho đi ở tại Lhassa nầy mười năm học đạo, tả kinh, như vậy sau về truyền bá lâu dài. Còn Bần đạo tuổi cao, ngày tịch gần, truyền đạo có bao lâu đâu. Nghe lời Samdhen thông ngôn thì Lama nói : Phải, phải vậy ngày nào thầy cho Đạo đến, tôi xin bảo lãnh dạy dỗ. Đoạn hỏi thăm sự cúng dường và nhà thiền ra thế nào ? Tốt lắm, cách cúng dường tinh khiết và nhà thiền đẹp đẽ huyền vũ tinh anh. Chuyện vãn khắn khít, đoạn Isess sửa soạn đi chợ, hỏi bần đạo đi không ? Samdhen vui miệng bảo bần đạo đi chơi cho khoảng khoát. Lama nói : Tốt lắm, tôi cũng đi với, nói rồi huỷnh kiếu Samdhen đi cùng bần đạo có Choundouss theo. Bốn người ra đi, thì lama cặp kè nắm tay bần đạo cách yêu thiết mà đi. Giáp vòng chợ không hở tay, cùng cực chẳng đã, gặp mấy chỗ sình nẩy lầy án buộc huỷnh phải buông tay bần đạo một cách tiếc rời trong lúc đàng hẹp. Lúc về tới nhà quen của Choundouss thì huỷnh trẽ vào đó cùng Isess. Lama nắm tay đi thẳng cùng Bần đạo tới ngõ Quan Thừa-tướng, dừng bước ý không muốn rời tay, nhưng một chập lâu, huỷnh nói : Sérang phết, rồi buông tay bần đạo, hai đàng ngó nhau rồi phân nhau về nghỉ. Vá dù, may sổ. Tối nay lại thiền tụng rồi ngủ, khuya trời mưa rỉ rả. Samdhen nói : Có hai Lama Dzesbung đến lúc thầy nghỉ trưa, tôi không cho kêu, họ mời huynh đệ mình đến ngày hát rằm, đến xem.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #2
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 27 Juillet 1936 – 10-6-â.l.

    Nhựt thường lệ, sáng có hai vị Lama đến ở đàng trước đơn cùng Samdhen tụng kinh (bị mưa liêu dột, nên Samdhen che vải trước sân liêu, đem đơn ra ngoài nghỉ ba, bốn ngày rày, có một mình chỗ bần đạo không dột, nếu trời mưa to thì có chút ít, nên một mình bần đạo ở trong liêu). Bần đạo còn ngồi trong đơn lần chuỗi, nghe tụng kinh chớ không thấy mặt, đến lúc rồi sự, ra ngoài mới thấy hai vị Lama, một vị là chủ liêu ngụ khi nọ tại Pithu Khampa và một vị nhỏ. Thấy bần đạo liền mừng chào, bần đạo cũng mừng đáp lễ cách yêu thiết. Mời ngồi, bần đạo kiếu đi ngoài, ra gặp Samdhen cũng đi ngoài, rồi đi vô, huỷnh thấy hai con cẩu phải lẹo, liền chỉ và hỏi Bần đạo thấy cái chi không ? Và hỏi và cười. Bần đạo rằng : Cả thảy chúng sanh (nhơn vật) trên mặt đất Diêm-phù nầy, vì có bao nhiêu đó mà phải khổ sở, mà ham sống, và nói và đi. Tiểu rồi vào, tới đơn Samdhen, bèn kêu huỷnh mà nói : Huynh thấy không ? Rõ không ? Biết không ? Cả thảy chúng sanh loại, vì đó mới có sanh, sanh ra mới có khổ, lão, bịnh. Người như thú, thượng cầm, hạ thú đến loài cá, côn trùng, ham sống cũng vì tham dục. Cái khổ nhân, tham dục vi bổn. Lama khách hỏi, Samdhen thông ngôn. Lama gật đầu khen phải. Bần đạo rằng chỉ có Phật đệ tử biết cái dâm dục là nguồn cội sự sanh, nên lánh đó cho tuyệt sanh, hễ sanh tuyệt thì lão dứt, lão tuyệt, bịnh đoạn, bịnh tuyệt thì tử vô do nhi hữu, thì ưu bi khổ não đâu còn theo. Lama khách nghe thông ngôn, lắc đầu, ngó bần đạo rồi nói phải quá…

