KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA.................................................. .....................................Quyển 53
__________________________________________________ _____________________________________




Lại nữa, Thiện Hiện! Tướng Đại-thừa của đại Bồ-tát là bốn vô sở úy. Những gì là bốn? Đó là chánh đẳng giác vô úy, lậu tận vô úy, chướng pháp vô úy, tận khổ đạo vô úy.

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là chánh đẳng giác vô úy?

Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, tự xưng ta là bậc Chánh Đẳng Giác, dù có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc trời, ma, phạm hoặc kẻ thế tục nào khác, y vào pháp lập vấn nạn và nghĩ nhớ nói rằng đối với pháp ấy, chẳng phải là Chánh đẳng giác thì ta đối với sự vấn nạn kia, thấy rõ là không có lý do; vì đối với sự vấn nạn kia, thấy không có lý do, nên được an trú trong yên ổn, không sợ, không hãi; tự xưng ta ở ngôi vị Đại tiên tôn quí, ở trong đại chúng, chính thức rống lên tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu, bánh xe đó thanh tịnh, chính chơn vô thượng; tất cả Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc trời, ma, phạm, hoặc kẻ thế tục nào khác đều không ai có khả năng chuyển bánh xe pháp như vậy, thì đó là chánh đẳng giác vô úy.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là lậu tận vô úy?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, tự xưng ta đã hết hẳn các lậu, dù có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc trời, ma, phạm, kẻ thế tục nào khác y vào pháp lập vấn nạn và nghĩ nhớ nói rằng, có lậu như vậy, chưa hết hẳn, thì ta đối với sự vấn nạn kia, thấy rõ là không có lý do; vì đối với sự vấn nạn kia, thấy không lý do, nên được trong yên ổn, không sợ, không hãi; tự xưng ta ở ngôi vị Đại tiên tôn quí, ở trong đại chúng, chính thức rống lên tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu, bánh xe ấy thanh tịnh, chính chơn vô thượng; tất cả Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc trời, ma, phạm, hoặc kẻ thế tục nào khác, đều không có ai có khả năng chuyển bánh xe pháp như vậy, thì đó là lậu tận vô úy.

Bạch Thế Tôn! Thế nào là chướng pháp vô úy?

Thiện Hiện! Nếu lấy vô sở đắc làm phương tiện, vì các đệ tử nói rõ pháp trở ngại đạo, dù có Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc trời, ma, phạm hoặc kẻ thế tục nào khác y pháp lập vấn nạn và nghĩ nhớ nói rằng làm theo pháp này chẳng có khả năng chướng ngại đạo; ta đối với sự vấn nạn kia, thấy rõ là không có lý do; vì đối với sự vấn nạn kia, thấy không có lý do, nên được an trú trong sự yên ổn, không sợ, không hãi, tự xưng ta ở ngôi vị Đại tiên tôn quí, ở trong đại chúng, chính thức rống lên tiếng rống sư tử, chuyển bánh xe pháp nhiệm mầu, bánh xe này thanh tịnh, chính chơn vô thượng; tất cả Sa-môn, hoặc Bà-la-môn, hoặc trời, ma, phạm, hoặc kẻ thế tục nào khác đều không có ai có khả năng chuyển bánh xe pháp như vậy, thì đó là chướng pháp vô úy.