DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 8/21 ĐầuĐầu ... 67891018 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 71 tới 80 của 202
  1. #71
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    64. Nước mắt nào là thuốc? Nước mắt nào là độc dược?

    - Thưa đại đức, trẫm có nghe các bậc hiền trí nói rằng, trên thế gian này có hai loại nước mắt. Một loại nước mắt có khả năng trị bệnh như một liều thần dược vì nó làm cho mát mẻ và sảng khoái tinh thần. Một loại nước mắt khác thì như độc dược, nguy hiểm vô cùng. Việc ấy có không, và nếu có, thì tại sao lại có chuyện lạ lùng như thế?

    - Chuyện có đấy, tâu đại vương !

    - Xin đại đức giảng cho nghe.

    - Nước mắt do uất ức, hận thù, do sầu bi khổ ưu não...; là loại nước mắt được xúc cảm, bị thiêu đốt bởi tham luyến, sân hận và si mê... mà tiết ra, trào vọt ra; nước mắt ấy chẳng khác gì độc được. Nhưng nước mắt ứa ra được xúc cảm bởi các trạng thái tâm cao thượng, như nghe pháp, như phỉ lạc trong thiền định, niềm hỷ hoan tinh thần, tâm bi mẫn đối với đau khổ của chúng sanh...; thì đó là loại nước mắt mát mẻ do hỷ, phỉ, bi mà có, nên nó đúng là liều thần dược, tâu đại vương!

    - Thật là hay, thật là bổ ích.

    ______________


    65. Tham luyến và dứt tham luyến

    - Thưa đại đức , người còn tham luyến và người đã dứt trừ tham luyến, hai hạng người ấy khác nhau ở chỗ nào?

    - Người còn tham luyến là người còn dính mắc, người không còn tham luyến là người không còn dính mắc, tâu đại vương!

    - Trẫm nghĩ rằng sống trên đời này ai cũng ưa ăn sung, mặc sướng; ai cũng muốn thọ dụng ngũ dục khả ái, khả ý; thế thì chuyện dính mắc hoặc không dính mắc làm sao biết được, làm sao phân biệt được?

    - Đúng là cả hai bên đều thọ dụng giống nhau, đều phải ăn, mặc giống nhau. Nhưng với kẻ còn tham luyến thì họ đắm say, hưởng thụ, tìm thỏa mãn trong ngũ dục, lại còn suốt đời miệt mài đeo đuổi ngũ dục nữa. Trái lại, người không còn tham luyến, họ ăn, mặc, ngủ rất chừng mực, điều độ. Ăn, mặc, ngủ đối với họ chỉ để nuôi mạng sống, duy trì thân thể để tu tập, để hành phạm hạnh. Như vậy được gọi là dính mắc và không dính mắc, tâu đại vương .

    - Trẫm đã lãnh hội được điều ấy.

    ______________


    66. Trí tuệ ở đâu?

    - Thưa đại đức , trí tuệ nó nằm ở đâu?

    - Nó không có trú xứ làm sao mà chỉ nó ở đâu, đại vương!

    - Ngài nói vậy e rằng không có trí tuệ rồi.

    Tỳ khưu Na-tiên bèn hỏi lại:

    - Thế gió nó ở đâu, tâu đại vương ?

    - Không thể chỉ được.

    - Đại vương nói vậy thì e rằng không có gió rồi!

    Đức vua Mi-lan-đà chợt cười ha hả:

    - Đại đức lanh trí lắm!


  2. #72
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    67. Luân hồi (Samsara)

    - Luân hồi là thế nào, thưa đại đức?

    - Luân hồi sinh tử là sự sống chết lui tới quẩn quanh của chúng sanh. Nghĩa là chúng sanh sanh ra trong thế gian, rồi lại chết trong thế gian. Chết trong thế gian, cấu sanh trở lại cũng trong thế gian, rồi sẽ chết lại trong thế gian nữa. Và cứ thế, tử sanh sanh tử mãi mãi đến vô cùng, chẳng bao giờ ra khỏi thế gian được. Luân hồi tử sanh là vậy, tâu đại vương!

    - Xin cho nghe ví dụ.

    - Người ta ăn trái xoài, lấy hạt gieo, mọc lên thành cây, có hoa, có trái. Lấy trái ăn rồi gieo nữa, mọc lên cây khác, trái khác. Lại ăn nữa, lại gieo nữa. Như thế, trái xoài đầu tiên không biết đâu tìm, mà trái xoài cuối cùng cũng kéo dài đến vô tận, không có điểm cuối. Sự sống chết, chết sống của chúng sanh trong vòng luân hồi cũng như thế đó, tâu đại vương!

    - Trẫm đã hiểu rồi!

    _____________

    68. Trí nhớ

    - Thưa đại đức, nếu mình nhớ lại được một việc làm từ lâu xưa, không biết là do gì?

    - Do trí nhớ, tâu đại vương .

    - Thế mà trẫm nghĩ, nhớ được là do tâm.

    - Nếu đại vương nghĩ là do tâm, vậy có việc gì trong quá khứ mà đại vương quên chăng?

    - Có rất nhiều chuyện đã quên.

    - Đã nhớ là do tâm mà sao lại quên? Hay khi làm những việc ấy, đại vương làm với vô tâm ?

