DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 16/21 ĐầuĐầu ... 61415161718 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 151 tới 160 của 205
  1. #151
    Avatar của sonha
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    218
    Thanks
    146
    Thanked 96 Times in 34 Posts


    Người có tín tâm bất định

    Nguyên văn:

    若有眾生善根微少,久遠已來煩惱深 ,雖值於佛,亦得供養,然起人天種 ,或起二乘種子。設有求大乘者,根 則不定,若進若退。或有供養諸佛未 一萬劫,於中遇緣亦有發心。所謂見 色相而發其心,或因供養眾僧而發其 心,或因二乘之人教令發心,或學他 心。如是等發心,悉皆不定,遇惡因 ,或便退失墮二乘地。

    Dịch nghĩa:

    Nếu có chúng sanh thiện căn ít ỏi, từ lâu xa đến nay phiền não sâu dày, thì tuy được gặp Phật, cũng được cúng dường, song chỉ phát khởi những chủng tử nhân thiên, hoặc chủng tử Nhị thừa. Giả sử có cầu pháp Đại thừa, thì căn cũng bất định, khi tiến khi thối. Hoặc có người cúng dường chư Phật chưa trải qua một vạn kiếp, trong đó gặp duyên cũng có phát tâm. Nghĩa là hoặc thấy sắc tướng của Phật mà phát tâm, hoặc nhân cúng dường chư Tăng mà phát tâm, hoặc nhân hàng Nhị thừa dạy bảo khiến cho phát tâm, hoặc học theo người khác mà phát tâm. Những người phát tâm như thế, đều thuộc bất định, gặp nhân duyên xấu, hoặc khi lại thối thất sa vào hàng Nhị thừa.

    Tín thành tựu phát tâm, quyết định không còn thối chuyển, điều đó cần phải có năng lực thiện căn huân tập. “Nếu có chúng sanh thiện căn ít ỏi” mà “từ lâu xa đến nay”, lại bị “phiền não sâu dày”, nên khó mà phát khởi đại tâm, có phát khởi thì cũng khó mà đạt đến bất thối. Thiện căn ít ỏi, phiền não lại sâu dày, “thì tuy được gặp Phật”, có thừa sự “cũng được cúng dường”, hoặc xuất gia tu hành. “Song” lại thiếu tâm yểm ly, không cầu đạo vô thượng, “chỉ phát khởi những chủng tử nhân thiên”, trồng phước báo nhân thiên, trở thành nhân thiên thừa. “Hoặc” tâm yểm ly quá mạnh, không thể phát đại tâm, thì sanh khởi “chủng tử Nhị thừa”, trở thành Thanh văn hay Duyên giác thừa. Nếu “giả sử có cầu pháp Đại thừa” mà phát Bồ-đề tâm, “thì căn” tánh “cũng bất định”, “khi tiến khi thối”, không thể quyết định trở thành Như lai chủng.

    Phần trên là thảo luận việc từ lúc phát tâm ban đầu, tiến nhập vào Ngũ thừa hoặc Ngũ thừa chủng tánh. Phần dưới đây sẽ thảo luận Đại thừa bất định mà thối lạc xuống vào hàng Nhị thừa. Trong “Kinh Nhơn Vương” nói: “trải qua một vạn kiếp thực hành thập thiện hạnh, khi tiến khi thối, như cộng lông nhỏ, bay theo hướng Đông hay Tây tuỳ theo chiều gió”. Điều này cùng với ý nghĩa ở phần trên, khi nói đến phát tâm hướng đến Đại thừa, mà thối tâm trở thành hai loại phàm phu hay Nhị thừa. Nếu thối tâm trở thành Nhị thừa là “hoặc có người cúng dường chư Phật chưa trải qua một vạn kiếp”. Quá trình tu học “trong đó”, “gặp duyên cũng có phát” đại “tâm”, nhưng không giống nhau với ba loại nhân duyên ở phần trước.

    1. “Nghĩa là hoặc thấy sắc tướng của Phật” trang nghiêm “mà phát tâm”: hoặc sanh cùng thời với đức Phật, thấy uy nghi trang nghiêm, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của đức Phật, trong tâm sanh khởi sự khâm phục kính mộ, nên phát tâm mong cầu tướng tốt này. Hoặc thấy đức Phật phóng hào quang đại địa chấn động v.v… các loại thần thông oai đức, mà phát tâm học Phật pháp.

    2. “Hoặc nhân cúng dường chư Tăng mà phát” đại “tâm”. Đây là nhân vì bố thí cúng dường kính ngưỡng sự thanh tịnh, tinh tấn và uy nghi nghiêm túc của người xuất gia mà phát tâm.

    3. “Hoặc nhân hàng Nhị thừa” - khi Thanh văn thuyết giảng giáo pháp, Duyên giác hiển hiện thần thông, thì “dạy bảo khiến cho phát tâm”. Trong luật tạng của Nhất Thiết Hữu bộ có ghi chép: khi ngài Xá Lợi Phất thuyết pháp, có người phát tâm Bồ-đề. Và trong kinh điển Đại thừa, ngài Tu Bồ Đề, Xá Lợi Phất, A Nan, Mãn Từ Tử v.v… thuyết pháp, thính chúng nhân đây mà phát khởi đại tâm.