    Sẵn đó, một đám nam nữ gia quyến của Đầu bếp và người sai nha của quan lớn với các huynh nội bọn đứng nghe. Bần đạo thừa thử nói : Loài người hiếm kẻ biếm nhẻ chư Lama (thầy tu) rằng : ăn no, mặc ấm, không làm gì hết, ngồi chờ của tín thí đàn na. Đó là họ ngạo báng Phật đệ tử làm biếng, ấy họ không biết kinh Phật bảo, chư đệ tử y Pháp tu hành mà làm ruộng tốt cho chúng sanh gieo giống lành mà họ không rõ lại chê cười, mà họ có ngờ rằng họ không phải chê cười chúng tăng, ấy là chê cười Phật đó… Đến lúc họ đau ốm, nằm rên siết, nhớ tới lời chúng tăng y lời Phật giảng thuyết, họ ăn năn lắm, khi bịnh hành quá nhức đau thì họ kêu Phật trời ôi cứu tôi, thương tôi. Miệng kêu réo liền đeo. Đến lúc hết đau, ngũ dục dập dồi, họ quên hết lúc đau lúc khổ. Cả thảy nghe lời thông ngôn, lắc đầu, ngó bần đạo, dường có vẻ lạ lùng như vẹt mây thấy trời xanh. Cười cười mà có ý tỏ nơi mặt chút nét hổ ngươi. Đoạn Bần đạo tiếp : Nầy huynh Samdhen, bần đạo thấy hiếm người chết vì đờn bà, nghèo khổ vì đờn bà, cũng như một ngày kia bần đạo gặp một người ăn mày đui hai con mắt, người vợ dắt đi xin, bần đạo bảo : Thôi hai ông bà vào chùa của tôi mà ở thọ tam qui ngũ giới tu hành, cơm sẵn ăn, quần áo sẵn bận, chết chôn cất tử tế. Nhưng người khất cái ấy lắc đầu nói : Tôi tu không đặng, nói rồi dìu dắt nhau đi. Đó huynh có đến đỗi mù quáng, ăn mày, lúc đói, lúc lạnh mà không rời đờn bà, thà cùng nhau ngày bò mo, lết mủng xin ăn, miễn tối cùng nhau đặng gần gũi. Nghe thông ngôn, ai nấy đều cười rộ mà có vẻ hổ ngươi, dòm Bần đạo và đi dang hết. Sam-dhen gục đầu nói : A băng Losang. Bần đạo rằng : A băng Losang ninh done. Cười xòa. Samdhen rằng : Thầy không rõ : A băng Losang là một vị Đại lão Lama tại Dzêsbung tu hành kiên cố, mấy ngàn Đại chúng kính phục, thuyết-pháp như lưu, nghe qua ai cũng nhờ đó mà tỏ đạo mầu. Nên gọi là Thiện xảo thuyết. Kiếu vào đơn, ngồi trà nước một chập, huynh Choundouss hộ một chén cơm đường và một chén trà dehi chế beurre đặng điểm tâm. Hoan hỉ… Đoạn 11 giờ rưỡi ăn ngọ bột và bông cải với nước muối. Ăn rồi, có cô bạn của lại quan đàng dinh quan lại xin xem tay. Samdhen dắt vào, xem rồi dưng 2 trăng nga. Bần đạo hiến lại Sam-dhen rằng tiền nhang (cũng như lúc ở Pithu Kham trzanh, tiền xem tay của một vị Lama dưng, bần đạo hiến lại Choundouss, bảo huỷnh đem hộ cho các Lama nghèo, vì có một lúc một vị Lama có tiền, đến xem tay, dưng tiền thì bần đạo không lấy, Choundouss và Samdhen rằng : Thầy lấy rồi cho Đạo nghèo hay cúng chùa tốt hơn, vì họ có tiền. Nếu người nghèo đến coi tay thì thôi, còn người có tiền phải lấy), vì lời ấy mà bần đạo giao tiền xem tay cho các huỷnh. Chiều lệ thường. Học thêm tiếng Tây-tạng.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #3
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 31 Juillet 1936 – 14-6-â.l.

    Sớm điểm tâm trà rồi ăn bột với cải chua rồi uống một ca trà sữa của Đầu bếp hộ. Mượn cô Đầu bếp mua sữa và đường. Samdhen rằng : Mua đường đừng mua sữa vì bữa nay đi Galden. Hôm qua đã mua một bắp cải kế đầu bếp cho một bắp nữa, nên hôm qua nấu một bắp, sáng nầy còn một bắp, nấu cà-ri nửa bắp chia nhau ăn, còn nửa bắp cất đó. Đậy điệm dọn dẹp hẳn hòi, chừa hai cái mền đặng đem theo đắp. Chín giờ cùng các huỷnh lên đường, lội bộ đi, lội qua không biết mấy bàu(1) mấy suối, ướt át quần áo, nước lạnh như đồng, tê tái hai chưn. Mười một giờ rưỡi tới bến đò, ngồi đợi ước 1 giờ, con đò đôi, đò da tới, xuống đò đi qua sông, lên đi riết 1 giờ rưỡi đã tới xóm nhà gần đường, các huỷnh vào hỏi chỗ tạm nghỉ, song không nhà nào có chỗ tử tế, nên họ từ khách, huynh đệ đành trải lá lót ngủ ngoài sân (cũng có bộn khách đi đường ngồi trước uống trà uống xăng) cùng nhà xúm xích ngồi nghỉ, đợi Isess đi mướn nấu trà (trà, beurre, muối của mình) đem ra dùng. Chập lâu trà xong, Isess đem ra, đồng uống trà ăn bánh bột chiên (hình như chiếc dép) của Issê hôm qua đi chùa Séra đem về. Ăn rồi trả tiền nấu trà 1 yôgăng, đoạn 2 giờ 15 lên đường, trải qua khe suối, lúc 4 giờ rưỡi bần đạo đuối giò, hết gân hết cốt, cẳng hết muốn bước, song cứ niệm Phật mà đi theo họ. Họ đi bộ giỏi lắm, song cũng ráng bước, lúc tạm nghỉ xả hơi, thì lo bóp cẳng o bế, rốt việc cũng kịp bước như họ. Năm giờ rưỡi, phút tới làng Đê-xanh, còn chừng ngàn thước tới chợ, thì cho Sonnam đi trước hỏi nhà ngụ. Huynh đệ đi sau, lần lượt đã tới chợ, thì Sonnam hỏi chỗ ngụ đặng, bèn đứng nơi đường đón rước. Vào nhà ngụ, thẳng lên lầu vào phòng đã dọn dẹp sẵn. Tạm nghỉ uống trà ăn bột rồi mượn chủ nhà mướn giùm hai con ngựa. Mướn đặng, đỡ quá. Samdhen rằng : Tôi mỏi cẳng quá lẽ, nếu không ngựa thiệt khổ lắm. Thầy cũng mỏi như tôi.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #4
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 3 Aouât 1936 – 17-6-â.l.