    - Không phải vậy, làm với hữu tâm.

    - Đã "có tâm" mà sao tâm lại không nhớ ?

    Suy nghĩ một hồi, đức vua nói:

    - Hay là ký ức chăng?

    - Đúng thế, trí nhớ là do ký ức, ký ức chính là nơi ghi chép chuyện quá khứ giúp cho trí nhớ làm việc. Chức năng của trí nhớ là làm công việc nhớ lại các việc trong quá khứ; còn tâm có chức năng nhận thức, suy nghĩ, nhận biết, chụp bắt, gom thâu mà thôi, tâu đại vương !

    - Rõ ràng lắm rồi!

    _________________


    69. Ai cũng có trí nhớ

    Đức vua hỏi tiếp:

    - Trí nhớ này chỉ có đối với người trí thức, người có học, hay nó phổ cập cho mọi hạng người, kể cả người lao động chân tay?

    - Tất cả mọi người trên thế gian đều có trí nhớ cả. Có trí nhớ mới có thể học các môn học, tu tập các đề mục thiền định, học hỏi các công nghệ hoặc sống và làm việc trên đời này, tâu đại vương !



  3. #73
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    70. Có bao nhiêu loại trí nhớ


    - Vậy có bao nhiêu loại trí nhớ, thưa đại đức ?

    - Có tất cả mười bảy loại trí nhớ, tâu đại vương .

    - Xin cho nghe?

    - Vâng, xin đại vương hãy nghe:

    Một là trí nhớ phi thường.
    Hai là trí nhớ do cất đặt của cải, tài sản.
    Ba là trí nhớ các ngày trọng đại hay hạnh phúc lớn.
    Thứ tư, trí nhớ do kỷ niệm vui.
    Thứ năm, trí nhớ do từng bị khổ đau.

    Thứ sáu, trí nhớ do những hình ảnh quen thuộc.
    Bảy là trí nhớ được tái hiện do mùi vị, âm thanh v.v...
    Tám, trí nhớ do được nhắc lại.
    Chín, trí nhớ do làm dấu, dấu hiệu.
    Mười, trí nhớ do nhắc nhở nguyên nhân.

    Mười một, trí nhớ do nhìn mặt chữ.
    Mười hai, trí nhớ do ghi chép.
    Mười ba, trí nhớ lâu xa do đắc túc mạng minh.
    Mười bốn, trí nhớ do từ kinh sách, sử sách.
    Mười lăm, trí nhớ do nhớ ý nghĩa.

    Mười sáu, trí nhớ do huân tập, thói quen
    Mười bảy, trí nhớ do nhờ học thuộc lòng.

    Đức vua hỏi tiếp:

    - Thế nào là trí nhớ phi thường?

    - Đây là loại trí nhớ của ngài Ànada, chỉ nghe Đức Thế Tôn thuyết một lần là có thể thuyết lại giống y như thế; như sao y nguyên văn các kệ ngôn, đoản ngôn, ví dụ, so sánh v.v... Lại còn nhớ lâu, không quên. Đây cũng là trí nhớ của cận sự nữ Khujjutarà, chỉ nghe Đức Đạo Sư thuyết một lần là thuyết lại được, tâu đại vương .

    - Thế nào là loại trí nhớ do cất đặt của cải tài sản?

    - Đây là loại trí nhớ của những người giàu có quen chu đáo, cẩn thận; họ chôn dấu, cất đặt tài sản, vật quý chỗ này chỗ kia, nhưng khi cần lấy để sử dụng, họ nhớ ngay, tâu đại vương!

    - Thế nào là trí nhớ bởi những ngày trọng đại, hạnh phúc lớn?

    - Ví dụ như đức vua nhớ ngày đăng quang của mình, người xuất gia nhớ ngày thọ đại giới, bậc thánh nhớ lại hạnh phúc đầu tiên khi đắc quả Tu-đà-hườn v.v...

    - Tức là những kỷ niệm trọng đại ở trong đời, bất kể xuất gia hay tại gia?

    - Đúng vậy.

    - Nó khác gì với loại trí nhớ thứ tư: tức là dokỷ niệm vui?

    - Loại thứ ba là kỷ niệm trọng đại, loại thứ tư là niềm vui bình thường với huynh đệ, gia đình, bè bạn; do gặp lại những niềm vui đã từng có trước đây mà nhớ lại.

    - Còn trí nhớ do từng bị đau khổ ?

    - Là những người từng bị đau khổ, lao lung, hoạn nạn trong khoảng đời nào đó đã hằn sâu trong tâm khảm, bây giờ dễ dàng nhớ lại mỗi lần hồi ức, hồi tưởng.

    - Thế nào là trí nhớ do hình ảnh quen thuộc?

    - Đây là do những người mình đã từng quen mặt như cha mẹ, anh em, nay thấy lại hình ảnh những người hao hao như vậy nên sực nhớ. Thảng hoặc là thấy nhà cửa, cây cối, súc vật tương tự, nó gợi lại hình ảnh quá khứ đã từng quen biết, tâu đại vương !

    - Trẫm đã hiểu! Ví dụ như hồi còn nhỏ, ở quê, trẫm hay thấy loài ngựa cao thồ chở hàng, sang đây mỗi lần thấy ngựa chở hàng liền nhớ lại quê cũ, có phải thế không?

