DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 11/14 ĐầuĐầu ... 910111213 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 101 tới 110 của 137

Chủ đề: Con gái đức Phật

  1. #101
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Là mùa của hạnh phúc
    Là mùa của giao hoan dục lạc!
    Nàng có nghe không
    Từng mầm cây, ngọn lá
    Đều cất tiếng thì thầm
    Hoặc hát ca vui sướng
    Dâng tràn bao cảm xúc
    Thế mà nàng lại thui thủi một mình
    Lặng lẽ đi vào rừng
    Không có bạn đồng hành
    Thì lấy gì làm thích thú?
    Nàng có biết không
    Rừng là nơi thanh vắng
    Là nơi đầy kinh sợ
    Những bầy thú rình mồi
    Chúng thường xuyên lui tới
    Nào cọp, nào beo, nào sư tử
    Lại còn những con voi cái động dục
    Rống lên gọi đực
    Khiếp đảm, kinh hoàng!
    Nàng có biết không
    Nàng là con búp bê vàng chói
    Nàng là tiên nữ vườn trời
    Độc nhất vô nhị
    Tuyệt mỹ trên thế gian
    Nàng đắp lụa Kāsi
    Mượt mà, bóng loáng
    Duyên dáng, dịu dàng
    Ta sống nô lệ nàng
    Ta sẽ ngoan ngoãn phục dịch nàng
    Không người nữ trên đời
    Không một sanh loại nào
    Mà ta yêu hơn nàng
    Hỡi nàng mắt dịu hiền
    Như mắt Kinnarī đa tình, quyến rũ
    Nếu nàng theo lời ta
    Sẽ sống tràn đầy hạnh phúc
    Nơi một trú cư lộng lẫy
    Trong tòa lâu đài rực rỡ
    Có sự phục vụ ân cần
    Của người hầu, thị nữ
    Nàng khoác lụa mịn Kāsi
    Có vòng hoa, bôi sáp đỏ
    Ta làm nhiều trang sức
    Bằng châu báu ngọc ngà
    Nhiều kiểu dáng phong phú và sang quý
    Rồi nàng leo lên giường hoa
    Gỗ chiên đàn, lõi thơm
    Che màn đẹp tinh sạch
    Có chăn mềm lông ngỗng
    Trải nệm lông cừu dài
    Nàng như một búp sen xanh vươn lên từ nước
    Chưa đụng tới bởi một người đàn ông nào
    Bởi lẽ chỉ để dành cho thần linh
    Chẳng có ai dám thưởng ngoạn
    Nếu nàng sống phạm hạnh như vậy
    Một cuộc đời giới đức như thế
    Cũng tương tự như búp sen xanh kia
    Chưa ai được thưởng thức
    Tứ chi, thân thể nàng
    Rồi sẽ trải qua thời gian
    Yếu đau và già lão
    Thì quả thật là vô ích!


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  2. #102
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Nghe chàng trai ca ngợi, tán thán sắc đẹp nàng. Câu chữ như xoa dầu. Miệng lưỡi như bôi mỡ. Nàng bèn đáp rằng:

    Này hỡi chàng trai
    Ở đây là cái gì
    Nơi cái thân thể này
    Mà ngươi xem là tuyệt diệu
    Ta chỉ thấy lông và tóc
    La liệt nơi bãi tha ma
    Thối tha và ghê tởm
    Cái xác chết tan rữa
    Ruồi nhặng và sâu kiến
    Vậy ngươi thấy cái gì
    Ngươi thấy đẹp chỗ nào
    Nơi cái thân hôi hám này
    Khi ngươi thốt ra lời
    Si mê, vô ý thức
    Tán dương sắc đẹp ta?


    Khi được hỏi vậy. Chàng trai con người thợ bạc chú mục và đăm đăm nhìn nàng. Quả thật dù nàng không trang điểm. Mái tóc thanh xuân đã cắt bỏ đi rồi. Nhưng mà sao nàng lại tuyệt đẹp đến thế. Chỉ cái liếc mắt đầu tiên nhìn nàng. Chàng trai đã phải lòng rồi. Và yêu một cách thiết tha. Một cách say đắm. Bây giờ, rõ ràng là chàng trai bị hớp hồn bởi đôi mắt, bởi ánh mắt. Nên hắn đáp:

    Chính đôi mắt nàng
    Trông tựa như mắt thỏ
    Trông tựa như mắt nai
    Trông tựa như mắt gà mái
    Chỉ nhìn thấy đôi mắt ấy thôi
    Dục lạc ta tăng trưởng
    Ham muốn lại dâng trào!
    Ôi! Con mắt nơi gương mặt nàng
    Sáng chói như vàng ròng
    Sánh tựa búp sen xanh
    Vô uế, vô tỳ vết
    Chỉ nhìn thấy con mắt nàng
    Dục lạc ta tăng trưởng
    Ham muốn lại dâng trào!
    Cho dù nàng đi đâu xa
    Ta vẫn nhớ, vẫn hình dung
    Cặp lông mi đen dài
    Không gì ta yêu hơn
    Ánh mắt tuyệt trần ấy


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  3. #103
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Chàng thanh niên nói miên man, nói mê man ca tụng ánh mắt, con mắt, lông mi. Và có lẽ cậu ta cũng điên đảo, điên loạn, chết ngộp trong đôi mắt của vị nữ Ni. Nên nàng đưa ra những lời nhắc nhở:

