Chương Mười Hai


Phần Phụ Lục của dịch giả



I.- Kinh nghiệm và ứng dụng

a) Dịch giả tự truyện

Tôi có một người bạn cùng quê Trà Vinh tên Tăng Tam Dương cư ngụ tại vùng Bonnyrigg. Phu nhân của anh đã bị bệnh thấp khớp từ hồi còn trẻ tuổi ở Việt Nam. Khi vượt biên qua Úc từ năm 1985 đến nay, chị đã nhập viện hai lần để giải phẫu bệnh bướu cổ. Riêng bệnh thấp khớp của chị không thể nào chữa dứt. Chị đã đi nhiều bác sĩ kể cả các bác sĩ chuyên khoa và châm cứu nhưng bệnh chỉ tạm thời thuyên giảm mà thôi. Mỗi tháng một lần, chị phải đi bác sĩ tái khám để chích lấy nước ra khỏi xương đầu gối. Việc đi dứng thật khó khăn vì vô cùng đau nhức.

Gần đây, với tuổi sáu mươi lăm, chị Dương lại mang thêm chứng tiểu đường. Riêng bịnh thấp khớp thì từ đầu năm nay đã chuyển hướng trầm trọng. Sự đau nhức càng lúc càng gia tăng và hầu như thuốc giảm đau nào cũng đều vô hiệu quả đối với căn bệnh của chị. Ði chụp quang tuyến, các đốt xương sống của chị đã mòn, không còn chất sụn. Chị không thể đi đứng một mình mà phải cần thân nhân dìu đỡ. Vào trung tuần tháng sáu năm 2002, bệnh của chị Dương đã đến thời kỳ không chữa được theo như lời bác sĩ chuyên khoa đã nói. Chị nằm một chỗ và chịu đựng sự đau đớn vô cùng khổ sở.

May mắn thay, một hôm tôi được ông Sanh, một ông bạn trẻ tuổi người Việt gốc Hoa tặng cho tôi một quyển sách bằng tiếng Hoa (tức quyển sách này mà tôi đã dịch ra Việt ngữ). Sau khi đọc kỹ, tôi thấy bệnh tình của chị Tăng Tam Dương vẫn còn hy vọng. Tôi bèn sao bản lại phần liên hệ với bệnh trạng của chị Dương để cho anh Dương tham khảo. Còn phần tôi thì vội vàng chuyển dịch sang Việt ngữ để phổ biến đến quý đồng hương chúng ta sớm chừng nào hay chừng nấy vì tôi tự cảm thấy đây là một tập tài liệu vô cùng quý giá cần phải chia sẻ với quý vị.

Sau khi đọc xong phần tài liệu mà tôi đã trích sao, anh Tăng Tam Dương đắc ý bảo với tôi rằng: “Biết đâu bệnh của bả vẫn còn chữa được. Vậy mình hãy thử một phen coi. Còn nước còn tát. May ra ông Trời còn ngó lại...”

Tuy nhiên trong thành phần canh dưỡng sinh thì củ cải trắng, củ cà rốt và nấm đông cô Nhật rất dễ tìm. Còn củ “Ngưu báng” là cái gì, nó ra sao và ở đâu bán thứ đó ? Anh Tăng Tam Dương bèn vào các tiệm thuốc Bắc ở Cabramatta để hỏi mua thì được họ bảo rằng: “Mấy thằng Nhật và Ðài Loan nó kiếm chuyện viết sách để bán. Thuốc Ngưu Báng này người ta xài bằng hột chớ ai xài bằng củ bao giờ!” Thế là anh Tăng Tam Dương đã trở về với niềm thất vọng ê chề và buồn bã. Bỗng ngày hôm sau, anh điện thoại lại bảo với tôi rằng: “Tôi có cách tìm mua được thuốc Ngưu Báng này. Chú Sanh là người tặng chú quyển sách này, vậy chú có số điện thoại của chú Sanh không ? Tôi nghĩ chú Sanh đã có xài qua và biết chỗ mua loại thuốc này ở đâu”. Tôi bèn liên lạc điện thoại với chú Sanh và hẹn sáng ngày hôm sau lúc 9 giờ, tôi sẽ chở anh Dương đến gặp chú Sanh tại tư gia của chú ở đường Brown, Bonnyrigg, vì chú bận phải đi làm ca chiều. May mắn thay, sau khi trao đổi một vài câu chuyện, chú Sanh biết rõ tình hình và vui vẻ buột miệng bảo với chúng tôi rằng: “Hai chú may lắm. Cậu của cháu ở Ðài Loan mới vừa gởi qua cháu một thùng giấy 10 kg. Hàng mới nhận được ngày hôm qua. Mỗi gói là l kg. Cháu biếu chú Dương một gói và chú Kiệt một gói để xài thử”. Sở dĩ chú Sanh nhỏ tuổi hơn chúng tôi nên mới xưng hô một cách khiêm nhường với chúng tôi bằng “chú cháu” như vậy. Chúng tôi ngại ngùng. Anh Tăng Tam Dương năn nỉ trả tiền nhưng chú Sanh một mực chối từ. Cuối cùng chúng tôi đành phải từ giã với lời chân thành cảm ơn ríu rít. Ðược biết chú Sanh là một Phật tử ăn chay trường. Trước khi ra về, chú còn vui vẻ hướng dẫn chúng tôi chiêm ngưỡng phòng thờ Phật tại nhà chú được trưng bày một cách trang nghiêm và kính cẩn.

Hai hôm sau, anh Tăng Tam Dương điện thoại bảo với tôi là sau khi uống canh, bệnh của chị trầm trọng hơn. Ở bắp tay của chị sưng lên một cục bầm tím. Anh hỏi tôi sao vậy. Tôi hơi hồi hộp, nhưng cũng rán trấn tỉnh và gượng khôi hài với anh Dương rằng: “Ðó là xác của quân địch và quân ta chiến đấu với nhau đã chết và chồng chất lên đó”. Tra cứu kỹ trong sách, được biết khi uống canh dưỡng sinh trong ba bốn ngày đầu sẽ có phản ứng trầm trọng hơn. Song đó là điều tốt, không đáng ngại. Anh Tăng Tam Dương bèn cho chị uống thêm thuốc Panadeine forte để khống chế sự đau nhức nhưng vẫn cho chị uống canh dưỡng sinh theo liều lượng đã được chỉ dẫn. Ðến ngày thứ năm, anh Dương bảo với tôi là bệnh tình của chị có chiều hướng thuyên giảm. Ban ngày không cần cho chị uống thuốc giảm đau. Chỉ ban đêm trước khi đi ngủ là cho chị uống một viên để ngăn chận cơn đau nhức hành hạ khó ngủ mà thôi. Bắt đầu từ hôm đó, bệnh tình của chị Dương càng ngày càng thuyên giảm thấy rõ. Ðến nay chị đã đi đứng trở lại gần như bình thường, chỉ cần chống gậy khi đi ra khỏi nhà mà thôi. Tuy nhiên theo quyển sách này cho biết, bệnh như chị Dương phải cần uống canh dưỡng sinh tới sáu tháng trở lên mới hoàn toàn bình phục.