    - Đúng vậy.

    - Thế thì trí nhớ do tái hiện mùi vị, âm thanh?

    - Không những mùi vị, âm thanh mà cả màu sắc nữa, nói rộng ra là cả ngũ trần; nếu ta đã từng cảm xúc, thích thú từ quá khứ, nay gặp lại màu sắc ấy, mùi vị ấy, âm thanh ấy... thì cả một trời liên tưởng lại hiện ra mà phát sanh trí nhớ, tâu đại vương .

    - Vâng, còn trí nhớ được nhắc lại?

    - Dễ hiểu thôi, ví dụ một bài toán mà đại vương đã quên, sau đó nhờ người khác nhắc, đại vương làm được bài toán ấy...

    - Loại trí nhớ thứ chín, thưa đại đức ?

    - Có những người buôn bán nhỏ, họ không biết chữ, biết viết nhưng họ lại làm dấu bằng son, bằng than nơi tường nhà. Nhờ làm dấu, họ biết rõ ai còn nợ bao nhiêu, ai đã trả bao nhiêu v.v... Ví dụ những tỷ kheo làm dấu trên y của mình, ví dụ những chủ trâu bò thường làm dấu nơi trâu, nơi bò của mình để khỏi lẫn lộn với đàn trâu bò khác, v.v...

    - Loại trí nhớ do nhắc nhở nguyên nhân là gì?

    - Đây là trường hợp những người có trí nhưng hay quên. Khi được nhắc nhở, không cần nhắc nhở toàn bộ sự việc, chỉ nhắc nhở nguyên nhân là họ có thể biết, tâu đại vương!

    - Cho xin nghe ví dụ.

    - Ví dụ, người kia cầm bó đuốc trên tay đi qua một xóm nhà lá, có người thấy vậy nói rằng: "Coi chừng bó đuốc trên tay kìa!". Chỉ cần nghe vậy là người kia sực nhớ rằng: "Ông A vì sơ ý nhen lửa mà làm cháy cả cánh đồng. Ông B vì đốt đèn sơ ý mà cháy nhà, cháy lan cả xóm v.v...". Đây là loại trí nhớ nhắc nhở nguyên nhân, tâu đại vương!

    - Còn trí nhớ do nhìn mặt chữ là vì viết hoài nên quen tay, quen mặt chữ, sau này chỉ nhìn mặt chữ là biết viết, biết luôn cả nghĩa của nó, phải thế chăng, đại đức?

    - Đúng vậy.

    - Trí nhớ do ghi chép là của người làm thư ký, làm sổ sách kế toán với những con số nhỏ, con số lớn. Nhờ ghi chép vào sổ sách cụ thể, rõ ràng mới nhớ được, phải không đại đức? Còn trí nhớ lâu xa do đắc túc mạng minh là thế nào?

    - Đây là trí nhớ do đắc túc mạng: nhớ được một kiếp, hai kiếp... cho đến trăm ngàn kiếp trước của mình, tâu đại vương!

    - Còn trí nhớ có từ kinh sách, sử sách là trí nhớ do đọc kinh sử của nhiều đời, nhiều thời đại trước viết lại, chép lại ở trong kinh sử ấy?

    - Đúng thế, tâu đại vương!

    - Còn trí nhớ do ý nghĩa?

    - Đây là loại trí nhớ của người thông minh, sáng láng, đọc kinh sách họ có thể quên hết câu, chữ mà chỉ nhớ ý nghĩa của câu, chữ ấy. Khi cần viết lại câu, chữ họ sẽ từ ý nghĩa ấy mà viết ra theo cách diễn đạt của mình.

    - Thế trí nhớ do huân tập, thói quen là gì?

    - Bất cứ môn học nào, dù trí thức hay chân tay, mà chúng ta học mãi, làm hoài; lâu nó sẽ huân tập thành thói quen - là loại trí nhớ này, tâu đại vương!

    - Vâng, còn trí nhớ do học thuộc lòng thì trẫm biết rồi. Vậy là có tất cả mười bảy loại trí nhớ!

    - Thật ra, nó còn nhiều loại nữa, tâu đại vương! Nhưng mười bảy loại trí nhớ này đủ để tóm thâu tất cả mọi loại trí nhớ trên đời này.

    - Trẫm hiểu rồi. Vậy là quá đầy đủ. Tri ân đại đức nhiều lắm.



  4. #74
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    71. Tương quan phước và tội


    Đức vua hỏi:

    - Trong hàng ngũ sa môn của Đại đức, có người thuyết rằng, có kẻ trọn đời làm ác nhưng đến khi lâm tử, họ tưởng nghĩ đến Phật, ân đức hoặc tướng hảo quang minh sáng chói của ngài thì có thể sanh lên cõi trời. Điều ấy thật khó tin! Lại nữa, các vị ấy còn thuyết rằng, người nào đã lỡ tạo nghiệp sát sanh, không cần phải nhiều lần, dù chỉ một lần, người ấy phải bị đọa địa ngục chẳng sai. Điều ấy lại càng không thể tin được!

    - Tâu Đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, nếu có người ném một viên đá nhỏ độ bằng hột bắp hay hột tiêu xuống mặt nước, viên đá ấy sẽ nổi hay chìm?