    Này hỡi chàng trai
    Ngươi đã đi theo con đường xấu quấy
    Ngươi lại ham muốn ta
    Lại mong ước ta
    Khi ta đã là con gái của đức Phật
    Con gái đích thực của đấng Giác Ngộ
    Sao ngươi không đi tìm
    Những cô gái khác trên thế gian
    Thế là ngươi đã đi vào tà đạo
    Tà đạo thì nguy hiểm
    Vì phủ đầy chông gai
    Ngươi không sợ hãi ư?
    Chánh đạo thì vững chắc
    Thẳng tắp và an toàn
    Nhưng ngươi lại bỏ qua
    Ngươi muốn tìm mặt trăng mà chơi
    Ngươi muốn nhảy qua núi Mê-ru
    Đấy là cái cách mà ngươi
    Do điên loạn và ngu ngốc
    Muốn tìm đến ta đó!
    Nhà ngươi có biết không
    Trên đời này, cõi trời
    Bất kỳ thế giới nào
    Ta không còn ước muốn
    Ta không thích tham ái
    Dẫu chúng là đối tượng nào
    Khi thánh đạo khởi lên
    Sẽ tiêu diệt cả thảy
    Giết hại tận gốc rễ
    Cả dây leo, tua uốn!
    Ta muốn như vậy đó!
    Giống như ngọn lửa hừng
    Nhảy khỏi đống than đỏ
    Chỉ còn lại tàn tro
    Ta muốn như vậy đó!
    Tựa như bát thuốc độc
    Bị ngọn lửa thiêu đốt
    Khô cạn chẳng còn gì
    Khi thánh đạo khởi lên
    Chúng sẽ bị tống khứ
    Chúng sẽ bị hủy diệt
    Ta muốn như vậy đó!
    Và này, hỡi chàng trai
    Có thể có nữ nhân
    Dầu xuất gia theo Phật
    Nhưng không học giáo pháp
    Không hành theo giáo pháp
    Không thấy rõ ngũ uẩn
    Không am hiểu thấu đáo
    Không quan sát kỹ càng
    Bị ái tham chi phối
    Bị dục lạc chi phối
    Thì ngươi hãy quyến rũ
    Hãy cám dỗ người ấy
    Hãy mê hoặc người ấy
    Làm hại được người ấy!
    Còn ta thì sao nào
    Ta đã có học tập
    Ta đã có thực hành
    Ta lại khéo quan sát
    Thấy rõ nhân và quả
    Nếu ngươi tìm cách quyến rũ ta
    Thì ngươi chỉ chuốc lấy sầu khổ
    Cả bây giờ và cả tương lai!
    Là con gái của đức Phật
    Là con gái của đức Chánh Đẳng Giác
    Ta thường trực chánh niệm
    Ta thường trực tỉnh giác
    Thấy rõ trò múa rối
    Của tưởng tri và ảo vọng
    Thấy mắng nhiếc và khen thưởng
    Hoặc lăng nhục, kính trọng
    Thấy hạnh phúc và đau khổ
    Hoặc khoái lạc, khó chịu
    Chỉ là cặp phạm trù tương đãi
    Hữu vi và vô thường
    Là bóng chớp, bọt nổi
    Trong ba cõi, bốn loài
    Là cấu uế, lậu hoặc
    Đều sầu bi, ưu não
    Nơi những sanh hữu ấy
    Thật chúng chẳng có gì
    Cũng chẳng có điều gì
    Để tâm ta dính mắc
    Để tâm ta chấp thủ
    Ta là đệ tử Ni
    Con gái đức Thiện Thệ
    Ta đã dấn thân bước
    Ta đang di chuyển theo
    Trên đường đạo tám ngành
    Mũi tên đã được rút ra
    Vô bệnh, vô tỳ vết
    Tâm tràn đầy an hỷ
    Nơi trú xứ thanh tịnh
    Và này chàng thanh niên
    Ngươi bảo ta là búp bê vàng chói
    Búp bê ấy là gì nào
    Mà khéo tô, khéo vẽ
    Khéo sơn quét, điểm trang
    Những con rối bằng gỗ
    Có những khúc cây được cột vào
    Bởi những sợi dây kết buộc
    Cũng có tay, có chân
    Có thân thể, mặt mũi
    Thế rồi, những vũ nữ
    Được kéo vào, thả ra
    Nó nhảy múa, lắc lư
    Nhiều điệu dáng khác nhau
    Tất là được hình thành
    Do sự kết hợp ấy
    Bây giờ, này chàng trai
    Nếu gỗ được tháo rời
    Dây que ấy được rút
    Nếu cây hết kết buộc
    Nối kết bị loại bỏ
    Búp bê sẽ không còn
    Múa rối rồi cũng dứt
    Chẳng còn gì nữa cả
    Vậy ngươi say đắm ở chỗ nào
    Thân ta đây cũng vậy
    Do bốn đại kết hợp
    Đến khi chúng rã tan
    Chẳng còn gì nữa cả
    Vậy ngươi say đắm ở chỗ nào?
    Ngươi bảo ta là tiên nữ nhà trời
    Là do ngươi tự vẽ
    Do tâm ý say đắm
    Do tâm ý mê tưởng
    Chỉ là hình vẽ thôi
    Như hình vẽ trên tường
    Nó giống như ảo mộng
    Nó giống như ảo giác
    Nó giống như ảo thuật
    Như cây vàng trong mộng
    Mù lòa ngươi chạy theo
    Cái trống không, không thực
    Chẳng có gì ở đấy cả!
    Ngươi tán dương ta đẹp
    Mắt gà mái, mắt nai
    Cũng do ngươi vẽ ra
    Vẽ ra và tưởng tượng
    Đôi mắt ta ấy à!
    Chỉ là cục bi tròn
    Đặt vào trong hốc mắt
    Một lỗ trống bộng cây
    Nó rỉ ra nước mắt
    Nó tiết ra cứt ghèn
    Dơ uế và hôi hám
    Thế mà này, chàng trai
    Ngươi lại khen đôi mắt
    Ngươi lại si đôi mắt
    Nhưng đối với ta
    Do nó ngươi mê cuồng
    Do nó ngươi say đắm
    Vậy thì đối với ta
    Nó sinh ra tội lỗi
    Giờ ta sẽ cho ngươi
    Con mắt ‘tuyệt vời’ ấy!