    4. “Hoặc học theo người khác mà phát tâm”: như cô vợ nhân vì người chồng học Phật mà theo học luôn; cha mẹ phát tâm quy y, con cái cũng phát tâm quy y theo v.v… “Những người phát tâm như thế”, “đều thuộc bất định” khó trở thành Đại thừa chủng tánh. Bởi vì hai loại trước, do theo hình thức mà bị cảm động nên phát tâm; còn phần thứ ba là nhân duyên để phát tâm không thù thắng, phần thứ tư thì tự thân thiếu sự chân thành, niềm tin và sự hiểu biết. Do đó, nếu “gặp nhân duyên xấu”, “hoặc khi lại thối thất” đại tâm, “sa vào hàng Nhị thừa”. Như “Luận Du Già Sư Địa” quyển thứ 35 nói: nương vào bốn năng lực mà phát tâm: 1. Tự lực, 2. Tha lực, 3. Nhân lực, 4. Gia hành lực.

    Nương vào tự lực hoặc nhân lực mà phát tâm, rất khó thối chuyển thay đổi. Còn năng lực thiện căn huân tập không đủ, chỉ nhờ vào tha lực (được sự cảm hóa khích lệ mà phát tâm), hoặc gia hành lực mà phát tâm, thì dễ bị thối đọa. Nhân duyên xấu làm thối đọa tâm Bồ-đề, tóm lược thì có hai loại: như hoàn cảnh ác liệt, bốn duyên không đầy đủ, bị chính trị áp bức v.v.., là nhân duyên thật xấu; như cảnh ngộ quá tốt, danh lợi cúng dường quá nhiều, cũng là nhân duyên xấu chỉ dối trá cho là tốt. Như ở trong Kinh nói: ngài Xá Lợi Phất đã tu sáu mươi kiếp Bồ-tát hạnh, nhân vì có người xin đôi mắt của ông, mà ông cảm nhận được sự giáo hóa chúng sanh rất là gian khó, nên thối tâm chỉ cầu Thanh văn thừa. Đây là một ví dụ chỉ cho nhân duyên xấu. Song, nhân duyên dối trá cho là tốt, khó có thể nhận biết, thì không chỉ thối tâm cầu Nhị thừa, mà còn thối đọa vào ác đạo. Nhân duyên xấu dối trá này, thật chính là kẻ thù lớn của Bồ-tát!



  2. The Following User Says Thank You to sonha For This Useful Post:

    tinhnghiep (02-29-2016)

  3. #152
    Avatar của sonha
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    218
    Thanks
    146
    Thanked 96 Times in 34 Posts


    2. Ba hình thức phát tâm

    Nguyên văn:

    復次,信成就發心者,發何等心?略 有三種。云何為三?一者直心,正念 如法故;二者深心,樂集一切諸善行 故;三者大悲心,欲拔一切眾生苦故

    Dịch nghĩa:

    Lại nữa, thành tựu chánh tín phát tâm là phát những tâm gì? Nói lược thì có ba loại. Thế nào là ba? Một là trực tâm, chánh niệm pháp chân như; hai là thâm tâm, mong thích tất cả các thiện hạnh; ba là đại bi tâm, muốn trừ khổ cho tất cả chúng sanh.

    Phần trên thảo luận về căn và hành của tín thành tựu phát tâm; còn dưới đây sẽ bàn luận đến hành tướng của phát tâm. Phải phát tâm, khởi lên sự tu hành như đây mới có khả năng thành tựu tín phát tâm. Trước tiên thì nói phát ba loại tâm.
    “Thành tựu chánh tín phát tâm” thì cuối cùng “là phát những tâm gì”? Nói chung đều là phát tâm vô thượng Bồ-đề nhưng Bồ-đề tâm có hàm nghĩa rất sâu rộng, còn “nói lược” thì “có ba loại” tâm. Ba loại tâm trong “Kinh Bát Nhã” là: tương ưng với nhất thiết trí trí (nghĩa hẹp của Bồ-đề tâm), đại bi đứng đầu, vô sở đắc làm phương tiện; y vào ba loại tâm này mà biết rõ được Bồ-tát hành. Trong Luận thì lấy ba loại tâm, trở thành Bồ-đề tâm. Trong “Kinh Duy Ma Cật” nói đến tịnh độ của Bồ-tát, cũng lấy ba loại tâm này làm chính: trực tâm, thâm tâm và Bồ-đề tâm; tức lấy ba tâm trở thành tịnh độ hành. Trực tâm với thâm tâm thì tương hợp với luận này. Nếu như tổng hợp lại thì có bốn loại: Bồ-đề tâm, đại bi tâm, Bát-nhã kiến và các loại hành. Trong “Kinh Bát Nhã” lấy ba loại tâm trở thành Bồ-tát hành, tức đem nguyện cầu nhất thiết trí trí là một tâm; còn Luận thì lấy ba loại tâm thành tựu Bồ-đề tâm là đem nguyện tích tập tất cả thiện hạnh thành một tâm. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” phẩm “Thập Địa” nói: chứng đắc mười pháp (Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa chỉ nói tám pháp), thì có khả năng phát Bồ-đề tâm. Ba pháp cuối cùng trong mười pháp là “đầy đủ trong thâm tâm, bi tâm niệm chúng sanh, tín giải pháp vô thuợng”, tương hợp với ba tâm trong Luận (còn mối quan hệ giữa Thập trụ và Thập địa sẽ giải thích riêng). Trong “ba” tâm:
    “Một là trực tâm”: Trực tâm là trí tuệ chánh kiến (theo “Kinh Duy Ma Cật” thì trực tâm là hiền trực tâm, tâm ngay thẳng không quanh co), cũng là xa rời nhị biên xả bỏ hý luận được nói đến trong Trung Quán. Do đó khẳng định: “chánh niệm pháp chơn như”. Bản tánh của tất cả pháp là tâm chơn như. Chánh niệm là niệm tương ưng với tâm vô phân biệt; niệm rõ ràng không hư vọng, tâm vô phân biệt nương vào niệm mà thấu suốt, do đó gọi là chánh niệm. Nếu không thể chánh niệm với chơn như, sẽ đọa lạc vào tâm hành hư vọng đảo loạn thì không thể thành tựu Bồ-đề tâm.