    Sớm điểm tâm trà bột, kế 9 giờ rưỡi có một vị Lama già đến làm hướng đạo đem đi nhiễu Thánh-địa cổ tích của Hậu tổ Sungapa. Ban đầu viếng chỗ Thạch bàn, Lama hướng đạo chỉ và nói cắt nghĩa sử tích chỗ ấy. Samdhen thông ngôn lại cho bần đạo rằng : Đây là chỗ Sungapa, Tổ sư hay ngồi thiền định lúc đêm tốt trời. Ngài lúc đại định một đêm kia, biết thành Lhassa phải bị lụt, bèn ấn chú lấy đá thạch bàn quăng qua hướng nguồn nước chảy về Lhassa thành mà cản ngọn nước đặng cứu thành Lhassa khỏi lụt. Thầy dòm xuống triền thì biết, bần đạo y lời dòm xuống triền, hằng thấy không biết mấy nguồn suối chấu chảy về hướng Lhassa, trông xa cái hẻm hai đảnh núi còn cổ tích Thạch bàn cản ngang đã trải qua 2.000 năm rồi, nay thành hòn núi nhỏ băng ngang hẻm núi lớn, nằm cản ngọn nước. Bần đạo bèn thầm vái ngài và xin thỉnh một cục đá nhỏ tại đó làm kỷ niệm. Kế sang qua chỗ ngài nhập định bị người phá, ma-vương hóa mưa đá, đến đỗi chung quanh chỗ ngồi đá bị nước mưa xoi lủng như mặt rây, lỗ lớn và tròn bằng đầu ngón tay út, thấy lấy làm lạ quá. Kế đến chỗ ngài để xâu chuỗi, còn dấu hột chuỗi mòn lủng mặt đá và láng cuộn, bần đạo bèn đảnh lễ và để xâu chuỗi của bần đạo trên dấu cổ tích, đoạn thỉnh một miếng đá mẻ tại đó làm kỷ niệm. Kế đó, có một vừng đá lớn có ba lỗ lở mỗi lỗ bằng miệng thúng giạ. Samdhen thông ngôn rằng : Một ngày kia đức Ca-diếp, từ Nalanda thần thông đi một ngày tới núi nầy, lấy tay xoi đá để vào lỗ ấy một cái ốc-lị-pháp, rồi trở về Nalanda mà hội chư La hán đặng chép tam tạng kinh. Lúc sau Hậu tổ Sungapa tới núi nầy, bèn đến tại chỗ nầy nói với chư tăng chúng rằng : Đức Ca-diếp trao ốc-lị cho ta, đặng xuy pháp lị tại xứ Tibet nầy, sau trong lục thú chúng sanh ai nghe đặng tiếng Pháp lị nầy đều đặng phước cả. Nói rồi bèn lấy tay đập vào đá, đá giăng ra lòi ba lỗ, mỗi lỗ là một con ốc, ngài lấy ba ốc lị ấy vuốt ra dài thành ba cây kèn, để vào ba cảnh đại tự là : Dzêsbung, Séra và Galden. Kế đến chỗ, ngày kia ban ngày Hậu tổ ngồi nhập định, có một con quạ bay lại đậu trên vai kêu, thì ngài nói ấy là tin mẹ ngài đến viếng, bèn lấy tay chỉ trên đảnh núi thành hang có thạch bàn cho mẹ ngồi. Ông Lama già chỉ chỗ ấy trên cao, ai ai đều ngó theo ngón tay lama thì thấy chỗ ấy, có hang cạn có hình một vị đờn bà ngồi, chung quanh đá dựng như vách không đường lên đặng. Kế tới chỗ ngài ăn bột ngọ, xem chỗ ngồi láng cuộn chung quanh đá cục lòn hòn dính nhau màu như bột sadou xám xám, thật lạ quá, bột rớt thành đá… Kế đến chỗ hai cục đá nằm dài hình như trâu li, nói rằng cặp trâu của ngài lúc từ giã Khampa qua Lhassa. Sử tích ấy sau sẽ thuật. Kế đến chỗ ngài thiền định, bị ma vương xô đá, xeo đá ngã lăn, nhưng không chận ngài đặng, ngài biết nếu để tới cục đá lớn nhào xuống triền, thì mất chỗ trụ các đá trên đảnh phải nhào theo thì chùa sập ngã theo phía bắc đó. Ngài bèn chú niệm dĩ Phật lực kề vai chỏi tay chống ngăn cục đá đó lại, dấu bụng và tay còn y đó, sau tăng chúng lập miễu nhỏ trên cục đá ấy làm kỷ niệm, huynh đệ đồng theo chơn hướng đạo vào miễu đảnh lễ và cúng tiền dầu, có hai ông đạo lama thường ở đó. Có lên cốt ngài để thờ tại miễu.