    Nói thế xong, nữ Ni phạm hạnh, với tâm không chấp trước, với tâm rất thản nhiên, bóc một con mắt đẹp, trao cho chàng thanh niên. Và nói:

    Hãy cầm lấy
    Con mắt ô uế này
    Đi đâu cho khuất mắt!


    Chàng trai du đãng thấy vậy, toát mồ hôi, kinh hoàng. Thân tâm đều bủn rủn. Khi ấy tham liền diệt. Hắn khẩn cầu xin lỗi:

    Mong rằng Phạm hạnh Ni
    Được an ổn trở lại
    Ta sẽ không còn dám
    Xâm phạm thế này nữa
    Tội lỗi ta đã làm
    Chẳng khác ôm lửa hừng
    Như thể nắm rắn độc
    Ta sẽ bị quả báo
    Mong người hãy tha thứ!

    Thoát khỏi bị xúc phạm, vị tỳ-khưu-ni ấy, từ đấy đi đến đảnh lễ đức Giác Ngộ thù thắng; thấy được tướng công đức, quang hảo và mỹ toàn của ngài, mắt của nàng hồi phục, được trở lại như xưa.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  4. #104
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Hoàng hậu Mahāmāyā

    (Mẹ của đức Phật Thích Ca)


    Dưới chân ngọn Himalaya cao ngất tầng mây, có vương quốc Kapilavatthu nhỏ bé, cổ xưa, có núi sông xinh tươi, kỳ vĩ, chính là quê hương ngàn đời của dòng giống Sakyā anh hùng đã đến đây lập quốc từ thời Okkāka đệ tam. Đức vua hiện tại là Suddhodana, hoàng hậu là Mahāmāyā.

    Mahāmāyā là em ruột của đức vua Suppabuddha ở vương quốc Koliyā kế cận, cách nhau bởi con sông Rohini. Đức vua Suppabuddha lại kết duyên với bà Amitā Pamitā, là em gái của đức vua Suddhodana. Vì vậy tình thân của hai vương quốc này như da với xương, như môi với răng...

    Mahāmāyā kết tóc se tơ với vua Suddhodana năm vừa mười sáu tuổi. Bà có năm vẻ đẹp và sáu mươi bốn tướng tốt của người phụ nữ; tính tình mềm mỏng, dịu dàng, đoan trang, phúc hậu lại giàu lòng nhân ái nữa - do sự tích lũy công hạnh Pāramī đã một trăm ngàn kiếp về trước, và từ đó về sau, qua các kiếp sống, bà luôn giữ tròn ngũ giới. Em ruột của bà là Pajāpati Gotamī cũng cùng chung mối lương duyên này, làm hoàng phi của vua Suddhodana. Thế nhưng, đã lớn tuổi mà hai bà vẫn không có con, đức vua trông người nối dõi đã mỏi mòn con mắt.

    Ngày ấy, theo lệ thường vào mỗi buổi sáng, đức Mahāmāyā thức dậy thật sớm, tắm rửa sạch sẽ, nếu đúng kỳ đầu và giữa tháng thì bà thọ bát quan trai giới (Bát quan trai giới: Không sát sanh, không trộm cắp, không hành dâm, không nói dối, không dùng các chất say, không ăn quá ngọ, không múa ca hát xướng, trang điểm, phấn son và không nằm chỗ cao đẹp, sang trọng.). Khi tiếng trống từ lâu thành đã điểm tàn canh ba (Đêm Ấn Độ chia làm ba canh (Đêm Ấn Độ chia làm ba canh) là lệnh bà đã chuẩn bị sẵn sàng cùng với thị nữ thắng kiệu ra ngoại thành, các phường ấp xa xôi để làm việc từ thiện. Đây là niềm vui của lệnh bà, mà chính đức vua Suddhodana cũng khuyến khích điều ấy. Nhà vua còn thầm nguyện rằng, biết đâu nhờ việc thiện ấy mà các vị thượng đẳng thần trên đầu trên cổ thương xót mà ban cho họ một mụn con trai?

    Lệnh bà Mahāmāyā bố thí rất nhiều; lúc rau trái, lúc y áo, lúc chăn nệm, lúc thuốc men, lúc lương thực gạo bắp, sắn khoai hoặc tiền bạc... Với tâm bi mẫn, lệnh bà bố thí có đến bốn ức (400.000) đồng tiền vàng vào mỗi ngày như thế. Những giọt sương nhân ái kia dẫu không thấm đẫm được sa mạc cuộc đời nhưng cũng mát dạ những loài lau cỏ thân phận thấp hèn, bé mọn!

    Hôm kia, sau khi trao tặng hết đồng tiền cuối cùng, như có mối giao cảm linh thiêng nào đó, lệnh bà cảm thấy tâm hồn an vui, thư thái lạ lùng, niềm hỷ lạc lâng lâng no đầy suốt cả ngày. Đêm ấy, lệnh bà đi rồi từ từ chìm vào giấc mộng huy hoàng, mát mẻ. Tứ đại vào giấc ngủ an

    Thiên vương cao sang, chói sáng từ hư không hiện xuống, phò long sàng của lệnh bà đi vào ngọn núi Himavā rất cao trên tuyết lãnh. Với cử chỉ nghiêm cẩn và đầy trân trọng, Tứ đại Thiên vương đặt lệnh bà trên tảng đá cao sáu mươi do tuần, dưới gốc cây sāla cao một trăm do tuần, gần ao lưu ly Anotatta, đoạn thỉnh lệnh bà xuống tắm. Các vì thiên nữ kiều diễm đến nghinh tiếp lệnh bà bước xuống trên vùng hoa sen trắng tỏa hương ngào ngạt. Xong đâu đó, họ mang trân châu, bảo ngọc và hương hoa của cõi trời trang điểm cho hoàng hậu rồi thỉnh lệnh bà vào nghỉ trong một tòa lầu bằng bạc.

