KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA.................................................. .....................................Quyển 49
__________________________________________________ _____________________________________
Thiện Hiện! Như nhà ảo thuật, hoặc đệ tử của y, ở trước đám đông, nơi ngã tư đường, biến hóa ra đủ các loại hữu tình, và nhà ảo thuật ấy, tự hiện an trú sáu phép Ba-la-mật-đa, cũng khuyên những hữu tình được biến ra, khiến họ an trụ. Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao? Việc biến hóa như vậy là có thật chăng?
Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật bảo: Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ở khắp vô số thế giới chư Phật trong mười phương, tự hiện thân mình, tùy theo loài mà an trú sáu phép Ba-la-mật-đa, cũng khuyên hữu tình, khiến họ an trú … cho đến chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thường chẳng xa lìa, cũng lại như vậy, tuy có làm nhưng không có một cái nào thật. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tánh của các pháp là không, đều như huyễn.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ-tát, mặc áo giáp các công đức như trên đã nói, lấy tâm tương ưng trí nhất thiết trí và đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, lợi ích an lạc tất cả hữu tình, chẳng xen lẫn tác ý Thanh-văn, Ðộc-giác, nghĩa là chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở bố thí Ba-la-mật-đa, còn hữu tình như thế thì sẽ chẳng an lập! Chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở bố thí Ba-la-mật-đa; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở tịnh giới … cho đến Bát-nhã-ba-la-mật-đa, chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở cái không nội, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập, chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở cái không nội; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở cái không ngoại, cái không nội ngoại, cái không không, cái không lớn, cái không thắng nghĩa, cái không hữu vi, cái không vô vi, cái không rốt ráo, cái không không biên giới, cái không tản mạn, cái không không đổi khác, cái không bổn tánh, cái không tự tướng, cái không cộng tướng, cái không tất cả pháp, cái không chẳng thể nắm bắt được, cái không không tánh, cái không tự tánh, cái không không tánh tự tánh, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở cái không ngoại … cho đến cái không không tánh tự tánh; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở bốn tịnh lự, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở bốn tịnh lự; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở bốn vô lượng, bốn định vô sắc, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở bốn vô lượng, bốn định vô sắc; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở bốn niệm trụ, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở bốn niệm trụ; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở pháp môn giải thoát không, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở pháp môn giải thoát không; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở năm loại mắt, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở năm loại mắt; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở sáu phép thần thông, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở sáu phép thần thông; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở mười lực của Phật, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở mười lực của Phật; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở bốn điều không sợ cho đến trí nhất thiết tướng; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở quả Dự-lưu, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở quả Dự-lưu; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở quả Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán và quả vị Ðộc-giác, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở quả Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán, và quả vị Ðộc-giác; chẳng nghĩ thế này: Ta sẽ an lập hữu tình như thế ở đạo Bồ-tát, quả vị giác ngộ cao tột, còn hữu tình như thế, thì sẽ chẳng an lập; chỉ nghĩ thế này: Ta sẽ an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở đạo Bồ-tát, quả vị giác ngộ cao tột, thì này Thiện Hiện, như vậy gọi là đại Bồ-tát mặc áo giáp Ðại-thừa.
Thiện Hiện! Như nhà ảo thuật, hoặc đệ tử của y, ở trước đám đông, tại ngã tư đường, biến hóa ra vô lượng, vô số, vô biên hữu tình, an lập ở sáu phép Ba-la-mật-đa … cho đến an lập ở quả vị giác ngộ cao tột. Thiện Hiện! Theo ý ông thì sao? Việc biến hóa như vậy là có thật hay chăng?
Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không!
Phật bảo: Thiện Hiện! Đại Bồ-tát lấy tâm tương ưng trí nhất thiết trí và đại bi làm đầu, dùng vô sở đắc làm phương tiện, an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở sáu phép Ba-la-mật-đa, cho đến an lập vô lượng, vô số, vô biên hữu tình ở quả vị giác ngộ cao tột, cũng lại như vậy, tuy có làm nhưng không có một cái nào thật. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tánh của các pháp là không, đều như huyễn.