    “Hai là thâm tâm”: là tâm thâm sâu quảng đại. Bồ-tát vì “mong thích tất cả các thiện hạnh”, nên tu tập các phước đức tư lương, không có bao giờ biết đủ.

    “Ba là đại bi tâm” chính là “muốn trừ khổ cho tất cả chúng sanh”. Phát Bồ-đề tâm phải đối với tất cả chúng sanh khởi tâm đại bi; nên dũng mãnh tu tập tích tụ, phước đức trí tuệ tư lương, nên chánh niệm pháp chơn như, mà tâm tương ưng với chơn như.
    Hay nói cách khác ba tâm này: chánh niệm pháp chơn như, mong thích tất cả các thiện hạnh, muốn trừ cái khổ cho tất cả chúng sanh, nếu như đầy đủ tương ưng rồi thì Bồ-đề tâm được thành tựu. Cổ đức dùng rất nhiều ý nghĩa để giải thích ba loại tâm này, như nói: lấy trực tâm chánh niệm pháp chơn như, chứng đắc pháp thân; đem thâm tâm mong thích tất cả thiện hành, có thể thành báo thân; lấy đại bi tâm muốn trừ cái khổ của tất cả chúng sanh, thì sanh khởi hóa thân. Đem ba tâm này mà giải thích thảo luận về công đức của Phật, thì có thể tự tại tuỳ ý mà phối hợp giảng giải.

    Trong Kinh nói phát tâm, nội dung có cạn có sâu; có loại thì chú trọng ở niệm pháp chơn như, nói phát tâm phải xa lìa tất cả hý luận, ngộ được không phải sắc, không phải tâm, không phải có, không phải không v.v... Đây là chú trọng dưới cái nhìn của Bát-nhã, từ thắng nghĩa Bồ-đề tâm mà nói như vậy. Còn người mới học, nếu không thể thực hành tương ưng với tâm từ bi, chưa khởi hoằng nguyện tự độ độ tha (hoặc gọi là hành Bồ-đề tâm, nguyện Bồ-đề tâm), chỉ lo chú trọng ở phần minh tâm kiến tánh, thì khó thành tựu phát tâm. Do đó phát Bồ-đề tâm phải từ mong thích tất cả các thiện hạnh, muốn trừ cái khổ cho tất cả chúng sanh, chánh niệm pháp chơn như - ba tâm này tương ưng tương thành với nhau rồi để hoàn mãn nó.



  4. #153
    Avatar của sonha
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    218
    Thanks
    146
    Thanked 96 Times in 34 Posts


    Nguyên văn:

    問曰:上說法界一相,佛體無二。何 不唯念真如,復假求學諸善之行。

    Dịch nghĩa:

    Hỏi: Ở trên đã nói pháp giới chỉ nhất tướng, Phật thể không có hai. Vì cớ sao lại không chỉ niệm chơn như, mà còn cần nhờ đến sự cầu học các thiện hạnh?

    Chấp chặt ở phần lý mà phế bỏ phần sự, thì đối với ba loại tâm phát tâm thành tựu này, sẽ sanh ra nghi vấn. Họ cho rằng: “ở trên đã nói” qua: “pháp giới chỉ nhất tướng”, chân lý thì bình đẳng không hai. Pháp giới viên chứng của Như Lai, “Phật thể không có hai”, pháp thân chẳng khác. Thế thì, muốn phát tâm thành Phật chỉ cần chánh niệm pháp chơn như được rồi, “vì cớ sao lại không chỉ niệm chơn như”, “mà còn cần nhờ đến sự cầu học các thiện hạnh” công đức nữa? Đây là điều mà học giả Trung Quán với Duy Thức, sẽ không có sự sai lầm này.

    Còn học giả Chơn Thường duy tâm luận thì hay có sự ngộ giải đó; nếu không phá bỏ sự hiểu lầm sai trái này sẽ rơi vào trong “ác thủ không”.




  5. #154
    Avatar của sonha
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    218
    Thanks
    146
    Thanked 96 Times in 34 Posts


    Nguyên văn:

    答曰:譬如大摩尼寶,體性明淨,而 鑛穢之垢。若人雖念寶性,不以方便 種磨治,終無得淨。如是眾生真如之 法體性空淨,而有無量煩惱染垢。若 雖念真如,不以方便種種熏修,亦無 淨。以垢無量遍一切法故,修一切善 行以為對治。若人修行一切善法,自 歸順真如法故。

    Dịch nghĩa:

    Trả lời: Ví như viên châu báu đại ma-ni, thể tính trong sáng, mà còn dơ bởi lớp cáu bẩn. Nếu ai chỉ niệm chơn như châu báu, mà không dùng các phương pháp mài dũa, thì rốt cuộc cũng không được hạt châu trong sạch. Pháp chơn như của chúng sanh cũng như thế thể tính rỗng không trong sạch, mà có vô lượng phiền não làm cấu nhiễm. Nếu ai chỉ niệm chơn như, không dùng các loại phương tiện huân tập, thì cũng không được sự trong sạch. Do cấu nhiễm vô lượng cùng khắp tất cả pháp, nên cần tu tất cả thiện hạnh để mà đối trị. Nếu ai tu hành tất cả thiện pháp, thì tự nhiên quay về thuận theo pháp chơn như.

    Luận chủ vì họ “trả lời”. Trước tiên lấy ví dụ để thuyết minh: “ví như viên châu báu đại ma-ni, thể tính” vốn là “trong sáng”, “mà còn dơ bởi lớp cáu bẩn”. Châu báu ma-ni là ngọc như ý, thể tính trong sáng, có các loại công đức, như loại bảo vật trong truyền thuyết của Ấn Độ, nên Kinh điển hay dùng nó để làm ví dụ chỉ cho tâm tánh vốn thanh tịnh, Bồ-đề bản tánh. Bồ-tát phát Bồ-đề tâm, giống như mài dũa châu báu ma-ni, trong “Kinh Hoa Nghiêm”, “Kinh Đại Tập” v.v…, đều có dùng ví dụ này. Trong “Luận Bảo Tánh” khi thuyết minh Như Lai tạng, cũng đem châu báu ma-ni làm ví dụ, có liên quan đến “Kinh Đại Tập” phẩm “Đà La Ni Tự Tại Vương” với phẩm “Bồ-tát Hải Tuệ”. Trong phẩm “Bồ-tát Hải Tuệ” nói: tịnh Bồ-đề tâm bảo là phải xa lìa chín loại chủng tánh; như châu báu ma-ni có bản tính trong sáng mà vẫn cần phải sử dụng các cách mài dũa. Còn Luận này cũng dẫn dụng ví dụ đó, “nếu người ta chỉ niệm tánh của châu báu” rất là trong sáng, có các loại công dụng; nhưng đối với các tạp chất bám vào châu báu ma-ni, “mà không dùng các phương pháp mài dũa”, làm cho các loại bám vào đó sạch đi, châu báu ma-ni “thì rốt cuộc cũng không được hạt châu trong sạch”. Như “Kinh Đại Tập” dạy: đối với châu báu ma-ni có ba cách làm trong sạch nó: mài dũa, đặt để trong một khuôn khổ nhất định, và xâu gắn liên kết. Bồ-đề tâm của Bồ-tát, cũng phải lấy lục độ để mài dũa như việc: bố thí và trì giới là mài dũa, nhẫn nhục và tinh tấn như đặt để trong một khuôn khổ nhất định, còn thiền định và trí tuệ thì như xâu gắn xuyên suốt nó lại. Nếu kết hợp giữa ví dụ với giáo pháp thì: “pháp chơn như của chúng sanh cũng như thế”, tuy “thể tính rỗng không trong sạch”, “mà” từ xưa đến nay “có vô lượng phiền não làm cấu nhiễm”, giống như châu báu ma-ni còn ở dạng khoáng chất. Luận thì không nói là trong sáng mà dùng từ rỗng không trong sạch, vì tâm chơn như vốn không tương ưng với phiền não, rỗng không cũng có nghĩa là thanh tịnh “Nếu ai chỉ niệm chơn như” quán vô phân biệt, không chấp trước; nhưng “không dùng các loại phương tiện huân tập”, chơn như “thì cũng không được sự trong sạch”. Có người cho rằng chơn như vốn thanh tịnh, chỉ cần không tư duy phân biệt - không suy nghĩ thiện, ác, hữu vô, thì tự nhiên tương ưng với chơn như; cho rằng thành Phật cũng chẳng qua là như vậy thôi. Đây là điều sai lầm rất lớn! Không biết trong ba loại tâm này cần phải dùng từ bi mẫn niệm tất cả chúng sanh mà quảng đại tu tập, tích tụ tất cả thiện hạnh, đó là điều cần thiết để đối trị phiền não. Bởi vì, phiền não “do cấu nhiễm vô lượng cùng khắp tất cả pháp”, đâu đâu cũng bị phiền não làm nhiễm ô. Do đó phải “nên cần tu tất cả thiện hạnh để mà đối trị” với phiền não. Như bố thí đối trị với san tham; tu từ bi để đối trị với sân nhuế, tu trí tuệ để đối trị ngu si v.v... Pháp tạp nhiễm có vô biên, thì cũng phải cần có vô biên thiện pháp thanh tịnh để đối trị nó.
    “Nếu ai tu hành tất cả thiện pháp, thì tự nhiên quay về thuận theo pháp chơn như”, đây là luận nghị hết sức có giá trị. Chơn như có ở tất cả mọi nơi và ác pháp cũng không xa lìa chơn như. Nhưng mà, ác pháp tương phản với chơn như, không tuỳ thuận theo tánh chơn như, do đó gọi là phi pháp. Ngược lại, thiện pháp là hợp với pháp, là tuỳ thuận với pháp tính chơn như. Không nên cho rằng thiện hành chỉ là sự dụng công bên ngoài; phải biết thiện hành của sự dụng công bên ngoài này là tuỳ thuận với chơn như, mà có khả năng hướng về với chơn tánh, như nương vào giới mà tu định, nhân định chứng đắc trí tuệ, nương tuệ đạt đến giải thoát, đều do theo thứ lớp từ thiện hạnh để đạt được. Nếu không thì chỉ trực tiếp tu trí tuệ, như thế sẽ giảm bớt rất nhiều thời gian và công sức rồi! Nhưng mà trong Phật pháp không có chuyện như thế. Nếu không có giới và định làm cơ sở, thì thắng nghĩa tuệ không thể thành tựu. Như trong “Luận Đại Trí Độ” nói: tu bố thí sẽ khiến giảm bớt tất cả phiền não. Giảm bớt tất cả các phiền não, chính là tu tập, tích tụ tất cả các thiện pháp; thiện tăng thì ác sẽ giảm, tự nhiên quy thuận về với chơn như. Có một số người học Phật, chấp vào lý mà phế bỏ sự, khuyên người học đi thẳng vào pháp môn chơn như, trực tiếp từ vô phân biệt để hạ thủ công phu, từ không có thể hạ thủ mà hạ thủ công phu, đó thật là ác kiến của kẻ ngu! Khi vô lượng phiền não ác nghiệp còn huân tập ở trong tâm, nếu có tu chứng thì cũng chẳng qua là tà định, cuồng tuệ thôi.


    Lần sửa cuối bởi sonha; 03-02-2016 lúc 09:49 AM

  6. #155
    Avatar của sonha
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    218
    Thanks
    146
    Thanked 96 Times in 34 Posts


    3. Bốn loại phương tiện

    Nguyên văn:

    略說方便有四種。云何為四?一者, 根本方便,謂觀一切法自性無生,離 妄見,不住生死。觀一切法因緣和合 ,業果不失,起於大悲,修諸福德, 化眾生,不住涅槃。以隨順法性無住 。

    Dịch nghĩa:

    Lược nói về phương tiện thì có bốn loại. Thế nào là bốn? Một là phương tiện tu hành căn bản, nghĩa là quán tất cả các pháp tự tính không sanh, rời các vọng kiến, không trụ nơi sanh tử. Quán tất cả các pháp nhân duyên hòa hợp, nghiệp quả không mất, khởi lòng đại bi, tu các phước đức, nhiếp hóa chúng sanh, không trụ nơi Niết-bàn, do thuận theo pháp tính nên không có trụ.

    Phát tâm thì không chỉ niệm chơn như mà còn thường suy nghĩ quảng tu thiện hành, vì phải có phương tiện thực hành, Bồ-đề tâm mới có khả năng triển chuyển mà sáng suốt được. Nên “lược nói về phương tiện” phát Bồ-đề tâm “thì có bốn loại”:
    “Một là phương tiện tu hành căn bản”. Căn bản tu hành của Đại thừa là khế hợp với nhị đế vô ngại trong chánh kiến trung đạo. Đây có thể gọi là vô trụ phương tiện. Tâm phàm phu là trụ ở sanh tử; hàng Nhị thừa chán ghét nỗi khổ sanh tử, lại trụ ở Niết-bàn. Tâm hành của Bồ-tát phải siêu việt sanh tử, lại phải không trụ chứng Niết-bàn của Nhị thừa, ở trong sanh tử để hóa độ chúng sanh, viên thành Phật đạo. Đây là phương tiện căn bản duy nhất của Đại thừa, từ chánh kiến nhất tâm trong hai môn chơn như và sanh diệt mà đạt được. Do đó, căn bản phương tiện này “nghĩa là quán tất cả các pháp tự tính không sanh”: tất cả cảnh giới là hư vọng, không có tự tánh sanh diệt. Hiểu được tâm chơn như môn của tất cả pháp không sanh, thì có khả năng xả “rời” chấp ngã, chấp pháp, chấp tâm, chấp cảnh “các vọng” tưởng “kiến” chấp, thì “không trụ nơi sanh tử”. Chúng sanh không biết cảnh hư vọng do vọng tâm sanh khởi, vọng tâm do bất giác mà khởi, đều không có tự tánh, do đó sanh khởi kiến chấp, đắm trước không thể xa rời sanh tử. Đồng thời, phải “quán tất cả các pháp nhân duyên hòa hợp, nghiệp quả không mất”. Nhân nghiệp cảm quả, không phải vì quán tất cả pháp vô tánh không tịch mà hư hoại biến mất. Trong tâm sanh diệt môn, nghiệp quả vẫn uyên nguyên không mất. Bồ-tát quán thấy chúng sanh chịu nghiệp cảm sanh tử thống khổ, nên “khởi lòng đại bi”. Quán sát nhân quả thiện nghiệp không mất, thì “tu các phước đức” tư lương. Tu tập tất cả phước đức, không chỉ tự lợi, cũng vì “nhiếp hóa chúng sanh”. Như thế, Bồ-tát có khả năng siêu việt Nhị thừa, “không trụ nơi Niết-bàn”. Bồ-tát đạt đến tất cả pháp tính vốn thanh tịnh, do đó không trụ trong sanh tử hữu biên; biết được các pháp huyễn có không mất, do đó không trụ ở Niết-bàn vô biên, Bồ-tát không trụ trong nhị biên, vì “do thuận theo pháp tính nên không có trụ” mà thực hành. Phát Bồ-đề tâm phải nên tu tập phương tiện căn bản này, không rơi vào nhị biên, trụ trong trung đạo.



  7. #156
    Avatar của sonha
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    218
    Thanks
    146
    Thanked 96 Times in 34 Posts


    Nguyên văn:

    二者,能止方便,謂慚愧悔過,能止 切惡法不令增長。以隨順法性離諸過 。

    Dịch nghĩa:

    Hai là phương tiện năng chỉ, nghĩa là tàm quý hối lỗi, có thể ngăn chặn tất cả ác pháp không cho tăng trưởng. Do thuận theo pháp tính rời các lỗi lầm.

    “Hai là phương tiện năng chỉ”. Chỉ là ngăn chặn việc ác; không làm tất cả các ác pháp gọi là năng chỉ. Không thể ngăn chặn việc ác, nếu có tu tập thiện pháp thì cũng không thanh tịnh, quả báo là A-tu-la hay loại quỷ được của cải giàu có v.v... Loại phương tiện này là “tàm quý hối lỗi”. Tôn trọng nhân cách với chân lý của mình và tha nhân; tôn ngưỡng hiền thiện, chê trách bạo ác thì gọi là tàm quý. Có tâm tàm quý rồi thì ở trước Tam bảo sám hối sự lỗi lầm của ba nghiệp, lập chí không còn tái phạm nữa. Như thế, “có thể ngăn chặn tất cả ác pháp không cho tăng trưởng”. Do vì các việc ác không làm nữa là “thuận theo pháp tính rời các lỗi lầm”. Chơn như pháp tính là xa lìa tất cả lỗi lầm - không còn tương ưng với pháp tạp nhiễm. Do đó tuỳ thuận theo pháp tính rồi tu hành, thì sẽ do tàm quý hối lỗi mà hỗ trợ thành tựu Bồ-đề tâm.



  8. #157
    Avatar của sonha
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    218
    Thanks
    146
    Thanked 96 Times in 34 Posts


    Nguyên văn:

    三者,發起善根增長方便。謂勤供養 禮拜三寶,讚歎,隨喜,勸請諸佛。 愛敬三寶淳厚心故,信得增長,乃能 志求無上之道。又因佛法僧力所護故 能消業障,善根不退。以隨順法性離 障故。

    Dịch nghĩa:

    Ba là phương tiện phát khởi và tăng trưởng thiện căn. Nghĩa là ân cần cúng dường, lễ bái Tam bảo, tán thán, tùy hỷ, khuyến thỉnh chư Phật. Do tâm thuần hậu ái kính Tam bảo, nên tín tâm được tăng trưởng và có khả năng quyết chí cầu đạo vô thượng. Lại nhân được lực hộ trì của Phật Pháp Tăng nên tiêu trừ nghiệp chướng, thiện căn không thối chuyển. Do vì thuận theo pháp tính rời ngu si chướng ngại.


    “Ba là phương tiện phát khởi và tăng trưởng thiện căn”. Phần trên là chỉ ác, còn phần này là hành thiện. Hai loại đó là hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, như trong “Kinh Hoa Nghiêm” phẩm “Hạnh Nguyện Phổ Hiền” đề cập đến. Phần trên nói phương tiện năng chỉ là phần sám hối nghiệp chướng trong mười nguyện; hiện tại thảo luận phương tiện tăng trưởng thiện căn là gồm sáu nguyện trong mười nguyện. Như “nguyện thứ ba quảng tu cúng dường” trong mười nguyện thì trong luận này: là “ân cần cúng dường”. “Một là lễ kính chư Phật” thì trong Luận “lễ bái Tam bảo”. “Hai là xưng tán Như Lai” thì trong Luận là “tán thán”. “Năm là tuỳ hỷ công đức” trong Luận là “tùy hỷ”. “Sáu là thỉnh chuyển pháp luân, bảy là thỉnh Phật trụ thế”, thì trong Luận là “khuyến thỉnh chư Phật”. Năm việc này, tại sao lại có công năng phát khởi và tăng trưởng thiện căn được?

    1. Cúng dường, lễ bái, tán thán, tuỳ hỷ và khuyến thỉnh là trưởng dưỡng được tín tâm “ái kính” Phật Pháp Tăng “Tam bảo”, “tâm thuần” tịnh lại còn thâm “hậu”; thường tu tập các loại phương tiện này, “nên tín tâm được tăng trưởng”, đây mới “có khả năng quyết chí” tiến “cầu đạo vô thượng” Bồ-đề.

    2. Vì kính tín với Tam bảo “nhân được lực hộ trì của Phật Pháp Tăng” - gia bị, do đó “nên tiêu trừ nghiệp chướng, thiện căn” tăng trưởng “không thối chuyển”. Lễ bái, cúng dường v.v.., vốn chẳng qua là nghi thức tôn giáo, nhưng do vì lòng kính ái của chúng sanh và ân đức oai nguy của Tam bảo, nên hỗ tương cảm ứng, do vậy có khả năng trợ lực cho tâm Bồ-đề của chúng sanh được thành tựu. Tu hành các phương tiện này, vẫn là tương ưng với chánh niệm chơn như, bởi “do vì thuận theo pháp tính” nên “rời ngu si chướng ngại”. Pháp tính chơn như, lìa tất cả các ngu si hôn ám; Phật với Tăng là bậc chánh giác, giáo pháp là đức Phật và chúng tăng đã giác chứng. Quy y hướng về với bảo tàng quang minh của Tam bảo, sẽ tuỳ thuận với pháp tính pháp tướng thì xa lìa được si ám.



  9. #158
    Avatar của sonha
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    218
    Thanks
    146
    Thanked 96 Times in 34 Posts


    Nguyên văn:

    四者,大願平等方便。所謂發願盡於 來,化度一切眾生使無有餘,皆令究 無餘涅槃。以隨順法性無斷絕故。法 性廣大,遍一切眾生,平等無二,不 彼此,究竟寂滅故。

    Dịch nghĩa:

    Bốn là phương tiện đại nguyện bình đẳng. Nghĩa là phát nguyện trong tận đời vị lai, hóa độ tất cả chúng sanh không có bỏ sót, đều khiến cho rốt ráo đạt được vô dư Niết-bàn. Do thuận theo pháp tính không đoạn tuyệt, pháp tính rộng lớn, cùng khắp tất cả chúng sanh, bình đẳng không hai, không phân biệt đây kia, rốt ráo tịch diệt.

    “Bốn là phương tiện đại nguyện bình đẳng”. Phương tiện năng chỉ và phát khởi thiện căn tăng trưởng, thì trong ba tâm là tương ưng với thâm tâm và tâm mong thích tất cả thiện hạnh. Phương tiện căn bản hành thì ở trong ba tâm là tương đương với trực tâm - chánh niệm pháp chơn như. Còn phương tiện đại nguyện bình đẳng này, thì tương ưng với trong ba tâm là đại bi tâm - muốn trừ cái khổ cho tất cả chúng sanh. Do đó, tu tập bốn phương tiện này có thể hỗ trợ cho sự thành tựu của ba tâm. “Phát” bình đẳng đại “nguyện trong tận đời vị lai, hóa độ tất cả chúng sanh không có bỏ sót, đều khiến cho rốt ráo đạt được vô dư Niết-bàn”. Như trong “Kinh Kim Cang Bát Nhã” đức Phật dạy: “tất cả các loại chúng sanh, ta đều khiến cho rốt ráo nhập vào vô dư Niết-bàn mà độ họ”. Phát đại nguyện hóa độ chúng sanh này, thì có khả năng hỗ trợ tăng trưởng tâm đại bi. Điều này bao hàm qua ba ý nghĩa: 1. Phát tâm tận trong đời vị lai. 2. Độ tận tất cả chúng sanh. 3. Cứu cánh rốt ráo nhất vì mục đích nhập vào vô dư Niết-bàn. Có khả năng phát đại nguyện như thế:

    1. Nhân vì “thuận theo pháp tính không đoạn tuyệt” mà phát khởi lên nguyện: chơn như pháp tính là thường hằng, do đó Bồ-tát thuận theo chơn như pháp tính mà phát tâm cho đến tận đời vị lai.

    2. Tuỳ thuận theo “pháp tính rộng lớn, cùng khắp tất cả chúng sanh, bình đẳng không hai, không phân biệt đây kia” mà phát tâm: chơn như pháp tính là rộng lớn mà biến khắp tất cả chúng sanh, không có sự phân biệt đây kia. Do đó, tuỳ thuận pháp tính mà phát tâm, không phân biệt chúng sanh nào tôi nên hóa độ, còn chúng sanh nào tôi không nên hóa độ, mà phát tâm bình đẳng phổ độ tất cả chúng sanh.

    3. Tuỳ thuận sự “rốt ráo tịch diệt” của chơn như mà phát tâm: pháp tính là cứu cánh tịch diệt, do đó Bồ-tát phát nguyện, khiến cho tất cả chúng sanh đều có thể nhập vào cứu cánh tịch diệt. Chơn như pháp tính, có ý nghĩa vô tận, quảng đại, cứu cánh. Nên Bồ-tát tuỳ thuận pháp tính mà phát nguyện độ sanh.



  10. #159
    Avatar của sonha
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    218
    Thanks
    146
    Thanked 96 Times in 34 Posts


    4. Công đức thù thắng từ sự phát tâm

    Nguyên văn:

    菩薩發是心故,則得少分見於法身, 見法身故,隨其願力能現八種利益眾 。所謂:從兜率天退,入胎,住胎, 出胎,出家,成道,轉法輪,入於涅 。


    Dịch nghĩa:

    Bồ-tát phát tâm đó thì thấy được phần ít pháp thân, do thấy được pháp thân, nên tuỳ theo nguyện lực có thể hiện ra tám loại làm lợi ích cho chúng sanh. Nghĩa là từ cõi trời Đẩu-suất xuống, vào thai, ở trong thai, ra khỏi thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân nhập Niết-bàn.

    Dưới đây sẽ đàm luận công đức của tín thành tựu phát tâm: “Bồ-tát phát” khởi Bồ-đề “tâm đó thì thấy được phần ít pháp thân”, chứng thấy được pháp thân thì phải từ Sơ địa trở lên. Sơ trụ Bồ-tát có khả năng thấy được phần ít pháp thân, như trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: Sơ trụ Bồ-tát ngộ không phải do người khác, nghĩa là thấy được pháp thân. Bồ-tát này thấy được phần ít nghĩa không (chưa thể chứng thấy Như Lai tạng bất không), do đó nói thấy pháp thân. Có Kinh thì cho: Thập trụ Bồ-tát thấy được pháp thân “như bị cách một lớp vải mỏng”. Cũng như ngắm hoa trong sương mù, nhìn thấy được nhưng còn có sự ngăn cách. Sơ trụ Bồ-tát nhân vì có thể “thấy được pháp thân”, do đó “nên tuỳ theo nguyện lực có thể hiện ra tám loại làm lợi ích cho chúng sanh”. Tám loại làm lợi ích cho chúng sanh là tám tướng thành đạo. Đây là điều có thể đem lại lợi ích cho chúng sanh, nên gọi là tám loại làm lợi ích cho chúng sanh. Thiên Thai tông cho rằng: Bồ-tát Sơ trụ trong viên giáo thì có thể phá trừ vô minh, ngộ thấy trung đạo, hiện thân thành Phật. Một số thuyết thông thường thì cho Bồ-tát Sơ địa, mới thấy được pháp thân, rồi phân thân thành trăm cõi, thị hiện thành Phật. Kỳ thật, Bồ-tát Sơ trụ có thể thấy một phần ít pháp thân và có khả năng dùng năng lực thần biến, hiện thành tướng Phật, cũng là điều mà trong Đại thừa cùng công nhận. Song Bồ-tát Sơ trụ có khả năng hiển hiện, thì khác với Bồ-tát Sơ địa cũng có khả năng hiện này, Bồ-tát Sơ trụ có khả năng hiện, là từ nguyện lực mà hóa hiện; phân thân trăm cõi của sơ trụ Bồ-tát, là từ năng lực khởi lên từ công đức vô lậu. Sơ trụ Bồ-tát tuỳ theo nguyện lực hóa hiện tám loại làm lợi ích cho chúng sanh:

    1. “Từ cõi trời Đẩu-suất xuống”: trời Đẩu-suất là cõi trời tri túc, cõi trời thứ tư trong cõi dục. Bồ-tát thân cuối cùng, trú ở cõi trời này; đợi đến khi hạ sanh thành Phật, thì trước tiên ở cõi Đẩu-suất xả báo.

    2. “Vào thai”: như đức Phật Thích Ca thị hiện nhập vào thai hoàng hậu Ma-da.

    3. “Ở trong thai”: là mười tháng trong thai, dần dần trưởng thành.

    4. “Ra khỏi thai”: như đức Thích Ca đản sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni.

    5. “Xuất gia”: như đức Thích Ca nhìn thấy các hiện tượng lão, bệnh và tử khổ mà vượt thành xuất gia.

    6. “Thành đạo”: như đức Thích Ca tại cội cây Bồ-đề thành đạo.

    7. “Chuyển pháp luân”: như đức Thích Ca sau khi thành đạo, tại vườn Lộc Uyển, vì năm vị Tỳ-kheo chuyển pháp luân Tứ đế.

    8. “Nhập Niết-bàn”: như đức Thích Ca cuối cùng tại Sa-la Song Thọ ở Câu-thi-na nhập Niết-bàn.

    Tám loại tướng này là quá trình đức Phật ứng hóa ở thế gian từ bắt đầu cho đến kết thúc. Tám tướng thành đạo này, xưa nay có hai thuyết: 1. Theo Luận đưa ra thứ tự đó thì phù hợp với kinh điển Đại thừa. 2. Có loại không đề cập đến tướng ở trong thai, nhưng ở trước lúc thành Phật thì thêm tướng hàng phục ma quân. Trong quá trình tám loại tướng trạng ứng hóa ở thế gian này, mỗi một giai đoạn, đức Phật đều phóng hào quang đại địa chấn động, thuyết pháp độ sanh. Do đó nói: “chưa sanh vào vương cung, thì việc độ sanh đã hoàn tất”. Tóm lại, tám tướng này đều đem đến lợi ích cho chúng sanh; nhất cử nhất động của đức Phật, đều vì muốn chúng sanh đạt được lợi ích.


  11. #160
    Avatar của sonha
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    218
    Thanks
    146
    Thanked 96 Times in 34 Posts


    Nguyên văn
    :

    然是菩薩未名法身,以其過去無量世 有漏之業未能決斷,隨其所生與微苦 應,亦非業繫,以有大願自在力故。

    Dịch nghĩa:

    Song vị Bồ-tát đó chưa gọi là pháp thân, do vì nghiệp quả hữu lậu, từ vô lượng đời quá khứ đến nay chưa dứt hẳn, tuỳ theo nơi sanh, còn tương ưng với một ít khổ, nhưng không phải vì bị nghiệp ràng buộc, vì có sức tự tại của đại nguyện.

    Từ Sơ trụ trở lên, Bồ-tát thấy được một ít phần pháp thân, có khả năng hiện tám tướng thành đạo, “song vị Bồ-tát đó chưa gọi là pháp thân” Đại sĩ, “do vì nghiệp quả hữu lậu, từ vô lượng đời quá khứ đến nay chưa dứt hẳn” đoạn tận. Sự sanh tử bình thường của chúng sanh là do nghiệp lực chiêu cảm, nghiệp lực làm chủ; còn Bồ-tát Sơ trụ không phải nghiệp lực làm chủ và nương vào nguyện lực mà được tự tại, như hóa hiện thành Phật, hóa hiện làm súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ v.v... Tuỳ theo nguyện lực hóa hiện, song vẫn theo nghiệp quả hữu lậu từ vô lượng đời quá khứ mà chiêu cảm sanh mạng, thì khác với sự hóa dụng của Bồ-tát pháp thân do đại bi nguyện lực. Bồ-tát Sơ trụ đối với hữu lậu nghiệp được huân tập nhiều đời nhiều kiếp, vẫn chưa thể dứt hết. Chỉ có thể dùng năng lực của trí tuệ của bi nguyện, lợi dụng năng lực phiền não nhuận sanh này, chiêu cảm phát triển nghiệp chủng hữu lậu của quá khứ, để đi thọ sanh. Tóm lại, tuỳ theo sự từ bi nguyện lực mà sanh khởi, vẫn là chưa rời hoặc nghiệp mà hiện khởi. Quả báo thân này do “tuỳ theo nơi sanh”, hoặc là Phật, hoặc là trời, người v.v… năm cõi, đều “còn tương ưng với một ít khổ”. Như các loại cảm thọ lạnh nóng đói khát, tuy Bồ-tát có sự chế ngự của bi nguyện và trí tuệ, thì không có nỗi thống khổ kịch liệt, nhưng cái khổ nhỏ nhặt vẫn còn tồn tại. Bởi vì Bồ-tát chiêu cảm thân chịu sanh tử này là thuộc phân đoạn sanh tử. Thân sanh tử của chúng sanh, chỉ toàn sự ràng buộc của nghiệp lực; nhưng thân Bồ-tát Sơ trụ này tuy không rời nghiệp lực nhưng cũng “không phải vì bị nghiệp ràng buộc”. Đây bởi Bồ-tát “vì có sức tự tại của đại nguyện”, lấy nguyện lực làm chính, thiện xảo sử dụng phiền não nghiệp mà thực hành các sự việc đem đến lợi ích cho chúng sanh. Do đó, thân của Bồ-tát tín thành tựu phát tâm, so với trên tuy không đồng với pháp thân, còn dưới thì không giống với phàm phu và Nhị thừa.



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •