DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 1/21 12311 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 202
  1. #1
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts

    Kinh Mi Tiên Vấn Đáp



    Kinh Mi Tiên Vấn Đáp

    Hòa Thượng Giới Nghiêm (Dịch) (Maha Thera Thita Silo)

    Tỳ Kheo Giới Ðức Hiệu Đính,


    Ấn Bản 2003

    ___ oo 0 oo ___


    MỤC LỤC

    Lời Nói Đầu
    I. PHẦN DẪN NHẬP
    II. NỘI DUNG MI-LAN-ĐÀ VẤN KINH
    III. SAU CUỘC VẤN ĐÁP


    I. PHẦN DẪN NHẬP

    1. Ngoại Thuyết (Bàhirakathà)

    2. Câu Chuyện Liên Quan Trong Tiền Kiếp (Pubbapa Yoga)

    2.1. Chuyện Về ĐỨC VUA MI-LAN-ĐÀ
    2.2. Chuyện Về ĐẠI ĐỨC NA-TIÊN
    2.3. Thấp Thoáng Bóng SƯ TỬ

    II. NỘI DUNG MI-TIÊN VẤN ĐÁP (Gồm 244 Câu Hỏi)

    1. Danh
    2. Con Số Hạ Lạp
    3. Đàm Thoại Như Một Trí Giả Hay Như Một Vương Giả?
    4. Thỉnh Mời Vào Hoàng Cung
    5. Cứu Cánh Của Sa Môn Hạnh
    6. Tái Sanh - Vô Sanh
    7. Chú Tâm
    8. Hành Tướng[*] Của Chú Tâm Và Trí Tuệ Cùng Sự Khác Nhau Giữa Chúng
    9. Tất Cả Pháp Lành Lấy Giới Làm Sở Y
    10. Hành Tướng Của Tín
    11. Hành Tướng Của Tấn
    12. Hành Tướng Của Niệm
    13. Hành Tướng Của Định
    14. Hành Tướng Của Tuệ
    15. Ngũ Căn - Riêng Và Chung
    16. Tương Quan Thân Trước Và Sau
    17. Tái Sanh Và Vô Sanh
    18. Trí Và Tuệ (nana-panna)
    19. Bậc Vô Sanh Có Còn Đau Khổ Không?
    20. Cảm Thọ
    21. Cái Gì Dẫn Dắt Đi Tái Sanh?
    22. Không Nên Hỏi Lại Câu Đã Hỏi
    23. Danh Sắc Tương Quan Liên Hệ
    24. Thời Gian Và Không Còn Thời Gian
    25. Nguyên Nhân Của Thời Gian
    26. Thời Gian Tối Sơ?
    27. Có Rồi Không, Không Rồi Có!
    28. Pháp Hành Thì Sao?
    29. Tự Nhiên Sanh?
    30. Tự Ngã Trong Thân?
    31. Nhãn Thức Và Tâm Thức (Cakkhu Vinnana - Mano Vinnana)
    32. Hành Tướng Của Xúc (Phassalakkhana)
    33. Hành Tướng Của Thọ (Vedanalakkhana)
    34. Hành Tướng Của Tưởng (Sannalakkhana)
    35. Hành Tướng Của Tác Ý (Cetanalakkhana)
    36. Hành Tướng Của Thức (Vinnanalakkhana)
    37. Hành Tướng Của Tầm (Vitakkalakkhana)
    38. Hành Tướng Của Tứ (hay Sát) (Vicaralakkhana)
    39. Lại Hỏi Về "Chú Tâm" (Manasikàra)
    40. Những Tâm Sở Đồng Sanh
    41. Về Năm Giác Quan
    42. Bất Bình Đẳng Sai Khác Của Chúng Sanh Là Do Nghiệp
    43. Sớm Ngăn Ngừa Điều Ác
    44. Lửa Địa Ngục
    45. Nước Dựa Khí
    46. Niết Bàn
    47. Ai Sẽ Đắc Niết Bàn?
    48. Làm Sao Biết Niết Bàn Là Tối Thượng Lạc?
    49. Có Phật Không?
    50. Phật Là Tối Thượng Tôn Bảo
    51. Phật Tối Thắng Như Thế Nào?
    52. Thấy Phật
    53. Khi Chết Ngũ uẩn Diệt Theo
    54. Vedagù?
    55. Nếu Chết Mà Diệt Hết Thì Thoát Khỏi Nghiệp
    56. Nghiệp Trú Ở Đâu?
    57. Biết Còn Tái Sanh?
    58. Phật Ở Đâu?
    59. Thương Yêu Cái Thân?
    60. Bậc Toàn Giác Biết Tất Cả?
    61. Tại Sao Phật Không Giống Cha Mẹ Ngài?
    62. Thực Hành Phạm Hạnh (Brahmacàri)
    63. Ai Truyền Cụ Túc Giới Cho Đức Phật?
    64. Nước Mắt Nào Là Thuốc? Nước Mắt Nào Là Độc Dược?
    65. Tham Luyến Và Dứt Tham Luyến
    66. Trí Tuệ Ở Đâu?
    67. Luân Hồi (Samsara)
    68. Trí Nhớ
    69. Ai Cũng Có Trí Nhớ
    70. Có Bao Nhiêu Loại Trí Nhớ
    71. Tương Quan Phước Và Tội
    72. Diệt Khổ Chưa Đến?
    73. Cõi Phạm Thiên Bao Xa?
    74. Thời Gian Tái Sanh
    75. Sự Liên Hệ Giữa Kiếp Này Với Kiếp Kia
    76. Vào Cửa Nào Để Đầu Thai?
    77. Nhân Sanh Giác Ngộ
    78. Điều Lành Nhỏ, Phước Quả Lớn; Điều Ác Lớn, Tội Báo Nhỏ
    79. Kẻ Trí Làm Điều Ác, Tội Báo Nhỏ; Người Ngu Làm Điều Ác Tội Báo Lớn
    80. Bay Bằng Thân
    81. Xương Dài 100 Do Tuần
    82. Biển
    83. Ngưng Hơi Thở
    84. Pháp Xuất Thế Gian
    85. Tuệ Xuất Thế Gian Nằm Ở Đâu?
    86. Thức, Tuệ Và Sanh Mạng
    88. Thì Giờ Phải Lẽ Rồi
    89. Phật Và Chư Tăng, Ai Phước Báu Nhiều Hơn?



  2. The Following User Says Thank You to hoamacco For This Useful Post:

    Ngọc Quế (04-01-2016)