    Phía Bắc có một quả núi bằng vàng long lanh chóa mắt, đủng đỉnh bước ra một con voi trắng to lớn, sáu chiếc ngà như sáu cánh tay trân trọng ôm một đài sen trắng tươi thắm còn đọng sương mai. Bạch tượng đi quành về hướng Đông, tiến xuống phía Nam, rống một tiếng to, nhiễu ba vòng về phía hữu quanh long sàng rồi chui vào hông phải của hoàng hậu.

    Đại bồ-tát, thiên tử Setaketu từ cung trời Tusita, thế là đã giáng sanh vào lòng Phật mẫu Mahāmāyā.
    Sáng ngày, trong không gian còn tỏa nức mùi hương, lệnh bà cảm thấy tinh thần phơi phới và tâm hồn thanh khiết một cách kỳ lạ. Đức vua Suddhodana được nghe lệnh bà kể lại, lập tức lâm triều, cho vời sáu mươi bốn vị bà-la-môn tinh thông điềm triệu đến bàn về giấc mộng ấy.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  5. #105
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Nghe xong, tất cả các thầy bà-la-môn đều phủ phục lạy mừng. Một vị cất giọng sang sảng:

    - Quả thật là giấc mộng đại cát tường, tâu đại vương! Thế là hoàng hậu đã thọ thai một nhân cách phi phàm, cao cả; là linh khí kết tụ của núi sông, nhật nguyệt muôn triệu năm mới có một lần. Đây chính là một ân sủng thiêng liêng mà đức Brāhman đã ưu ái ban tặng cho đại vương.

    Đức vua Suddhodana vô cùng đẹp dạ, ban thưởng trọng hậu cho các thầy bà-la-môn rồi truyền ngự y túc trực sẵn sàng để săn sóc sức khỏe cho hoàng hậu.
    Tứ đại Thiên vương nhận được lệnh từ thiên chủ Sakka; thay nhau cầm bửu kiếm hộ trì lệnh bà luôn suốt mười tháng như thế.
    Đại bồ-tát từ khi vào lòng Phật mẫu, gá thai bào, lần lần lớn lên, không hề làm cho lệnh bà khó chịu; trái lại, được sức khỏe, an vui và mát mẻ hơn. Thai nhi ngồi an nhiên ở trong bụng như một bức tượng vàng trong động báu, chân xếp kiết già, hướng mặt ra phía trước rất khác với phàm nhân.

    Thế rồi... tháng ngày chim ca hoa nở, lá nẩy hương, chồi xanh nẩy ngọc, trăng thanh gió mát, phơi phới mây lành... khắp nơi cung tía lầu son, nhạc vui thanh thoát, tiếng cười nói dịu dàng... bao quanh hoàng hậu như tạo thêm duyên lành cho đấng siêu việt sẽ ra đời.
    Đến ngày trăng tròn tháng Vesākha, theo phong tục thời bấy giờ, hoàng hậu xin được phép về kinh đô Devadaha, nước Koliyā, là quê mẹ của lệnh bà để chờ ngày "nở nhụy khai hoa". Thế rồi, một toán phi mã cấp tốc mang thông điệp của đức vua Suddhodana sang đức vua Suppabuddha đưa tin ngày lệnh bà lên đường. Dân chúng cả hai nước hớn hở chào đón ngày vui, họ tự động sửa sang đường sá, cầu cống, khe rạch; nhà nhà treo đèn kết hoa, cờ ngũ sắc... rực rỡ, náo nhiệt, tưng bừng...

    Hôm ấy, trời thanh, gió nhẹ, lệnh bà bước lên kiệu hoa có cung nga dìu hai bên. Hoàng phi Pajāpati Gotamī cùng thị nữ thân tín bước lên những chiếc kiệu sang trọng khác. Đoàn người rầm rộ lên đường, trước sau có hai đội quân danh dự của hoàng gia nai nịt, yên cương, quân phục, khí giới, giáp bào sáng chói, uy nghi trên thân chiến mã cẩn trọng hộ giá. Ra khỏi cổng thành kinh đô hoa lệ, đoàn xa giá lần ra ngoại ô. Hai bên đường, dân chúng hò reo, tung hoa, rảy nước. Khi tới một rừng cây sāla, thuộc lâm viên Lumbinī, giáp ranh biên địa hai nước, thấy phong cảnh xinh đẹp lạ thường, hoàng hậu Mahāmāyā truyền lệnh dừng lại. Lúc ấy cả rừng hoa sāla trổ hoa trái mùa, rực rỡ phô sắc giữa những mảng màu xanh biếc. Hoàng hậu Mahāmāyā thấy lòng khoan khoái, thanh thản dạo chơi. Sao lạ? Không khí như ướp hương, muôn chim như trỗi nhạc; trời đất, cây lá, cỏ hoa... tất thảy đều xanh trong, mịn màng như nhung, như ngọc... Đến một gốc cây sāla đại thụ, hoa nở từ gốc tới ngọn, kết dệt như một tấm thảm gấm, hoàng hậu ngước nhìn. Có một vòi hoa vươn dài ra, hoa to và đậm sắc - hoàng hậu đưa tay định níu. Bất chợt, vòi hoa ấy đột nhiên oằn xuống rồi đặt nhẹ lên lòng bàn tay của lệnh bà. Ngay lúc ấy, hoàng hậu Mahāmāyā trở dạ, cung nga thể nữ hối hả giăng màn. Đại bồ-tát đản sanh trong giờ phút thiêng liêng này. Ngài ra khỏi lòng mẹ nhẹ nhàng như vị pháp sư duỗi chân bước xuống pháp tòa.

