Vì Hoàng hậu Maha Maya qua đời bảy ngày sau khi Thái tử sinh ra, cho nên Thái tử được bà dì Maha Pajapati Gotami (Maha Ba xà ba đề), trực tiếp nuôi nấng, dạy dỗ, còn người con trai của Bà dì là Nanda thì được giao cho các bảo mẫu nuôi dưỡng.
2. Đạo sĩ A Tư Đà và Thái tử
Ngày Thái Tử Si Đạt Ta đản sanh là ngày hội vui lớn của toàn vương quốc. Dân chúng xa gần kéo về kinh đô Kapilavastu ăn mừng. Một vị Đạo sư già tên là Asita (A Tư Đà) cũng từ nơi ông tu hành trên núi Himalaya (Hy mã lạp sơn) đến cung vua để chào mừng và xem tướng Thái tử. Gặp Thái tử, đạo sĩ Asita bỗng nhiên chắp tay vái chào với thái độ hết sức cung kính. Đạo sĩ tuy cuời mà vẻ mặt thoáng buồn. Được hỏi vì cớ sao, Đạo sĩ Asita trả lời là ông mừng vì Thái tử tương lai sẽ thành Phật, bậc giác ngộ tối thượng, nhưng ông buồn vì ông tuổi đã quá cao, ắt phải qua đời mà không được vị Phật tương lai trực tiếp giáo huấn, giác ngộ.
Trong kinh Sutta-Nipata (Kinh Tập, 101), có kể truyện đạo sĩ Asita đang tu trên núi Tuyết sơn, được chư Thiên mách bảo, bèn xuống núi, đến thành Kapilavastu xem tướng cho Thái tử.
"Thấy Thái tử chói sáng
Rực rỡ như vàng chói,
Trong lò đúc nấu vàng,
Được thợ khéo luyện thành
Bừng sáng và rực rỡ,
Với dung sắc tuyệt mỹ...
Sau khi thấy Thái tử,
Chói sáng như lửa ngọn,
Thanh tịnh như sao Ngưu,
Vận hành giữa hư không,
Chói sáng như mặt trời,
Giữa trời thu mây tạnh.
Ấn sĩ tâm hân hoan
Được hỷ lạc rộng lớn".
Và đạo sĩ Asita nói là Thái tử tương lai sẽ tu chứng Phật quả, vì lòng từ thương xót chúng sanh mà truyền bá chánh pháp trên thế gian nầy.
"Thái tử này sẽ chứng,
Tối thượng quả Bồ đề
Sẽ chuyển bánh xe Pháp,
Thấy thanh tịnh tối thẳng
Vì lòng từ thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người,
Và đời sống phạm hạnh,
Được truyền bá rộng rãi".
Nhưng vì nghĩ mình đã già, không còn sống được bao lâu nữa, để có thể trực tiếp nghe Đức Phật thuyết pháp, cho nên đạo sĩ buồn và nói:
"Thọ mạng ta ở đời,
Còn lại không bao nhiêu,
Đến giữa đời sống Ngài
Ta sẽ bị mệnh chung.
Ta sẽ không nghe Pháp,
Bậc tinh cần vô tỷ,
Do vậy ta sầu não,
Bất hạnh và khổ đau..."
(Kinh Tập, 103)