    ________________




    (Chỉ là ảnh minh họa)

    Om Mani Padme Hum !

  5. #5
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Rốt rồi, Samdhen chỉ hai lỗ tại cục đá phía trong miễu cho bần đạo xem và nói : hai tay Hậu tổ quấu vào đá kéo lại. Bần đạo bèn rờ hai lỗ ấy, lạ thay còn dấu bốn ngón tay ở trong lỗ, còn một dấu ngón cái ở ngoài, trải 2.000 năm mà còn y nguyên. Bần đạo ngẩn ngơ tư tưởng rằng : Đá cứng mà sao có dấu đặng, y như tay thọc vào đất mềm vậy. Đoạn hướng đạo đi ra, huynh đệ đồng theo, đến chỗ ngài lấy đá làm thuyền đi khi nước ngập, cục đá vẫn giống như chiếc đò da đời giờ tại xứ Tây-tạng, tới chỗ ngài chỉ cho chư lama rằng : Đó là tam tạng kinh ngài làm rồi sắp đó. Xem ra đá chồng in như kinh Tây-tạng trong một tấm vách đá cao ước 100 thước, lớn ngang ước vài trăm thước, đá nứt từ lớp từ chặn y như từ cuốn kinh sấp chồng nhau vậy. Samdhen rằng : Ngài có mắt thánh, xem là kinh, còn chúng ta còn phàm tục, tu chưa thành thục nên xem ra là đá. Ông lama hướng đạo nói : Nơi nào ngài ngồi cũng có sử tích, ngài biên vào lịch sử của ngài, di tại đại điện. Đoạn đi thẳng qua xóm con buôn, quẹo lại chỗ miễu nhỏ, ngó ngay qua chùa. Trong có ba tượng rằng : Sơn thần miếu, nói trước khi đức Sungapa tịch diệt ba ngày, thì ngày đêm phía nầy có luồng gió thổi qua chùa, trong gió có tiếng nói : Thượng-tọa Thánh-tổ tiền Thích Ca hậu Sungapa sẽ tịch diệt. Đoạn lên theo đường hẻm cách 100 thước tới đường bằng, con buôn che trại vải buôn bán đủ vật, nội hóa và ngoại hóa. Đi dọc xem, Sonnam đi sau với Bần đạo bỗng gặp lama quen dừng bước nói chuyện, lâu quá, bần đạo thừa dịp chờ huỷnh xem họ buôn bán, thấy phần nhiều đồ Anglais lung, còn nội hóa chỉ có vải sồi chút ít. Kế mượn Sonnam mua một cái hộp quẹt. Huỷnh vát hất tuông vào trại quán, đi đá nọc cột dây chằn, trại tróc lên, làm xê một mé trại vải, cô chủ quán cự và bắt đóng nọc lại. Bần đạo đứng xem và than : tiểu nhơn láo táo vô ý dường ấy thiệt khổ quá, đã mặc áo Lama mà không đĩnh đạt, để cho đờn bà không cung kỉnh y phục nhà đạo. Đóng nọc thẳng dây chằng rồi, huynh ra trao hộp quẹt cho Bần đạo rồi đi thẳng lại chỗ Samdhen đang đứng chờ. Sonnam tới, huỷnh rầy quở rồi cùng nhau đi thẳng về liêu ngụ. Đến nơi thì 12 giờ rưỡi, trà bột ăn ngọ rồi lo sắp đặt hành lý đặng về Lhassa. Ba giờ trời mưa đi không đặng. Sai Isess che dù đi bắt con dê con và trả tiền công nuôi mấy ngày. Bốn giờ có một vị lama đưa đi và mang giùm valise. Đi qua khỏi chùa 100 thước, tới đường quẹo dưới triền, dừng bước cho Sonnam thay y phục thế gian, trả đồ lama cho huynh đi đưa đó. Kế Isess đi tới, bọc con dê con trong áo, kế Choundouss xách bình Lạc nhũ tới, hiệp nhau đi qua chùa nhỏ cách đây sáu ngàn, bảy ngàn thước, 7 giờ mới tới chùa, bần đạo hỏi tên thì Isess rằng Lốt-trắc Bumpa, 7 giờ nhưng ở núi trời vẫn như 6 giờ còn sáng, xem ra là cái Tháp xây bằng đá, chớ không phải chùa, cận bên đó cất nhà cho lama ở giữ tháp. Vào đó, thì lama từ tiếp rước trải đơn đặt tợ mời ngồi, một cô đầu bếp đem trà cho huynh đệ giải lao. (Lúc dọc đường trời mua rỉ rả, Isess cằn rằng và nói với Bần đạo rằng : Samdhen gấp đi quá, để sáng đi cũng đặng. Ngủ nghỉ trà nước tại Galden tốt quá, tối niệm kinh cũng quí, qua chùa nhỏ làm gì bây giờ cực khổ, có đờn bà chớ có cái gì quí.) Khi thấy cô đầu bếp thì bần đạo trực nhớ những lời Isess nói. Thiệt vậy, tới nơi, hai huynh đệ tôi dùng trà, còn bốn huỷnh ở dưới bếp uống xăng, nhứt là Choun-douss và Issê mê mết với cô đầu bếp ấy, uống xăng tới khuya, mới hết cười giỡn. Đồng ngủ thẳng giấc.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #6
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 17 Aouât 1936 – mùng 1-7-â.l.


