KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA.................................................. .....................................Quyển 80
__________________________________________________ _____________________________________



Lại nữa, Kiều Thi Ca! Đại Bồ-tát, khi hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng nên trụ bậc phàm phu và pháp của bậc phàm phu là thường, hoặc vô thường, chẳng nên trụ bậc chủng tánh, Ðệ bát, Cụ kiến, Bạc, Ly dục, Dĩ biện, Ðộc-giác, Bồ-tát, Như Lai và pháp của bậc chủng tánh cho đến bậc Như Lai là thường, hoặc vô thường; chẳng nên trụ bậc phàm phu và pháp của bậc phàm phu là lạc, hoặc khổ, chẳng nên trụ bậc chủng tánh và pháp của bậc chủng tánh cho đến bậc Như Lai và pháp của bậc Như Lai là lạc, hoặc khổ; chẳng nên trụ bậc phàm phu và pháp của bậc phàm phu là ngã, hoặc vô ngã, chẳng nên trụ bậc chủng tánh và pháp của bậc chủng tánh cho đến bậc Như Lai và pháp của bậc Như Lai là ngã, hoặc vô ngã; chẳng nên trụ bậc phàm phu và pháp của bậc phàm phu là tịnh, hoặc bất tịnh, chẳng nên trụ bậc chủng tánh và pháp của bậc chủng tánh cho đến bậc Như Lai và pháp của bậc Như Lai là tịnh, hoặc bất tịnh; chẳng nên trụ bậc phàm phu và pháp của bậc phàm phu là tịch tịnh, hoặc chẳng tịch tịnh, chẳng nên trụ bậc chủng tánh và pháp của bậc chủng tánh cho đến bậc Như Lai và pháp của bậc Như Lai là tịch tịnh, hoặc chẳng tịch tịnh; chẳng nên trụ bậc phàm phu và pháp của bậc phàm phu là viễn ly, hoặc chẳng viễn ly, chẳng nên trụ bậc chủng tánh và pháp của bậc chủng tánh cho đến bậc Như Lai và pháp của bậc Như Lai là viễn ly, hoặc chẳng viễn ly; chẳng nên trụ bậc phàm phu và pháp của bậc phàm phu là không, hoặc bất không, chẳng nên trụ bậc chủng tánh và pháp của bậc chủng tánh cho đến bậc Như Lai và pháp của bậc Như Lai là không, hoặc bất không; chẳng nên trụ bậc phàm phu và pháp của bậc phàm phu là hữu tướng, hoặc vô tướng, chẳng nên trụ bậc chủng tánh và pháp của bậc chủng tánh cho đến bậc Như Lai và pháp của bậc Như Lai là hữu tướng, hoặc vô tướng; chẳng nên trụ bậc phàm phu và pháp của bậc phàm phu là hữu nguyện, hoặc vô nguyện, chẳng nên trụ bậc chủng tánh và pháp của bậc chủng tánh cho đến bậc Như Lai và pháp của bậc Như Lai là hữu nguyện, hoặc vô nguyện. Vì sao? Vì trụ là lấy hữu sở đắc làm phương tiện.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Đại Bồ-tát, khi hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng nên trụ quả Dự-lưu là tướng vô vi, chẳng nên trụ quả Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán là tướng vô vi. Vì sao? Vì trụ là lấy hữu sở đắc làm phương tiện.

Kiều Thi Ca! Đại Bồ-tát, khi hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng nên trụ quả vị Độc-giác là tướng vô vi. Vì sao? Vì trụ là lấy hữu sở đắc làm phương tiện.

Kiều Thi Ca! Đại Bồ-tát, khi hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng nên trụ quả vị giác ngộ cao tột là tướng vô vi. Vì sao? Vì trụ là lấy hữu sở đắc làm phương tiện.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Đại Bồ-tát, khi hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng nên trụ Dự-lưu là phước điền, chẳng nên trụ Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán là phước điền. Vì sao? Vì trụ là lấy hữu sở đắc làm phương tiện.

Kiều Thi Ca! Đại Bồ-tát, khi hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng nên trụ Độc-giác là phước điền. Vì sao? Vì trụ là lấy hữu sở đắc làm phương tiện.

Kiều Thi Ca! Đại Bồ-tát, khi hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng nên trụ Bồ-tát, Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác là phước điền. Vì sao? Vì trụ là lấy hữu sở đắc làm phương tiện.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Đại Bồ-tát, khi hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng nên trụ sự thù thắng của Sơ địa, chẳng nên trụ Sự thù thắng của Đệ Nhị địa cho đến Đệ Thập địa. Vì sao? Vì trụ là lấy hữu sở đắc làm phương tiện.