Nguyên văn:
自體相熏習者,從無始世來,具無漏 ,備有不思議業,作境界之性。依此 義,恆常熏習,以有力故,能令眾生 厭生死苦樂求涅槃,自信己身有真如 ,發心修行。
Dịch nghĩa:
Tự thể tướng huân tập là từ xưa đến nay, có đầy đủ pháp công đức vô lậu, đầy đủ bất tư nghì của nghiệp, có tánh khả năng làm ra cảnh giới. Nương vào hai ý nghĩa, thường hằng huân tập này, vì có năng lực, nên có khả năng khiến cho chúng sanh chán ghét sanh tử khổ, mong cầu Niết-bàn, tự tin trong nội thân của mình, có pháp chơn như vô lậu, mà phát tâm tu hành.
Tại sao chơn như “tự thể tướng” phát sanh được năng lực huân tập? Vì “từ xưa đến nay” chơn như Như Lai tạng tánh, có “đầy đủ pháp” vô lượng vô biên công đức “vô lậu”. Đồng thời, vẫn có “đầy đủ bất tư nghì” tự nhiên “nghiệp” dụng, vì chúng sanh có “tánh” khả năng “làm ra cảnh giới”. Như đức Phật phóng hào quang, hiện thần thông, khiến cho chúng sanh nhìn thấy Phật, nghe thuyết pháp, đó chính là nghiệp dụng bất tư nghì, tạo tác cảnh giới cho chúng sanh. Nếu đem chúng sanh với đức Phật để thảo luận thì: 1. Tất cả chúng sanh đều bình đẳng với chư Phật, vì từ xưa đến nay có đầy đủ pháp vô lậu. 2. Bất tư nghì nghiệp tác cảnh giới tánh, chư Phật không những đầy đủ, mà còn hiển phát ra được; còn chúng sanh thì tuy không phải không có, nhưng vẫn chưa hiển phát ra. “Nương vào đây” (trong Như Lai tạng), đầy đủ pháp vô lậu, có bất tư nghì nghiệp – “hai” loại ý “nghĩa, hằng thường” không gián đoạn này có khởi lên tác dụng “huân tập” trong nội tại. Như huân tập đạt đến giai đoạn “có năng lực”, thì “có khả năng khiến” các “chúng sanh chán ghét sanh tử khổ, mong cầu Niết-bàn”. Chúng sanh đã có sự chán ghét đau khổ, mong cầu Niết-bàn rồi, nên “tự” mình có niềm “tin” trong “nội” thân của mình, “có pháp chơn như” vô lậu - tồn tại Phật tánh Như Lai tạng. Nương vào pháp chơn như vô lậu vốn có này mà “phát tâm tu hành”, vì mục đích đạt cảnh giới an lạc xa lìa khổ đau. Vì thế, luận giả Chơn thường khẳng định: mọi người đều có khả năng biết khổ đau mong cầu an lạc, nên chuyên tâm tu hành, chính là thừa nhận mình có khả năng thành Phật; nếu không tin rằng tự mình có khả năng thành Phật thì cũng chắc chắn là không thể phát tâm tu hành được. Như tin tưởng trong khoáng chất đó có chứa một lượng lớn vàng bạc, thì mới đầu tư thời gian và máy móc để khai thác nó; giả sử không tin trong đó có chứa vàng bạc thì ai mà chấp nhận đầu tư việc này? Do đó tự thể tướng huân tập là tự phát từ trong nội tâm chơn như của chúng sanh; chúng sanh sở dĩ có thể hướng thượng, hướng thiện, hướng quang minh tiến bước, chính là nhân vì bản thân của họ có đầy đủ khả năng này, do vì sự huân tập trong nội tại của chơn như đức tướng dẫn phát. Căn nguyên của pháp thanh tịnh, cũng xuất phát từ đây.