    Và đồng thời, như va đập vào cánh cửa huyền mật, siêu nhiên; ba tầng trời thảy đều rúng động, đại địa chao đảo, nước biển trong bốn đại dương dâng cao, ầm ào vỗ giữa hư không. Thiên nhạc trỗi lên, thiên hoa tung bay; phạm thiên, chư thiên trong ba ngàn cõi mở hội vui mừng. Hai con rồng vàng trong mây xanh bay sà xuống, tuôn hai vòi nước nóng và lạnh ngào ngạt hương, tắm cho đại bồ-tát. Bốn vị đại phạm thiên ở cõi trời Tịnh Cư đứng bốn góc, giăng tấm lưới bằng vàng mịn đỡ thân đại bồ-tát không cho rơi xuống đất. Họ nói thoảng vào tai lệnh bà Mahāmāyā rằng:
    - Xin hoan hỷ chúc mừng hoàng hậu. Vị ấu nhi này sẽ là một bậc thiên hạ vô song, trí tuệ và đức hạnh khắp cả ba cõi, sáu đường không ai dám sánh. Ngài chính là một bậc Vô thượng Chí tôn.

    Lời vừa dứt, Tứ đại Thiên vương đã che chiếc lọng báu và đưa tấm nhung mịn tiếp bồng ngài, rồi trao qua cho cung nữ ẵm ngài trên tấm lụa Dukūla.
    Bỗng, Đại Bồ-tát vùng đứng dậy, đi về hướng Đông bảy bước, dưới đất trồi lên bảy hoa sen đỡ gót chân ngài, có hai vị thiên bưng năm món triều phục của Chuyển luân Thánh vương đi hầu hai bên. Đại bồ-tát một tay chỉ thượng, một tay chỉ hạ, nói lên câu kệ:


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  6. #106
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Aggohamasmi lokasmiṃ
    Seṭṭho jeṭṭho anuttaro
    Ayamantimāme jāti
    Natthi dāni punabbhavoti.


    Nghĩa là: “Ta là chúng hữu tình cao quý và lớn hơn tất cả các loài trong tam giới. Đây là kiếp cuối cùng của ta. Ta sẽ không còn luân hồi tái sanh nữa”.

    Kinh kể rằng, ngay khi đại bồ-tát đản sanh, vì do túc duyên ba-la-mật từ nhiều a-tăng-kỳ kiếp, lúc ấy cùng có bảy nhân vật đồng sanh để trợ duyên cho quả vị Chánh Đẳng Giác: 1.Công chúa Yasodharā; 2.Ānanda, con thân vương Amitodana, em ruột đức vua Suddhodana; 3.Channa, người hầu ngựa; 4.Kāḷudāyi, con một lão thần lương đống, sau này thỉnh đức Đại Giác về thăm Kapilavatthu; 5.Ngựa Kaṇṭhaka; 6.cây Bodhi, nơi Phật ngồi thành đạo; 7.Bốn hầm châu ngọc.


    Như vậy là nhằm ngày trăng tròn tháng Vesākha, năm sáu trăm hăm ba trước Tây lịch kỷ nguyên, tại kinh thành Kapilavatthu thuộc vương quốc Sakyā cổ kính, bên ranh giới Tây Bắc Ấn Độ thuộc xứ Népal ngày nay, dưới chân ngọn Himalaya hùng vĩ, trong vườn Lumbinī, đã giáng sinh một hoàng tử mà sau này trở thành giáo chủ của những giáo chủ, đạo sư của những đạo sư vĩ đại nhất trên thế gian, trong lịch sử loài người, đó là đức Siddhattha, họ là Gotama, vua cha là Suddhodana, mẫu hậu là Mahāmāyā.

    Đạo sĩ Asita sau khi đoán mộng cho ấu nhi, chắc chắn ba mươi lăm năm sẽ trởt hành một đức Chánh Đẳng Giác, đã nói với hoàng hậu Mahāmāyādevī như sau:

    - Tâu lệnh bà! Chư thiên và nhân loại rất cảm kích và tri ân lệnh bà đã cưu mang một bậc vĩ nhân, một hiện thân siêu phàm. Lệnh bà sẽ trở thành một vị Phật mẫu đúng theo đại nguyện của lệnh bà từ nhiều kiếp trước. Ân đức và phước báu của lệnh bà quá lớn, hàm tàng một năng lực quá mạnh, sợ rằng thân thể nặng nề ô trọc của thế gian tứ đại kia không đủ sức chở mang được nữa. Bảy ngày sau, lệnh bà sẽ từ bỏ nhục thân ấy, hóa sanh làm một vị thiên nam ởcung trời Tusita (Đâu-suất)! Rồi bốn mươi hai năm sau (Chỉ vào hạ thứ 7 của đức Phật, ngài đã lên cung trời Đao Lợi thuyết tạng Abhidhamma để độ Phật mẫu. Thiên tử Māyādevaputta đã từ Đâu Suất sang để thính pháp, đắc quả Tu-đà-hoàn.), khi nhân duyên tròn đủ, chính đức Chánh Đẳng Giác - con trai vĩ đại của lệnh bà, sẽ lên cõi trời Ba Mươi Ba thuyết pháp để trả nợ ân huyết sữa; và lệnh bà sẽ đắc quả Thánh ở đấy, vĩnh viễn sẽ không còn trở lại chốn trần gian đầy thống khổ này nữa!

    Thật quả như lời tiên tri của đạo sĩ Asita, bảy ngày sau, hoàng hậu Mahāmāyādevī không bệnh, mỉm cười lìa trần, tức khắc hóa sanh vào cung trời Tusita - có tên là Māyādevaputta.

    Ôi! Không ai dễ gì có đủ phước báu để làm mẹ của một vị Phật. Sử liệu còn ghi rõ rằng, trong rất nhiều Jātaka, bà đã làm mẹ của Đại Bồ-tát, như trong Alīnacitta, trong Kaṭṭhahari, trong Kurudhamma... bởi lời nguyện dưới chân đức Phật Vipassī chín mươi mốt đại kiếp về trước.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  7. #107
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Tỳ-khưu-ni Puṇṇikā

    (Cô gái nô lệ đội nước)




    Thân phận chiên-đà-la
    Như bọ hung đội phẩn
    Như dòi trong hầm xí
    Hôi hám và dơ dáy
    Bị mọi người coi khinh
    Bị xã hội ruồng bỏ
    Làm những việc hạ tiện
    Như nạo vét ống cống
    Như chùi rửa cầu tiêu
    Giặt vật dơ, vật uế
    Lau góc nhà, xó bếp
    Cạo nồi niêu, soong chảo
    Đội nước và gánh phân
    Chăn dê và chăn bò
    Ngủ hoang giữa chuồng trại
    Không tấm đắp, tấm nằm
    Quen muỗi lằn, sâu kiến
    Quen đất cát, bụi bẩn
    Nhận chửi mắng, đánh đập
    Chịu tra tấn, đòn vọt
    Là sở hữu của chủ
    Muốn làm gì thì làm
    Như kê chân, lót thân
    Như giải tỏa tình dục
    Rao bán như món hàng
    Chọn mông và chọn vú
    Chọn săn chắc, cơ bắp
    Có cả quyền giết chết
    Vì chúng không phải người
    Là con heo, con chó
    Là con bò, con trâu
    Là công cụ sản xuất
    Là công cụ phục dịch
    Nô lệ đến suốt đời
    Đổ mồ hôi, nước mắt
    Ăn cơm thừa, canh cặn
    Bệnh tật và ốm đau
    Mụn nhọt và lở loét
    Chết thì quăng bãi cốt
    Xương thịt lần rã hoại
    Tứ đại trả tứ đại
    Chỉ còn lại hư vô
    Nỗi đau và nỗi nhục
    Chỉ còn lại hư vô
    Kêu than không thấu trời
    Rên rỉ không đụng đất
    Thượng đế cũng ngoảnh mặt
    Vô cảm và vô tri
    Bỏ mặc cháu con ngài
    Tàn ác và bất nhân
    Cho trần gian tự diệt...



    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  8. #108
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Bài thơ kệ ngũ ngôn ấy đặc tả thân phận của hạng người bần cùng, hạ liệt, bất hạnh nhất trong xã hội Ấn Độ thời đức Phật. Họ bị đẩy ra khỏi bốn giai cấp, được gọi là chiên-đà-la. Họ sống lúc nhúc như sâu, như dòi trong các mương cống, trong những cái chòi rách nát, tối tăm như hang cáo, ổ chuột... bao giờ cũng cách ly với các giai cấp khác. Có một số tiện dân sống nô lệ mãn đời trong các trại sản xuất đủ loại như chăn nuôi, trồng trọt; trong các gia đình ông chủ lớn, ông chủ nhỏ như thương gia, tiểu phú, đại phú, bà-la-môn, quý tộc...

    Cô gái có tên là Puṇṇikā được nói lên ở đây là tiện dân, thuộc hạng người chiên-đà-la ấy. Nhưng cô lại được năm điều may mắn, diễm phúc hơn các cô gái khác cùng hạng. Một là cô có chút học hành, có kiến thức, tri thức. Hai là cô có sắc đẹp, tuy không hơn ai, nhưng mặn mà, duyên dáng, nổi bật hẳn trong chúng. Ba là cô được phước lành làm nô lệ trong đại gia tộc của trưởng giả Cấp Cô Độc (Āthapiṇḍika), một cận sự nam thuần thành của đức Phật, giàu tín tâm và lòng nhân ái. Bốn là cô có chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng, xiêm áo đầy đủ và ăn uống không hề thiếu thốn. Năm là cô được làm thường xuyên một công việc xem ra là nhẹ nhàng nhất, ấy là việc đội nước...
    Tuy nhiên, cô buồn, cô bực, cô chán, cô ghét, cô hận, cô luôn muốn bứt thoát ra khỏi gông xiềng, bẻ gãy cái lồng sắt để bước ra thế giới bên ngoài, muốn hít thở không khí trong lành và mát mẻ của tự do.

    Trưởng giả Cấp Cô Độc đối xử rất công bằng, rất tốt đối với bọn nô bộc, nô lệ; ông còn khuyên mọi người sống hiền lành, tập giữ ngũ giới, bát quan trai giới. Ai mà làm được thế, ông thưởng bằng nụ cười nhân hậu cùng với gạo tiền, vải vóc, mùng mền, xiêm áo... Ông thấy ai giỏi giang, chất phác, thuần hậu, chăm công, chăm việc trong một thời gian nào đó, ông sẵn sàng xóa bỏ đời sống nô lệ, muốn đi xuất gia theo Phật hay lập gia đình, cũng được, ông sẵn sàng tạo cho công ăn việc làm như một con người tự do!

    Puṇṇikā biết vậy nên cô luôn luôn cố gắng chăm chuyên, cần mẫn trong công việc đội nước và cô còn tự ý làm cả những việc ngoài bổn phận của mình. Giỏi giang thế nhưng dường như không ai thích cô bởi cái mặt luôn luôn hếch lên trời, bởi cách nói như luôn chứng tỏ sự hiểu biết của mình; bởi cái lưng làm ai cũng có cảm giác như luôn ưỡn lên, dựng thẳng lên; bởi cái nụ cười không bao giờ có vẻ tự nhiên, hồn nhiên mà là như biếm nhẽ, ngạo mạn; bởi cái giọng nói làm ai cũng cảm giác chua như dấm, đắng như trái bồ hòn! Đúng rồi, Đúng là cô quá cao ngạo, quá ngã mạn! Cô cao ngạo, ngã mạn trong khi giao tiếp, khi nói chuyện, trong việc làm, lúc ra đường và cả trong góc bếp. Đến nỗi cái cách đội nước của cô người ta ai cũng ghét - có cái gì đó chứng tỏ như: “Ừ, thì là việc của ta đấy! Ừ, ta là nô lệ đấy! Ừ, thì ta là vậy đấy!” Là nô lệ nhưng cô không bao giờ tránh mặt hay tránh bước chân các giai cấp khác. Gặp lúc phải nói chuyện với họ, cô xưng tôi và đối thoại như ngang hàng chẳng sợ gì cả. Cô chỉ kính nể có đức Phật, chư tăng ni giáo hội và ông bà chủ Cấp Cô Độc mà thôi. Vua chúa, bà-la-môn, tướng lãnh, quý tộc, đại phú gia, tiểu phú gia... cô cũng khinh khỉnh, không thèm kính trọng, hạ mình làm gì!