  3. #2
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    SỰ CHUẨN BỊ CỦA ĐỨC VUA VỀ NHỮNG CÂU HỎI MENDAKA


    90. Lễ Bái, Cúng Dường Xá Lợi, Kim Thân Phật, Cây Bồ-đề... Không Có Phước Báu!
    91. Đức Phật Có Toàn Giác Không?
    92. Đức Thế Tôn Có Tâm Đại Bi Hay Không?
    93. Nghi Vấn Về Sự Bố Thí Ba-la-mật
    94. Bố Thí Hai Mắt Lại Được Thiên Nhãn
    95. Hoài Nghi Về Sự Thụ Thai
    96. Nghi Về Thời Gian Giáo Pháp Tồn Tại
    97. Đức Thế Tôn Còn Khổ Chút Ít Nào Không?
    98. Đức Thế Tôn Đã Thật Sự Hoàn Tất Mọi Phận Sự Chưa?
    99. Tại Sao Đức Thế Tôn Không Dùng "Tứ Như Ý Túc" Để Duy Trì Thọ Mạng?
    100. Chánh Pháp Của Đức Thế Tôn Có Vẻ Không Được Toàn Hảo?
    101. Tại Sao Có Những Câu Hỏi Mà Đức Thế Tôn Làm Thinh Không Trả Lời?
    102. Chúng Sanh Sợ Hãi Diêm Chúa?
    103. Tụng Kinh Paritta Thật Không Có Lợi Ích!
    104. Oai Lực Của Đức Phật Thua Ma Vương?
    105. Vì Đức Phật Thuyết Pháp Mà Làm Cho Sáu Mươi Vị Tỳ Kheo Hộc Máu Chết!
    106. Bậc Thánh Cư Sĩ Sao Lại Phải Đảnh Lễ, Cúng Dường Phàm Tăng?
    107. Giáo Hội Của Đức Tôn Sư Có Bị Phân Ly, Chia Rẽ Không?
    108. Tỳ Kheo Tạo Nghiệp Do Không Biết, Tại Sao Lại Không Có Tội?
    109. Đức Thế Tôn Có Lãnh Đạo, Bảo Quản Giáo Hội Tỳ Khưu Không?
    110. Tại Sao Đức Thế Tôn Không Thu Thúc Lục Căn?
    111. Sao Đức Thế Tôn Lại Có Lời Nói Khiếm Nhã?
    112. Cái Cây Có Tâm Ý Không?
    113. Bữa Cơm Của Cunda Có Vấn Đề!
    114. Tại Sao Chư Tăng Không Được Cúng Dường Nhục Thân Như Lai?
    115. Quả Đất Dường Như Có Tâm Thức?
    116. Đức Phật Thuyết Về Bố Thí Là Để Nhận Được Lợi Lộc Cúng Dường?
    117. Tại Sao Đức Thế Tôn Không Muốn Thuyết Pháp Sau Khi Đắc Đạo?
    118. Ai Là Thầy Của Đức Thế Tôn?
    119. Thế Nào Gọi Là Sa-môn?
    120. Có Nên Hoan Hỷ Không Khi Người Ta Tán Dương Tam Bảo?
    121. Sao Đức Thế Tôn Lại Dùng Lời Ác Khẩu, Ác Ngữ?
    122. Đức Thế Tôn Còn Bất Bình, Sân Hận!
    123. Phải Chăng Đức Thế Tôn Không Có Tâm Bi Mẫn?
    124. Phẩm Mạo Xuất Gia Cao Siêu Đến Cỡ Nào?
    125. Đời Sống Sa-môn Vô Tru, Như Nai Trong Rừng, Sao Lại Xây Chùa, Tạo Thất Liêu?
    126. Tại Sao Đức Thế Tôn Không Thu Thúc Cái Bụng?
    127. Đức Phật Muốn Che Dấu Pháp?
    128. Lý Do Nặng Nhẹ Của Tội Nói Dối!
    129. Phước Báu Của Đức Thế Tôn Không ưu Thắng, Tối Thượng Bằng Đệ Tử Của Mình?
    130. Thần Thông Của Đức Mục-kiền-liên Không Đương Cự Nổi Thần Lực Của Kẻ Giết Ngài?
    131. Kiếp Áp Chót, Tại Cung Trời Đẩu Suất, Đức Bồ-tát Quán Xét Thế Gian Để Làm Gì?
    132. Rơi Đi Bằng Phi Pháp? Rơi Đi Bằng Pháp? Cắt Đứt Sự Rơi?
    133. Tâm Từ Vô Lượng Không Tiêu Trừ Được Các Sự Họa Hại?
    134. Quả Của Thiện Và Ác Nghiệp Rất Lạ Lùng
    135. Sự Tà Hạnh Của Người Nữ?
    136. Các Vị A La Hán Còn Sợ Hãi?
    137. Đức Phật Dạy Cắt Đứt Sợ Hãi?
    138. Cái Gì Nơi Đức Thế Tôn Là Cao Quý Không Ai Sánh Bằng?
    139. Đức Thế Tôn Là Người Khai Sáng Đạo Hay Đạo Có Sẵn Từ Ngàn Xưa?
    140. Đức Phật Từ Bỏ Sự Tinh Tấn, Lại Khuyên Đệ Tử Nên Tinh Tấn?
    141. Tại Sao Có Sự Đắc Quả Nhanh, Chậm Khác Nhau?
    142. Về Cư Sĩ A-la-hán
    143. Tại Sao Bồ Tát Loma Kassapa Giết Hại Chúng Sanh Để Tế Lễ?
    144. Tượng Vương Chaddanta Thì Cung Kính Y Cà Sa - Mà Bồ-tát Jotipàla Lại Nhiếc Mắng "sa Môn Trọc Đầu"?
    145. Về Cái Nhà Không Mái Của Người Thợ Gốm?
    146. Tại Sao Có Lúc Đức Phật Xưng Mình Là Bà-la-môn, Có Khi Xưng Mình Là Vua?
    147. Tại Sao Không Có Hai Đức Phật Xuất Hiện Một Lần?
    148. Không Nên Cho Kẻ Phàm Tục Xuất Gia Trong Giáo Hội Thanh Tịnh Của Đức Bổn Sư!
    149. Thân Thọ Khổ, Tâm Có Thọ Khổ Chăng?
    150. Giải Thêm Về "tâm Không Động"
    152. Cư Sĩ Phá Giới Và Sa Môn Phá Giới, Hậu Quả Tội Lỗi Nặng Nhẹ Ra Sao?
    153. Nước Có Sanh Mạng Chăng?
    154. (Trùng với câu hỏi 141)
    155. Trên Thế Gian Này Cái Gì Không Sanh?
    156. Bậc A-la-hán Còn Phạm Giới?
    157. Cái Gì Không Do Nhân, Nghiệp, Thời Tiết Sanh?
    158. (Trùng với câu hỏi 157)
    159. Sao Không Thấy Tử thi Của Dạ Xoa?
    160. Tại Sao Đức Thế Tôn Không Cấm Chế Giới Luật Một Lần?
    161. Mặt Trời Có Bệnh Chăng?
    162. Lại Bệnh Của Mặt Trời Nữa!
    163. Về Chuyện Bồ Tát Vessantara Bố Thí Vợ Con.
    164. Chư Phật Quá Khứ Có Tu Khổ Hạnh Không?
    165. Năng Lực Của Thiện Và Ác Nghiệp, Cái Nào Mạnh Hơn?
    166. Hồi Hướng Phước Có Hiệu Quả Không?
    167. Hồi Hướng "Ác" Có Được Không?
    168. Tại Sao Có Chiêm Bao?
    169. Chết Đúng Thời Và Chết Không Đúng Thời
    170. Tại Sao Nhập Niết Bàn Lại Có Hiện Tượng Phi Thường?
    171. Chúng Sanh Nào Có Khả Năng Đắc Đạo?
    172. Niết Bàn Có Xen Lẫn Khổ?
    173. Tại Sao Không Diễn Tả Niết Bàn Một Cách Cụ Thể?
    174. Làm Cho Rõ Niết Bàn?
    175. Niết Bàn Không Ở Đâu Cả!
    176. Có Ai Thấy Phật Không?
    177. Đầu Đà Khổ Hạnh Có Ích Lợi Gì?

    NHỮNG CÂU HỎI VỀ VÍ DỤ

    178. Về Con Lừa
    179. Về Con Gà
    180. Về Con Sóc
    181. Về Con Cọp Cái
    182. Về Con Cọp Đực
    183. Về Con Rùa Nước
    184. Về Cái Kèn
    185. Về Cây Súng
    186. Về Con Quạ
    187. Về Con Khỉ
    188. Về Dây Bầu Leo
    189. Về Hoa Sen
    190. Về Hạt Giống
    191. Cây Sàla Xanh Tốt
    192. Về Chiếc Thuyền
    193. Về Ghe Thuyền Dính Đá Ngầm
    194. Về Cột Buồm
    195. Về Người Cầm Lái Thuyền
    196. Về Người Làm Công
    197. Về Biển Cả
    198. Về Quả Đất
    199. Về Nước
    200. Về Lửa
    201. Về Gió
    202. Về Núi
    203. Về Hư Không
    204. Về Mặt Trăng
    205. Về Mặt Trời
    206. Về Trời Đế Thích
    207. Về Chuyển Luân Thánh Vương
    208. Về Con Mối
    209. Về Con Mèo
    210. Về Con Chuột
    211. Về Con Bò Cạp
    212. Về Con Chồn
    213. Về Chó Rừng
    214. Về Con Nai
    215. Về Con Bò
    216. Về Con Heo
    217. Về Con Voi
    218. Về Sư Tử
    219. Về Vịt Nước
    220. Về Chim Venàhikà Mái
    221. Về Chim Sẻ
    222. Về Chim Cu
    223. Về Con Rít
    224. Về Con Dơi
    225. Về Con Đỉa
    226. Về Con Rắn
    227. Về Con Trăn
    228. Về Nhện Giăng Lưới
    229. Về Hài Nhi
    230. Về Rùa Vàng
    231. Về Rừng
    232. Về Cây Đại Thọ
    233. Về Mưa
    234. Về Ngọc Mani
    235. Về Người Săn Bắn
    236. Về Người Câu Cá
    237. Về Thợ Bào Gỗ
    238. Về Người Thợ Gốm
    239. Về Con Quạ
    240. Về Cái Dù
    241. Về Đám Ruộng
    242. Thuốc Trị Độc Rắn
    243. Về Vật Thực
    244. Về Người Bắn Cung

    III. SAU CUỘC VẤN ĐÁP


  4. The Following User Says Thank You to hoamacco For This Useful Post:

    Ngọc Quế (04-01-2016)

  5. #3
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    LỜI NÓI ĐẦU


    Bộ kinh Milindapanha xuất hiện vào khoảng năm trăm năm sau Phật Niết bàn, do ngài Pitakaculàbhaya ở trung Ấn độ trước thuật bằng tiếng Pàli. Nội dung kể lại những câu hỏi, đáp giữa vua Milinda và tỳ kheo Nàgasena. Những câu hỏi thì đa trí, sắc bén mà lời giải đáp lại thâm sâu, quảng kiến, lợi tuệ; nhiều khi chỉ là những ví dụ cụ thể, bình dân, giản dị, rất bổ ích cho các nhà học giả, người nghiên cứu, kẻ đa nghi cũng như sự học Phật của các hàng hậu tấn.