    Sớm điểm tâm bánh lạt với trà sữa đoạn sắm sửa 9 giờ đắp y cùng Samdhen, Issê, Isess đem một giạ gạo, đi thẳng đến nhà thiền Quốc Vương. Chờ một chập, có vị Quan-lại bước đến hỏi han, rồi đi bạch giùm với Thượng tọa Lama Thiền chủ hay. Ngài xuống lầu chào hỏi rồi bảo vị Quan ấy dắt đến Long-thiền, giao cho Lama hầu cận tâu giùm. Huynh đệ ngồi phòng trà chờ ước nửa giờ thì có lịnh triệu lên Long-đơn. Samdhen đảnh lễ rồi, kế bần đạo, kế Isess và Issê, mỗi người lại Long đơn dưng anh lạc. Quốc Vương rờ đầu ban niệt điều rồi chỉ đơn trước phán : tọa đơn. Đoạn lịnh Quốc Vương lấy kinh Phật-đà-gia tụng, bốn huynh đệ cúi đầu bắt tay nghe, 15 phút thì xong. Trong khoảng ấy Bần đạo lét xem kỹ lưỡng hơn kỳ trước, vì khớp sợ luật nước người, phần lễ rồi thối liền. Nay đặng 15 phút ngồi hầu thính kinh, nên liếc xem kỹ lưỡng. Long đơn chạm trổ, rầm lót giá tị bản mỏng. Gần đơn có tủ để bình sành Tàu chưng bông, có đồng hồ cẩm thạch để trên, quanh vách sơn vẽ, có tủ đựng hình Di-lặc Tàu, Phước, Lộc, Thọ bằng sành. Xong việc kinh thì Lama hầu mời ba huynh đệ xuống phòng trà, còn Samdhen còn nán lại đặng bạch mọi việc. Trong 15 phút, huỷnh xuống phòng trà hiệp nhau đi về. Bữa nay đi trưa hơn khi trước, nên hai bên phố chợ, họ xem bần đạo và trăm lia với nhau. Lúc về đi vòng phố đường xá phố xá đông đảo, kẻ lạ người quen (biết mặt) thấy đi chợ đã nhiều lần rồi, mặc sức họ ngó, kẻ nói vầy người nói khác. Samdhen thông ngôn lại và cười với nhau. Bần đạo cứ vững tâm đi như thường. Về tới nhà thì có Đầu bếp nói : Quan lớn muốn xem cái máy chụp hình. Bần đạo lấy trao cho huỷnh và ba cái film chụp ảnh rồi Samdhen dành đem máy chụp ảnh đi lại dinh. Chập lâu chừng 1 giờ về đem máy chụp ảnh về và sáu tấm hình nói Quan lớn tặng hai tấm Quốc Vương hai tấm Tả lê Lama và hai tấm nội gia quyến Quan lớn. Chia cho bần đạo ba và huỷnh ba. Thiệt lòng người rất tử tế, lại còn cho ba cái film mới và rửa film giùm. Đoạn ăn ngọ cải xào bún với khoai lang. Qua 2 giờ Samdhen rủ đi xem rước cốt đồng tượng ở phía đường đi Séra-tự. Đến đó thiên hạ đông đảo. Chờ ước một giờ ngoài, thì thấy các quan và chư Lama chừng mười vị cỡi ngựa, có kẻ cầm cờ giáo, mang mặt nạ đi trước, kế các quan nhỏ, kế có một cái hình nộm cốt tướng đồng, sau đó ít vị Lama và Quan đi thẳng đến Potala (đền vua). Có bao nhiêu vậy mà thiên hạ coi chật đường. Về dọc đường Samdhen rằng : Lúc nầy tại Lhassa thiên hạ đau và chết lung nên đi rước cốt đồng Tả lê Lama về đặng trị bịnh cho nhơn dân, cho mùa nầy lúa né ăn không bịnh. Về tới ngõ quan lớn chừng 4 giờ, cô đầu bếp đón nói Quan lớn mời Samdhen, huỷnh đi vào dinh, một chập về bảo bần đạo rằng : Uống trà rồi đi cùng huỷnh lại dinh quan lớn chơi, vì ngài muốn nói chuyện và xem hình rửa đã rồi. Đi cùng huỷnh lên lầu, chào hai ông bà rồi, mời ngồi, ngài lấy ba film chỉ và hỏi Samdhen chỗ nào chỗ nào và nói có bốn, năm tấm xấu vì không rõ (ấy là ảnh Choundouss chụp), đoạn ngài cắt ra từ tấm, bỏ vào bao thơ rồi trao cho Bần đạo. Bỏ túi rồi, ngồi uống trà, đoạn ngài đem ra một tấm hình chùa bên Burma, hỏi bần đạo biết chữ Burma chăng ? – Thưa không. – Samdhen có đi Burma nên biết chùa ấy, nói chuyện và cắt nghĩa cho ngài nghe. Đoạn bà lớn mượn bần đạo xem tay giùm, xem rồi, kế cô em của Quan lớn. Đoạn chập lâu kiếu về. Samdhen nói : Thiệt hai vợ chồng Quan-lớn tử-tế quá. Ngài có hứa sẽ ghi passeport của thầy và đem lên Quốc Vương ghi nữa. Tôi có nói chuyện sẽ đi cùng thầy đến nước Tàu, Nhựt, Annam, Cambodge, Xiêm, thì ngài hứa sẽ tâu Quốc Vương cho passeport và ngài sẽ ghi bằng chữ Anglais cho hai huynh đệ mình đi. Bần đạo rằng : Đặng vậy quí lắm. Samdhen nói : Khi mơi Quốc Vương hỏi thăm thầy, thì tôi đọc chuyện của thầy, nghe qua Quốc Vương khen thầy lắm, và nói tướng mạo của thầy phải kẻ tu hành đắc đạo. Tối không chi lạ, lệ thường.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #7
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 23 Aouât 1936 – 7-7-â.l.

