Thuyết minh sanh diệt

Nguyên văn:

此二種生滅,依於無明熏習而有,所 依因依緣:依因者,不覺義故;依緣 ,妄作境界義故。若因滅,則緣滅。 因滅故,不相應心滅;緣滅故,相應 滅。

Dịch nghĩa:

Hai loại sanh diệt này, nương vào sự huân tập của vô minh mà tồn tại, nghĩa là nương vào nhân và duyên: nương vào nhân là nghĩa bất giác; nương vào duyên là nghĩa vọng tác cảnh giới. Nếu nhân diệt thì duyên diệt. Vì nhân diệt, tâm bất tương ưng diệt; vì duyên diệt, tâm tương ưng diệt

Phần trên nói đến “hai loại sanh diệt”, tuy có thô tế không đồng, mà đều là “nương vào sự huân tập của vô minh”. Sự huân tập của vô minh chính “là nghĩa nương vào nhân và duyên” ở trong kinh. Ý nghĩa của chữ nhân và ý nghĩa của chữ duyên rất là tương tợ. Nếu phân biệt thì nhân là thân thiết, chủ yếu; duyên là không thân thiết, thứ yếu. Còn nhân được nói trong này là nội nhân; duyên là ngoại duyên. “Nương vào nhân” là “nghĩa bất giác”. Chúng sanh từ xưa đến nay, không thể hiểu biết nhất chơn pháp giới; đây là nguyên nhân căn bản của bất giác, khởi tâm sanh tướng vi tế bất tương ưng. Phần này thì như trước đã nói qua: nương vào bất giác mà có vô minh nghiệp tướng, năng kiến tướng và cảnh giới tướng; tuy có ba tướng mà đều là nương vào vô minh bất giác để tồn tại. “Nương vào duyên” “là nghĩa vọng tác cảnh giới”. Chúng sanh do vì vô minh bất giác, nên hiện khởi cảnh giới tướng; tất cả cảnh giới, vốn là duy tâm mà hiện, không biết lìa tâm thì cảnh giới không có thực thể, mà hư vọng cho là cảnh giới tồn tại ở bên ngoài tâm. Ngoại cảnh này thì làm duyên mà có sanh tướng thô của tâm tương ưng. Như phần trước đã nói qua: do vì duyên cảnh giới mà có trí tướng tương tục tướng v.v… sáu loại thô tướng. Thô sanh tướng trong tâm tương ưng với tế sanh tướng trong tâm bất tương ưng, truy tìm nguồn gốc của nó thì tuy đồng dạng là do vô minh huân tập mà có; nhưng một là do nội nhân, một là do ngoại duyên mà sanh khởi, nên có hai loại sanh khởi không đồng.

Sanh đã như đây, hoàn diệt cũng như vậy. Do đó suy luận đến cuối cùng, nếu “nội nhân” của vô minh bất giác “diệt”, thì cảnh giới của “ngoại duyên” cũng tự “diệt”, nhưng chỉ là duyên diệt, thì diệt mà chưa cứu cánh. Như trong vô tưởng định, tướng cảnh giới lúc này không hiện khởi, tâm thô cũng chưa hiện khởi, thì ngoại đạo cho rằng đã nhập vào thanh tịnh Niết-bàn. Kỳ thật, tâm vi tế trong nội tại của họ chưa diệt, vì thế khi ra khỏi định vô tưởng, tâm thô lại sanh khởi lên, do đó chỉ là duyên diệt thì chưa được cứu cánh hết. Niết-bàn của hàng Nhị thừa cũng là chưa cứu cánh, vì do nhân chưa hoàn toàn được diệt hết. Cứu cánh diệt, tất yếu nhân phải diệt, nhân diệt sau đó duyên diệt, thì tất cả diệt tận. Nếu phân biệt ra mà nói, thì vô minh bất giác “nhân diệt”, nên ba “tâm” tế của “bất tương ưng” cũng “diệt” theo. Như ngoại “duyên” của cảnh giới “diệt”, thì “tâm” thô của “tương ưng” cũng “diệt” theo. Song, căn cứ vào “kinh Lăng Già”, thì hiện thức lấy bất tư nghì huân tập biến đổi làm nhân; phân biệt sự thức lấy vọng huân tập làm nhân, cảnh giới tướng làm duyên. Do đó, tâm tế chỉ nương vào nhân mà sanh khởi; mà tâm thô thật cũng là nương vào vô minh hư vọng mà huân tập.