Trong Dzogchen, vipashyana hay quán chiếu thấu suốt, tương ứng với bản chất (tinh túy) trong khi shamatha, hay sự an trụ yên bình tương ứng với cái vẫn được thấu suốt. Shamatha giống như một đại dương không có chút sóng, bất động và vipashyana thì như bản tánh của đại dương, đó là nước. Bản tánh hay bản chất của tâm thức chúng ta là Pháp Thân. Khi chúng ta thấu suốt bản tánh đó chúng ta thấu suốt svabhavikakaya (Thân Tự Tánh), nó là Phật tánh vốn như vậy. Khi chúng ta nhìn thẳng vào bản tánh của tâm, chúng ta đang nhìn thẳng vào bản tánh của chúng ta như giác tánh vốn có, nó trống không nhưng hoàn toàn trong sáng. Khi chúng ta tri giác bản tánh trống không của nó, đó là vipashyana, quán chiếu thấu suốt.
Ta tiếp cận với shamatha trong thiền định Dzog-chen là ngơi nghỉ trong rigpa, hay giác tánh nội tại, không chạy theo niệm tưởng nào và tập trung sự tỉnh giác vào cái gì bên trong mà không có bất kỳ sự phân chia thực sự nào giữa bên ngoài, bên trong và ở khoảng giữa. Rigpa là vipashyana, hay sự quán chiếu thấu suốt, và thấy nó như nó là, là kinh nghiệm về cái trong sáng không bị ngăn che. Sự tươi mới trinh nguyên của trạng thái rigpa không bao giờ có thể bị ngăn che một cách cố ý, bởi bản tánh của nó thì hoàn toàn thấu suốt và rộng khắp, tuy nhiên không có đối tượng. Mặc dù với tư cách là một thiền giả, các bạn là một chủ thể, nhưng không có chủ thể nào đang quan sát sự thiền định. Không có bên trong và bên ngoài trong loại thiền định này. Nó hiện hữu, và tuy thế không có người đang kinh nghiệm sự hiện hữu của nó. Đây là một điểm quan trọng : Điều ta phải làm sáng tỏ trước hết là việc chúng ta nhận ra rigpa phải được duy trì – duy trì trong ý nghĩa là khi ta thực hành cái thấy, cái thấy là nhãn kiến của chúng ta. Nếu nhãn kiến của ta được tập trung vào giác tánh và chúng ta không duy trì giác tánh đó, chúng ta sẽ trở nên mê lầm bởi các tạo tác niệm tưởng và các vấn đề thuộc cảm xúc. Sự nhận ra rigpa mà chúng ta đang nuôi dưỡng và hoàn thành, trong thực tế sẽ biến thành vô minh bởi sức mạnh của các tiến trình tư tưởng và các xung đột cảm xúc. Rigpa là cái đối nghịch của vô minh. Giác tánh là cái đối nghịch với vô minh. Nơi chỗ hai thứ này đi vào tâm thức là cái thấy. Như thế, về nền tảng cái thấy là nhãn kiến của một cá nhân về thực tại, như thế nào nó tri giác thực tại. Vì thế nếu cái thấy là rigpa, thì nó đúng là cái mà chúng ta gọi là Phật tánh của sự giác ngộ nguyên thủy. Nhưng nếu việc chúng ta nhận ra rigpa không được duy trì, thì có nguy cơ bị rác rến cảm xúc và tri thức làm cho rigpa này trở nên bị ngăn che bởi vô minh, và cái thấy của ta sẽ thực sự trở nên một cái thấy vô minh. Chúng ta có thể dễ dàng bị mắc bẫy trong mọi loại vấn đề và tình huống ghê gớm do bởi ta không duy trì được sự nhận ra rigpa.
Khi ngơi nghỉ trong tánh giác rigpa, các bạn sẽ vẫn kinh nghiệm nhãn thức, nhĩ thức và v.v…, nhưng các bạn không bị phóng tâm ra khỏi Phật tánh thậm chí trong chốc lát. Các tri giác giác quan là phần của sự phô diễn không bị che chướng của giác tánh nội tại. Các bạn phải biết làm thế nào nhìn thấy, làm cách nào nhận thức giác tánh nội tại. Nếu các bạn không làm được, các bạn có thể ở trong trạng thái thiền định trầm trệ vô ký không đem lại kết quả gì.
Hãy ghi nhớ, không có chủ thể nhưng có một kinh nghiệm. Kinh nghiệm là sự trong sáng không bị ngăn che. Sự trong sáng được kinh nghiệm nhưng không bằng tâm thức ý niệm. Kinh nghiệm sự trong sáng thì đơn giản là kinh nghiệm về rigpa như nó là, một cách tự nhiên. Việc thành tựu nền tảng này về cái thấy thì siêu vượt tâm thức, siêu vượt sự ý niệm hóa, và siêu vượt các sự xuất hiện (hình tướng) khách quan, bởi nó thì thuần tịnh tự nguyên sơ.
Những kinh nghiệm nào đó thường xuất hiện trong thiền định, chúng là kinh nghiệm về lạc, sự trong sáng, và vô-niệm. Nếu ta trở nên bám dính vào các kinh nghiệm này như một vài loại quả trên con đường, ta sẽ tạo nên các nguyên nhân cho vòng sinh tử. Ví dụ nếu ta trở nên dính mắc vào lạc khi nó phát khởi trong tâm, vào lúc sự dính mắc đó xuất hiện nó tạo nên các nguyên nhân cho sự tái sinh trong dục giới. Nếu ta trở nên dính mắc vào sự trong sáng, điều đó tạo nên những nguyên nhân cho sự tái sinh trong sắc giới. Nếu ta trở nên dính mắc vào một trạng thái vô-niệm, nó siêu vượt ý niệm, điều đó gây nên những nguyên nhân để tái sinh trong cõi vô-sắc, là một nơi chốn có nhiều người không phải là Phật tử đang nhập thiền (định). Nếu không hiểu rõ điều này, không có sự hiểu biết về các cạm bẫy, sự thiền định của ta có thể bị tổn hại.