Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng các thực hành thiền định này – và có nhiều thực hành liên quan tới sự chứng nghiệm Bardo Thiền định – phải được đi trước bởi các thực hành chuẩn bị tiên quyết. Ngay cả các bạn đang tu tập một thực hành Dzogchen rất sâu xa như Yeshe Lama, các bạn luôn luôn phải bắt đầu với các sự chuẩn bị tiên quyết. Nếu cái bình bất tịnh và đồ chứa tồi tệ thì chất liệu được đổ vào đó trong sạch như thế nào sẽ chẳng ăn nhằm gì. Cách thức khác của việc sử dụng nó là : thực hành chuẩn bị giống như tim đèn và các bạn không thể có một ngọn đèn bơ mà không có tim đèn. Cùng cách đó, các bạn không thể có một thực hành thiền định thực sự mà không có sự bắt đầu là các chuẩn bị tiên quyết. Guru Yoga là thực hành chuẩn bị tiên quyết thực sự đem xuống những sự ban phước. Rất quan trọng phải nhận bốn quán đảnh và bắt đầu sự thực hành của các bạn trong một trạng thái được ban phước bởi tâm đạo sư. Trong trường hợp đặc biệt này, sau khi đã nhận các ban phước của đạo sư, các bạn sẽ bắt đầu các thực hành được nối kết với sáu bardo.
Bardo Đời Này được nối kết với sự tự-giải thoát của nền tảng toàn khắp, nó cắt đứt những sợ hãi bên ngoài và bên trong giống như một con chim sẻ đi vào tổ của nó một cách không sợ hãi. Bardo Trạng thái Mộng được nối kết với sự tự-giải thoát khỏi vô minh giống như một ngọn nến được đốt lên trong bóng tối. Bardo Thiền định được nối kết với sự tự-giải thoát của giác tánh nội tại giống như một đứa con lạc loài tìm thấy mẹ nó. Bardo Vào lúc Chết được nối kết với “sự tự-giải thoát qua chuyển di tâm thức”, làm tỏ sáng điều tối tăm giống như di chúc sau cùng của một nhà vua. Bardo Pháp tánh có liên quan tới sự tự-giải thoát ngay trên cái thấy, và giống như một đứa con nằm trong lòng mẹ – đó là – có sự xác tín vào chính những tri giác của mình. Và, Bardo Trở thành được nối kết với “sự tự-giải thoát của hiện hữu hiện tượng” và giống như một đường hầm dẫn tới mục đích. Theo truyền thống, sáu bardo này được dạy theo thứ tự đó.
Tất cả chúng sinh trong sáu cõi được bao gồm trong Bardo Đời Này nó trải rộng tới ba mươi ba cõi trời. Pháp đã được truyền bá trong ba cõi này, và ngay cả các vị trời vĩ đại như Brahma, Indra, Vishnu v.v… đã là những đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và đã có mặt khi bánh xe Pháp được quay. Tuy nhiên, nói chung Pháp không nở rộ trong những cõi đó. Cũng thế, trong cảnh giới của loài rồng, tất cả tám vị lãnh đạo rồng vĩ đại đã có cơ hội diện kiến Đức Phật, giữ samaya và đem giáo pháp tới cõi của họ, và tuy thế, nói chung các giáo lý không hưng thịnh ở đó. Trong thế giới này của chúng ta có khoảng năm tỉ người và rất ít người trong số đó là Phật tử mặc dù Pháp đã được truyền bá ở đây.
Tất cả chúng sinh được sinh trong Bardo Đời Này phải được sinh ra bằng một trong bốn loại tái sinh (từ một bào thai, một trứng, từ hơi ấm và sự ẩm ướt hay sinh ra lập tức). Căn bản phổ quát đối với một sự tái sinh như thế là sự vô minh. Chính trạng thái vô minh đó phải được tự-giải thoát. Bản chất là sự vô minh, sự biểu lộ của nó là các khuynh hướng quen thuộc và vì thế ta cần trau dồi hai loại prajna (sự thấu suốt tính vô ngã của cá nhân và của các hiện tượng). Nhờ đó ta bắt gặp cái thấy Dzogchen, tẩy sạch căn bản vô minh và sự biểu lộ của nó. Căn bản là sự vô minh và sự biểu lộ của sự vô minh đó là các khuynh hướng quen thuộc. Bởi những thứ đó, ta hoàn toàn mê lầm trên con đường bardo dẫn đến bốn loại tái sinh. Bằng sự hiểu biết các giáo lý kinh điển và tantra, sự tự-giải thoát khỏi vô minh hoàn toàn có thể được – và thực ra không có sự hiểu biết này thì đó sẽ là điều bất khả đối với chúng sinh – với căn bản vô minh như một tập quán, ta biết cách làm thế nào đóng kín khuynh hướng quen thuộc tái sinh qua bốn lối vào. Khi ta cắt đứt các ý niệm cảm xúc, thì một cách tự động, ta đến được bản tánh nội tại của mình và vì vậy không có hoài nghi nào nữa. Ta chặt đứt hoài nghi và các lề thói quen thuộc tận hang ổ của chúng và sau đó không còn hoài nghi điều gì nữa, vì thế cần thiết phải phát triển ba cấp độ của prajna : sự nghe (văn), suy niệm (tư), và thiền định (tu).