Bây giờ, chúng ta vẫn còn vấn đề thuộc đức hạnh lúc ban đầu hay các sự chuẩn bị tiên quyết. Các chuẩn bị này cần phải xem xét lại trước bất kỳ thực hành nào bởi chúng giúp điều phục tâm thức chúng ta. Bốn suy niệm, hay các sự chuẩn bị tiên quyết, thì chung nhất đối với tất cả các thừa của Phật Pháp. Chúng chung nhất đối với kinh, luận, luật, con đường Bồ tát, các phái Mật thừa gồm kriya, upa và yoga, và các nội phái gồm maha, anu và ati nói theo thứ tự. Nói chung, tất cả các thực hành bắt đầu với bốn suy niệm xoay chuyển tâm ta hướng về Pháp. Suy niệm thứ nhất là về sự tái sinh làm người quý báu thì khó đạt được, một sự tái sinh với tám sự tự do và mười đặc ân cho phép ta thực hành Pháp và đạt được giải thoát trong một đời. Suy niệm thứ hai là về sự vô thường của cuộc đời. Suy niệm thứ ba là về chân lý không thể sai lạc của luật nhân quả, ám chỉ chung về nghiệp. Suy niệm thứ tư là về nỗi khổ của sinh tử.

Ta không thể thực hiện một thực hành Phật giáo mà không có các sự chuẩn bị tiên quyết bởi lẽ con đường Phật giáo có nền tảng là một tâm thức từ bỏ sinh tử. Không có sự từ bỏ thì không thể tiến bộ trên con đường. Một hành giả phải thấu hiểu rõ ràng rằng bản chất của sinh tử là đau khổ và nó không là gì khác hơn sự đau khổ này.

Ta phải hiểu rõ tại sao sự tái sinh làm người này thật quý báu và khó đạt được. Suy niệm thứ hai là về sự vô thường. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào và đến không lời cảnh báo. Từ lúc thụ thai, sự có thể xảy ra của cái chết đã xuất hiện. Sự sinh ra trong sinh tử chỉ dẫn tới cái chết. Đây là một sự thật, chứ không phải một cố gắng để được bệnh hoạn. Một trẻ sơ sinh có thể chết trong thai hay lúc sinh ra. Một đứa trẻ hay thanh niên trẻ trung cũng có thể chết. Chúng ta thường nghĩ mình sẽ sống tới bảy mươi hay tám mươi, nhưng không có gì bảo đảm cho điều đó. Không ai biết được đời mình sẽ kéo dài bao lâu. Giây phút cái chết của chúng ta và những tình huống chung quanh điều đó thì không chắc chắn. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta có thể sẽ chết sau tuổi năm mươi. Sự suy niệm về lẽ vô thường của cuộc đời thì ích lợi trong việc có được một nhận thức sâu sắc về sự phải chết của các bạn, thay vì tin tưởng một cách thơ ngây rằng các bạn sống mãi.

Suy niệm thứ ba là về định luật nghiệp báo. Đây là một định luật đơn giản được Đức Phật giảng dạy. Một nguyên nhân đạo đức sinh ra một kết quả đạo đức : sự tái sinh như một vị trời hay người. Một nguyên nhân vô đạo đức sinh ra một kết quả vô đạo đức : đó là sự tái sinh trong ba cõi thấp. Nếu ta tích tập đức hạnh thì không thể không được hạnh phúc như một kết quả. Nghiệp thì bất biến. Các hạt giống các bạn đã gieo sẽ kết thành quả. Điều này không thay đổi. Bản tánh của lửa là nóng. Bản tánh của nước là ướt và lạnh. Phẩm tính của một yếu tố (đại) không biến đổi. Sự tích tập đức hạnh sẽ không bao giờ sinh ra đau khổ vì bản tánh của đức hạnh là đem lại hạnh phúc. Sự tích tập ác hạnh sẽ không bao giờ đem lại hạnh phúc vì bản chất của ác hạnh là đau khổ. Các hành động tiêu cực sinh ra đau khổ. Các hành động tích cực sinh ra hỉ lạc. Đây là một định luật căn bản. Học giả vĩ đại Shantideva đã nói : “Bởi mắc phạm các hành động xấu ác, mặc dù tôi có thể ước muốn hạnh phúc, bất kỳ tôi đến nơi đâu tôi sẽ hoàn toàn bị đánh bại bởi những vũ khí của đau khổ gây nên bởi cuộc đời xấu xa của tôi.”

Suy niệm thứ tư là về nỗi đau khổ của vòng sinh tử. Khi nghĩ tưởng về vòng sinh tử các bạn cần thấu hiểu rằng nó trải rộng toàn bộ từ những đỉnh cao của đời sống xuống tới các địa ngục thấp nhất và bao gồm mọi sự trong đó. Con người ở trong dục giới và cần những thứ nào đó để sống còn. Chúng ta cần thực phẩm và y phục. Chúng ta không thể chịu đựng sự bị lạnh lẽo hay đói khát. Chúng ta cần trải nghiệm hạnh phúc vì chúng ta không thể chịu đựng đau khổ. Chúng ta là những tạo vật của dục giới. Trong cõi giới của chúng ta và trong toàn bộ vòng sinh tử, bản chất nền tảng là sự đau khổ. Vào lúc chấm dứt, kết quả sau cùng của sự hiện hữu này sẽ là chịu đau khổ. Có ba loại đau khổ : nỗi đau khổ vì sự biến đổi, đau khổ vì đau khổ và nỗi đau khổ đa hợp.