    Đi sâu vào những lời đối thoại, người nắm giáo nghĩa của Phật giáo Nguyên Thủy (Theravàda) dễ nhận ra rằng, những vấn đề được đề cập hoàn toàn là tinh yếu của Tam Tạng Pàli văn, chưa hề pha tạp tư tưởng và kiến giải của các bộ phái phát triển sau này. Do vậy, không lạ gì Phật giáo Miến điện xếp bộ kinh Milindapanhavào Thánh điển, và Phật giáo Tích lan đặt chung với năm bộ Nikàyađể tôn thờ và phụng hành.

    Chúng ta cần biết rằng, các bộ phái Bắc truyền cũng có phổ biến kinh này do người Trung hoa phiên dịch vào các thế kỷ sau T.L kỷ nguyên. Và hiện tại có vài bản tiếng Việt đang lưu hành rộng rãi lấy tên là "Na-tiên tỳ-kheo kinh" như bản của Đoàn trung Còn, và bản của Cao hữu Đính, xuất bản vào năm 1971.

    So sánh giữa Milindapanha và Na-tiên tỳ-kheo kinh của Cao hữu Đính, chúng ta thấy rằng bản dịch sau đã giản lược chưa bằng một phần ba so với bộ kinh trước; nhưng có nhiều ưu điểm là: cách phân câu, cú pháp, hành văn rõ ràng, mạch lạc, sáng sủa hơn. Tuy nhiên, nếu chịu khó đọc kỹ cả hai bổn, ta sẽ thấy Na-tiên tỳ kheo kinh đã bỏ sót trên 150 câu hỏi, lượt bớt câu hỏi, bỏ sót những chi pháp quan trọng và bỏ sót những ví dụ sống động xoay quanh một vấn đề, làm giảm sút giá trị của bộ kinh cựu truyền không ít vậy.

    Ngoài ra, thật đáng tiếc hơn, Na-tiên tỳ kheo kinh lại va vấp nhiều lỗi lầm quan trọng về tinh yếu của giáo pháp, ví dụ:

    * Câu 7: Yoniso manasikàra (như lý tác ý), nghĩa là khởi tâm đến đối tượng một cách đúng đắn, hợp với sự thật, mà dịch là "Nhứt tâm"!

    * Câu 13: Nàma-rùpa là danh sắc mà dịch là "danh thân"! Tưởng là giống nhau nhưng "sắc" chính xác hơn nhiều. Thân (kàya) theo Abhidhamma có hàng chục nghĩa khác nhau, không đơn thuần là thân tứ đại. Còn danh thân là thân của các tâm sở. Danh là phần tâm và tâm sở, sắc là thân xác tứ đại.

    * Câu 22, 23, 24, 25:

    - Vedanalakkhana: hành tướng của thọ, mà diễn giảng là: "cảm thọ vui là tự mình nhận biết và hưởng thọ cái vui ấy"! Xin thưa, "nhận biết" là thuộc về "tưởng", còn "hưởng" là thuộc về ái dục, nó nằm nơi "hành"!

    - Sannàlakkhana: hành tướng của tưởng mà dịch là giác, không chính xác, dễ lầm lẫn, nên dịch là tri giác: nhận biết đối tượng một cách tổng quát.

    - Cetanàlakkhana: hành tướng của "tư", mà dịch là "sở niệm"! Lại còn diễn giảng: Sở niệm tức là Tư tưởng! Xin thưa, tư chính là tư tác, nó tạo nghiệp do tham, sân, si khởi lên, nó chi phối "hành" trong ngũ uẩn.

    - Vinnànalakkhana: Hành tướng của thức, thứcở đây là thức ghi nhận tiến trình kinh nghiệm từ sắc thọ, tưởng, hành...thức; mà ở đây lại nói là "nội động" thì chẳng ai hiểu ra làm sao cả! Thế mà còn định nghĩa:nội động là cái tư tưởng mong cầu xao xuyến trong nội tâm! Suy diễn như thế thì quả là đã đi xa từ và nghĩa nguyên thủy của giáo pháp.

    * Câu 26: Bản dịch nói: năm cái xúc, thọ, giác, sở niệm, nội động một khi "dung hợp" thành "nỗi lòng" rồi...

    Ôi! Sao lại gọi ngũ uẩn là "nỗi lòng"?! Và sao ngũ uẩn lại "dung hợp" được như các lượng vật chất? Có lẽ ai cũng hiểu rằng, ngũ uẩn chính là tiến trình sinh diệt của tâm sinh lý, và ngay chính các trạng thái tâm sinh lý cũng sinh diệt, tiếp nối tương tục không gián đoạn.

    Sai lầm của bản kinh Na-tiên tỳ kheo, đáng buồn thay không phải chỉ có bấy nhiêu, mà ít nhất là vài chục chỗ tương tự thế trong số sáu mươi hai câu hỏi của bản kinh này!

    Nêu ra như vậy, không phải chúng tôi "cầu toàn trách bị", bới lông tìm vết; cũng không phải chúng tôi vội quy kết những lỗi lầm trên là do dịch giả tiếng Việt, dịch giả tiếng Hán hay từ bản gốc bằng tiếng Pràkrit của phái Nhất thiết hữu bộ kết tập[*]. Chỉ mong nhờ các bậc học giả lỗi lạc so sánh, đối chiếu để truy cứu vấn đề cho sáng tỏ hơn mà thôi.

    [* Nhiều người lầm tưởng Nhất thiết hữu bộ thuộc Thượng tọa bộ. Không phải vậy. Nhất thiết hữu bộ là một trong 18 bộ phái được tách ra khỏi Thượng tọa bộ sau kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai. Các nhà học giả thường gọi đây là 18 bộ phái Tiểu thừa.]

    Nhận thấy tầm mức quan trọng của bộ kinh, ngoài công việc Tam Bảo bề bộn, chúng tôi phải bỏ thời gian gần hai mươi năm để phiên dịch, trước sau phân thành ba quyển hầu cống hiến bạn đọc. Nay tuổi già sức yếu, biết tuổi thọ không còn mấy năm, chúng tôi ráng dành thì giờ soạn lại, gộp chung thành một quyển. Lần này cũng khá vất vả vì dường như chúng tôi phải làm lại từ đầu: viết lại lời tựa, chỉnh lại văn cú, lược bỏ các đoạn trùng lặp, sắp xếp lại chương mục, bỏ hết câu, chữ, kệ Pàli không cần thiết, chỉnh lại đây đó một số nghĩa, số từ cho chính xác hơn. Làm việc ấy, chúng tôi xem như một bổn phận của mình, những mong hoàn thành một dịch phẩm ít lỗi lầm so với dịch phẩm trước đây để đáp đền Tam Bảo thâm ân.

    Bộ kinh Milindapanha này, đúng ra phải dịch là "Mi-lin-đà sở vấn", nhưng tên gọi cũ đã quen tai, chúng tôi thấy không cần thiết phải sửa lại.

    Về tên gọi của hai ngài, Nàgasena, chúng tôi dùng tên phổ thông là "Na-tiên tỳ kheo", và Milinda, chúng tôi âm là "Mi-lan-đà". Các đoạn đối thoại giữa hai vị, chúng tôi ghi "-" ở đầu dòng cho gọn.

    Dẫu đã rất nhiều cố gắng, nghiêm túc và nhiệt tâm, chúng tôi cũng không sao tránh khỏi những khuyết điểm sau đây:

    * Để hợp với tư duy người Việt, văn Việt nên đôi chỗ phải phỏng dịch, phóng tác mà vẫn trung thành với câu chuyện, với giáo pháp.

    * Chúng tôi đã tự ý bỏ tất cả các phẩm, chỉ ghi thứ tự câu hỏi để cho độc giả tiện theo dõi.

    Cốt ý của chúng tôi là muốn phổ biến một tư liệu quý hiếm rất gần với giáo pháp uyên nguyên; giải đáp, tháo gỡ những thắc mắc cho kẻ hoài nghi để phá bỏ sở tri chướng cho người tu Phật. Chỉ chừng ấy thôi thì công năng diệu dụng của "Mi-tiên-vấn-đáp" thật là bất khả tư nghì rồi.

    Xin các bậc thức giả cao minh hoan hỷ chỉ giáo cho để lần tái bản được hoàn bị hơn.

    Mong thay, Phật Bảo Tự, Phú Thọ Hòa
    Mùa An Cư 1982 - PL.2526
    Tỳ Khưu Giới Nghiêm
    (Thitasìlo Bhikkhu)



  6. The Following User Says Thank You to hoamacco For This Useful Post:

    Ngọc Quế (04-01-2016)

  7. #4
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    Kệ lễ bái TAM BẢO


    Đê đầu đảnh lễ
    Phật Bảo chí tôn
    Oai đức vô lượng
    Trí giác vô biên
    Tự mình Điều Ngự
    Viên mãn công hành
    Hữu tình lợi lạc.

    Đê đầu đảnh lễ
    Pháp bảo chí tôn
    Thiết thực hiện tiền
    Khéo bày, khéo giảng
    Cứu độ chúng sanh
    Pháp học, Pháp hành
    Pháp thành viên mãn
    Ai dục, vô minh
    Tử sinh đoạn tận.

    Đê đầu đảnh lễ
    Tăng Bảo chí tôn
    Đạo quả Thánh nhân
    Tròn đầy trí hạnh
    Xứng đáng cúng dường
    Tán dương, tôn trọng
    Vô thượng phước điền
    Chư thiên, nhân loại
    .



  8. The Following User Says Thank You to hoamacco For This Useful Post:

    Ngọc Quế (04-01-2016)

  9. #5
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    I. PHẦN DẪN NHẬP


    1. Ngoại Thuyết (Bàhirakathà)

    Sau khi Đức Thế Tôn tuyên bố sắp nhập Niết bàn, ngài cùng với một số đông tỳ khưu Tăng đến thành Kusinàra thuộc quốc độ Malla. Đến khu rừng mát mẻ, dừng lại dưới hai cội cây sàla tươi đẹp với bốn nhánh vươn cao và tỏa rộng, hoa nở rực rỡ và ngạt ngào hương, ngài bảo tôn giả Ananda xếp y tăng-già-lê rồi nói:

    - Như Lai sẽ Niết bàn ở đây!

    Thế rồi, Đức Thế Tôn nằm nghiêng lưng trên tảng đá bằng phẳng, đầu quay về phía bắc, mặt quay về phía tây. Chư tỳ khưu Tăng ngồi vòng quanh yên lặng như một rừng thiền định.


    Giữa tiếng chim ríu rít, vài cánh hoa rơi khẽ, bài pháp sau đây đã được Đấng Giác ngộ thuyết lên:

    -"Này các thầy tỳ khưu! Như Lai nhắc nhở và căn dặn các thầy như vầy: tất cả pháp hữu vi đều không chắc thật, không bền vững. Tất cả các pháp hữu vi dầu thô thiển hay vi tế đều bị sự tác động của vô thường, biến hoại, đổi khác.

    Tất cả pháp hữu vi, nếu là thiện pháp, là phước tạo tác (punnàbhi sankhàra), cấu tạo nên thân tâm của người và trời; nói cách khác, là nhân sanh sáu cảnh trời dục giới hoặc được làm người có phước báu sắc thân xinh đẹp, ít bệnh tật, ít khổ đau, nhưng nó cũng chẳng thường còn như ý nguyện mãi thế đâu!

    Tất cả pháp hữu vi, nếu là ác pháp, là tội tạo tác (appunnàbhi sankhàra), cấu tạo nên thân tâm và cảnh giới trong bốn đường dữ là: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a-tu-la. Vậy các thầy hãy cố gắng gìn giữ thân khẩu ý, ngăn giữ ác hạnh để khỏi chịu quả báo đau khổ về sau.

    Tất cả pháp hữu vi, nếu là thiện pháp thù thắng, là vô ký hay bất động tạo tác (ananjabhi sankhàra); là nhân của tầng trời sắc giới và vô sắc giới của các bậc tu hành đã đắc tứ thiền hay tứ không; cấu tạo nên thân tâm cõi trời phạm thiên hữu sắc và phạm thiên vô sắc. Tuổi thọ ở đấy thì vô lượng nhưng hết phước báu thiền định cũng phải bị đọa lạc như thường.

    Vậy này các thầy tỳ khưu! Hãy tinh tấn chuyên niệm, chớ quên, chớ phóng dật, chớ giải đãi. Tử sinh là việc lớn. Hãy rèn luyện thân khẩu ý cho thanh tịnh. Hãy làm cho sung mãn tứ vô lượng tâm. Hãy qua khỏi bờ kia, chẳng nên cam chịu hoài cảnh trầm luân khổ đau sinh diệt nữa!"

    Lúc Đấng Thập Lực (Dassapàlannana) dùng lời tối hậu huấn thị tỳ khưu Tăng với tâm bi mẫn như thế, biết là ngài sắp Tịch diệt Niết bàn, có một số sa môn tâm hãy còn phàm, đã không ngăn được sự ưu sầu, luyến tiếc đối với Đức Đạo sư, họ đã chảy nước mắt khóc than vô cùng bi lụy.

    Đức Toàn Thắng Ma lại ân cần nói thêm rằng:

    -"Này các thầy tỳ khưu! Hình như các thầy tưởng rằng khi Như Lai diệt độ rồi, sẽ không còn ai là thầy dạy dỗ các thầy nữa chăng? Không phải thế đâu!

    Này các thầy tỳ khưu! Pháp và Luật rất đầy đủ, Như Lai đã giáo giới đến các thầy rồi. Ba-la-đề-mộc-xoa (patimo-kkha) dành cho Tăng và Ni, Như Lai đã chỉ dạy cặn kẽ trong bộ Lưỡng phân biệt (ubhatovibhanga) rồi. Nhân có tội và nhân vô tội Như Lai cũng đã từng thuyết minh chi li, rõ ràng rồi.

    Thinh Văn ba-la-mật tuệ, Như Lai cũng đã nói rồi.

    Tuệ Đến-bờ-kia cho bậc Độc Giác và bậc Chánh Đẳng Giác, Như Lai cũng đã từng tán dương rồi. Và nào là Tứ diệu đế, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như y túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo,Thất quả, Bát định, Cửu định.. . Như Lai cũng đã nhiều lần tuyên thuyết bằng những thời pháp, đoản ngôn, kệ ngôn, ví dụ, so sánh, giảng giải, phân tích ... khác nhau.

    Vậy này các thầy tỳ khưu! Người nào thông hiểu pháp ấy, chứng ngộ pháp ấy được gọi là Thinh Văn đệ tử của Như Lai; là người có căn cơ mẫn tiệp, lanh lẹ, kiến trú vững chắc, tâm giải thóat, tuệ giải thóat không xao động.

    Này các thầy tỳ khưu! Dầu Như Lai có diệt độ, nhưng Pháp và Luật ấy chính là thầy của các thầy, còn ở bên các thầy, làm nơi nương tựa và dẫn lối cho các thầy. Thế thì sầu thương, bi lụy có ích gì khi các pháp dẫu nhỏ nhiệm như mảnh lân hư trần, to lớn như Tu-di sơn cũng đều phải bị vô thường biến hoại?

    Lại nữa, khi Như Lai Niết bàn rồi, ông Đại Ca-diếp sẽ mở hội kết tập lần đầu, trùng tuyên lại Pháp và Luật cho đầy đủ, tỏ rạng lên hầu nhắc nhở và mở mắt cho những tỳ khưu hư hỏng, phóng túng như ông Subhadda cùng những hoa ngôn, lộng ngữ, xuyên tạc Chánh pháp của chúng ngoại đạo.

    Lại một trăm năm sau nữa, có vị trưởng lão A-la-hán có tên Yassa Kananda, vì hủy trừ lời nói của tỳ khưu Vajjiputtaka mà mở đại hội kết tập lần thứ nhì, trùng tuyên trọn vẹn Tam tạng Thánh điển.

    Thế rồi, hai trăm mười tám năm sau kể từ khi Như Lai diệt độ, có tôn giả Moggaliputtatissa kết tập lần thứ ba, loại bỏ tất cả tư tưởng lai tạp của ngoại giáo, giữ nguyên lời dạy chơn truyền của Như Lai y như lần thứ nhất và lần thứ nhì. Sau đó nữa, tỳ khưu Mahinda, một vị Thánh Tăng, vốn là hoàng tử con của vua A-dục, đã đem ba tạng kinh truyền Chánh pháp vào xứ Tích-lan (Jampànidìpa).

    Và khỏang chừng năm trăm năm sau kể từ hôm nay, có một đức vua tên là Mi-lan-đà, có nhiều phước duyên thù thắng (abhinihàra) đã tạo trữ từ xưa, dùng những câu hỏi rất cao siêu, vi tế, sắc bén bởi năng lực trí tuệ của mình để vấn đạo, bức bách các sa-môn, bà-la-môn trong toàn cõi Diêm-phù này, làm cho họ phải trốn vào rừng sâu.

    Khi ấy, có một vị tỳ khưu tên là Na-tiên, có trí tuệ siêu phàm, đã giải đáp dễ dàng những câu hỏi, phá nghi những nạn vấn cho đức vua Mi-lan-đà bằng nhiều cách phân tích thiện xảo, nhiều ví dụ sinh động, cụ thể làm cho bậc minh quân vô cùng hài lòng. Nhờ vậy, Pháp và Luật của Như Lai đã không lu mơ, mà trái lại, càng thêm tỏ rạng, được trân trọng bảo lưu, truyền thừa trên thế gian tròn đủ 5.000 năm."

    Như thế, vua Mi-lan-đà và đại đức Na-tiên với những câu hỏi đáp giữa họ đã được Đức Thế Tôn tiên tri sẵn trước khi ngài nhập diệt.

