Huân tập từ vọng tâm

Nguyên văn:

妄心熏習義有二種,云何為二?一者 識根本熏習,能受阿羅漢、辟支佛、 切菩薩生滅苦故。二者增長分別事識 熏習、能受凡夫業繫苦故。

Dịch nghĩa:

Nghĩa của vọng tâm huân tập có hai loại, thế nào là hai? Một là nghiệp thức căn bản huân tập, phải chịu nỗi khổ sanh diệt của A-la-hán, Bích Chi Phật và tất cả Bồ-tát. Hai là tăng trưởng phân biệt sự thức huân tập, phải chịu nghiệp hệ khổ của phàm phu.

Nghĩa của “vọng tâm huân tập” cũng “có hai loại”:

“Một là nghiệp thức căn bản huân tập”, luận văn phần trên nói: “vọng tâm gọi là nghiệp thức”. Song, từ vọng tâm vi tế mà sanh khởi vọng tâm thô thiển, thì thông qua và bao quát được phân biệt sự thức. Luận đứng từ cách nhìn duy tâm, nên nói một tâm, năm ý, một ý thức; nhưng chuyên vì vọng tâm mà phân biệt ra thì thật chỉ có hai loại. Tâm vi tế là nghiệp thức, đối với phần tăng trưởng ở dưới thì nói là căn bản. Năng lực huân tập của căn bản nghiệp thức, có khả năng chiêu cảm và “phải chịu” ba loại biến dị sanh tử của Thánh giả Tam thừa. Biến dị sanh tử là đồng dạng, nhưng sự tiếp nhận của Thánh giả Tam thừa có khác, nên phân biệt thành ba loại. “A-la-hán” là quả thứ tư trong bốn quả Thanh văn, dịch nghĩa là không có nhiễm trước, ứng cúng v.v.... “Bích Chi Phật”, dịch nghĩa là Duyên giác hoặc Độc giác, là không có thầy chỉ dạy mà tự giác ngộ, có tự lợi thiếu phần lợi tha. “Tất cả Bồ-tát”, không phải chỉ cho tất cả, mà chính là Bồ-tát đại lực tự tại đã chứng đắc vô sanh pháp nhẫn.

Trong Thánh giả Tam thừa, Niết-bàn của Nhị thừa thì tương đương với Bồ-tát chứng đắc vô sanh pháp nhẫn. Tam thừa cùng đoạn tận kiến ái phiền não, không còn trở lại giống như sự sanh tử đau khổ của hàng phàm phu, nhưng nhập vào Niết-bàn đó và chứng đắc vô sanh này, vẫn chưa cứu cánh viên mãn, vẫn còn tồn tại vi tế của “nỗi khổ sanh diệt”. Khổ là quả báo của sanh tử, sanh tử của phàm phu và hàng Nhị thừa trước khi chưa nhập vào vô dư Niết-bàn, gọi là phân đoạn sanh tử, bởi vì từ sanh đến tử, thì quả báo có kết thúc một giai đoạn; sanh tử có phân đoạn. Sau khi hàng Nhị thừa nhập vào vô dư Niết-bàn và Bồ-tát chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, thì vẫn tồn tại vi tế của sanh tử khổ, gọi là biến dị sanh tử. Vi tế sanh diệt, sát-na biến dị mà không có sanh tử phân đoạn có thể nói. Vọng tâm căn bản nghiệp thức, thì luận văn phần trên từng thảo luận qua: “vì bất giác nên tâm động, tâm động tức có khổ”. Bởi vì căn bản nghiệp thức vọng động, nên có tâm cảnh hư vọng hiện tiền, phân biệt được thanh tịnh tạp nhiễm, gìn giữ niềm vui nỗi khổ, là vi tế sanh diệt khổ. Ở trong ba khổ, đây là thuộc vi tế hành khổ.

Nghiệp thức căn bản vọng động huân tập sanh khởi sanh diệt khổ, trong chúng sanh tuy có tồn tại, nhưng chưa có khả năng phát giác; như lúc âm thanh của chuông trống rất huyên náo, trong bất giác vẫn còn âm thanh nhẹ nhàng của tiếng gió thoáng qua. Biến dị sanh tử của Ba thừa, xin xem trong “Kinh Vô Thượng Y” và “Kinh Bồ-tát Bổn Nghiệp Anh Lạc”. Còn như trong “Kinh Lăng Già” nói, lại có ba loại biến dị sanh tử khác nhau trong Đại thừa: tức Bồ-tát từ Sơ địa đến Lục địa tam-muội chánh thọ ý thành thân, là loại thứ nhất, tương đồng với Thanh văn Bích Chi Phật an trú trong niềm vui của thiền định, tự cho rằng đó là Niết-bàn. Bồ-tát Thất địa chịu sự biến dị sanh tử, là loại thứ hai. Bồ-tát Bát địa cho đến Pháp Vân địa chịu sự biến dị sanh tử là loại thứ ba. Luận nói đến vấn đề này, có thể từ trong thuyết của “Kinh Lăng Già”, là từ cảnh giới sanh diệt của căn bản nghiệp thức đến tương tục thức.

“Hai là tăng trưởng phân biệt sự thức huân tập”: phân biệt sự thức là sáu thức trước. Nương vào vọng tâm vi tế (nghiệp thức) mà tăng trưởng, nương vào kiến ái phiền não mà tăng trưởng. Năng lực huân tập do phân biệt sự thức khởi lên, thì “phải” chịu “nghiệp hệ” phân đoạn sanh tử “khổ” của phàm phu. Tức là cảnh giới của tự chấp thủ tướng đến nghiệp hệ khổ tướng. Phân đoạn sanh tử, tuỳ theo sự trói buộc của nghiệp lực; biến dị sanh tử là vì lực bi nguyện vô lậu mà được tự tại vãng sanh. Một niệm vọng động, huân tập mà sanh khởi biến dị sanh tử, khi ý diệt thì mới có khả năng diệt tận. Chấp thủ phân biệt, tạo nghiệp, cảm thọ phân đoạn sanh tử, ý thức diệt thì mới có khả năng diệt.