Chào bạn Thanh Trúc,
Mấy năm nay tôi đã thành thói quen là sau giờ công phu thì hay vào những trang web Phật Giáo để tìm đọc các bài viết rồi.Mà chỉ những lúc khuya như thế này thì đầu óc mới thảnh thơi,dễ suy nghĩ.Cho nên cũng không tính là thức khuya ... hihih.
Qua bài viết của bạn thì tôi đã hiểu được những suy nghĩ của bạn.Những suy nghĩ,việc làm của bạn xuất phát từ động cơ tốt đẹp,đáng quí và dũng cảm nữa.
Tôi thì chỉ mới nghe nói về Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh thôi,tôi cũng chưa đọc và nghe Hòa Thượng giảng pháp mặc dù tôi có đọc qua báo chí về những công sức của Hòa Thượng trong việc hoằng pháp ở hải ngoại.Cho nên việc đánh giá và có ý kiến về những gì Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh đã nêu ra tôi xin hẹn lại dịp khác nếu có thể,sau khi tôi tìm hiểu rõ về những kiến giải của Hòa Thượng.
Nhân đây tôi chỉ xin tâm sự, nói lên những suy nghĩ của riêng mình về việc này.
Tôi trước đây cũng là một người hay thích tranh luận,thích được ngồi thảo luận về những gì mà tôi hiểu biết.Và tất nhiên đa phần trong đó thường là tôi hay khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình,tranh luận cho đến tận cùng của vấn đề thì thôi.Nếu không thể nói cho người đối diện có thể hiểu và đồng ý với mình,tôi cảm thấy rất bức bối và khó chịu...Nhưng từ ngày biết đến Đạo Phật ( hay có lẽ do tuổi càng ngày càng lớn dần,càng ngày càng già đi chăng ? ...hihii) mà tôi hiểu ra được một vấn đề rằng : để thuyết phục được một người khác đồng ý hoàn toàn với mình là một điều rất khó khăn.Và cái quan trọng hơn là : liệu điều ta muốn nói cho họ có đúng không ? Đã trọn vẹn không ? Tự bản thân ta đã hiểu đầy đủ vấn đề chưa hay chỉ là do sự chủ quan của bản thân mà ta chỉ nhìn được một mặt của vấn đề ?
Sau khi biết được Phật Pháp thì tôi hiểu được rằng những suy nghĩ của ta sẽ là Vô Thường,luôn biến đổi,luôn thay đổi theo thời gian,theo sự tích lũy về kinh nghiệm,theo sự tích lũy về tri thức và cả sự tích lũy về nhận thức nữa.Bởi con người chúng ta do Vô minh sinh ra nên những suy nghĩ của chúng ta cũng vậy.Chúng luôn thiếu sót,luôn không trọn vẹn,luôn thay đổi ... tức là chúng không bất biến.Mà trong cuộc đời này thì những quan niệm,những ý thức hệ,những tư tưởng luôn biến đổi không ngừng.Có những điều hôm qua còn là đúng,là Chân lý thì hôm nay đã là sai,là không phù hợp nữa rồi.Mà những cái nào không phù hợp với thời đại sẽ dần bị đào thải,thay thế và biến mất theo thời gian.Cuộc sống là cả một quá trình chọn lọc tự nhiên thông qua những xung đột và mâu thuẫn bên trong nó.Có mâu thuẫn thì mới có phát triển mà.Và những cái gì có giá trị sẽ tồn tại,sẽ phát triển dù cho có bất cứ biến đổi nào đi chăng nữa.
Tôi còn nhớ có một vị Thiền sư từng nói rằng : "Khi tu ba mươi năm đầu thì thấy núi sông là núi sông,ba mươi năm sau thì thấy núi sông không phải là núi sông và ba mươi năm nữa thì thấy núi sông lại là núi sông".
Hồi đầu,khi mới đọc câu này,tôi nghĩ đây là vị Thiền sư kia ám chỉ về quá trình chứng ngộ của những người tu tập,là muốn nói về sự tinh tấn của Thiền sư trong quá trình tu tập.Nhưng gần đây,tôi mới hiểu ra một ẩn ý khác trong lời nói kia.Đó chính là : Hãy cứ tu tập đi,hãy thực hành trước đã.Đừng vội để ý đến sự "chứng ngộ" làm gì bởi chúng ta chưa đi đến đích.Sự "chứng ngộ" đó cũng chỉ là tạm thời mà thôi,nó chỉ là những bông hoa bên vệ đường,đừng vì chúng mà vội dừng lại...
Cho nên đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao trong giáo lý Đạo Phật lại có điều răn rằng : đừng nên xét lỗi của người khác mà hãy xét lỗi chính bản thân mình trước.
Đến đây chắc là bạn đã hiểu ý tôi.Xin lỗi vì đã viết dài dòng bởi thật khó để diễn đạt thành ý của mình.Mong bạn thông cảm.
Thân.