KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA.................................................. .....................................Quyển 52
__________________________________________________ _____________________________________



Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Tam-ma-địa Trí tướng?

Thiện Hiện! Nếu khi an trú Tam-ma-địa này, thấy tướng sở hữu của các đẳng trì, thì như vậy gọi là Tam-ma-địa Trí tướng.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Tam-ma-địa Kim-cang man?

Thiện Hiện! Nếu khi an trú Tam-ma-địa này, thông đạt tất cả đẳng trì và pháp, đối với định và pháp, đều không có sở kiến, thì như vậy gọi là Tam-ma-địa Kim-cang man.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Tam-ma-địa Trụ tâm?

Thiện Hiện! Nếu khi an trú Tam-ma-địa này, tâm chẳng lay động, chẳng chuyển, chẳng chiếu, cũng chẳng thiếu sót, chẳng nghĩ có tâm, thì như vậy gọi là Tam-ma-địa Trụ tâm.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Tam-ma-địa Phổ minh?

Thiện Hiện! Nếu khi an trú Tam-ma-địa này, đối với ánh sáng các định, có khả năng chiếu khắp, thì như vậy gọi là Tam-ma-địa Phổ minh.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Tam-ma-địa Diệu an lập?

Thiện Hiện! Nếu khi an trú Tam-ma-địa này, đối với các đẳng trì, có khả năng an lập mầu nhiệm, thì như vậy gọi là Tam-ma-địa Diệu an lập.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Tam-ma-địa Bảo tích?

Thiện Hiện! Nếu khi an trú Tam-ma-địa này, thấy các đẳng trì đều như khối báu, thì như vậy gọi là Tam-ma-địa Bảo tích.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Tam-ma-địa Diệu pháp ấn?

Thiện Hiện! Nếu khi an trú Tam-ma-địa này, in đậm các đẳng trì, vì dùng cái vô ấn mà in, thì như vậy gọi là Tam-ma-địa Diệu pháp ấn.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Tam-ma-địa Nhất thiết pháp bình đẳng tánh?

Thiện Hiện! Nếu khi an trú Tam-ma-địa này, không thấy có pháp lìa tánh bình đẳng, thì như vậy gọi là Tam-ma-địa Nhất thiết pháp bình đẳng tánh.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Tam-ma-địa Khí xả trần ái?

Thiện Hiện! Nếu khi an trú Tam-ma-địa này, đối với các pháp định, xả bỏ trần ái, thì như vậy gọi là Tam-ma-địa Khí xả trần ái.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Tam-ma-địa Pháp dũng viên mãn?

Thiện Hiện! Nếu khi an trú Tam-ma-địa này, khiến các pháp Phật hiện ra tròn đầy, thì như vậy gọi là Tam-ma-địa Pháp dũng viên mãn.