Vô minh là nguyên nhân sanh khởi

Nguyên văn:

何以故?是心從本已來,自性清淨而 無明,為無明所染,有其染心,雖有 心而常恆不變,是故此義唯佛能知。 所謂心性常無念故,名為不變,以不 一法界故,心不相應,忽然念起,名 無明。

Dịch nghĩa:

Vì lý do gì? Là tâm từ xưa nay, tự tánh vốn thanh tịnh mà có vô minh, bị vô minh làm nhiễm mà có tâm nhiễm, tuy có tâm nhiễm mà thường hằng bất biến, nghĩa này chỉ Phật mới biết. Nghĩa đó là tâm tánh thường không có niệm nên gọi là bất biến, do không thông suốt nhất pháp giới, tâm không tương ưng, bỗng nhiên hiện khởi nên gọi là vô minh.

Duyên khởi của căn nguyên sanh ra vô minh, vô minh làm sao gây nhiễm ô tự tâm, ở đây sẽ giải thích vấn đề này. Đây là quan điểm luận chủ trích dẫn từ trong “kinh Thắng Man”. “Là tâm” chúng sanh “từ xưa đến nay, tự tánh vốn thanh tịnh”, nhưng tự tánh thanh tịnh đó từ xưa đến nay “mà có vô minh”, tâm tự tánh thanh tịnh và vô minh cùng tồn tại do đó tâm tự tánh thanh tịnh “bị vô minh làm” ô “nhiễm, mà” vọng khởi “có tâm nhiễm”.

Tự tánh thanh tịnh tâm là giác; vô minh là bất giác, chúng sanh từ xưa đến nay có thức A-lại-da, tức từ xưa đến nay là bất sanh bất diệt (thanh tịnh) và sanh diệt (nhiễm ô) hòa hợp thống nhất với nhau. Căn bản vô minh trong hòa hợp thức này, cũng hình thành từ xưa đến nay, do đó không thể nói được từ chơn tâm mà sanh khởi vọng tâm. Tự tánh tịnh tâm bị vô minh làm nhiễm mà hiện tâm nhiễm, tâm nhiễm tức nghiệp thức v.v.... Tuy từ xưa đến nay “có tâm nhiễm”, “mà” tự tánh thanh tịnh tâm là “thường hằng bất biến”, vẫn thanh tịnh như vậy. Cho nên ý “nghĩa” duyên khởi của tâm thức “này” “không nhiễm mà nhiễm, nhiễm mà không nhiễm”, “chỉ Phật mới biết” tường tận, hàng phàm phu hay Nhị thừa không thể hiểu được.

Như trong “kinh Lăng Già” ghi chép: “Ta ở trong kinh Thắng Man vì người lợi căn đã từng nói nghĩa này”. Tự tánh thanh tịnh mà có tâm nhiễm, có tâm nhiễm mà tự tánh thường hằng thanh tịnh, cổ đức xưa thường dùng ví dụ đem lửa đốt hư không. Hư không vốn không có tánh nóng, do vì lửa đốt nó nên hư không cũng nóng theo, thật ra thì hư không cũng không có tướng nóng. Hư không bị lửa đốt mà hình như có tướng nóng dụ cho tự tánh thanh tịnh tâm bị vô minh làm nhiễm ô mà có tâm nhiễm ô; hư không hình như có tướng Nóng mà tự tánh không nóng dụ cho tự tánh thanh tịnh tâm, tuy hiển hiện có nhiễm tâm mà tự tánh vẫn là thanh tịnh.

Duy thức học giả chỉ thừa nhận sự chơn thật bất biến, do đó có khác với tư tưởng của luận. Đây là ý nghĩa: “bất biến tuỳ duyên, tuỳ duyên bất biến” của Hiền Thủ gia. Chỉ có một tâm thanh tịnh mà không chướng ngại đến sự khác nhau của tướng nhiễm ô, do đó giác với bất giác, có ý nghĩa trong sự mâu thuẫn mà thống nhất, trong thống nhất lại có sự mâu thuẫn. Điều này rất khó hiểu, chỉ có đức Phật mới hiểu rõ tường tận. Từ sự hiện chứng của đức Phật mà phương tiện an lập tức từ xưa đến nay có sự tồn tại nhị nguyên vừa tương quan lại vừa tương đối của nó.

1. “Tâm tánh”: là “thường không có niệm”, “ nên gọi là bất biến” là thường hằng. Vô niệm là không có ngôn ngữ, tên gọi, tướng trạng; do vọng tâm hiện khởi – khái niệm. Pháp tính thì đều xa lìa ngôn ngữ tướng trạng. Tâm đương thể của chúng sanh cũng là tự tánh thanh tịnh mà không có niệm, nhiễm ô thanh tịnh sanh khởi hoàn diệt cũng được mà tâm tánh của chúng sanh, cuối cùng vẫn không có thay đổi; vô niệm mà không làm chướng ngại có niệm.