    Hôm qua hứa đi xem hí kịch, sớm mơi nầy lo ăn lót lòng bột với đồ xào hôm qua, vì biết ngày nay đi nên hôm qua xào đồ ăn lung, để dành tới mơi dùng và chia các huỷnh ăn. Đoạn 8 giờ đi, đến hí kịch lầu thì Quốc Vương chưa ngự đến, lầu dưới các Quan hạ phẩm đã tựu đông đầy. Từng trên Quan thượng phẩm chưa tựu. Issê đã đi trước đặng trải vải ngồi choán chỗ gần sân khấu và hướng tây mát mẻ. Lúc đi tới chợ, đưa tiền cho Isess 2 trăng nga mua giùm bánh lạt, 1 trăng nga đường cát và 1 trăng nga đường phèn đặng đến đó dùng lúc khát nước. Chín giờ Quốc Vương ngự đến, khởi hát, các quan đủ mặt. Khán giả tăng tục lần lượt đến chật, trên lầu ba phía các vị Phu nhơn cũng đông chật lầu. Nay hát cũng có mặt nạ, mặt thiệt, đào, múa hát y như bữa trước không chi lạ. Ngồi gần sân khấu tới 1 giờ thì nắng đã tới, Samdhen bèn rủ đi lại ngồi dưới cội cây cùng thầy ký của Quan Thừa-tướng cũng ở gần nhà ngụ nên biết nhau. Ba giờ bốn giờ lối đó, trời âm cang mát mẻ, kiếu thầy ký lại chỗ cũ ngồi đặng dùng trà, vì Isess đã có nấu nhờ ở trong nhà Lama quen. Lại ngồi uống vài chén trà ăn ít cái bánh lạt. Ôi ! Cả ngày ngồi lì, không đi tiểu đặng. Tới 5 giờ bạn hát dâng lễ hiến Quốc Vương : một bao gạo (một giạ), một cái ngà voi bịt bạc, ba vóc gấm, một cái da beo, một cây cờ giảng, lễ bái hườn cuộc đoạn Quốc Vương Lama đáp lễ : mười bao bột, một vóc hàng bông trắng, rượu xăng và thịt trừu quay. Đoạn sai quan lama và Quan nhơn đem niệt và anh lạc ban cho mỗi kép hát rồi ban cho các chức sắc đại tiểu trong sở tuần cảnh công khó giúp việc. Ban rồi các quan tuần cảnh và sai nha sắp hai hàng nơi sân khấu đảnh lễ Lama Quốc Vương. Đoạn 6 giờ, trên ngự lầu chỗ Quốc Vương ngự quăng anh lạc xuống sân khấu (một đầu anh lạc có cột tiền thưởng) rồi tuần thượng phẩm quan, tới trung, hạ đều quăng anh lạc trắng sâu khấu. Kép hát ra lượm, rồi đi chung quanh ba từng lầu, quyến thuộc các quan Phu nhơn đều quăng anh lạc thưởng. Sáu giờ rưỡi hườn tất. Huynh đệ về tới nhà 7 giờ. Samdhen hỏi ra thế nào ? ¬– Cũng đặng, cũng tốt, cũng hay… chừng nào huynh đi các nước khác xem hí kịch mới rõ, mới so sánh chỗ hay dở, tốt xấu. Bây giờ không biết sao mà nói đặng chỗ tốt xấu, còn hay dở tiếng hát thì không nói đặng, nước nào theo tục nước nấy, chỉ có cách múa men, nhạc và y phục cùng rạp hát tốt xấu, hay dở thì biết đặng nói đặng. Đoạn bần đạo giải lao một chén trà sữa rồi lo tụng kinh rồi nhựt ký sự đã qua.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #8
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 7 Septembre 1936 – 22-7-â.l.

