Nhưng khi ấy con vẫn sinh lòng đại bi, mang đủ những thứ như vậy mà bố thí cho tất cả, cũng không cầu được quả báo, chỉ vì để thâu nhiếp điều phục chúng sinh mà thôi.
“Bạch Thế Tôn! So với việc thực hành pháp Bố thí ba-la-mật của con, những vị Bồ Tát trong quá khứ đã thực hành pháp Bố thí ba-la-mật thảy đều không thể theo kịp; những vị Bồ Tát trong tương lai sẽ phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề mà thực hành pháp Bố thí ba-la-mật cũng đều không thể theo kịp!
“Thế Tôn! Trong đời vị lai con vì tu hành đạo Bồ Tát nên trong trăm ngàn ức kiếp sẽ thực hành pháp Bố thí ba-la-mật như vậy.
“Thế Tôn! Trong đời vị lai nếu có ai muốn tu hành đạo Bồ Tát, con sẽ vì người ấy khuyên dạy thực hành pháp Bố thí ba-la-mật, không để cho dứt mất.
“Khi con bắt đầu thực hành pháp Trì giới ba-la-mật, vì cầu quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nên giữ theo đủ mọi giới luật, tu tập các pháp khổ hạnh đúng như Phật dạy, quán xét các pháp ngã và vô ngã nên năm căn chẳng bị năm trần làm hại.
“Còn về pháp Nhẫn nhục ba-la-mật, con cũng sẽ thực hành theo như đã nói ở trên, quán xét các pháp hữu vi, lìa khỏi mọi điều lỗi lầm xấu ác; thấy rõ các pháp vô vi là vi diệu, tịch diệt; chuyên cần tinh tấn tu tập, đối với đạo Vô thượng không sinh lòng thối chuyển.
“Với pháp Tinh tấn ba-la-mật, con cũng thực hành theo đúng như vậy.
“Dù ở bất cứ nơi đâu cũng tu tập tướng không, đạt được pháp tịch diệt, đó gọi là Thiền định ba-la-mật.
“Thấu hiểu được rằng tánh thật của các pháp xưa vốn không sinh, nay ắt không diệt, đó gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Trong vô lượng trăm ngàn ức a-tăng-kỳ kiếp, con đã chuyên cần tinh tấn, kiên trì tu tập pháp Bát-nhã ba-la-mật như thế.