Ðức Phật mỉm cười cho mọi người an lòng, đưa tay ra dấu hiệu bảo đám đông giữ im lặng; và rồi ngài lại hỏi tiếp cô gái:
- Nầy con! Khi Như Lai hỏi con “từ đâu đến”, tại sao con trả lời là “không biết”?
- Bạch đức Thế Tôn! Chính Tôn sư biết rõ là đệ tử đi từ nhà cha con là người thợ dệt mà đến đây. Vậy khi Tôn sư hỏi “từ đâu con đến đây” thì đệ tử nghĩ, ý Tôn sư muốn hỏi: “Từ cảnh giới nào con tái sanh đến đây?” . Và như vậy thì quả thật con trả lời “không biết” là đúng với sự thật!
Ðức Phật tán thán:
- Lành thay! Lành thay! Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai.
Rồi đức Phật hỏi tiếp:
- Khi Như Lai hỏi “từ đây con sẽ đi đâu”, tại sao con trả lời là “không biết”?
- Bạch đức Thế Tôn! Chính Tôn sư biết rõ là đệ tử sẽ đem suốt chỉ đựng trong rá đến xưởng dệt cho cha của đệ tử, thế nhưng Tôn sư còn hỏi đệ tử sẽ đi đâu, thì đệ tử biết chắc ý Tôn sư chỉ muốn hỏi: “Khi ra đi từ kiếp nầy, con sẽ tái sanh đi đâu?”. Và như vậy thì đệ tử trả lời “không biết” là đúng với sự thật!
Ðức Phật nói:
- Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai.
Ðức Thế Tôn khen cô gái lần thứ nhì, rồi ngài hỏi tiếp nữa:
- Khi Như Lai hỏi “con không biết thật sao?” thì tại sao con lại trả lời “dạ con biết!”?
- Bạch đức Thế Tôn! Điều nầy đệ tử “biết”. Đệ tử biết chắc là “đệ tử phải chết”. Vì lẽ ấy đệ tử trả lời như vậy.
Ðức Phật nói:
- Con lại một lần nữa đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai.
Như vậy đức Thế Tôn ngợi khen cô gái lần thứ ba.
Rồi ngài lại hỏi tiếp:
- Khi Như Lai hỏi con “biết”, phải vậy không? Tại sao con nói con “không biết”.
- Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử chỉ biết một điều là thế nào đệ tử cũng chết, nhưng không biết cái chết sẽ đến lúc nào. Chết ban ngày hay ban đêm? Chết vào buổi sáng hay vào buổi chiều? Điều ấy đệ tử không biết, vì lẽ ấy đệ tử trả lời “không biết” là đúng với sự thật.
Ðức Phật nói:
- Con đã giải đáp đúng những câu hỏi của Như Lai!
Rồi đức Phật nói tiếp:
- Trên thế gian này, người ngu si, người không có trí tuệ, dù có mắt cũng như bị mù; còn người sáng suốt, người có trí tuệ, dẫu bị mù mắt nhưng cũng thấy rõ được mọi sự, mọi chuyện; họ thoát khỏi lưới bủa của thợ săn để đến nơi an toàn:
Thế gian loáng quáng mù manh
Hiếm thay, ít kẻ mắt lành sáng trong
Lưới trùm, chim khó thoát lồng
Bay lên nhàn cảnh quả không mấy người!
(Pháp Cú 174: “ Haṃsādiccapathe yanti, ākāse yanti iddhiyā; nīyanti dhīrālokamhā jetvā māraṃ savāhiniṃ”)
Câu kệ ngôn chấm dứt, cô gái con người thợ dệt chứng đắc đạo quả Nhập lưu.
Còn mọi người xung quanh thì thở phào, nhẹ nhõm; họ không dám trách mắng cô bé thợ dệt kia nữa, mà lại tỏ lòng quý mến, kính trọng, vì rõ ràng là chiều sâu của giáo pháp, cô ta thông hiểu hơn mọi người.
Sau đấy, cô gái đảnh lễ đức Phật với tâm an lạc không kể xiết rồi bưng cái rá đựng suốt chỉ đến xưởng dệt cho cha.
Lúc ấy cha cô đang ngồi trên khung dệt mà ngủ. Cô không để ý rằng cha cô đang ngủ nên vói tay đưa rổ cho ông. Không may, cái rá đụng vào đầu khung cửi gây một tiếng động lớn. Cha cô giựt mình thức dậy, như phản xạ tự nhiên, chụp cây cần ở đầu khung kéo mạnh xuống. Cái đầu khung quây vòng trúng ngay vào ngực cô gái, tức thì cô chết và tái sanh vào cảnh trời Ðâu Suất...
Tại điện thờ Aggāḷava, sau buổi pháp thoại, đức Phật vẫn còn ngồi yên lặng chớ chưa chịu rời chân. Đại chúng không hiểu. Hai hàng cận sự không hiểu. Nhưng khi cô gái bị tai nạn, chấm dứt hơi thở thì đức Phật mới mở mắt ra, nói rằng:
- Cô gái thợ dệt sau mấy câu hỏi, cô ta đã đắc pháp nhãn, là “con gái nhỏ” của Như Lai đó! Vừa rồi, cô ta bị tai nạn đột ngột, cái đầu khung cửi rơi xuống, đập mạnh vào ngực, cô ta đã chết và tức khắc hóa sanh vào cung trời Đâu Suất.
Đưa mắt một vòng nhìn đại chúng, đức Phật nói tiếp:
- Từ thị trấn Cālikā, Như Lai đến đây ngoài nhân duyên với mọi người, còn việc khác rất quan trọng là cứu độ cô gái con người thợ dệt. Vì Như Lai biết trước là cô ta sẽ bị chết như vậy, nếu không đưa cô ta an trú vào thánh pháp thì nghiệp bất đắc kỳ tử kia có thể đưa cô ta xuống những cảnh giới đau khổ. Còn nữa, cha cô con gái sẽ rất đau khổ, có thể đi đến điên loạn. Nhưng không sao, Như Lai sẽ phương tiện hóa độ cho ông ta.
Và quả đúng như vậy. Cha cô con gái, sau đó được đức Phật giảng giải vềTứ Diệu Đế, ông thấy rõ sự thật nên xin xuất gia tỳ-khưu rồi theo chân ngài về núi đá vôi Cālikapabbata để an cư mùa mưa.
Nghe nói rằng, về sau ông ta tu tập rất tinh cần nên đắc quả A-la-hán.