    Bữa nay ăn bột sớm, 8 giờ cùng chư huynh-đệ đi đến đồng lập trận gần trại lính, cách chợ lối ba cây số ngàn ở gần chùa Séra cách chừng một kilômet. Chín giờ khởi nhiễu binh. Quan binh ăn mặc y binh Anglais, kèn trống cũng y Âu-châu, cách hô hấp y Âu-châu, xem ra được quá. Có bốn vị Đại thần Tibet dự khán, các quan đủ mặt, trừ ra Quốc Vương không ngự đến. Có một vị quan binh Anglais đến hôm trước, có dự khán và điều đình nội cuộc. Có dựng bia bắn súng nhỏ rồi tới bắn súng liên thinh. Một giờ nghỉ, 3 giờ nhiễu binh lại có bắn súng đồng, 4 giờ hườn cuộc. Về tới nhà 5 giờ. Samdhen có chụp hình ba lượt, bần đạo lúc nghỉ có đi chụp cảnh chùa Séra. Khi rồi việc thì có Quan Lama thay mặt Quốc Vương cùng quan hầu Thượng phẩm Đại thần ra khao binh, ban anh lạc cho Quan binh. Đoạn kèn trống đưa tứ vị Đại thừa về, kế đó có Quan Khâm sứ Tàu đem lễ vật ra khao binh, rồi binh quan kèn trống kéo vào trại. Nhơn dân Tăng tục già trẻ nam nữ dự khán, lần lượt kéo về. Dân Tây-tạng dường như thuở nay chưa từng thấy nên súng bắn vào bia, rùm tiếng la lối khen ngợi. Cuộc diễn binh gọi Kavạda, 4 giờ bãi binh. Về đến nhà 5 giờ.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #9
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 19 Septembre 1936 – mùng 4-8-â.l.

    Ít chén trà điểm tâm, học. 10 giờ nấu ăn, 11 giờ ngọ bột, canh cải bẹ trắng, khoai lang đỏ, tráng miệng trái hạnh, Samdhen hộ bốn trái chiều hôm qua, hộ Sam-dhen một dĩa đồ ăn. Học. Bốn giờ đi chùa cúng dường một mình, có đem máy chụp hình theo tới Boudhavanh, lén vào một mình vì biết giờ ấy chư Lama nghỉ, lén chụp hình, cúng dường rồi về, dọc đàng phố gặp huynh Samdhen, về 6 giờ. Tụng niệm. Bà lớn mời xem cô bịnh, đến nơi, khán mạch đã lụn mòn, cấp sát như chỉ mành. Quang nhãn đã lờ, sắc mặt đổi rồi, nhưng không nên nói ra. Samdhen hỏi thăm thì bần đạo nói : ngày giờ đã đến, có bao nhiêu đó thôi.


    Ngày 20 Septembre 1936 – mùng 5-8 Bính-tý.

    Sáng nghe tin cô bịnh tị trần, khả thương ôi, thấy đó mất đó, kiếp trần như giấc chiêm bao, thôi niệm Phật cầu anh linh đó vãng sanh Tịnh-độ. Vài chén trà điểm tâm rồi lấy sách học. Ra ngồi nắng học, trời đã khởi lạnh rồi, khí hậu lần hồi lạnh tới ngày lập đông hầu gần mà công sự của Samdhen chưa rồi… đợi.

    Trưa ngọ bột canh cải bẹ, khoai lang, hộ Sam-dhen một dĩa. Chiều đi dạo phường cho giãn gân cốt, ngồi cả ngày. Tối tụng niệm. Cho Choundouss mượn 2R đặng đi chùa Séra.