2. Vô minh: tâm tánh vốn xa lìa ngôn ngữ tướng trạng mà chúng sanh từ xưa đến nay, “do không thông suốt nhất pháp giới”. “Tâm” chúng sanh “không” thể “tương ưng” cùng với pháp giới, mà “bỗng nhiên hiện khởi”, “nên gọi đây là vô minh”. Tâm không tương ưng nhất pháp giới, bởi vì do vọng niệm hiện tiền. Do vọng niệm hiện tiền này nên không tương ưng cùng với pháp giới; mê chơn nên khởi vọng, vốn nội dung thì đồng nhất mà phân biệt giải thích thôi. Do đó nói bỗng nhiên, không phải là vô duyên vô cớ đột nhiên sanh khởi, là hình dung chúng sanh trong sự bất tri bất giác mà theo đó sanh khởi. Cũng bởi vì tâm tánh thường hằng bất biến; do đó nói bỗng nhiên niệm khởi, kỳ thật là từ xưa đến nay vốn đã hình thành như thế rồi. Không hiểu được tướng nhất pháp giới mà khởi vọng niệm nên gọi là vô minh; vô minh cũng là tên gọi khác của niệm.

Ở đây thuận theo trên mà bàn luận thêm về phần phiền não: phần trên nói đến hai loại kiến và ái phiền não, nhưng trong kiến và ái phiền não này vẫn chia thành hai loại: 1. Khởi phiền não, 2. Tuỳ miên phiền não. Khởi phiền não là khi tâm sanh khởi thì có phiền não và tâm đồng thời hiện khởi. Khi tâm hiện khởi có loại phiền não không sanh khởi, nhưng không phải nó đã đoạn tận không còn mà hiện tại chẳng qua nó không khởi lên tác dụng, phiền não đó vẫn tồn tại ở dạng tiềm tàng. Phiền não tồn tại ở dạng tiềm năng ẩn tàng chưa sanh khởi này (chủng tử phiền não), hay gọi là tuỳ miên. Hai loại phiền não hiện khởi và tuỳ miên này, hàng Thanh văn và Duyên giác đều phải đoạn tận, nhưng ngoài phiền não (khởi và tuỳ miên phiền não) này ra, vẫn còn có tập khí, nó không làm chướng ngại cho sự chứng đắc giải thoát của hàng Nhị thừa. Như trong kinh điển và luật tạng có nói: A-la-hán còn có tập khí, nếu ở trong quá khứ người có tâm dục vọng nặng, nay đã chứng quả A-la-hán, song lúc vì mọi người thuyết pháp, trước khi giảng dạy cho thính chúng vẫn xa xa vọng nhìn nữ nhân.

Còn Đại thừa nói đến phiền não thì cũng từ ý nghĩa này rồi triển khai tổng hợp mà thành, có một số kinh Đại thừa đem tuỳ miên với tập khí thống nhất thành một. Còn kiến, ái và vô minh phiền não thì trong “kinh A-hàm” thường tổng hợp chung để thảo luận. Kinh Đại thừa thì phân biệt kiến, ái (có ba), vô minh thành năm trụ phiền não. Trụ địa là tập khí – có ý nghĩa tập địa. Phiền não do kiến đạo đoạn trừ là kiến nhất xứ trụ địa (1); phiền não do tu đạo đoạn trừ là tam giới: dục ái trụ địa(2), sắc ái trụ địa (3), vô sắc ái trụ địa (4). Hai loại bốn thứ phiền não do kiến và tu đạo đoạn trừ thì hàng Nhị thừa có thể đoạn trừ được. Trụ địa thứ năm là vô minh trụ địa (5). Vô minh cũng có hai loại khởi và tập (giống với tuỳ miên); như vô minh sanh khởi gọi là quá Hằng Sa thượng thượng phần phiền não. Thiên Thai tông phân chia phiền não thành ba loại lớn: kiến tư, trần sa, vô minh. Nhưng căn cứ vào các kinh “Thắng Man”, “Nhơn Vương”, “Anh Lạc” v.v..., bốn loại phiền não trước, có khởi có trụ; vô minh cũng có khởi có trụ. Khởi phiền não của vô minh chính là trần sa phiền não.

Ở đây nói đến vô minh tức vô thuỷ vô minh trụ địa là trong phiền não rất cực vi, căn nguyên của tất cả các phiền não. Luận nói về điều đó thì chia thành hai loại: tương ưng và không tương ưng, vô thuỷ vô minh trụ địa là không tương ưng. Nghĩa chính trong “kinh Thắng Man”, phàm là phiền não hiện khởi thì gọi là tâm tương ưng; phàm là tập khí (trụ địa) của tuỳ miên tồn tại ẩn tàng ở dạng tiềm năng, không có hiện khởi trong sáu thức gọi là không tương ưng. Còn luận này dẫn dụng trong “kinh Thắng Man”, nhưng khi giải thích thì ngược lại không sử dụng ý nghĩa này. Vi tế vọng tâm (ba loại ý vi tế) nương vào tâm mà khởi ý gọi là không tương ưng nhiễm. Trí thức, tương tục thức với ý thức, gọi là tương ưng nhiễm. Sự lập thuyết của luận không phải từ chủng tử sanh hiện hành mà từ phiền não với tâm vọng vi tế, tuy có thể phân biệt mà dung hợp thành như một do đó gọi không tương ưng.

Như nương vào tâm nhận biết được cảnh nên sanh khởi sự phân biệt, tâm và cảnh khác nhau mà ở trong tâm (tâm sở hữu pháp) khởi niệm phân biệt; vọng tâm với nhiễm ô tâm sở, khác nhau rất rõ ràng nhưng đồng thời cùng duyên, cùng làm một sự việc thì gọi là tương ưng. Đến ý thức thì ý nghĩa tương ưng càng rõ ràng hơn. Luận nói phiền não nhiễm tâm, thuyết minh tương ưng và không tương ưng, không giống với học thuyết chủng tử và hiện hành của Duy thức học, cũng không hợp với học thuyết trong “kinh Thắng Man”.