Nguyên văn:
答曰:諸佛如來法身平等,遍一切處 無有作意故而說自然,但依眾生心現 眾生心者,猶如於鏡,鏡若有垢,色 像不現。如是眾生心若有垢,法身不 故。
Dịch nghĩa:
Đáp: Pháp thân chư Phật Như Lai bình đẳng, cùng khắp tất cả mọi nơi, không có tác ý nên gọi là tự nhiên, chỉ nương với tâm chúng sanh mà thị hiện. Tâm chúng sanh, cũng như cái gương, nếu cái gương có dơ bẩn, thì các sắc tướng không hiện được. Tâm chúng sanh cũng như thế, nếu có cấu nhiễm thì pháp thân không hiện ra được.
Luận chủ “đáp” lời: chúng sanh không thấy được Phật, không nghe được giáo pháp, đây không phải là sự sai lầm của đức Phật, vấn đề là ở trong chúng sanh. Thật là không sai! “Pháp thân chư Phật Như Lai bình đẳng, cùng khắp tất cả mọi nơi”. Cho rằng chư Phật tự nhiên có nghiệp không thể nghĩ bàn, điều này không có vấn đề gì. Nhưng định nghĩa của tự nhiên là: do đức Phật thích ứng với căn cơ mà thị hiện ra ba nghiệp, “không có tác ý”, không đợi công dụng, do đó “nên gọi là tự nhiên”. “Chỉ” đại dụng ba nghiệp của chư Phật là tự nhiên, chứ không phải là tất nhiên. Ba nghiệp diệu dụng của chư Phật phải “nương với tâm chúng sanh” sau đó “mà thị hiện” ra. Từ chơn tế của chư Phật mà nói, thì không có tướng để thấy, không có pháp để trình bày, không có chuyện hiện thân thuyết pháp. Từ sự ứng cơ tuỳ theo thế tục, thì không có thời gian, không gian nào mà không hiện thân thuyết pháp. Kỳ thật sự hiện thân thuyết pháp của chư Phật, phải nương vào sự cơ cảm của chúng sanh, rồi từ trong tâm cảnh của chúng sanh hiển hiện ra. Do đó, “tâm chúng sanh, cũng như cái gương”. Bên ngoài tuy có cảnh giới, cái gương cũng phải trong sạch không dơ bẩn, thì mới hiển hiện được ảnh tượng của cảnh giới. “Nếu cái gương có dơ bẩn, thì các sắc tượng không hiện được”, nhưng điều đó không thể khẳng định bên ngoài không có sắc tượng. Như người điếc không nghe được âm thanh, người mù không nhìn được hình ảnh, nhưng điều đó đâu thể kết luận âm thanh và màu sắc không tồn tại. “Tâm chúng sanh cũng như thế, nếu có cấu nhiễm thì pháp thân không hiện ra được”. Chúng sanh không thể thấy Phật, nghe giáo pháp, vấn đề là trong tâm tánh của chúng sanh có phiền não, không phải pháp thân của Như Lai thiếu bình đẳng, không phổ biến ứng hiện. Y cứ theo ý nghĩa này, thì Bồ-tát Sơ địa trở lên, tự thân chứng pháp thân, có khả năng thấy báo thân của chư Phật. Trước khi tự thân chưa chứng pháp thân (chúng sanh ở Địa tiền), thì không thể thấy pháp thân. Nhưng do phiền não dơ bẩn cạn mỏng dần dần, khi nhân duyên thành thục, thì cũng cảm ứng thấy được ứng hóa thân của Phật. Trong “Luận Đại Trí Độ” cũng từng đề cập: thấy được pháp thân Phật, tức thời đạt lợi ích. Thấy được ứng thân Phật, không nhất định đạt được lợi ích. Như có người thấy Phật, nghe pháp, không chỉ không có lợi ích mà ngược lại sanh tâm huỷ báng, phá cấm giới, cho đến đọa lạc. Nhưng từ nhân duyên xa, thì vẫn có lợi ích, như trong Văn Thù Sư Lợi bổn sanh có nói đến. Nói tâm chúng sanh nếu xa rời cấu nhiễm, thì có thể hiển hiện pháp thân, nhưng đây không nên nhân vì thế mà nói chỉ cần tâm của chúng sanh thanh tịnh là đủ, không cần đến chư Phật hiện thân. Chư Phật với chúng sanh, là triển chuyển làm duyên, hỗ tương giao cảm. Nhân vì thiện căn huân tập của chúng sanh, do đó có thể cảm ứng được chư Phật hiện thân mà đạt được lợi ích. Tâm tự thanh tịnh thì có khả năng thấy Phật, đây là điều tự lực. Chúng sanh có cảm, chư Phật có ứng, cảm ứng đạo giao, tức là tha lực.