    Tiếp điển : Lời căn dặn :
    Tán-sa y pháp đủ 108 biến : “Am Á mộ dà vĩ rô ta nả ma ha mẩu nại ra ma nể bát nả, mạ nhập phạ lả bát ra dả miệt dả hồng.”
    Mỗi câu họa chữ trên cát. Rốt niệm 108 Phật hiệu = 999 (Nam mô Vô ngại Công đức Quang Minh Vương Phật).


    Ngày 21 Septembre 1936 – mùng 6-8-â.l.

    Nhựt thường lệ, trưa ngọ bột canh củ cải khoai lang, hậu tráng miệng bánh. Samdhen có hộ bốn cái bánh của một cô đến xem quẻ và xin coi tay giùm. Bần đạo hộ lại vợ chồng đầu bếp hai cái và hộ Samdhen một dĩa đồ ăn. Học tập cả ngày. Khí trời một ngày một lạnh rút tới. Samdhen bảo nhập định hỏi Như-lai coi sự quan bua của huỷnh chừng nào rồi.

    Tiếp điển : 12 giờ khuya :
    Người tín nữ gần lục tuần, giá phụ đã theo hộ ngươi mấy năm rồi là cư-sĩ đại đàn-na tại Patna Ấn-độ kiếp rồi. Hiện kiếp phát bồ-đề tâm, song bị con ma nghiệp chướng nhập vào làm nam-tử. Phá một lúc. – Hết điển.

    Om Mani Padme Hum !

  10. #10
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Ngày 26 Janvier 1937 – 14-chạp â.l.


    Y lệ. Mộ thời rồi, Sư trưởng tăng già mời đại chúng nán lại đặng phú Pháp danh chữ Pali cho bần đạo, cho dễ, cả đạo tràng tung hô, vì cả Đại chúng đều muốn vậy, vì tên Annam khó kêu và khó cho Đại chúng nhớ. Đoạn bần đạo lễ Phật và quì chính giữa, lễ Sư trưởng. Kế sư hỏi ý cả Đại chúng, thì mỗi huynh dưng một tên. Rốt cuộc Sư nói xứng với tên Annam thì tên Pháp là Manhgiusshri (Manjusri).(1)


    Ngày 27 Janvier 1937 – 15-chạp â.l.

    Y lệ. Lần lượt lúc nầy là lúc miền Tibet chư tăng và bần đạo tới Phật-đà-gia và đi cúng dường Sarnath.


    Ngày 28 Janvier 1937 – 16-chạp â.l.

    Vô sự.
    “Bổn vô đấu-tránh-tánh hà dĩ kiêm hữu thủ tránh tụng tâm ?”
    “Nhược liễu bổn nguyên, tắc tri tâm vô sở trụ nhi hành kỳ đạo”.


    Ngày 29 Janvier 1937 – 17-chạp â.l.

    Vô sự.
    Chiều bốn giờ răng nhức chuyển rụng hai cái răng cùng, bèn đi thẳng xuống nhà thuốc nhổ hai cái, bị còn cứng gốc nên còn nghe đau quá, chịu ê hàm thốn óc tới tối lối 9 giờ thì hết. Bỏ buổi công phu, nhựt tụng chiều. Khuya lại nhập thiền, tâm thần hãy còn nhắc việc răng đau. Chuẩn lấy vấn đề ấy mà quán tưởng. Thủy thổ kia nghe đau hay phong hỏa chăng ? Nhưng bốn chất ấy có cái tự tánh không biết đau. Vậy chớ ai đau ? Răng chăng ? Răng cũng có tự tánh không biết đau vì nhổ ra rồi nó vẫn cứng khư. Ai đau ? Ta chăng ? Ta bổn tánh không tịch. Thần thức chăng ? Không vì thần thức cũng không có tánh đau… Ôi ! chú vọng tưởng điên đảo chớ ai…


    Ngày 30 Janvier 1937 – 18-chạp â.l.

    Vô sự, y lệ. Song ngày nay nghe trong miệng không còn cái đau nhức chướng ngại như cái bữa trước.
    Trọn ngày phát giác chỗ chịu đau trong bốn, năm giờ mà không đau luôn khi về sau. Có khác kẻ tu hành chịu cái khổ bịnh chiến cùng chư tà vọng mộng tưởng, ma vương trong một thời gian, thắng đặng rồi thì sẽ đặng an-tịnh trong nền đạo…
    Nay Sư trưởng đi đưa huynh Chittagong về xứ vì có kẻ đàn-việt du lịch cúng dường, chịu đem về Chittagong nơi tổ đình của huỷnh. Nam mô Phật, từ bi hào lực, rọi não trí của huỷnh cho hườn như cũ phòng tu hành đoái công, diệt nghiệp.
    Đặng thơ Bát-nhã-âm và tạp chí bốn cuốn.


    Ngày 31 Janvier 1937 – 19-12-â.l.

    Y lệ. Nay đặng thơ cô phán và thơ của Thiên-thai thiền giáo tông Liên-hữu hội và bốn cuốn tạp chí Bát-nhã-âm ngày hôm qua.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •