Nguyên văn:

久習淳熟,其心得住。以心住故,漸 猛利,隨順得入真如三昧。深伏煩惱 信心增長,速成不退。唯除疑惑,不 信,誹謗,重罪業障,我慢,懈怠, 是等人所不能入。

Dịch nghĩa:

Tu tập lâu dần thuần thục thì tâm được an trụ. Do tâm an trụ nên dần dần mạnh mẽ sắc bén, thuận theo vào được chơn như tam-muội. Thâm phục phiền não, tín tâm tăng trưởng, sớm thành bất thoái. Chỉ trừ những người nghi hoặc, không tin, phỉ báng, ngã mạn, giải đãi, hoặc bị những nghiệp chướng tội nặng, thì không thể vào được.

Theo phương pháp tu chỉ ở trên đã nói, trải qua sự “tu tập lâu dần”, điều nhu mà “thuần thục”, “thì tâm” này “được an trụ”, không còn rong ruổi lưu chuyển ở trong tướng cảnh giới. Trụ có ý nghĩa là an định, là tu chỉ được thành tựu; đồng với “tâm thú nhất cảnh” của chín tâm trụ. “Do tâm” được “an trụ”, thì định lực “dần dần mạnh mẽ sắc bén”, nên “thuận theo” hướng đến “vào được chơn như tam-muội”, tức thành tựu vô phân biệt định (đẳng trì). Chơn như tam-muội là thắng nghĩa thiền. Tam-muội, dịch là tam-ma-địa, có ý nghĩa là chánh định, hoặc dịch thành đẳng trì. Trì tâm bình đẳng, tương ưng với chơn như vô tướng, gọi là chơn như tam-muội. Nếu như có khả năng nhập vào chơn như tam-muội, thì phiền não tuy vẫn chưa đoạn trừ, nhưng đã “thâm phục phiền não” khiến cho không khởi lên hiện hành. Phiền não không khởi, như bốn loại “tín tâm” đã nói ở trên, dần dần “tăng trưởng”, “sớm thành” tựu “bất thoái”; đạt đến chơn thật phát Bồ-đề tâm, cũng chính là sơ phát tâm trụ.

Do phương pháp tu tập chỉ ở trên nói đến, có khả năng thành tựu chơn như tam-muội, cũng có trường hợp tu tập mà lại không đạt được thành tựu, nên nói: “chỉ trừ những người nghi hoặc, không tin, phỉ báng, ngã mạn, giải đãi, hoặc bị những nghiệp chướng tội nặng”. Nghi hoặc là không khẳng định được niềm tin và sự hiểu biết. Không tin tưởng đối với phương pháp, công đức và lợi ích của việc tu thiền định, cũng không có thiết tha tu học; nếu có tu học thì cũng không thể thành tựu. Phỉ báng, hoặc phỉ báng định, phỉ báng Phật pháp, hoặc phỉ báng người tu tập chỉ, như thế thì đương nhiên không có khả năng thành tựu được. Trong khi tu định, các ác nghiệp chướng huân tập từ đời quá khứ, đều hay hiện khởi, chiêu cảm ma chướng trở thành bệnh tật. Do đó tu học chỉ quán, trước tiên phải trì giới thanh tịnh, sanh tâm từ bi, tàm quý sám hối để tiêu trừ túc nghiệp. Ngã mạn là tự cho mình lợi căn, không khiêm cung học hỏi; hoặc được ít cho là đủ, hoặc chưa có chứng lại tự cho đã thành tựu. Giải đãi là không tinh tấn tu học, tiến một bước lại lui hai bước, thì làm sao tu tập thành công? Chơn như tam-muội, thì “những hạng người này”; nếu không có: sự nghi hoặc, không tin, phỉ báng, nghiệp chướng trọng tội và ngã mạn, mà tinh cần tu học thì nhất định có thể thành tựu.