KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA.................................................. .....................................Quyển 57
__________________________________________________ _____________________________________



Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng phải có pháp sân, chẳng phải có pháp ly sân, Ðại-thừa cũng vậy, chẳng phải có pháp sân, chẳng phải có pháp ly sân, nên nói Ðại-thừa cùng với hư không ngang bằng nhau.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng phải có pháp si, chẳng phải có pháp ly si, Ðại-thừa cũng vậy, chẳng phải có pháp si, chẳng phải có pháp ly si, nên nói Ðại-thừa cùng với hư không ngang bằng nhau.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng phải đọa Dục giới, chẳng phải đọa Sắc giới, chẳng phải đọa Vô sắc giới, Ðại-thừa cũng vậy, chẳng phải đọa Dục giới, chẳng phải đọa Sắc giới, chẳng phải đọa Vô sắc giới, nên nói Ðại-thừa cùng với hư không ngang bằng nhau.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng phải có bậc sơ phát tâm, có thể nắm bắt được, cho đến chẳng phải có bậc thứ mười phát tâm, có thể nắm bắt được, Ðại-thừa cũng vậy, chẳng phải có bậc sơ phát tâm, có thể nắm bắt được, cho đến chẳng phải có bậc thứ mười phát tâm, có thể nắm bắt được, nên nói Ðại-thừa cùng với hư không ngang bằng nhau.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng phải có bậc Tịnh quán, bậc Chủng tánh, bậc Ðệ bát, bậc Cụ kiến, bậc Bạc, bậc Ly dục, bậc Dĩ biện, bậc Ðộc-giác, bậc Bồ-tát, bậc Như Lai, có thể nắm bắt được, Ðại-thừa cũng vậy, chẳng phải có bậc Tịnh quán cho đến bậc Như Lai có thể nắm bắt được, nên nói Ðại-thừa cùng với hư không ngang bằng nhau.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng phải có Dự-lưu hướng, Dự-lưu quả, Nhất-lai hướng, Nhất-lai quả, Bất-hoàn hướng, Bất-hoàn quả, A-la-hán hướng, A-la-hán quả, Ðộc-giác hướng, Ðộc-giác quả, Bồ-tát, Như Lai có thể nắm bắt được, Ðại-thừa cũng vậy, chẳng phải có Dự-lưu hướng, Dự-lưu quả cho đến Bồ-tát, Như Lai có thể nắm bắt được, nên nói Ðại-thừa cùng với hư không ngang bằng nhau.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng phải có bậc Thanh-văn, bậc Ðộc-giác, bậc Chánh đẳng giác, có thể nắm bắt được, Ðại-thừa cũng vậy, chẳng phải có bậc Thanh-văn, bậc Ðộc-giác, bậc Chánh đẳng giác, có thể nắm bắt được, nên nói Ðại-thừa cùng với hư không ngang bằng nhau.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, Ðại-thừa cũng vậy, chẳng phải hữu sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải hữu kiến, chẳng phải vô kiến, chẳng phải hữu đối, chẳng phải vô đối, chẳng phải tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, nên nói Ðại-thừa cùng với hư không ngang bằng nhau.

Thiện Hiện! Lại như hư không chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải lạc, chẳng phải khổ, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh, Ðại-thừa cũng vậy, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, chẳng phải lạc, chẳng phải khổ, chẳng phải ngã, chẳng phải vô ngã, chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh, nên nói Ðại-thừa cùng với hư không ngang bằng nhau.