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  9. #109
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Puṇṇikā biết, khổ nổi là cô gái tự biết mà cô không thể thay đổi được; cái kiêu ngạo, ngã mạn ấy nó ngủ ngầm trong dòng nghiệp rồi, tạo nên bản chất, cá tính sâu dày mất rồi. Cô không thể học được sự khiêm cung, nhún nhường, từ tốn, bao dung, rộng lượng, nhân ái như ông Cấp Cô Độc được. Đôi khi cô cũng tự thẹn, thấy ghét mình, căm mình... nhưng sáng ngày ra, tánh nào tật ấy, không thay đổi được. Cái cao ngạo, ngã mạn là một cái gì như năng lực ngầm, lại cuốn hút cô đi, tác động lên thân, lên khẩu, lên ý trong sinh hoạt hằng ngày...

    Hôm kia, vào một ngày đông lạnh, cô lại đi đội nước như thường lệ, chuyến này rồi chuyến khác. Đầu tiên, khi thò cái hũ xuống nước, bàn tay của cô tê cóng, như bị đóng băng, có cái gì nghe bì bõm, khẽ nhìn ra xa, một người đàn ông bà-la-môn tím thâm cả mặt mũi đang tắm rửa, cọ xát trong dòng nước lạnh buốt. Cô rủa thầm: “Rửa tội ư? Quả là một tin tưởng ngu nghếch! Cái đầu óc của ông đạo sĩ kia có lẽ làm bằng đất sét chăng? Bằng cái mê muội đặc sệt, trơ lì, đóng chai trong tâm thức truyền đời nên tư duy, hiểu biết không thể động cựa, nhúc nhích được chăng? Rõ thảm!”

    Nâng được hũ nước lên bờ, cô rướn lưng đứng thẳng, quay sang phía ông đạo sĩ, ngửa mặt lên trời, nói lớn:

    - Chà, tôi vọc nước, múc nước trong cái giá băng của dòng nước, tôi chịu khổ sở là vì công việc, là vì thân phận nô lệ, là vì sợ bị chủ rầy, chủ phạt, chủ đánh. Còn ai kia là tại làm sao vậy ha? Không biết là do sợ hãi điều gì, ai rầy, ai phạt, ai đánh mà phải chịu khổ sở, tím tái trong dòng nước lạnh buốt kinh khủng như thế- này hỡi người bà-la- môn!

    (Phỏng dịch từ đoạn Pāḷi: Udahārī ahaṃ sīte sadā udakamotariṃ,ayyānaṃdaṇḍa bhayabhītā vācādosabhayaṭṭitā. Kassa brāhmaṇa tvaṃbhīto sadā udakamotari, vedhamānehi gattehi sītaṃ vedayase bhusaṃ).

    Người bà-la-môn ấy tên là Sotthiya - cũng là một đạo sĩ hữu danh - thấy cô gái đội nước, hạng tiện dân lại nói trống không, kiêu ngạo như thế, ông giận run. Cố gắng kiềm chế cơn giận, ông nói:

    - Ta nghe ông trưởng giả Cấp Cô Độc có một cô gái nô lệ, không cam chịu thân phận mình mà thường hống hách, vô lễ, cao ngạo - có tên là Puṇṇikā; với miệng lưỡi chanh chua như vậy thì đúng Puṇṇikā là cô đây rồi. Nhưng ta cũng không chấp làm gì!

    Rồi ông nói tiếp:

    - Này cô Puṇṇikā! Chính cô biết rõ ta tắm trong nước là ta muốn tẩy uế, muốn rửa cho sạch hết tội lỗi nơi thân, nơi tâm - là cái tín ngưỡng thiêng liêng của đạo bà-la-môn từ ngàn xưa mà! Tại sao đã biết rồi mà cô lại giả vờ muốn hỏi? Cái cách hỏi của cô dường như là muốn chất vấn, muốn chỉ trích cái cách ta đang ngăn điều ác, bằng việc làm lành tốt như thế này hay sao? Bất cứ ai dù già, dù trẻ mà trước đây đã từng tạo nghiệp bất thiện qua thân, khẩu ý - nếu được tắm rửa thường xuyên trong dòng nước mẹ thiêng liêng liêng này - thì đều được giải trừ tất cả mọi ác nghiệp, mọi tội lỗi! Cô không biết thế sao?

    (Phỏng dịch từ đoạn Pāḷi: Yo vuḍḍho daharo vāpi pāpakammaṃ pakubbati,dakābhisiñcanā bhoti pāpakammā pamuccati. Uttarantassa akkhāsiṃ dhammatthasaṃhitaṃ padaṃ,taṃ ca ñatvā sa saṃviggo pabbajitvā ’rahāahu).

    Cô gái chợt cười hì hì:

    - Trâu bò tắm sông còn nhiều hơn cả các ông đạo sĩ bà-la-môn. Chắc bây giờ trâu bò quanh hai bờ sông Gaṅgā đều đã thành thánh cả rồi, phải vậy không, thưa ngài?

    Nghe cô gái nói “trâu bò”, ông Sotthiya giận run:

    - Ngươi dám...

    - Phải! Tôi dám chứ! Nếu ngài rửa tội trong bao năm, chắc hẳn ngài sẽ thành thánh trước cả trâu, cả bò, thưa ngài!

    Đạo sĩ Sotthiya giận run lẩy bẩy. Vừa lạnh, vừa giận - nhưng ông không đáp nổi trước cô gái quá quắt!
    Cô gái cười dài như cố chọc giận thêm:

    - Đạo sĩ nếu đã thành thánh thì chắc không còn giận, không còn sân, ở đây thì ngược lại. Chứng tỏ gì? Chứng tỏ quan niệm tắm nước sông Gaṅgā tẩy sạch hết tội lỗi là một tín ngưỡng sai lầm, si ngốc!


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  10. #110
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Đạo sĩ Sotthiyta im sững, không đáp được.
    Cô gái tấn công tiếp:

    - Nước chỉ rửa sạch thân thể, không thể rửa sạch cái tâm được, thưa đạo sĩ khả kính! Bằng chứng là cái tâm tham, sân, si của đạo sĩ vẫn còn y nguyên. Phải biết nhúc nhích cái đầu óc một chút mà tư duy cho đúng đắn, chân chính và sâu sắc hơn...

    Thấy đạo sĩ có vẻ im lặng lắng nghe, cô gái chậm rãi thuyết giảng:

    - Ông chủ của tôi, trưởng giả Cấp Cô Độc từ khi gặp giáo pháp của đức Phật Cù-đàm, ông cúng dường gần hết cả gia sản mà ông luôn tươi cười, vui vẻ, rộng lượng, tham sân si gì đó dường như diệt mất gần hết. Ổng như ông thánh vậy đó. Tu vậy mới gọi là tu! Còn ông thì sao nào? Chẳng biết tu làm sao cả! Vậy là nhờ cái nước song ngu ngốc kia tu giùm, nó rửa tội giùm cho! Hãy tỉnh trí lại đi! Hãy bỏ cái đạo si mê kia mà tu theo giáo pháp của ông Phật Cù-đàm đi!

    Trời lạnh, nước lạnh mà “bài giảng” của cô gái “trời đánh thánh vật” càng làm cho ông bà-la-môn lạnh hơn.Nhờ lạnh hơn cho nên ông tỉnh ngộ, thời gian sau, ông bỏ tất cả xin xuất gia tỳ-khưu trong giáo pháp của đức Đạo sư và trở thành một vị A-la-hán.
    Còn cô gái? Hôm kia, trưởng giả Cấp Cô Độc kêu cô lại và nói:

    - Con đã làm việc rất tốt trong bao nhiêu năm qua, hôm nay ta tuyên bố là sẽ xóa thân phận nô lệ cho con. Vậy
    đời mình từ đây về sau như thế nào, con hoàn toàn tùy nghi chọn lựa. Ta hứa sẽ giúp con.

    - Thưa chủ! Cho con xin được xuất gia như thanh niên Dasaka mà trước đây chủ đã cho chàng ta thoát khỏi than phận nô lệ.


    Ông trưởng giả hoan hỷ mỉm cười gật đầu:

    - Ừ! Con còn nhớ chuyện Dasaka à? Đức Thế Tôn rất khen ngợi. Bây giờ vị ấy đã là một bậc A-la-hán.

    Thế rồi, cô gái được xuất gia, và thời gian sau tỳ- khưu-ni Puṇṇikā đắc quả A-la-hán, đầy đủ thắng trí thần thông và luôn cả bốn tuệ phân tích. Cô đã sử dụng sự biện tài, thông thái của mình để hàng phục chúng ngoại đạo mồm mép, đem lại lợi lạc tối thượng cho rất nhiều người.

    Hôm kia, sau giờ nghỉ ngơi, thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả, tỳ-khưu-ni Puṇṇikā dùng thiên nhãn thông, thần túc thông, soi lại các kiếp sống xa xăm, được biết rằng, cô đã có nhân duyên với chư Chánh Đẳng Giác Vipassī, Sikhī, Vessabhū, Kakusandha và Koṇāgamana. Cô đã từng là một vịtỳ-khưu-ni gương mẫu, rạng ngời về giới hạnh, thu thúc nghiêm túc, nghe nhiều học rộng, giảng nói ý nghĩa về pháp và luật thâm sâu, quảng bác với ngôn ngữ biện tài, lưu loát như nước chảy mây trôi, đúng như dư âm từ quá khứ: “Do tu tập cô trở thành vị ni có đại trí tuệ, và do nghe nhiều cô trở thành vị ni thông thái” (Bhāvanāya mahāpaññā sutena ca sutāvinī). Vì coi mình có đại trí tuệ, coi mình là thông thái nên cô sinh ra cống cao ngã mạn, coi thường các vị trưởng lão ít học, khinh rẻ, mạt sát học chúng là ngu si, là đần độn. Cho nên, việc bị sanh ra trong gia tộc hạ tiện là do ngã mạn ẩn tiềm trong dòng nghiệp không bị tiêu hoại (Mānena nīcakulajā na hi kammaṃ vinassati.). Vì do nghiệp “ngã mạn” ấy nên kiếp này, tại thành phố Sāvatthi, trong giáo pháp của ThếTôn Gotama, cô sinh ra làm hạng tiện dân, nô lệ. Thấy nhân duyên và quả ba đời, tỳ-khưu-ni Puṇṇikā khẽ ngâm lên một câu kệ, như mặt trăng khẽ vén lớp mây mờ để soi chiếu vạn vật, núi sông, cây cỏ:

    Ngã mạn và kiêu căng
    Cống cao và tự đại
    Ỷ mình hay mình giỏi
    Cậy mình thông mình tài
    Chê mọi người ngu si
    Khinh thế gian cỏ rác
    Sinh làm người nô lệ
    Phải sống kiếp tiện nhân
    Gieo gì thì được nấy
    Pháp như thực như chân!


    Puṇṇikā - vị tỳ-khưu-ni A-la-hán xuất thân nô lệ bất giác mỉm nụ “tiếu sanh tâm” thơm ngào ngạt của trí tuệ hương và giải thoát hương.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •