Nguyên văn:

一者,聞修多羅說:如來法身畢竟寂 ,猶如虛空。以不知為破著故,即謂 空是如來性。云何對治?明虛空相是 其妄法,體無不實,以對色故有,是 見相,令心生滅。以一切色法本來是 ,實無外色。若無外色者,則無虛空 之相。所謂一切境界,唯心妄起故有 若心離於妄動,則一切境界滅,唯一 心,無所不遍。此謂如來廣大性智究 竟之義,非如虛空相故。

Dịch nghĩa:

Một là nghe trong Kinh nói: pháp thân của Như Lai, rốt ráo vắng lặng, giống như hư không. Do không biết là để phá tà chấp, nên cho rằng hư không là tính của Như Lai. Làm thế nào để đối trị điều đó? Nên chỉ rõ: tướng của hư không là giả dối, tự tánh không có thật, vì đối với sắc nên tồn tại, có thể thấy được tướng này, khiến cho tâm sanh diệt. Do tất cả các sắc pháp, vốn nó là tâm, thật không có ngoại sắc. Nếu không có ngoại sắc, tướng hư không, đương nhiên cũng không có. Nghĩa là tất cả cảnh giới, chỉ do tâm vọng khởi mới tồn tại, nếu tâm rời được vọng động, thì tất cả cảnh giới đều diệt, chỉ một chơn tâm, hiện diện khắp mọi nơi. Đây có ý nghĩa là tâm trí rộng lớn rốt ráo của Như Lai, chứ không phải tướng hư không.

Nhóm người thứ nhất này, “nghe trong Kinh”, như “Kinh Đại Tập” v.v…“nói” như thế này: “pháp thân Như Lai, rốt ráo vắng lặng, giống như hư không”. Rốt ráo là cứu cánh; vắng lặng tức tịch mặc tịch diệt. Khi học giả đọc đến các Kinh điển Đại thừa này, không biết nội dung “là để phá tà chấp”, “nên cho rằng hư không là tính của Như Lai”, pháp thân của Như Lai, không có hình dáng không có thật thể, giống với hư không. Vì thế nhận định tánh của Như Lai bằng với hư không, rất giống với cảnh vô dư y Niết-bàn mà hàng Nhị thừa chứng nhập. Trong “Kinh Đại Tập” v.v…, xác thật là có sử dụng từ hư không để thay thế cho từ pháp thân của Như Lai, nhưng chỉ là lấy hư không đem hình dung pháp tính vô vi, chứ không nói pháp thân của Như Lai chính là hư không. Trong Kinh nói là đúng, nhưng độc giả lại hiểu lầm mà sanh khởi chấp trước nhân ngã kiến.

Do sự hiểu lầm ý nghĩa của Kinh mà khởi lên sự chấp trước, thì “làm thế nào để đối trị?” Đối với họ phải “chỉ rõ: tướng của hư không là giả dối, tự tánh không có thật”. Hư không không phải là chơn thường, “vì đối với sắc nên tồn tại”. Ở nơi biên tế giới hạn của sắc pháp, tương đối với sắc tướng mà thấy không có tướng, nên gọi là hư không. Hư không tương đối với sắc pháp mà hiển bày; nên “có thể thấy được tướng này”. Như trên vách tường đục một lỗ trống, thì thấy chỗ đó là hư không; nếu như lỗ trống đó được lấp đầy, thì hư không này cũng theo đó không tồn tại. Hư không có thể nhận thấy được này, có sự tích tập mà sanh khởi, cũng có sự ly tán mà diệt mất, do đó “khiến cho tâm” tuỳ theo cảnh mà “sanh diệt”. Hư không nương vào sắc pháp để tồn tại, vì làm cho tâm sanh diệt, do đó không có chơn thật, chẳng phải thường trụ. Hư không nhân vào sắc mà hiển bày, “tất cả sắc pháp, vốn nó là tâm, thật không có ngoại sắc”, chỉ là vọng tâm điên đảo mà chấp trước. “Nếu không có ngoại sắc”, thế thì nương vào ngoại sắc mà có “tướng hư không, đương nhiên cũng không có” được thực thể. Nên hiểu rằng hư không là tướng giả dối do sự so sánh mà tồn tại, chẳng qua chỉ đem nó làm ví dụ cho pháp thân của Như Lai; nhưng nếu như chấp trước hư không là pháp thân của Như Lai, thế thì hoàn toàn sai lầm!

Trong kinh nói pháp thân của Như Lai giống như hư không, đây chẳng qua là ví dụ, để phá trừ sự chấp trước. Ý của Kinh muốn diễn đạt: “nghĩa là tất cả cảnh giới, chỉ do tâm vọng khởi mới có tồn tại”; “nếu tâm rời được vọng động”, tức “thì tất cả cảnh giới đều diệt”. Lúc này, tâm và cảnh hư vọng không còn khởi nữa, “chỉ một chơn tâm, hiện diện khắp mọi nơi”. Chỉ có chơn tâm này hiện diện khắp mọi nơi, là cảnh giới mà trong tâm thức của người bình thường chúng ta không thể nhận biết được, vì thế sử dụng hư không để làm ví dụ. Trong tâm cảnh của chúng ta, hư không cũng hiện diện khắp mọi nơi. Do đó, Kinh nói: “pháp thân của Như Lai, rốt ráo vắng lặng”. Đây để hình dung “ý nghĩa là tâm trí rộng lớn rốt ráo của Như Lai”. Hư không có tướng rộng lớn quảng đại, phổ biến, trong sáng, có khả năng hiển hiện hình sắc ảnh tượng, giống với pháp thân của Như Lai - tánh trí tồn tại khắp mọi nơi, nơi nào cũng hiển hiện. Nếu như bỏ qua điều này, xem pháp thân của Như Lai thành hư không, thì là nhân ngã kiến.