    Người ta nói rằng nước của năm con sông lớn của xứ Ấn-độ tuôn chảy về biển bao nhiêu lượng nước thì những câu hỏi của vua Mi-lan-đà cũng tuôn chảy liên miên, dồn dập không ngưng nghỉ như vậy. Tuy nhiên, nước của năm con sông lớn ra đến biển thì nằm yên trong biển, hòa tan trong biển, được biển kết nạp, dung chứa một cách bình thản như chẳng có vấn đề gì phải bận tâm. Cũng vậy, biển cả được ví như trí tuệ siêu phàm, vô lượng của đại đức Na-tiên. Do vậy, những câu hỏi dù khúc mắc, dù đặt bẫy, dù sâu rộng, dù vi tế thế nào của vua Mi-lan-đà, đều được ngài Na-tiên sẵn sàng giải đáp rành rẽ, khúc chiết bằng nhiều cách khác nhau. Một ngọn đèn cực lớn, ánh sáng quang minh chiếu diệu soi tỏ vào các chỗ tối tăm, hang hóc sâu kín như thế nào thì trí tuệ của đại đức Na-tiên cũng soi tỏ vào bóng tối hoài nghi, kiến thức đa diện của đức vua Mi-lan-đà y như thế ấy.

    Quả thật, cuộc vấn đáp của hai bậc tài đức đã chứa chan sự thật, triết lý, tư tưởng và cả những ý nghĩa nhiệm mầu; khả dĩ nối được ngọn đèn Pháp Bảo giữa cõi mê đồ, vọng tưởng. Sự tranh biện và lập luận minh bạch, khúc chiết của hai ngài có sức hấp dẫn phi thường, làm cho người nghe, người đọc phát sanh hỉ lạc chưa từng có.

    Lần sửa cuối bởi hoamacco; 04-01-2016 lúc 06:31 PM

  10. The Following User Says Thank You to hoamacco For This Useful Post:

    Ngọc Quế (04-01-2016)

  11. #6
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    2. Câu chuyện liên quan trong tiền kiếp (Pubbapa yoga)


    Vào thời Đức Phật Ca-diếp (Kassapa), có đức vua tên là Vijjitàvì trị vì một Vương quốc giàu mạnh, kinh đô đặt tại xứ Sàgala xinh đẹp. Đức vua là một cư sĩ có giới và có trí, cai trị quốc độ bằng mười vương pháp, sống với thần dân bằng bốn pháp tế độ.

    Tại kinh đô ven sông, đức vua cho xây dựng một ngôi chùa lớn rồi dâng cúng đến các vị trưởng lão đạo cao đức trọng, suốt thông Tam tạng. Ngài hộ độ Chư tăng đầy đủ về tứ sự, hết tuổi thọ, hóa sanh làm Thiên chủ cõi Đao-lợi, gọi là Đế thích Thiên vương.

    Ở ngôi chùa do đức vua bảo trợ này, chư tỳ khưu Tăng rất đông đúc, duy trì pháp học và pháp hành một cách nghiêm túc và không gián đoạn. Trong chúng, có vị tỳ khưu giới hạnh trong sạch, hằng ngày tu tập thiền quán. Mỗi sáng, ngài thường thức dậy sớm, lễ bái Tam Bảo, quán tưởng ân đức Tam Bảo, tọa thiền, kinh hành rồi đi quét dọn xung quanh chùa. Công việc ấy ngài làm một cách lặng lẽ và chuyên cần.

    Hôm kia, vị tỳ khưu quét lá quanh Bảo tháp, gom lại thành đống rồi gọi chú sa di phụ việc hốt đem đổ đi.Chú sa di ngày thường rất ngoan ngoãn, nhưng hôm ấy lại sanh tâm lười biếng, giả vờ không nghe. Gọi đến lần thứ ba, thấy chú sa di vẫn cứng đầu, vị tỳ khưu bèn bước tới, đánh cho chú mấy cán chổi khá đau. Thế là chú sa di vừa khóc vừa hốt rác, lòng ấm ức vô cùng. Công việc xong xuôi, chú sa di phát lời nguyện rằng:

    -"Với phước báu đổ rác này, nếu chưa đắc được Niết bàn, dù sanh vào cảnh giới nào, cũng xin cho tôi có đầy đủ quyền cao, chức trọng mà oai lực của tôi sẽ thù thắng hơn tất cả mọi người, như mặt trời vĩ đại ở giữa hư không kia vậy."

    Nguyện xong, hể hả và vui sướng, chú sa di đi xuống sông tắm. Khi bơi lội nhởn nhơ trong nước, thân tâm mát mẻ, chú sa di cảm thấy hối hận, tự nghĩ:

    -"Thầy tỳ khưu bảo ta hốt rác, đấy chẳng phải là phận sự bắt buộc, chẳng phải là việc riêng của ngài; cũng chẳng phải là lợi ích cho các thầy A-xà-lê, cũng không phải nhằm phục vụ cho các vị thượng tọa, hòa thượng của ngài. Vậy đích thị ngài đánh ta là muốn tế độ ta, muốn đánh vào cái tính lười biếng và cứng đầu của ta! Ôi! Vì u mê mà ta tự làm hại ta rồi."

    Vẫn còn ngâm mình dưới sông, nhìn những lượn sóng như vô tận đuổi nhau đến tận bờ xa, chú sa di tâm cơ máy động, phát lời đại nguyện:

    -"Vì thiếu trí tuệ mới sinh lười biếng, cứng đầu, sinh những nhận thức sai lầm, nông nổi. Vậy thì với tất cả những phước đức tu tập của tôi, phước đức đổ rác bấy lâu nay, phước đức thấy mình lầm lỗi, xin nguyện rằng: nếu chưa đắc quả Niết bàn, hãy cho tôi được trí tuệ nhiều vô biên vô lượng như những làn sóng vô tận của con sông này."

    Đang trên bến, cũng định xuống sông tắm, vị tỳ khưu nghe được lời phát nguyện đầy quyết tâm vững chắc của chú sa di, chột dạ, nghĩ thầm: "Không kể chút lầm lỗi sáng nay, chú sa di này từ lâu tu tập rất tốt, có hạnh kiểm và có trí. Vậy với lời nguyện sắt đá này, chú sa di hẳn sẽ thành tựu dễ dàng." Trầm ngâm hồi lâu, vị tỳ khưu nghĩ tiếp:"Trong lời nguyện của chú sa di, vừa có cái gì đó như phục thiện màcũng vừa có cái gì đó như đối chọi lại với ta? Nhưng bản chất của chú sa di này ngủ ngầm sự cứng đầu, kiêu căng, ngã mạn. Vậy nếu lời nguyện kia mà thành tựu thì trên thế gian này có ai đủ khả năng trí tuệ để kềm bớt trí tuệ của y?".

    Vì thế, vị tỳ khưu cũng chấp tay lên đầu, hướng giữa thinh không, phát lời đại nguyện:

    -"Với tất cả mọi công đức tu tập của tôi, công đức quét rác bao nhiêu năm, nếu tôi chưa đắc quả Niết bàn, xin cho tôi được thành tựu trí tuệ bất khả tư nghì. Trí tuệ ấy phải đầy đủ năm tính chất sau đây:

    - Nhiều như sóng của con sông đại Hằng.

    - Vững chắc và kiên định như hai bờ của con sông này.

    - Thấy rõ gốc ngọn tất cả các pháp.

    - Quang minh, sáng sủa.

    - Quảng bác, thâm sâu, sắc bén.

    Mong nhờ trí tuệ bất khả tư nghì ấy, có thể kiềm chế, phá nghi, soi rọi, dẫn dắt chú sa di đi đến nơi giác ngộ, giải thóat."

    Cả hai vị tỳ khưu và sa di, với lời nguyền ấy, sau khi tan rã ngũ uẩn, họ đều được sanh làm người, làm trời trọn thời gian giữa hai vị Phật. Đến lúc Phật Thích-ca Niết bàn gần năm trăm năm, vị tỳ khưu thuở xưa từ cõi trời giáng hạ làm Na-tiên tỳ khưu; vị sa di sanh làm vua Mi-lan-đà ở kinh thành Sàgala đúng với lời nguyện của họ.


  12. #7
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    2.1. Chuyện về ĐỨC VUA MI-LAN-ĐÀ


    Ông người gốc Hy-lạp, là một viên đại tướng lừng danh, vô địch, theo đoàn quân viễn chinh xâm lăng Ấn-độ. Sau khi đã đặt nền thống trị trên một đế quốc rộng lớn, viên thủ lĩnh bị giặc giết, ông lên kế vị làm vua, đóng đô tại Sàgala.

    Sàgala là vùng đất nằm ở thượng lưu năm con sông, dưới chân Hy-mã-lạp-sơn, với núi non hùng vĩ bao quanh, sông dài uốn khúc tạo nên một khung cảnh xinh tươi trù phú và thạnh mậu.

    Xuất thân là một tướng lãnh thao lược, bách chiến bách thắng, bá quyền từ lưu vực sông Hằng đến các bờ cõi miền đông, từ cửa sông miền nam giáp biển đến tận chân Hy-mã-lạp-sơn, nhưng đức vua ấy luôn phòng thủ không một chút lơ là. Hoàng cung được bảo vệ với những thành trì kiên cố, vững chắc, được đào hào sâu rộng bao bọc xung quanh, những cổng thành bằng đá to lớn luôn luôn được đội quân uy nghi với gươm đao, cung nỏ túc trực sẵn. Nhờ vậy, không một kẻ thù nào dám quấy nhiễu, không một kẻ nghịch nào dám manh tâm thoán đoạt.

    Giữ yên bên ngoài, nhà vua lo việc bên trong, chăm lo đến cơm no áo ấm cho muôn dân. Kế hoạch phát triển đất nước, nhà vua chú trọng nông nghiệp, có chính sách khuyến nông đúng đắn và hữu hiệu. Các ngành nghề lao động, thủ công đều được tuyên truyền, vận động, cổ súy nâng cao. Không bao lâu sau, đất nước này sống đời thái bình và thịnh trị, giàu mạnh và hùng cường.

    Kinh thành Sàgala đặc biệt rất huy hoàng và tráng lệ. Các lối đi đều được lát đá. Nam nữ có lối đi riêng. Ven đường có nhà mát, nhà nghỉ, có cây to bóng mát. Điểm xuyết đó đây rất nhiều ao hồ, rất nhiều vườn cây. Ao hồ thì nuôi đủ thứ cá sắc màu đẹp đẽ. Vườn cây trồng kỳ hoa dị thảo, nuôi muôn chim, muôn thú hiền lành. Ngoài ra, dinh thự, đền đài, phố xá, cầu kỳ, đại hí trường, tiểu hí trường được xây dựng, kiến thiết cao sang và mỹ lệ. Từ Hoàng cung, ánh đèn chói sáng trăm màu rực rỡ, nhạc ca, vũ điệu dặt dìu ngày đêm hoan lạc. Hoàng gia ăn vận như thiên tướng, thiên nữ cõi trời, với xe hai ngựa, bốn ngựa, kiệu... qua lại tấp nập. Các vị sa môn, bà la môn, đạo sĩ thong dong lui tới đó đây, hoàn toàn được tự do, được tôn trọng, lễ bái, cúng dường... Dân chúng ăn mặc đẹp đẽ, trang trí vòng hoa, trân châu, lũ lượt tới các điểm giải trí, vui chơi ở các nơi công cộng và hí trường.

    Đây là thời đại cực thịnh của kinh đô Sàgala.

    Hoàng cung có nhiều kho vàng, kho bạc, kho đồng, kho gạo, kho vải vóc, lương thực, giáo mác, cung tên, thuốc nổ v.v.., những loại ngọc cực qúi như ngọc mànì, nhà vua cũng có rất nhiều. Các loại vải, gấm, lụa trứ danh như kasila, udubara, koseyya... là thứ dùng hằng ngày của hoàng gia.

    Kinh thành của đức vua Mi-lan-đà hưởng phước cực kỳ sung sướng, được ví như Bắc-cu-lưu-châu hoặc như huê viên Alakam Manda ở cõi trời cũng không ngoa vậy.

    Về quốc độ thì như thế, còn về cá nhân thì ngài có sức học uyên thâm, tài cao chí lớn, lại là người rất đạo đức nên được quần chúng tôn sùng, ngưỡng mộ. Tài liệu sử sách còn ghi lại đầy đủ về con người của vị vua ấy như sau:

    - Đệ nhất về của cải, tài sản.
    - Đệ nhất về quân binh như voi, ngựa, xe...
    - Đệ nhất về trí tuệ.
    - Đệ nhất về học giả.
    - Đệ nhất về thông minh.
    - Đệ nhất về sức mạnh, quyền uy.
    - Đệ nhất về giọng nói trầm hùng, êm dịu.
    - Đệ nhất về hiểu biết các tôn giáo, nhất là Phật giáo.
    - Đệ nhất làm chủ trí thức và cảm xúc của mình.
    - Đệ nhất về bác học.

    Đã vậy, đức vua còn thông suốt 18 môn học nghệ:

    1. Học tiếng muôn thú để đoán định tốt xấu, lành dữ.
    2. Học về đất đai, núi non, thảo mộc.
    3. Toán học.
    4. Biết rõ tất cả các nghề thợ.
    5. Võ học.
    6. Triết học, thắng luận.
    7. Thiên văn.
    8. Âm nhạc
    9. Y khoa.
    10. Nghệ thuật bắn cung.
    11. Khảo cổ học.
    12. Lịch sử, truyện tích, khẩu ngữ.
    13. Khoa tử vi.
    14. Rành rẽ về phân kim (biết vàng ngọc thật, giả).
    15. Học về vật lý.
    16. Học về chăn nuôi, nông nghiệp, làm vườn.
    17. Binh pháp.
    18. Văn học: sử truyện nhân gian, cú pháp, thể luật, văn thơ...

    Toàn cõi châu Diêm-phù-đề khó tìm ra một nhân vật trí tài như vậy.


  13. #8
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    Hôm kia, sau công việc triều chính mệt mỏi, đức vua cùng đoàn quân ngự giá ra khỏi hoàng thành du ngoạn. Đến một chỗ phong cảnh tươi thắm, hữu tình, đức vua ra lịnh dừng lại, xuống xe, ngài thong dong cất bước đi dạo.

    Ngồi nghỉ chân nơi một tảng đá, dưới tàn đại thụ mát mẻ, đức vua ngước nhìn lên trời cao. Giữa bầu trời xanh biếc dịu dàng, một vầng thái dương rực rỡ, huy hoàng, ngự trị giữa hư không lồng lộng. Đức vua nhìn mặt trời rất lâu, đoạn nói chuyện với viên tướng hộ giá:

    - Này khanh! khanh có thấy mặt trời kia không?

    - Tâu, có thấy!

    - Nó trấn ngự giữa hư không một cách đầy uy lực, bất khả xâm phạm, khanh có cảm nghĩ thế chăng?

    - Dạ, thưa có, tâu Đại vương!

    Đức vua Mi-lan-đà vỗ vai viên tướng một cách thân mật, cảm thán nói rằng:

    - Mặt trời rực rỡ kia là chúa tể của hư không. Trí tuệ quang minh là chúa tể của chúng sanh các loài trong tam giới. Khanh đã từng tòng chinh theo trẫm đi đây đi đó nhiều nơi; khanh cũng đã từng mang lệnh của trẫm đi khắp kinh thành cùng các biên trấn xa xôi. Vậy khanh hãy cố nhớ cho thật kỹ, xem có vị sa môn, bà-la-môn nào là bậc đại trí thức, thống hiểu kinh pháp, làu thông kinh pháp; hoặc là người đã tự mình tuyên bố, rằng là, đã đắc quả A-la-hán, đắc quả Phật? Trẫm muốn diện kiến họ, đối thoại với họ hầu tăng trưởng kiến thức và trí tuệ. Nào, khanh hãy cố nhớ lại xem?

    Quả là thầy nào trò nấy, đức vua kiến thức uyên thâm thì viên tướng hộ giá thân tín kiến thức cũng uyên thâm. Sau một hồi suy nghĩ chín chắn, viên tướng tâu:

    - Trước đây rất lâu xa, khi theo hầu chân ngựa của bệ hạ đi vào xứ sở tôn giáo huyền bí này, hạ thần có nghiên cứu qua sử sách tôn giáo của dân bản địa. Mấy ngàn năm trước đây, tu sĩ bà-la-môn thọ trì và phụng hành theo kinh điển Phệ-đà; và có thể nói rằng, tôn giáo này đã nắm độc quyền toàn bộ sinh hoạt tinh thần của xã hội Ấn. Nhưng cách đây gần năm trăm năm, bộ tộc Sakya, dòng dõi Thái dương anh hùng, đã xuất sanh được một vị Phật tên hiệu Sĩ-đạt-ta Cù-đàm, thì truyền thống ngàn đời của bà-la-môn bị lung lay đến tận nền móng. Hiện tại ở xứ sở này còn tồn tại đạo Phật ấy, đồng thời, tồn tại sáu tông phái ở trong và ngoài truyền thống Phệ-đà...

    Đức vua Mi-lan-đà khen ngợi và mắng yêu người bề tôi trung tín:

    - Khanh thật giỏi, nhưng dài dòng quá. Chuyện ấy thì trẫm cũng biết. Hãy nói tóm gọn coi nào?

    - Dạ - Viên tướng kính cẩn cúi đầu - Sáu vị giáo chủ ấy là: Pùrana Kassapa, Makkhalìgosàla, Niganthanàtaputta, Sanjayabelatthaputta, Ajitakesakambala, Bakuddhakaccày- ana. Và hiện nay, trong kinh thành có mặt môn đệ của sáu danh sư ấy đang triển khai tông giáo, danh tiếng lẫy lừng, đồ chúng rất đông. Họ đều không phải là người thiểu trí mà toàn là bậc thầy thiên hạ. Họ được mọi người cung kính, cúng dường, tôn trọng. Bệ hạ có thể nào đến viếng họ, đáp vấn với họ vài điều xem thử có chút kiến thức bổ dưỡng nào chăng?

    Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười hài lòng:

    - Được lắm, khanh bàn rất hợp ý trẫm.

    Thế rồi, người đầu tiên mà đức vua Mi-lan-đà đến diện kiến là một vị chân sư, kế thừa giáo chủ Puràna Kassapa. Sau khi yên vị chủ khách, đức vua kính cẩn hỏi rằng:

    - Bạch thầy, chúng sanh đầy khắp trong ba cõi, có sanh mạng, có y báo, có chánh báo, có đời sống giống nhau, khác nhau, có sanh, có tử, có xuống, có lên... ở trong một luật tắc nào đó. Vậy thầy có thể nào cho biết cái gì nuôi dưỡng chúng và hộ trì chúng?

    Vị chân sư mau mắn đáp:

    - Tâu đại vương! Đại vương hãy nhìn xem núi sông, muôn loài và cây cỏ; tất cả chúng có được từ đại địa, lớn lên, trưởng thành từ đại địa! Vậy rõ ràng chúng sanh được nuôi dưỡng, được hộ trì bởi đại địa là điều quá hiển nhiên rồi!

    Đức vua giả vờ mỉm cười, gật đầu, rồi dường như hỏi sang chuyện khác:

    - Cảm ơn thầy! Chẳng hay giáo lý của thầy có nói đến những chúng sanh thống khổ ở các cõi địa ngục và ngạ quỷ chăng?

    - Thưa có, tâu đại vương!

    Đức vua bây giờ mới tỏ vẻ giận dữ, phất tay áo đứng dậy:

    - Vậy mà thầy dám bảo quả đất nuôi dưỡng và hộ trì chúng sanh? Quả đất nuôi dưỡng, hộ trì chúng sanh sao lại để cho chúng sanh đọa lạc vào các cảnh giới địa ngục và ngạ quỷ đầy thống khổ và đau thương dường ấy?

    Vị chân sư nín lặng.

    Đức vua Mi-lan-đà cảm thán: "Chẳng lẽ nào chân sư thiên hạ mà hoang vu và rỗng không như thế này sao?"

    Viên võ tướng thấy vua buồn bã , lựa lời khôn khéo nói:

    - Kinh đô của Đại vương còn nhiều vị danh sư khác nữa, biết đâu trong số họ sẽ có người làm vừa lòng Đại vương?

    Nghe lời, lần này đức vua Mi-lan-đà tới thăm viếng vị danh sư môn đệ của giáo chủ Makkhalìgosàla. Sau vài câu xã giao khách sáo, đức vua đi vào đề:

    - Bạch thầy, giáo pháp của thầy quan niệm như thế nào về thiện, ác? Có nhân và có quả của thiện nghiệp và ác nghiệp chăng?

    Vị danh sư trả lời:

    - Chẳng có đâu, tâu Đại vương! Chẳng có thiện nghiệp và ác nghiệp. Quả tốt xấu của thiện nghiệp, ác nghiệp ấy cũng không. Theo giáo pháp mà bần đạo đã tuyên thuyết thì người nào sanh ra trong thế gian này được làm vua, khi chết sanh vào nơi khác cũng làm vua y như thế. Tương tự, nếu đời này là bà-la-môn, thương gia, nông gia, kẻ hạ tiện candàla, người đói khổ... khi tứ đại rã tan, tái sanh vào cảnh giới khác cũng sẽ làm bà-la-môn, thương gia, nông gia, kẻ hạ tiện candàla, người đói khổ giống như vậy. Chẳng có quả phước, quả tội tham dự vào đấy để tạo nên vui hay khổ cho chúng sanh cả.



  14. #9
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    Đức vua đã cảm thấy bực mình nhưng vẫn nhẫn nại hỏi tiếp:

    - Nếu không có quả phước tội, kiếp này giống kiếp kia thì chắc hẳn tướng mạo của chúng sanh vẫn không thay đổi?

    - Đúng là vậy, tâu Đại vương!

    - Ví dụ, tướng mạo một người xấu xí, tật nguyền hẳn kiếp sau cũng xấu xí, tật nguyền?

    - Thưa vâng, tâu đại vương!

    - Một tội nhân bị hành hình chặt tay, cưa chân, bị treo cổ, bị chém đầu; kiếp sau sinh ra cũng phải bị chặt tay, cưa chân, bị treo cổ và bị chém đầu như thế?

    Vị danh sư gục gặc đầu:

    - Quả đúng vậy, tâu đại vương!

    Vua Mi-lan-đà vẫn trầm tĩnh, chậm rãi nói:

    - Vậy muốn cho trẫm chấp nhận luận điệu ấy, thầy phải bằng mọi cách giảng giải, phân tích, so sánh, ví dụ minh bạch, cụ thể... cho trẫm nghe với nào?

    Vị danh sư im lặng.

    Đức vua bèn phản công:

    - Thầy không đưa ra được à? Thầy chẳng có cách gì để bảo vệ cho giáo pháp của mình được à? Thế thì chẳng khác gì thầy đã nói dối? Đã võ đoán? Chỉ thuần túy là suy luận chứ không dựa trên một sự thật nào cả?

    Vị danh sư cúi đầu bối rối.

    Đức vua dằn mặt:

    -Trẫm đã hỏi thầy một cách rất nghiêm túc, rằng là có nhân quả của các nghiệp thiện ác hay không! Câu hỏi ấy, đáng ra phải được trả lời rất là dè dặt, cẩn trọng, vì nó ảnh hưởng to lớn đến đạo đức con người, đến hạnh phúc của toàn xã hội. Thầy là một kẻ vô trách nhiệm, thiểu trí, không có lương tri, không có trái tim; không thấy, không biết lại dám đưa ra thuyết thường kiến làm băng hoại nhân luân và đức lý trần gian! Trẫm tôn trọng sự tự do tín ngưỡng, tôn trọng sự lập tông, khai giáo, tự do diễn thuyết, tự do ngôn luận và bảo vệ cả những tự do ấy. Nhưng thầy hãy tự xét lại, suy gẫm lại giáo pháp của thầy có thật sự hữu ích cho cuộc đời này không? Cái chủ trương của thầy với những quan kiến phi đạo đức ấy có phải là tung bóng tối và khổ đau lên cuộc đời vốn đã tối tăm và đau khổ này không?

    Đức vua Mi-lan-đà giận run nhưng vẫn làm chủ được tư tưởng và cảm xúc của mình, không nói gì nữa, ngài lặng lẽ bỏ về hoàng cung, lòng vô cùng sầu não.

    Ít hôm sau, nỗi buồn lắng xuống, đức vua lại ẩn nhẫn lặn lội đi đến giáo phái môn đệ của Niganthanàtaputta. Rồi lần lượt là môn đệ của Sanjavabelatthaputta, môn đệ của Ajitakesakambala, môn đệ của Pakuddhakaccàyana. Nhưng đức vua hoàn toàn thất vọng. Kẻ với thuyết hoài nghi,bất khả tri; kẻ với thuyết nguyên tử, những con số; kẻ với thuyết nhất nguyên vô ngã hay hữu ngã v.v..., chẳng có giáo chủ, chân sư nào làm cho trí tuệ của đức vua hài lòng.

    Chán nản, đức vua lại quay qua chính sự, tìm quên trong công việc, đọc kinh sách, suy gẫm, trầm tư; nhưng nhà vua vẫn không chấm dứt được sự thao thức, xao xuyến và những nghi vấn về cuộc đời. Có một cái gì đó rất bí mật, rất huyền nhiệm đằng sau sự sống, sự chết của con người! Hiện tại trong tay đức vua có đầy đủ tất cả mọi quyền lực. Ngài đã từng là một tướng lãnh bất khả chiến bại, là một vị đế vương oai hùng chẳng ai dám sánh. Mọi kẻ thù đều cởi giáo quy hàng. Mọi lân bang đều triều phục. Quốc khố sung mãn châu báu, sung mãn khí giới, vật thực. Quân binh, voi, ngựa, xe kiêu hùng và vô địch. Danh vọng cao sang phủ trùm mọi châu lục. Thế nhưng, nhà vua vẫn cảm thấy trống không, cô đơn, vô nghĩa lý. Những vấn nạn không cơ hóa giải vẫn ngày đêm nhức nhối khối óc và trái tim của ngài. Có cái gì đó không bao giờ với tới được, chập chờn, ma mị, khuấy rối cả trong giấc ngủ của vị đế vương.

    Nhân một đêm trăng sáng, đức vua Mi-lan-đà đi thơ thẩn dạo chơi trong vườn thượng uyển. Một làn gió mát mẻ thoảng qua, hương thơm vi diệu của nhiều loài hoa cực quý đưa tới. Đức vua cảm thấy tinh thần thư thái, ngài bước đi lặng lẽ dưới ánh trăng vằng vặc, lại suy nghĩ:

    - "Ôi! Đêm thanh, trăng tỏ, gió phơi phới mát lành, hương kỳ hoa thơm ngát...! Vậy đây đâu phải là thời mà ta dạo chơi trống không vô vị như thế này? Đây là thời phải lẽ nhất để cho ta đi hỏi đạo nơi các bậc thượng sĩ, đạt đức, cao nhân! Nhưng mà môn đệ của sáu giáo chủ hữu danh nhất trong thiên hạ, ta đã gặp rồi. Những lời giải đáp của họ không làm cho lỗ tai ta hoan hỷ; không làm cho trái tim của ta bao dung, dịu dàng; không làm cho trí óc của ta được cởi mở, khoan khoái. Cái trí tuệ và mớ kiến thức nhạt nhẽo của họ không xứng đáng để ta mất thì giờ vô ích.