    - Chắc chắn phải chìm.

    - Nếu có một người chất vài trăm viên đá lớn vào một chiếc ghe rất to, có sức chở rất lớn - thì vài trăm viên đá ấy có chìm không, Đại vương?

    - Thưa không.

    - Cũng vậy là tội và phước cùng sự tương quan giữa phước và tội, tâu Đại vương! Một viên đá dù bé như hạt tiêu nó vẫn bị chìm xuống nước. Tương tự vậy, có người làm việc ác, dù chỉ một lần, như giết sanh mạng loài hữu tình; thì ác nghiệp ấy có sức nặng đưa chúng sanh đầu thai vào các cảnh giới đau khổ như địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a-tu-la. Vài trăm viên đá lớn mà không chìm là nhờ có ghe lớn chở. Cũng giống thế, một người làm việc ác trọn đời nhưng nhờ tưởng nghĩ đến ân đức của Phật, tâm người ấy trú vững chắc và hoan hỉ ở trong ân đức ấy; nhờ vậy, chính nhờ thiện tâm nâng đỡ - như chiếc ghe lớn - người ấy được sanh thiên cũng là điều hiển nhiên thôi.

    - Trẫm đã hiểu.

    - Lại nữa, ác nghiệp nặng thường đưa chúng sanh đi xuống, thiện nghiệp nhẹ thường đưa chúng sanh đi lên. Tuy nhiên, nếu đã lỡ tạo ác nghiệp rồi thì phải siêng năng, tinh tấn làm việc lành; chính nhờ việc lành, nhờ thiện nghiệp, nó có khả năng nâng đỡ cho tất cả chúng sanh. Tuy nhiên, Đức Thế Tôn còn dạy rằng: " Ghe, thuyền hằng chuyên chở đồ đạc qua sông lớn, qua biển lớn; nhưng nếu ghe, thuyền ấy chở quá mức độ cho phép, ghe thuyền ấy sẽ bị chìm. Cũng vậy, thiện nghiệp nâng đỡ ác nghiệp, nhưng nếu ác nghiệp quá nặng, thiện nghiệp cũng sẽ bị chìm theo! Lại nữa, ghe thuyền ấy phải được vững chắc, kiên cố không bị rò rỉ; nếu bị rò rỉ, thấm nước thì phải tát cạn, phải bịt chặt các lỗ rò rỉ đi. Cũng vậy, đừng để ác nghiệp xen vào, nếu ác nghiệp đã rò rỉ vào tâm thì phải bịt chặt lại, tát cạn lần hồi ác nghiệp ấy đi. Nhờ vậy ghe, thuyền thiện pháp kia sẽ đến được bến bờ an vui nhất định."

    - Trẫm không còn nghi ngờ gì điều ấy nữa.



  5. #75
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    72. Diệt khổ chưa đến?

    (Tương tự câu 43)

    Đức vua hỏi:

    - Thưa đại đức, những vị sa môn của đại đức tu hành tinh tấn là để nhằm diệt trừ những nỗi thống khổ, phải chăng?

    - Đúng thế!

    - Những cái khổ ấy từ quá khứ chăng?

    - Có thể từ quá khứ nhưng quá khứ thì đã qua rồi.

    - Vị lai chăng?

    - Có thể là vị lai nhưng vị lai cũng chưa đến.

    - Thế thì hiện tại chăng?

    - Có thể là hiện tại nhưng hiện tại không có điểm dừng, luôn chảy trôi.

    Đức vua Mi-lan-đà nhíu mày:

    - Thế thì cái khổ ấy nó nằm ở đâu?

    - Nơi nào tương quan phát sanh, nơi nào lục căn tiếp xúc với lục trần, nơi ấy xem chừng đau khổ sẽ hiện khởi.

    - Vậy là đau khổ ấy sẽ có mặt từ thời hiện tại đến thời tương lai?

    - Cả quá khứ nữa, thưa đại vương!

    - Như đại đức nói là quá khứ đã qua rồi!

    - Đúng thế, nhưng nếu chúng ta hồi ức, hồi tưởng, nó sẽ có mặt ngay tức khắc. Lại nữa, do chúng ta cố ý lưu giữ ở trong tâm.

    - Vậy muốn nói cho chính xác thì đau khổ luôn luôn là có, sẽ có, sẽ tới khi lục căn tiếp xúc với lục trần?

    - Có thể nói như vậy.

    - Cũng có thể nói là diệt cái khổ nhưng mà cái khổ ấy sẽ có, sẽ đến?

    - Đúng thế.

    Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:

    - Thế là đại đức tu hành tinh tấn là nhằm tiêu diệt những cái khổ chưa đến, chưa có? Thật là kỳ lạ! Cái khổ chưa phát sanh thì làm sao mà diệt nó được.

    Đại đức Na-tiên cũng mỉm cười:

    - Hiện nay, đức vua là đấng chí tôn của một quốc gia; có khi nào đức vua nghĩ đến trường hợp một nước cừu địch nào đó sẽ lăm le xâm chiếm lãnh thổ của đại vương chăng?

    - Có chứ.

    - Vậy thì đức vua sẽ chờ đến lúc quân giặc công phá thành trì mới lo tập luyện binh mã, rèn đúc khí giới hay sao?

