Nguyên văn
:

然是菩薩未名法身,以其過去無量世 有漏之業未能決斷,隨其所生與微苦 應,亦非業繫,以有大願自在力故。

Dịch nghĩa:

Song vị Bồ-tát đó chưa gọi là pháp thân, do vì nghiệp quả hữu lậu, từ vô lượng đời quá khứ đến nay chưa dứt hẳn, tuỳ theo nơi sanh, còn tương ưng với một ít khổ, nhưng không phải vì bị nghiệp ràng buộc, vì có sức tự tại của đại nguyện.

Từ Sơ trụ trở lên, Bồ-tát thấy được một ít phần pháp thân, có khả năng hiện tám tướng thành đạo, “song vị Bồ-tát đó chưa gọi là pháp thân” Đại sĩ, “do vì nghiệp quả hữu lậu, từ vô lượng đời quá khứ đến nay chưa dứt hẳn” đoạn tận. Sự sanh tử bình thường của chúng sanh là do nghiệp lực chiêu cảm, nghiệp lực làm chủ; còn Bồ-tát Sơ trụ không phải nghiệp lực làm chủ và nương vào nguyện lực mà được tự tại, như hóa hiện thành Phật, hóa hiện làm súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ v.v... Tuỳ theo nguyện lực hóa hiện, song vẫn theo nghiệp quả hữu lậu từ vô lượng đời quá khứ mà chiêu cảm sanh mạng, thì khác với sự hóa dụng của Bồ-tát pháp thân do đại bi nguyện lực. Bồ-tát Sơ trụ đối với hữu lậu nghiệp được huân tập nhiều đời nhiều kiếp, vẫn chưa thể dứt hết. Chỉ có thể dùng năng lực của trí tuệ của bi nguyện, lợi dụng năng lực phiền não nhuận sanh này, chiêu cảm phát triển nghiệp chủng hữu lậu của quá khứ, để đi thọ sanh. Tóm lại, tuỳ theo sự từ bi nguyện lực mà sanh khởi, vẫn là chưa rời hoặc nghiệp mà hiện khởi. Quả báo thân này do “tuỳ theo nơi sanh”, hoặc là Phật, hoặc là trời, người v.v… năm cõi, đều “còn tương ưng với một ít khổ”. Như các loại cảm thọ lạnh nóng đói khát, tuy Bồ-tát có sự chế ngự của bi nguyện và trí tuệ, thì không có nỗi thống khổ kịch liệt, nhưng cái khổ nhỏ nhặt vẫn còn tồn tại. Bởi vì Bồ-tát chiêu cảm thân chịu sanh tử này là thuộc phân đoạn sanh tử. Thân sanh tử của chúng sanh, chỉ toàn sự ràng buộc của nghiệp lực; nhưng thân Bồ-tát Sơ trụ này tuy không rời nghiệp lực nhưng cũng “không phải vì bị nghiệp ràng buộc”. Đây bởi Bồ-tát “vì có sức tự tại của đại nguyện”, lấy nguyện lực làm chính, thiện xảo sử dụng phiền não nghiệp mà thực hành các sự việc đem đến lợi ích cho chúng sanh. Do đó, thân của Bồ-tát tín thành tựu phát tâm, so với trên tuy không đồng với pháp thân, còn dưới thì không giống với phàm phu và Nhị thừa.