Cái thấy này của sự tiếp cận tịnh quang, con đường Kim Cương thừa Đại Viên Mãn thì vô song. Đây là các giáo lý siêu việt nhất từng được trình bày trong thế giới này. Nếu đã từng có một giáo huấn trực chỉ cốt tủy, thì giáo huấn đó chính là pháp Dzogchen. Giáo huấn trực chỉ này đến trực tiếp từ Đức Phật nguyên thủy Saman-tabhadra (Phổ Hiền) tới Đức Vajrasattva, ngài truyền nó cho ngài Garab Dorje, xuống tới Guru gốc của tôi, Guru truyền nó cho tôi như tinh túy của lòng ngài trong hình thức của các giáo huấn trực chỉ cốt tủy. Giáo lý này được trình bày qua ngôn từ, nó súc tích không thể nghĩ bàn và hoàn toàn sâu xa. Ngài Patrul Rinpoche đã nói về chính mình khi ngài viết về bản văn gốc di chúc cuối cùng này của ngài Garab Dorje : “Dù tôi là người đã không thực hiện thiền định cũng có được những lợi lạc to lớn.” Đây là một cách biểu lộ sự khiêm tốn. Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là ngài đã không đạt được trạng thái thành tựu đó. Đây là dòng khẩu truyền cổ xưa, trước tiên nó phải được nghe để cắt đứt mọi nghi ngờ, sau đó được tư duy để củng cố sự xác tín hoàn toàn, và cuối cùng được thiền định để đem lại năng lực vốn tiềm ẩn. Giáo lý này về cái thấy, thiền định, hành động, và quả được truyền dạy lúc ban đầu bởi ngài Garab Dorje vĩ đại khi ngài ra đi trong thân cầu vồng. Thân ngài là một trái cầu ánh sáng trong bầu trời khi đệ tử Manjushrimitra của ngài cầu xin ngài ban cho các giáo huấn cốt tủy trước khi ngài biến mất. Các giáo huấn đến từ quả cầu ánh sáng này và được Manjushrimitra nhận lãnh. Ngay chính giây phút đó tâm Manjushrimitra và Garab Dorje hợp nhất và trở thành không hai. Đây là di chúc cuối cùng của Garab Dorje.

Ngài Longchen Rabjam đã trải đời mình để thực hành giáo lý này và đã đạt được thị kiến thứ tư của tošgal được gọi là “sự tan biến của các hiện tượng trong chân tánh của chúng”. Điều này có nghĩa là sự nhị nguyên ngừng hiện hữu, và đó là sự giác ngộ. Hoạt động giác ngộ của Ngài đã được viên mãn, và Ngài đã thọ nhận dòng truyền dạy tâm-truyền-tâm. Sau đó Longchen Rabjam xuất hiện với Jigme Lingpa trong một linh kiến và truyền các giáo lý này cho ngài. Đến lượt Jigme Lingpa đã thiền định về các giáo lý này và truyền chúng cho đệ tử chính của ngài là Gyalwe Nyugu, vị này thành tựu chúng và truyền các giáo lý do Patrul Rinpoche, là bậc đã viết bản văn này. Giáo lý này là một sự truyền dạy của cả ba dòng truyền thừa : dòng tâm-truyền-tâm, dòng truyền dạy bằng các biểu tượng, và dòng khẩu truyền. Đây là vàng đã được tinh lọc. Nó không chỉ là vàng, nó được tinh lọc, cốt tủy của tám mươi bốn ngàn pháp môn. Nó là tâm yếu của ba dòng truyền thừa, được bí mật trao cho các đệ tử tâm đắc. Nó là ý nghĩa sâu xa và lời nói từ tâm. Một người thực hành giáo lý này sẽ chắc chắn đạt được giác ngộ trong chỉ một thân, trong chỉ một đời. Nó không được chia xẻ với bất kỳ người nào nghi ngờ. Tuy nhiên không chỉ bày nó cho người có đức tin sẽ là một thất bại to lớn. Đây là giáo lý đặc biệt của Khepa Shri Gyalpo, Patrul Rinpoche, ngài sống khoảng một trăm bảy mươi năm trước. Ngài có nhiều đệ tử đã trở thành các đại đạo sư của thời đại chúng ta và là các bậc thầy của chúng ta, và chính từ các ngài mà ta nhận lãnh những giáo lý. Điều này thì không quá xa.