b. Thể của tâm bất diệt

Nguyên văn:

問曰:若心滅者,云何相續?若相續 ,云何說究竟滅?

Dịch nghĩa:

Hỏi: Nếu tâm diệt thì sao lại tương tục? Nếu tương tục thì sao lại là cứu cánh diệt?

Tất cả pháp hư vọng tạp nhiễm đều là diệt tận không còn. Không chỉ cứu cánh hoàn diệt, trong địa vị chúng sanh, thô tế của tâm tướng này, vẫn là sanh diệt không trụ được. Người ngoài không biết diệt chỉ là tâm tướng, không phải là tâm thể, do đó đưa ra nghi vấn: sanh tử tương tục, do sự tương tục ở tâm. Như trên đã nói, tâm thô tế đều diệt tận không còn, mà lại diệt trong từng sát-na; thế thì sự tương tục của chúng sanh, là không có khả năng thành lập rồi. Do đó khẳng định: “nếu tâm” đã “diệt”, thì làm sao có thể cho là “tương tục” - sự sanh tử tương tục của chúng sanh; và quá trình tu hành tương tục của Bồ-tát cho đến thành Phật? Ngược lại, “nếu” tâm tạp nhiễm “tương tục” không có giới hạn, thì “làm sao” có thể nói “cứu cánh diệt” được? Cứu cánh diệt là triệt để diệt mất không còn, thì công đức trí tuệ của đức Phật, có thể nói mất hết hay sao? Đây là từ trong hư vọng phân biệt sanh diệt, truy tìm ra một loại tâm thể thường trụ bất biến, để làm chủ thể cho sự tương tục sanh tử; cũng chính vì vậy mà làm rõ được quả vị Phật bất diệt thường trụ. Đây là điểm đặc sắc của chơn thường duy tâm luận, không giống với Trung Quán và Duy Thức.