Đức vua đã cảm thấy bực mình nhưng vẫn nhẫn nại hỏi tiếp:

- Nếu không có quả phước tội, kiếp này giống kiếp kia thì chắc hẳn tướng mạo của chúng sanh vẫn không thay đổi?

- Đúng là vậy, tâu Đại vương!

- Ví dụ, tướng mạo một người xấu xí, tật nguyền hẳn kiếp sau cũng xấu xí, tật nguyền?

- Thưa vâng, tâu đại vương!

- Một tội nhân bị hành hình chặt tay, cưa chân, bị treo cổ, bị chém đầu; kiếp sau sinh ra cũng phải bị chặt tay, cưa chân, bị treo cổ và bị chém đầu như thế?

Vị danh sư gục gặc đầu:

- Quả đúng vậy, tâu đại vương!

Vua Mi-lan-đà vẫn trầm tĩnh, chậm rãi nói:

- Vậy muốn cho trẫm chấp nhận luận điệu ấy, thầy phải bằng mọi cách giảng giải, phân tích, so sánh, ví dụ minh bạch, cụ thể... cho trẫm nghe với nào?

Vị danh sư im lặng.

Đức vua bèn phản công:

- Thầy không đưa ra được à? Thầy chẳng có cách gì để bảo vệ cho giáo pháp của mình được à? Thế thì chẳng khác gì thầy đã nói dối? Đã võ đoán? Chỉ thuần túy là suy luận chứ không dựa trên một sự thật nào cả?

Vị danh sư cúi đầu bối rối.

Đức vua dằn mặt:

-Trẫm đã hỏi thầy một cách rất nghiêm túc, rằng là có nhân quả của các nghiệp thiện ác hay không! Câu hỏi ấy, đáng ra phải được trả lời rất là dè dặt, cẩn trọng, vì nó ảnh hưởng to lớn đến đạo đức con người, đến hạnh phúc của toàn xã hội. Thầy là một kẻ vô trách nhiệm, thiểu trí, không có lương tri, không có trái tim; không thấy, không biết lại dám đưa ra thuyết thường kiến làm băng hoại nhân luân và đức lý trần gian! Trẫm tôn trọng sự tự do tín ngưỡng, tôn trọng sự lập tông, khai giáo, tự do diễn thuyết, tự do ngôn luận và bảo vệ cả những tự do ấy. Nhưng thầy hãy tự xét lại, suy gẫm lại giáo pháp của thầy có thật sự hữu ích cho cuộc đời này không? Cái chủ trương của thầy với những quan kiến phi đạo đức ấy có phải là tung bóng tối và khổ đau lên cuộc đời vốn đã tối tăm và đau khổ này không?

Đức vua Mi-lan-đà giận run nhưng vẫn làm chủ được tư tưởng và cảm xúc của mình, không nói gì nữa, ngài lặng lẽ bỏ về hoàng cung, lòng vô cùng sầu não.

Ít hôm sau, nỗi buồn lắng xuống, đức vua lại ẩn nhẫn lặn lội đi đến giáo phái môn đệ của Niganthanàtaputta. Rồi lần lượt là môn đệ của Sanjavabelatthaputta, môn đệ của Ajitakesakambala, môn đệ của Pakuddhakaccàyana. Nhưng đức vua hoàn toàn thất vọng. Kẻ với thuyết hoài nghi,bất khả tri; kẻ với thuyết nguyên tử, những con số; kẻ với thuyết nhất nguyên vô ngã hay hữu ngã v.v..., chẳng có giáo chủ, chân sư nào làm cho trí tuệ của đức vua hài lòng.

Chán nản, đức vua lại quay qua chính sự, tìm quên trong công việc, đọc kinh sách, suy gẫm, trầm tư; nhưng nhà vua vẫn không chấm dứt được sự thao thức, xao xuyến và những nghi vấn về cuộc đời. Có một cái gì đó rất bí mật, rất huyền nhiệm đằng sau sự sống, sự chết của con người! Hiện tại trong tay đức vua có đầy đủ tất cả mọi quyền lực. Ngài đã từng là một tướng lãnh bất khả chiến bại, là một vị đế vương oai hùng chẳng ai dám sánh. Mọi kẻ thù đều cởi giáo quy hàng. Mọi lân bang đều triều phục. Quốc khố sung mãn châu báu, sung mãn khí giới, vật thực. Quân binh, voi, ngựa, xe kiêu hùng và vô địch. Danh vọng cao sang phủ trùm mọi châu lục. Thế nhưng, nhà vua vẫn cảm thấy trống không, cô đơn, vô nghĩa lý. Những vấn nạn không cơ hóa giải vẫn ngày đêm nhức nhối khối óc và trái tim của ngài. Có cái gì đó không bao giờ với tới được, chập chờn, ma mị, khuấy rối cả trong giấc ngủ của vị đế vương.

Nhân một đêm trăng sáng, đức vua Mi-lan-đà đi thơ thẩn dạo chơi trong vườn thượng uyển. Một làn gió mát mẻ thoảng qua, hương thơm vi diệu của nhiều loài hoa cực quý đưa tới. Đức vua cảm thấy tinh thần thư thái, ngài bước đi lặng lẽ dưới ánh trăng vằng vặc, lại suy nghĩ:

- "Ôi! Đêm thanh, trăng tỏ, gió phơi phới mát lành, hương kỳ hoa thơm ngát...! Vậy đây đâu phải là thời mà ta dạo chơi trống không vô vị như thế này? Đây là thời phải lẽ nhất để cho ta đi hỏi đạo nơi các bậc thượng sĩ, đạt đức, cao nhân! Nhưng mà môn đệ của sáu giáo chủ hữu danh nhất trong thiên hạ, ta đã gặp rồi. Những lời giải đáp của họ không làm cho lỗ tai ta hoan hỷ; không làm cho trái tim của ta bao dung, dịu dàng; không làm cho trí óc của ta được cởi mở, khoan khoái. Cái trí tuệ và mớ kiến thức nhạt nhẽo của họ không xứng đáng để ta mất thì giờ vô ích.

Ôi! Vậy cõi Diêm-phù-đề này còn bậc đại ẩn sĩ nào chăng? Quốc độ này chẳng lẽ không có một sa môn, bà-la-môn, đạo sĩ nào thành đạt trí tuệ cao thượng quả vị A-la-hán, quả vị Phật ... để ta đến thăm viếng, cung kính, lễ bái, tôn trọng, cúng dường hay sao? Chẳng còn ai phá nghi cho ta, giảng giải những chỗ uyên áo, tế vi mà ta hằng thao thức hay sao?"

Hôm kia, sau buổi thiết triều, đức vua ân cần đem tâm sự trên nói với bá quan, nhưng mọi người chỉ lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau.

Một vị lão thần tâu:

- Ngoài sáu phái hữu danh ở trong và ngoài truyền thống Phệ-đà, còn có đạo Phật rất thịnh hành, chùa chiền và Tăng lữ đông đúc, chẳng hay...

Đức vua khoát tay, đứng dậy:

- Khanh đừng nói nữa! Hầu như trẫm đã đi thăm viếng hết rồi tất cả những ngôi chùa hữu danh, sa môn hữu danh...! Kẻ thì tinh thông pháp học nhưng không có pháp hành, người thì chuyên về pháp hành, không biết gì về pháp học. Nhưng những pháp học của họ cũng khả nghi bởi những kiến thức chắp vá, vay mượn từ nhiều chủ thuyết khác nhau. Đa phần là hữu danh vô thực hoặc có chút kiến thức chứ không có trí tuệ. Nói tóm lại, thật là hoang vu và rỗng không trong các tu viện, tự viện, am thất, chùa chiền... Hầu hết là cái giá áo, túi cơm; xuất gia tu học chỉ để thừa tự tài lộc, vật thực... mà thôi!

Nói xong, nhà vua thở dài.

Thế rồi, bắt đầu từ dạo ấy, miệng truyền miệng, tai truyền tai, thủ đô Sàgala vắng bặt không còn một sa môn nào dám lai vãng. Sáu phái hữu danh lập căn cứ địa mấy trăm năm ở đây cũng "chuồn" về phương khác. Tất cả chùa chiền, am thất... trống không Tăng lữ, và thiện nam tín nữ, theo đó chẳng còn ai tới lui.

Suốt mười hai năm ròng rã, nghe đâu có bậc đại trí là đức vua tìm đến, rồi sau đó lặng lẽ trở về với bước đi nặng nề hơn, phiền muộn hơn.

Các sa môn, bà-la-môn, đạo sĩ lần lượt bỏ kinh đô Sàgala cùng đế quốc của đức vua, tìm chỗ khác trú thân hoặc ẩn trốn vào non sâu tuyết lãnh.

Ai cũng sợ đức vua Mi-lan-đà tìm đến hỏi đạo!?