SÁU BARDO:
GIẢI THOÁT NHỜ SỰ NGHE TRONG BARDO.
CHƯƠNG 1
DẪN NHẬP
Nhiều người đã tập họp ở đây tối nay và tôi rất vui sướng được gặp mỗi người trong các bạn. Tôi cảm kích trước mối quan tâm của các bạn vào đời sống tâm linh, trước đức tin của các bạn, và trước sự nối kết của các bạn với giáo lý đạo Phật. Thật tốt đẹp trong việc các bạn chú tâm tới định luật nghiệp báo, nhân quả, và trong việc các bạn quan tâm tới những đời tương lai của mình. Điều quan trọng là hành xử một cách trách nhiệm trong đời này. Tất cả chúng ta đều cần ăn uống, cần mặc những y phục tiện dụng, và ở một mức độ nhất định, cần vui hưởng cuộc đời chính mình. Nhưng tối quan trọng là chúng ta cần chuẩn bị cho những đời tương lai bởi lẽ cuộc đời này thì vô thường. Ở tuổi bốn mươi, năm mươi sáu mươi hay bảy mươi, chúng ta phải từ bỏ cuộc sống tạm thời này. Tất cả chúng ta đều phải chết và vào lúc đó chúng ta không thể đem theo mình bất kỳ thứ gì. Rõ ràng là chúng ta không thể mang theo thân xác mình. Điều chúng ta đem theo khi từ giã cuộc đời này là tâm thức của chúng ta.
Cái chết là một sự biến đổi của tri giác tương tự như việc đi vào trạng thái mộng mỗi đêm. Khi tâm thức rời bỏ thể xác, nó tiếp tục có những kinh nghiệm tâm linh mới. Vào lúc chết, thể xác ngừng hiện hữu và tan trở lại vào các yếu tố (các đại). Ngữ của người đã chết cũng tan biến. Tuy nhiên, tâm là một hình thức trống không thì không chết. Từ vô thủy cho tới giây phút hiện tại, tâm ta, tâm thức ta đã từng đi vào nhiều trạng thái khác nhau của sự tái sinh trong sáu cõi luân hồi. Tuy thế, nó không bao giờ tồn tại mãi mãi trong bất kỳ cái nào trong những trạng thái đó.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng trí huệ và lòng bi mẫn vĩ đại của ngài, đã đến thế giới này và đã trình bày tám mươi bốn ngàn pháp môn. Những giáo lý này khám phá con đường đến giải thoát. Cốt tủy của những giáo lý này là tự chế không làm hại mọi chúng sinh, khơi dậy Bồ đề tâm, là tâm tỉnh thức, vì sự lợi lạc của tất cả chúng sinh, và tận lực để tự đưa mình và đưa những người khác thoát khỏi đau khổ khiến cho sự an bình và tĩnh lặng được thành tựu.
Một khi đi vào con đường này, các bạn cần xem xét động lực của các bạn. Các bạn cần kềm chế trước những hành động không lành mạnh và bất thiện, và xoay chuyển tâm hướng về những tư tưởng và hành động lành mạnh và đức hạnh. Những tư tưởng và hành động không lành mạnh và bất thiện bị thúc đẩy bởi tham, sân và si, được gọi là ba độc. Ba độc này phải bị loại bỏ. Các giáo lý của con đường Bồ tát đặt tầm quan trọng trong việc tích tập đức hạnh, là điều hoàn toàn tùy thuộc vào động lực của các bạn. Các bạn phát khởi động lực đúng đắn bằng cách suy tưởng rằng từ vô thủy cho tới giây phút này, tất cả chúng sinh, vào lúc này hay lúc khác đã từng là những cha mẹ tốt lành và thân yêu của các bạn. Các bạn nên suy xét rằng mỗi một và mọi chúng sinh đã có lúc ban tặng cho các bạn cuộc đời, nuôi dưỡng các bạn và đối xử các bạn với một sự tốt lành to lớn. Vì tất cả chúng sinh đã đối xử với các bạn bằng một sự tốt lành vĩ đại như thế trong quá khứ, đến lượt các bạn, các bạn phải trải bày lòng tốt lành đó đối với họ.
Mọi người đều ước muốn hạnh phúc. Nhưng vì không hiểu làm thế nào tích tập các nguyên nhân để đưa đến hạnh phúc, mỗi người tiếp tục tích tập các nguyên nhân sản sinh ra đau khổ. Việc không nhận định được cách thức loại bỏ các nguyên nhân tiêu cực này sẽ chỉ đem lại thêm nỗi đau khổ. Những gì người ta ước muốn và những gì người ta nhận được thì trái nghịch lẫn nhau. Đó là một tình huống hoàn toàn vô ích. Việc thấy được nỗi nhọc nhằn đó phải làm cho lòng bi mẫn lớn lao tuôn trào trong các bạn, phát sinh một sự xác tín mãnh liệt riêng tư là thành tựu con đường này để giải thoát tất cả chúng sinh khỏi nỗi đau khổ, và cuối cùng đưa dắt họ tới một trạng thái giải thoát. Đây là sự cam kết mà tất cả chúng ta cần thực hiện. Đây chính là động lực của chúng ta.