    - Không, trẫm lo toan dự phòng những công việc ấy từ trước.

    - Dự phòng khi quân giặc chưa đến hay sao?

    - Đúng thế.

    - Giặc chưa đến mà đã lo việc diệt giặc nhỉ?

    - Đúng thế! Bởi không biết giặc sẽ đến lúc nào nên phải luôn luôn phòng vệ, phòng thủ.

    - Cũng như thế đó, tâu đại vương! Đau khổ chưa đến nhưng thình lình đau khổ sẽ đến như quân giặc kia vậy, đợi đến khi đau khổ đến mới tìm cách diệt là đã muộn rồi. Các sa môn Thích tử tu hành tinh tấn, phòng hộ các căn, giữ gìn thu thúc thân khẩu ý, giới luật nghiêm cẩn là để phòng thủ thành trì như thế đó, tâu đại vương!

    - Trẫm đã hiểu, nhưng cho nghe thêm ví dụ.

    - Đại vương đợi đến khi khát nước mới bảo quân binh đào giếng, đào hồ hay sao?

    - Đợi đến khi khát mới đào giếng thì đâu có kịp.

    - Cũng thế, đợi đau khổ đến mới tìm cách diệt thì đâu còn kịp nữa!

    - Đúng vậy, xin cho nghe ví dụ nữa.

    - Đại vương đợi đến khi đói bụng mới cho người cày ruộng, bừa rồi gieo hạt lúa hay sao?

    - Ai lại làm thế bao giờ.

    - Vậy thì đại vương nghĩ rằng các sa môn Thích tử tu hành tinh tấn nhằm diệt cái khổ chưa đến là chuyện không đúng chăng?

    - Hoàn toàn chính xác.

    Đại đức Na-tiên chợt hỏi:

    - Đại vương hỏi câu này đến hai lần, tại sao vậy?

    - Trẫm muốn thử sự thấy biết nhất quán của đại đức vậy thôi!

    - Cảm ơn đại vương!



  6. #76
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    73. Cõi Phạm Thiên bao xa?


    - Thưa đại đức! Từ đây đến cõi trời phạm thiên bao xa?

    - Xa lắm, tâu đại vương!

    - Đại đức có thể cho biết cụ thể được chăng?

    - Có thể được, tuy không xác đáng lắm, nhưng đại vương có thể hình dung. Rằng là nếu có một tảng đá to lớn bằng một tòa nhà, rớt từ cõi trời phạm thiên xuống thì nó phải mất bốn tháng mới đến được nơi đây, tâu đại vương.

    - Thế tại sao kinh sách Phật giáo nói rằng, một tỳ khưu có thần thông có thể bay từ cõi người lên cõi phạm thiên chỉ với thời gian như viên lực sĩ co duỗi cánh tay? Điều ấy thật khó tin.

    Đại đức Na-tiên không trả lời mà lại hỏi:

    - Đại vương quê quán ở đâu?

    - Trẫm sanh ra và lớn lên ở đảo Alasanda, thưa đại đức.

    - Từ đây đến đó có xa chăng?

    - Xa lắm, có lẽ xa hơn hai trăm do tuần.

    - Thế đại vương có nhớ việc gì xảy ra tại quê cũ của đại vương chăng?

    - Trẫm nhớ chứ, và nhớ một cách dễ dàng.

    - Sao đại vương có thể đi và về vượt qua hai trăm do tuần nhanh đến vậy?

    Đức vua Mi-lan-đà cười xòa:

    - Đại đức nhạy trí quá, trẫm rất cảm phục.



  7. #77
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    74. Thời gian tái sanh

    - Thưa đại đức, ví dụ có hai người ở đây cùng chết, một người được sanh lên cõi trời phạm thiên, một người đầu thai vào xứ Kasmir kế cận đây, thế thì ai sẽ đến trước?

    - Cùng đến một lúc, tâu đại vương.

    - Xa gần không đồng nhau mà sao lại cùng đến một lượt, thưa đại đức?

    - Thế thì đại vương thử nhiếp tâm nghĩ đến xứ sở Alasanda của đại vương đi?

    - Trẫm nghĩ rồi.

    - Bây giờ đại vương lại nhiếp tâm nghĩ đến xứ sở Kasmir đi!

    - Trẫm nghĩ rồi!

    - Thời gian mà đại vương nghĩ đến hai xứ sở ấy, xứ sở nào mau hơn?

    - Thời gian bằng nhau.

    - Tại sao thế? Xứ Alasanda của đại vương cách đây hai trăm do tuần, xứ Kasmir cách đây chỉ có mười hai do tuần mà thời gian đi về lại bằng nhau?

    - Quả đúng như thế thật. Nhưng đại đức có thể cho nghe thêm ví dụ nữa được chăng?

    - Ví dụ có hai con chim cùng bay, một con tìm đậu nhánh cao, một con tìm đậu nhánh thấp, chúng cùng đậu một lần. Bần tăng thử hỏi đại vương, cái bóng của hai con chim ấy, bóng nào rọi xuống mặt đất trước?

    - Cùng một lần, không trước không sau.

    - Chúng sanh chấm dứt thọ mạng ở đây, dẫu hóa sanh lên cõi Phạm thiên, dẫu đầu thai vào cảnh người thì thời gian vẫn đồng nhau, không có sau trước, tâu đại vương.