    Ôi! Vậy cõi Diêm-phù-đề này còn bậc đại ẩn sĩ nào chăng? Quốc độ này chẳng lẽ không có một sa môn, bà-la-môn, đạo sĩ nào thành đạt trí tuệ cao thượng quả vị A-la-hán, quả vị Phật ... để ta đến thăm viếng, cung kính, lễ bái, tôn trọng, cúng dường hay sao? Chẳng còn ai phá nghi cho ta, giảng giải những chỗ uyên áo, tế vi mà ta hằng thao thức hay sao?"

    Hôm kia, sau buổi thiết triều, đức vua ân cần đem tâm sự trên nói với bá quan, nhưng mọi người chỉ lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau.

    Một vị lão thần tâu:

    - Ngoài sáu phái hữu danh ở trong và ngoài truyền thống Phệ-đà, còn có đạo Phật rất thịnh hành, chùa chiền và Tăng lữ đông đúc, chẳng hay...

    Đức vua khoát tay, đứng dậy:

    - Khanh đừng nói nữa! Hầu như trẫm đã đi thăm viếng hết rồi tất cả những ngôi chùa hữu danh, sa môn hữu danh...! Kẻ thì tinh thông pháp học nhưng không có pháp hành, người thì chuyên về pháp hành, không biết gì về pháp học. Nhưng những pháp học của họ cũng khả nghi bởi những kiến thức chắp vá, vay mượn từ nhiều chủ thuyết khác nhau. Đa phần là hữu danh vô thực hoặc có chút kiến thức chứ không có trí tuệ. Nói tóm lại, thật là hoang vu và rỗng không trong các tu viện, tự viện, am thất, chùa chiền... Hầu hết là cái giá áo, túi cơm; xuất gia tu học chỉ để thừa tự tài lộc, vật thực... mà thôi!

    Nói xong, nhà vua thở dài.

    Thế rồi, bắt đầu từ dạo ấy, miệng truyền miệng, tai truyền tai, thủ đô Sàgala vắng bặt không còn một sa môn nào dám lai vãng. Sáu phái hữu danh lập căn cứ địa mấy trăm năm ở đây cũng "chuồn" về phương khác. Tất cả chùa chiền, am thất... trống không Tăng lữ, và thiện nam tín nữ, theo đó chẳng còn ai tới lui.

    Suốt mười hai năm ròng rã, nghe đâu có bậc đại trí là đức vua tìm đến, rồi sau đó lặng lẽ trở về với bước đi nặng nề hơn, phiền muộn hơn.

    Các sa môn, bà-la-môn, đạo sĩ lần lượt bỏ kinh đô Sàgala cùng đế quốc của đức vua, tìm chỗ khác trú thân hoặc ẩn trốn vào non sâu tuyết lãnh.

    Ai cũng sợ đức vua Mi-lan-đà tìm đến hỏi đạo!?


  15. #10
    NỤ Avatar của hoamacco
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    706
    Thanks
    395
    Thanked 305 Times in 189 Posts


    2.2. Chuyện về ĐẠI ĐỨC NA-TIÊN



    Trong lúc ấy, tại Hy-mã-lạp-sơn, ở hang động Rakkhi--ta kỳ vĩ, rộng lớn, xinh đẹp như cõi trời, có mấy chục vị A-la-hán ngụ cư, họ sống tương ái, tương kính, hòa hợp như nước với sữa, đang thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả. Hôm kia, sau khi xuất định, vị đại trưởng lão Assagutta hướng tâm đến thế gian, ngài thấy rõ chuyện đức vua Mi-lan-đà đã dùng uy lực của trí tuệ, uy lực của kiến thức đa diện áp đảo sa môn, bà-la-môn, đạo sĩ trong cõi Diêm-phù-đề. Nếu tình trạng ấy kéo dài thì Phật pháp chắc sẽ bị lu mờ và tiêu vong.

    Hôm kia, đại trưởng lão Assagutta triệu thỉnh tất cả chư vị A-la-hán tụ tập trên đỉnh núi Yugandhara, kể lại chuyện vua Mi-lan-đà, tình trạng Chư Tăng, các hàng cận sự nam nữ vắng mặt trong tất cả chùa chiền, am thất, tu viện, tự viện..rồi kết luận như sau:

    - Vậy thì có vị đại đức nào có thể nhiếp phục đức vua bằng trí tuệ của mình, có thể giải đáp tất cả mọi câu hỏi để phá nghi cho đức vua; soi rọi, dẫn lối cho đức vua thấy rõ chánh pháp; làm cho đức vua ấy phát khởi lòng tin để nâng đỡ, hộ trì Phật giáo thì hãy đứng lên nhận lãnh sứ mạng cam go này?

    Đại trưởng lão Assagutta hỏi đến lần thứ ba, hội chúng thánh nhân vẫn im lặng. Ngài biết rằng chư vị A-la-hán này thành tựu tâm giải thoát, tuệ giải thoát nhưng sở học, kiến thức, tuệ phân tích, biện tài, biện thông...chẳng thể nào so sánh nổi với đức vua Mi-lan-đà, bèn gợi ý:

    -Trên cõi trời Đao-lợi có một vị thiên tử tên là Mahàse--na, ở trong cung vàng Ketumatì, phía trước bảo điện của Đế thích Thiên chủ. Vị thiên tử Mahàsena ấy có trí tuệ vượt bậc, có thể đàm luận, tranh biện để giải nghi, giải vấn tất cả mọi thắc mắc cho đức vua Mi-lan-đà.

    Ngài đại trưởng lão vừa nói xong, với tâm biết tâm, tất cả Thánh chúng A-la-hán đồng từ giã tuyết lãnh, bay lên Đao-lợi thiên cung với thời gian như viên lực sĩ duỗi cánh tay.

    Đức Đế-thích trông thấy chư tỳ khưu Tăng như đám mây lành đồng giáng hạ, vui mừng đến cung nghinh, đảnh lễ rồi quỳ bên chân đại trưởng lão Assagutta, bạch rằng:

    -Hôm nay, chẳng hay quý ngài có nhân duyên gì mà đồng vân tập về trú xứ của con? Con đang sẵn sàng nghe lời dạy bảo của quý ngài.

    Đại trưởng lão Assagutta bèn kể lại chuyện đức vua Mi-lan-đà , với nỗi lo ngại sự suy tàn của giáo pháp, vì trong toàn cõi Diêm-phù-đề chẳng ai có khả năng đối thoại được với đức vua ấy.

    Vua trời Đế thích nghe xong, hỏi rằng:

    - Đức vua Mi-lan-đà ở kinh đô Sàgala kia, phải chăng vừa từ cõi trời Đao-lợi này mà sanh xuống?

    - Đúng thế!

    Vua trời Đế thích gật đầu:

    - Vậy thì đúng rồi! Trí tuệ của đức vua Mi-lan-đà quả thật thế gian không có người "thứ ba"!

    Đại trưởng lão Assagutta mỉm cười:

    - Bần tăng cũng biết vậy nên đã đồng quy tụ về đây, những mong Thiên chủ giúp đỡ triệu thỉnh thiên tử ở trong cung vàng Ketumatì giáng sanh xuống cõi trần! Chỉ có vị thiên tử ấy may ra mới có đủ trí tuệ sắc bén để đối thoại, giải vấn cho đức vua Mi-lan-đà mà cứu nguy cho chánh pháp.

    Đế thích Thiên chủ nói:

    - Con xin vâng mệnh. Vậy xin cung thỉnh qúi ngài cùng với con sang cung điện của thiên tử Mahàsena.

    Đến nơi, sau khi chào hỏi xong, Đế thích Thiên chủ giới thiệu chư vị Thánh Tăng từ Tuyết sơn, kể lại chuyện đức vua Mi-lan-đà rồi kết luận rằng:

    - Quý ngài đã không quản tuổi già sức yếu, cỡi gió đạp mây lên đây với lòng thành thỉnh nguyện thiên tử hạ sanh cõi trần, ở đấy Phật giáo đang gặp nạn, phải nhờ trí tuệ của thiên tử may ra mới phục hưng được chánh giáo.

    Thiên tử Mahàsena nghe xong, với tâm dửng dưng nhìn ra xa đáp:

    - Tâu Thiên chủ! Hạ thần không còn một mảy may xúc động tham muốn gì trong việc tái sanh kia nữa. Vả, cõi người thường bận rộn trong việc nuôi mạng, vui ít khổ nhiều, lại đầy trược hạnh. Vậy xin Thiên chủ rộng lòng thông cảm, hạ thần đã chán sinh tử, thường mong hóa sanh vào các cõi tịnh cư, đắc thánh quả rồi Niết bàn luôn ở đấy.


Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •