Chào các bạn, chào gaiden !
Một cơn bão hình thành bởi nhiều những cơn gió nhẹ, khi chúng hội tụ quá nhiều với nhau thì thành bão, có sức tàn phá kinh hồn; bầu trời đen kịt mây là do những đám mây nhỏ đùn cục lại với nhau và rồi nhiều chuyện tệ hại xảy ra.
Một người nhiều ác nghiệp thì có "cái bóng" xám xịt đen đúa run rẩy hoặc đứt khúc, hào quang ác này thì chiêu cảm (tương thích) với những chuyện ác sắp xảy ra. Khi nhiều người có hào quang xấu ác đến với nhau thì chiêu cảm cái kết quả tồi tệ như rớt máy bay, chìm tàu,...v...v...điều này gọi là cộng nghiệp. Khi cộng nghiệp đến với đa số người có "cái bóng" đen đủi thì một vài người nhiều thiện nghiệp (có cái bóng còn thẳng thớm, ửng sáng) sẽ gặp cơ may mà sống sót. Cái may mắn ấy là do thiện nghiệp chiêu cảm.
Từ trường của thanh nam châm thì 2 cực cùng tên đẩy nhau (Bắc với Bắc, Nam với Nam), 2 cực khác tên thì hút vào với nhau (Bắc với Nam hay Nam với Bắc). Còn những "cái bóng" thì ngược lại, những hào quang sáng (thiện) thì chiêu cảm chuyện lành, xua đẩy chuyện ác; hào quang tối (ác) thì chiêu cảm chuyện dữ, né tránh chuyện lành.
Điều này khiến cho có những người gặp tai nạn "bất đắc kỳ tử" (ta thường gọi là xui xẻo), có những người thoát chết hy hữu (ta thường gọi là may mắn). Thực ra không có gì xui xẻo hay may mắn mà thiện nghiệp (hào quang sáng) xua đuổi, né tránh chuyện ác; ác nghiệp (hào quang tối) chiêu cảm, bị hút vào những chuyện không hay.
Một đầu đạn đồng tuy vô tình nhưng không vô cảm, đường bay của nó bị ảnh hưởng bởi lực vô hình (cái bóng của ta) mà trúng đích hoặc là chệch đi một chút tùy theo thiện nghiệp hay ác nghiệp của ta.
Thiện nghiệp hay ác nghiệp của ta, người bình thường không ai thấy, nhưng những vị Giác Ngộ, những người có Thần nhãn, Thiên nhãn thì vừa gặp ta họ đã thấy luôn "cái bóng" của ta. "Cái bóng" của ta nó tố cáo tất cả những việc thiện hay ác mà ta đã làm (kể cả trong ý nghĩ _ ý nghĩ cũng tạo nên xung điện).
Hình thành "Cái bóng" ấy là một chi tiết trong TÍNH AN BÀY (có thể ví như sự "lập trình" trong điện toán) của Đà La Ni Tạng.
Mến !