    - Đại đức cho nghe thêm ví dụ.

    - Đại vương hãy nhìn sắc thân của bần tăng đi?

    - Trẫm nhìn rồi.

    - Đại vương bỏ bần tăng, và qua cửa kính trên nóc cung điện, nhìn mặt trời thử xem.

    - Trẫm nhìn rồi.

    - Thời gian mà đại vương nhìn bần tăng ở cạnh đây và thời gian mà đại vương nhìn mặt trời xa xăm kia, có bằng nhau chăng?

    Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:

    - Vậy là trẫm đã hiểu. Sự tái sanh của chúng sanh, dầu ở cảnh giới nào, đều xảy ra trong một niệm, chẳng có xa gần, sau trước!

    - Đúng thế, tốc lực tâm đều bằng nhau.

    - Quả vậy, thưa đại đức.



  8. #78
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    75. Sự liên hệ giữa kiếp này với kiếp kia


    Đến đây, đức vua Mi-lan-đà chợt suy nghĩ một hồi lâu rồi nói:

    - Thưa đại đức, trẫm có một hoài nghi, một nghi nan. Rằng là chúng sanh chết ở đây đầu thai vào cảnh giới khác, khi đi sanh như vậy chúng có hình tướng hoặc màu sắc nào chăng?

    - Chẳng có màu sắc nào, chẳng có hình tướng gì khi chúng sanh đi đầu thai, tâu đại vương. Suốt cả tam tạng, Đức Chánh Đẳng Giác không nói điều ấy.

    - Nếu Đức Phật không thuyết điều ấy thì rõ ràng giáo pháp của Đức Phật đồng với ngoại đạo rồi!

    - Tại sao đại vương lại suy diễn như vậy?

    - Đúng là trẫm suy diễn, nhưng mà trẫm suy diễn y cứ nơi câu nói của đại đức. Nếu chúng sanh đi đầu thai mà không mang theo màu sắc và hình tướng nào cả, như vậy chứng tỏ không có chúng sanh đi đầu thai. Không có chúng sanh đi đầu thai thì cảnh giới mà nó đầu thai cũng không có. Cõi sau không có thì cõi sau nữa cũng không có. Nếu luận điểm như vậy thì khác gì chủ trương của tà sư Gunàjìvaka, là bậc thầy lớn, là bậc trí thức lớn ngoại đạo hằng tuyên bố: "Chẳng có cõi này, cõi sau nên không có chuyện chúng sanh đầu thai vào cõi sau."

    - Đại vương hãy nghe bần tăng nói đây.

    - Trẫm nghe rõ rồi.

    - Đại vương có nói dối không đấy?

    - Sao đại đức lại nói thế?

    - Làm sao đại vương có thể nghe được lời nói của bần tăng, khi mà lời nói của bần tăng chẳng có màu sắc và hình tướng nào cả? Chẳng có màu xanh, trắng, vàng... hay hình thù như voi, ngựa, xe đi từ miệng của bần tăng sang lỗ tai của đại vương?

    Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

    - Hay lắm, tuyệt vời thay là trí tuệ của đại đức.

    - Tâu đại vương! Chúng sanh lìa bỏ cõi đời này đi tìm chỗ tái sanh chẳng có màu sắc, hình thù tướng mạo gì cả đâu. Từ cảnh giới này sang cảnh giới kia ví như tiếng nói của bần tăng đi sang lỗ tai của đại vương vậy!

    - Trẫm đã hiểu rồi. Có lẽ trên thế gian này chẳng ai có tuệ giác thâm sâu như đại đức, đã soi rọi làm cho trẫm tiêu tan mọi nghi ngờ. Nhưng từ sự giải đáp của đại đức, trẫm lại phát sanh một nghi nan khác nữa.

    - Đại vương cứ nói.

    - Nếu tái sanh mà chẳng có màu sắc và hình tướng nào đi ra cả, thì khi đầu thai vào cảnh giới mới, một ngũ uẩn khác sẽ tự nhiên sanh ra chăng? Và như vậy thì nói thiện, nói ác để làm gì? Có sự liên hệ gì giữa nghiệp thiện ác với đời này đời kia đâu? Và cái mà Phật giáo gọi là vòng luân hồi tái sanh thật vô nghĩa lý vậy! Xin đại đức hãy soi sáng cho trẫm điều nghi nan ấy.

    - Vâng, thường ngày đại vương có ăn cơm chăng?

    - Có.

    - Hạt cơm ấy từ đâu ra?

    - Từ lúa.

    - Lúa ấy tự nhiên sanh ra hay do đại vương bảo nhân dân cày bừa và gieo hạt?

    - Dĩ nhiên là phải trải qua công phu gieo cày gặt hái mới có được.

    Im lặng một lát, đại đức Na-tiên hỏi tiếp:

    - Hạt gạo mà đại vương sai người nấu để ăn chính là hạt lúa mà người nông dân gieo trên ruộng phải chăng?

    - Thưa không phải.

    - Hay là hạt lúa khác?

    - Cũng không phải. Nó có được từ hạt lúa gieo trên ruộng.

    Đại đức Na-tiên chợt mỉm cười:

    - Thế là đại vương đã tự trả lời câu hỏi của đại vương! Đại vương đã tự trả lời rằng, hạt cơm mà đại vương ăn chẳng phải do tự nhiên sanh mà do công người nông phu gieo cày và gặt hái. Lại nữa, hạt cơm ấy có được dẫu chẳng phải là hạt lúa gieo trên ruộng, nhưng cũng do từ hạt lúa trên ruộng ấy sanh ra. Cũng vậy, ngũ uẩn tuy đã diệt rồi, nhưng nương tựa ngũ uẩn ấy, do các nghiệp thiện ác chi phối mà sanh ra ngũ uẩn mới. Ngũ uẩn mới chính là hạt gạo mà đại vương ăn, nó có được cũng do từ ngũ uẩn cũ, tức là hạt lúa cũ sinh ra. Và đấy chính là sự diễn tiến của vòng luân hồi tái sanh, tâu đại vương.

    - Trẫm đã rõ lắm rồi nhưng cho nghe thêm ví dụ.

    - Đại vương có tổ chức hội hoa đăng chứ?

    - Thưa có.

    - Khi đại vương chủ trì hội hoa đăng ấy, đại vương thấy người ta mồi lửa từ cây đèn này sang cây đèn khác chứ?

    - Vâng, thấy.

    - Thế thì lửa bên cây đèn này tự nhiên nó chạy sang cây đèn bên kia chăng?

    - Chẳng phải tự nhiên mà do có người mồi.

    - Rồi lửa ở cây đèn sau chính là lửa ở cây đèn trước?

    - Không phải.

    - Hay chẳng liên hệ gì với nhau?

    - Chẳng phải.

    - Vậy là đại vương đã tự trả lời. Đại vương đã tự trả lời rằng, chẳng phải ngũ uẩn mới do tự nhiên sanh mà chính do thiện ác tạo tác. Ngũ uẩn mới không phải là ngũ uẩn cũ đầu thai mà do ngũ uẩn cũ cùng với những tạo tác của nó mà sanh ra ngũ uẩn mới. Đại vương đã nắm vững vấn đề rồi chứ?

    Đức vua Mi-lan-đà gật đầu rồi hỏi tiếp:

    - Ngũ uẩn nói chung, nhưng nói riêng sắc uẩn cũng là vậy chứ.

    - Đúng là vậy.

    - Thọ và tưởng... cũng thế?

    - Đúng là vậy.

    - Nhưng sắc thân của chúng sanh dù xấu dù đẹp, dù đui què mẻ sứt hay lành lặn; những cảm thọ vui buồn, cùng những tri giác, ý tưởng v.v... nếu bảo chết là hết thì không đúng, bảo không liên hệ gì nhau cũng không đúng. Trẫm đã hiểu vậy nhưng đại đức có thể thiện xảo cho nghe ví dụ nào cụ thể dễ hiểu nữa chăng?

    - Có thể được. Đại vương có cái kiếng soi mặt nào ở đấy chăng?

    - Thưa có.

    - Đại vương hãy để cái kiếng ấy ở trước mặt đại vương.

    - Để rồi.

    - Đại vương hãy soi mặt mình vào đấy.

    - Soi rồi.

    - Đại vương có thấy rõ tai, mắt, mũi của đại vương ở trong kiếng chăng?

    - Thưa, thấy rõ rồi.

    - Thế là tai, mắt, mũi của đại vương đã đi qua cái kiếng kia rồi phải không?

    - Đúng vậy.

    - Đại vương hãy xem lại coi thử đại vương có mất tai, mất mắt và mất mũi chăng?

    - Không mất.

    - Vậy, nói chung là ngũ uẩn, nói riêng là sắc, thọ tưởng... ở kiếp sau nó nương từ sắc, thọ, tưởng của kiếp này mà có, bảo là một cũng sai, bảo là hai cái khác nhau cũng sai vậy. Khi một chúng sanh chết, ngũ uẩn diệt theo, nhưng những nghiệp thiện ác tạo tác như bóng nương theo hình sẽ cấu sanh ngũ uẩn mới, đời sống mới trong bụng mẹ. Mãi mãi như vậy là hành trình luân hồi của chúng sanh trong sáu nẻo.

    - Cảm ơn đại đức.



  9. #79
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    76. Vào cửa nào để đầu thai?


    - Đại đức vừa bảo là ngũ uẩn mới sẽ cấu sinh trong bụng mẹ, vậy thì nó sẽ theo vào cửa nào mới cấu sanh được?

    - Nó có vào nhưng chẳng theo cửa nào cả, tâu đại vương!

    - Sao lại vô lý như thế được?

    - Đại vương có cái hộp nào mang theo đó chăng?

    - Thưa có.

    - Đại vương có biết trong hộp ấy đựng gì không?

    - Nó đựng ngọc ấn và mấy cái triện son của trẫm.

    - Vậy thì "cái thấy" của đại vương nó đi vào cửa nào mà biết trong hộp đựng ngọc ấn và triện son?

    - À ra vậy!

    - Chúng sanh vào bụng mẹ chẳng theo cửa nào cả cũng y như thế, đầu tiên nó đi vào bởi cái tâm sơ khởi gọi là kiết sinh thức; cái thức ấy chẳng có hình thù, tướng mạo gì cả, nó như cái luồng suy nghĩ hay tốc lực tâm của đại vương vụt chạy vào bên trong cái hộp kia vậy.

    - Trẫm không còn nghi ngờ gì nữa cả.

    ____________


    77. Nhân sanh giác ngộ


    - Nhân để sanh giác ngộ có mấy pháp hở đại đức?

    - Nó có bảy nhân sanh gọi là thất giác chi, gồm có niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả - tâu đại vương.

    - Người giác ngộ đạo quả là do giác chi nào hay phải thành tựu trọn vẹn bảy giác chi ấy?

    - Dĩ nhiên thành tựu bảy giác chi mới trọn vẹn, nhưng chỉ cần một giác chi thành tựu cũng đủ giác ngộ rồi.

    - Ấy là giác chi nào vậy?

    - Là trạch pháp giác chi hay còn gọi là tuệ trạch pháp, tâu đại vương!

    - Trẫm có thắc mắc đấy, thưa đại đức! Bởi vì nhân giác ngộ có tới bảy điều, cớ sao đại đức bảo rằng chỉ cần thành tựu một trạch pháp giác chi cũng đủ giác ngộ?

    - Vậy thì đại vương hiểu thế nào, một lưỡi kiếm đặt trong bao nó gồm có bảy phần: bao trong, bao ngoài, cán kiếm, chuôi kiếm, lưng kiếm, bụng kiếm và lưỡi kiếm... mới gọi là đầy đủ phải chăng?

    - Đúng thế.

    - Khi cần cắt một vật gì, người ta sử dụng cả bảy phần ấy hay sao?

    - Không, chỉ cần sử dụng lưỡi kiếm.

    - Cũng vậy là bảy giác chi. Tuệ trạch pháp giác chi được ví như lưỡi kiếm, sáu giác chi còn lại như là bao, chuôi, thân kiếm... vậy. Chúng vốn không xa lìa nhau mà cấu thành một bộ phận, tuy nhiên, chỉ cần tuệ trạch pháp giác chi là cắt lìa được phiền não rồi, tâu đại vương.

    - Thật là tuyệt vời!



  10. #80
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    78. Điều lành nhỏ, phước quả lớn; Điều ác lớn, tội báo nhỏ


    Vua hỏi:

    - Có trường hợp nào mà một người làm việc ác lớn, tội báo lại nhỏ; còn một người làm việc lành nhỏ, phước quả lại lớn không, đại đức?

    - Có chứ, và chuyện ấy cũng thường thường xảy ra.

    - Vậy là không đúng với luật nhân quả chăng? Luật nhân quả bảo rằng gieo hạt mè nhỏ thì được hạt mè nhỏ, gieo hạt bí to thì được quả bí to?

    - Đúng là thế. Nhưng nếu hạt mè kia nhiều phân, có nước, nhổ cỏ dại, chăm cào xới, nhổ tỉa cây dày thì hạt sẽ lớn hơn một tí chứ?

    - Đúng thế.

    - Còn hạt bí to kia gieo nơi đất sỏi đá khô cằn, chẳng phân nước, chẳng chăm sóc thì quả bí chắc hẳn sẽ còn tí teo như quả cà?

    - Đúng vậy.

    - Cũng vậy là gieo nhân, nhưng còn trợ duyên, thuận duyên, nghịch duyên hay chướng duyên góp phần vào nhân ấy mới quyết định quả được. Một người làm việc dữ nhưng suốt ngày đêm ăn năn, hối hận, luôn luôn cảm thấy khó chịu, bứt rứt... nên nguyện từ rày về sau không dám làm việc ác nữa. Chính nhờ tâm người ấy ăn năn hối cải nên cái quả báo, tội báo sẽ nhẹ đi, nhỏ đi. Đấy là trường hợp nhân việc ác lớn mà quả tội báo lại nhỏ. Một người làm việc lành nhỏ nhưng tâm lại hoan hỉ, thỏa thích; suốt ngày, suốt tháng an vui, mát mẻ với chút ít việc lành ấy thì phước quả của nó chắc chắn là to lớn lắm, tâu đại vương!

    - Đại đức kể cho nghe một trường hợp cụ thể.

    - Vâng, thuở Phật còn tại thế, một hôm ngài gặp một tôi nhân bị chặt cụt cả tay cả chân, miệng ngậm một cành hoa sen với tác ý thành kính dâng cúng cho ngài. Sau khi thọ nhận, Đức Phật quay lại bảo với các tỳ kheo rằng: nhờ phước đức này mà trong suốt chín mươi mốt kiếp sắp tới, người bị cụt tay chân kia khỏi bị đọa vào ba đường dữ, được sanh lên cõi trời hưởng hết phước báu mới sanh lại làm người. Bởi vậy cho nên chuyện nhân quả xảy ra trên thế gian này nó muôn mặt, muôn chiều, chứ không đơn giản như thường nhân hiểu đâu! Điều lành nhỏ phước quả lớn, điều ác lớn tội báo nhỏ - mà ngược lại như thế cũng thường có đấy, tâu đại vương!

    - Trẫm đã hiểu.

    - Đại vương đã hiểu nhưng chưa hiểu hết.

    Đức vua mỉm cười:

    - Có thể đúng như vậy thật.



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •