DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 10/14 ĐầuĐầu ... 89101112 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 91 tới 100 của 137

Chủ đề: Con gái đức Phật

  1. #91
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Cận sự nữ Suppiyā

    (Cúng dường thịt đùi)



    Hôm kia, đức Phật và hội chúng dừng chân ở Isipatana (Vườn Nai), thấy trú xứ này chư Tăng khá đông và Tăng xá, cốc liêu cũng được sửa sang lại tương đối tươm tất. Một số chư vị trưởng lão như Assaji, Vappa, Yasa, Devadatta, Kaḷudāyi... trên đường du hóa nhiều nơi, đang có mặt ở đây, họ vô cùng hoan hỷ.

    Trong lúc hầu chuyện với đức Thế Tôn, các vị trưởng lão cho biết, ở bên này sông Gaṇgā thì giáo pháp phát triển tốt, nhưng bên kia sông, tại Bārāṇasī ngoại giáo vẫn đang hưng thịnh. Quần chúng vẫn nghiêng nặng về cúng tế, cầu nguyện chư thần ban phúc, tiêu tai giải họa với những nghi lễ cổ truyền. Các giáo phái khổ hạnh cực đoan vẫn được sự tôn trọng, ngưỡng mộ của quần chúng ngu si, cuồng tín.

    Nhân tiện, trưởng lão Yasa than phiền với đức Phật về trình độ yếu kém, giới hạnh lôi thôi của một số vị tỳ- khưu sơ tu, nơi này và nơi khác làm mất đức tin của quần chúng. Tại Bārāṇasī này cũng không ngoại lệ. Rồi trưởng lão kể hầu cho đức Phật nghe một câu chuyện vừa mới xảy ra làm cho Tăng chúng bàng hoàng, giới cư sĩ xôn xao và dư luận khắp nơi đang bàn tán không có lợi cho giáo hội chút nào.
    Hơn ai hết, đức Phật đã biết chuyện gì, và đó cũng là lý do mà ngài dừng chân ở đây, nhưng ngài vẫn hỏi cho có lệ:

    - Ông cứ nói! Như Lai nghe đây!

    - Bạch đức Thế Tôn! Tại Bārāṇasī này có gia chủ Suppiya, cả vợ lẫn chồng đều là bậc có trí, có đức tin vững mạnh và có tâm hộ độ chư Tăng như giếng nước đầy bên ngã tư đường.

    Thường thường, cả hai vợ chồng hay đến đây, thăm hỏi chư tăng, xem ai có nhu cầu gì về tứ sự, nhất là thiếu thức ăn, vật uống gì hay đau ốm gì để họ cúng dường kịp thời. Lợi dụng điều đó, có một số phàm Tăng thường đưa ra những yêu cầu quá đáng theo sở thích của mình, chẳng biết đủ, chẳng biết dừng. Cách đây ba hôm, nữ cận sự Suppiyā cũng làm vậy, vào buổi chiều, đã đi bên ngoài từ cốc liêu này sang cốc liêu khác hỏi thăm chư Tăng, ai bị bệnh, ai cần thuốc men gì, thì có một vị tỳ-khưu có nhu cầu về thịt. Ông ta nói là vì uống thuốc xổ quá liều, nên cứ đi xổ liên tục, suốt mấy ngày không còn hơi sức, không còn một chút khí lực nào, nên thầy thuốc và bạn hữu bảo là phải cần cháo thịt mới lấy lại sức khỏe được.

    Nữ cận sự Suppiyā đáp:

    - Thưa ngài, ngày mai đệ tử sẽ dâng cúng món thuốc trị bệnh ấy.

    Về nhà, nữ cận sự Suppiyā bảo gia nhân ra chợ mua loại thịt đã được làm sẵn (pavattamaṃsaṃ). Nhưng ngày hôm ấy, thuộc ngày lễ ăn ngũ cốc rau trái của đạo sĩ bà-la- môn luyện thần chú nên khắp phố phường, chợ búa chẳng tìm ra được một chút thịt gì, gia nhân đành về thưa lại với nữ chủ sự thực như vậy.

    Nữ cận sự Suppiyā tự nghĩ:

    - Đã hứa thì không thể sái lời. Lại là lời hứa đối với một vị tỳ-khưu thì lại càng không thể thất tín. Vả lại, nếu uống thuốc xổ đã sức cùng, lực kiệt, nếu không có cháo thịt để tẩm bổ thì cơ thể lại càng suy giảm, nguy hại tính mạng hơn nữa!

    Nghĩ thế xong, nữ cận sự Suppiyā vào phòng kín, lấy con dao hơ lửa sát trùng rồi vén xiêm, cắt một miếng thịt đùi. Với dụng cụ đâu đó đã được chuẩn bị sẵn, bà tự băng bó vết thương cho mình, trấn tĩnh cơn đau, ra ngoài, trao miếng thịt cho một nữ gia nhân thân tín:

    - Hãy tức khắc hầm cháo rồi mang đến Vườn Nai dâng cho vị tỳ-khưu bị bệnh.

    Bảo thế xong, bà quay vào trong, cặn kẽ dặn dò số gia nhân còn lại:

    - Có ai thăm hỏi, kể cả phu quân của ta, nói là ta bị ốm bệnh, đang nằm nghỉ trong phòng.

    Người chồng, nam cận sự Suppiya đi công việc về, hỏi thăm vợ, vào thăm, ân cần hỏi nguyên nhân bệnh. Đối với chồng, bà thật tình kể lại, không dám giấu giếm điều gì.

    Nghe xong, thay vì nổi giận, thay vì buồn rầu, ông ta cảm thán, hoan hỷ thốt lên:

    - Ôi! Thật là kỳ diệu thay! Thật là phi thường thay là về tâm, về trí, về đức tin của người bạn đời thương quý của ta! Nàng đã an trú vào giáo pháp một cách vững chắc, không lay động, hơn cả ta nữa đấy, nàng biết không? Bởi vì, ngay miếng thịt trên tấm thân ngọc ngà, ngàn vàng này mà nàng còn cắt bỏ đi được thì những vật ngoại thân khác, có gì mà nàng không xả ly được cơ chứ ?


    _ Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Yasa nói tiếp - Sau đó, nam cận sự Suppiya hôm qua đã đến đây gặp đệ tử, có mặt chư tôn giả Vappa, Assaji... kể lại chuyện trên với tâm hân hoan không diễn tả được. Đệ tử tự nghĩ: Vợ chồng gia chủ kia thật là tuyệt vời; tâm, trí, công hạnh, đức tin gì gì cũng bất khả tỷ, bất khả tri lượng. Chúng đệ tử kính trọng họ vô cùng. Nhưng theo đệ tử, thiển kiến của đệ tử thì vị tỳ-khưu kia đã hơi quá đáng, có mấy vấn đề cần phải nghiên cứu, rà soát lại; cụ thể, là có hai điều nên được đức Thế Tôn quan tâm, giáo giới!

    - Ừ, ông cứ nói! Như Lai nghe đây!

    - Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Sāriputta lúc bị bệnh đau bụng, chỉ tình thực kể lại chuyện về món cháo ăn vào là lành bệnh thuở còn tại gia cho tôn giả Moggallāna nghe. Chư thiên biết được, mách bảo thí chủ dâng cúng món cháo ấy cho tôn giả Moggallāna, nhưng tôn giả Sāriputta không chịu thọ dụng, bảo đấy là do gợi ý mà có, là tà mạng. Câu chuyện ấy là cả một tấm gương soi rạng ngời cho Tăng chúng. Vị tỳ-khưu bị bệnh kia gợi ý về món cháo thịt, là tà mạng rồi, bạch đức Thế Tôn!



    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  2. The Following User Says Thank You to Hoàng Mai For This Useful Post:

    senvang (12-01-2015)

  3. #92
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    - Ừ, Như Lai rõ rồi! Còn điều thứ hai?

    - Có lẽ, khi một vị tỳ-khưu thọ thực, phải suy luận, phải quan sát, phải để tâm xem thử thịt ấy là thịt gì... chứ chẳng lẽ nào thịt gì cũng dùng được? Câu chuyện cận sự nữ Suppiyā cắt thịt đùi của mình để nấu cháo dâng cúng cho vị tỳ-khưu kia, quả thật là xúc động đến quá nhiều người, bạch đức Tôn sư!

    - Chính xác! Như Lai sẽ để chuyện ấy vào những điều học mà chư tỳ-khưu phải thọ trì!


    Câu chuyện vừa bàn xong thì nam cận sự Suppiya cũng vừa đến Vườn Nai, vui mừng đảnh lễ đức Thế Tôn, sau đó ông cung kính thỉnh mời đức Phật và chư vị trưởng lão ngày mai đến gia đình để ông được thiết lễ đặt bát cúng dường.
    Hôm sau, khi đến tư gia, đức Phật ân cần thăm hỏi sức khỏe của nữ cận sự Suppiyā thì được biết, nàng đang bị sốt, còn nằm trên giường bệnh chưa ngồi dậy được.

    Đức Phật mỉm cười, nói với gia chủ Suppiya:

    - Không sao! Ông hãy ẵm bồng phu nhân ra đây để Như Lai thăm hỏi một chút nào!

    Khi ông Suppiya ẵm bồng bà vợ quỳ trước mặt đức Phật và chư vị trưởng lão, đức Phật chú tâm nhìn lướt một vòng từ đầu đến chân, nàng Supiyā cảm thấy một nguồn khí ấm áp, tê rần chạy khắp châu thân, cuồn cuộn một năng lượng lạ lùng, chữa trị ngay vết thương và sức khỏe cũng theo đó mà hoàn toàn hồi phục. Cận sự nữ Suppiyā vùng dậy trên tay chồng, quỳ phục bên chân đức Đạo sư, hân hoan, sung sướng thốt lên:

    - Ôi! Diệu kỳ thay là ánh mắt của đức Chánh Đẳng Giác! Chỉ cái nhìn lướt qua của ngài mà vết thương của đệ tử được liền lại, cảm giác nó đã đâm da non, và toàn thể thân sắc của đệ tử như trở lại thời còn là con gái.

    Ông Suppiya chăm chú nhìn vợ. Ông bán tín, bán nghi chuyện đang xảy ra trước mắt. Cô vợ của ông chợt như trẻ lại mươi tuổi, cả làn da, thân vóc, ánh mắt, nụ cười là của cô tiểu thư Suppiyā thuở còn xuân xanh!

    Cả hai quỳ sụp xuống, cảm động đến không thốt nên lời. Sau đó, họ hoan hỷ, phấn chấn, tự tay sớt vật thực thượng vị loại cứng, loại mềm đến đức Phật và chư vị trưởng lão.

    Lúc đã thọ thực xong, bàn tay vừa rời khỏi bình bát, ông bà gia chủ Suppiya và thân quyến quỳ xuống một bên, đức Phật với những pháp thoại đúng căn duyên, tăng trưởng niềm tin và đặt họ vững vàng bước chân theo chánh pháp rồi giã từ.

    Sự kỳ diệu về ánh mắt của đức Phật, từ đó nó lan nhanh cả kinh thành Bārāṇasī, ai ai cũng lấy đó làm câu chuyện đầu môi. Họ tôn kính năng lực siêu phàm của đức Chánh Đẳng Giác. Họ ngưỡng mộ đức tin cúng dường của nữ cận sự Suppiyā.

    Đức Phật còn ở lại Isipatana mấy hôm nữa. Ngài đã la rầy vị tỳ-khưu xin thịt, nhưng vì lý do lần đầu phạm tội nên chỉ giáo giới và khiển trách là chính.

    Đức Phật còn cặn kẽ bảo chư vị trưởng lão nên phổ biến điều học là vị tỳ-khưu khi thọ dụng phải để tâm quan sát xem thử đấy là thịt gì, dù nó đã thuộc tam tịnh nhục, để tránh phải thọ dụng thịt người! Ngoài ra, đức Phật cũng chế định loại thịt gì không được dùng, dựa theo tình cảm xã hội hoặc phong tục, truyền thống...

    Và tóm tắt những chế định ấy là như sau:

    - Thọ dụng thịt người, như trường hợp vừa xảy ra thì phạm trọng tội (thullaccaya).

    - Thọ dụng thịt mà không quán xét thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).

    - Thọ dụng thịt voi, thịt ngựa, thịt rắn, thịt chó, thịt sư tử, thịt cọp, thịt beo, thịt gấu, thịt chó sói... đều phạm tội tác ác (dukkaṭa)...

    Đức Phật chỉ chế định chừng ấy rồi lại cùng với hội chúng lên đường...

    Như vậy, cận sự nữ Suppiyā được xem là người cúng dường một phần thân thể của mình, độc nhất trong giáo hội của đức Đạo sư; và cũng được xem như nàng đã bố thí ba-la-mật bậc trung, noi gương đức Phật trong nhiều kiếp sống lúc còn là Bồ-tát vậy.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Hoàng Mai For This Useful Post:

    choconxauxi (11-27-2015),senvang (12-01-2015)

  5. #93
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Mẹ Mātikagama!

    (Người hộ độ tuyệt vời)



    Có sáu mươi vị tỳ-khưu, sau khi xin được đề mục thiền quán từ đức Đạo sư, họ bèn lìa xa thành phố ồn ào tìm đến một nơi xa xôi, vắng vẻ để công phu hành trì. Tại một ngôi làng sơn cước, có tên là Mātikagama, thấy khung cảnh yên tĩnh, sông núi tươi xanh, dân cư trù mật, họ nghĩ, nơi này tu tập thì thật là tốt.

    Vị tỳ-khưu lớn tuổi nhất, được xem như là bậc trưởng lão liền dẫn đầu hội chúng, đi vào làng để trì bình khất thực. Có người mẹ của người thôn trưởng, trông thấy chư Tăng, bà rất hoan hỷ, bèn thỉnh vào nhà để đặt bát cúng dường. Bà còn huy động nhà này nhà kia chung tay hùn góp vật thực cho cả sáu mươi vị đều được đầy đủ.

    Trong một khu vườn, khi chư Tăng đã thọ thực xong, bà mẹ người thôn trưởng tìm đến thưa hỏi để biết các vị sẽ đi đâu, về đâu - thì vị trưởng lão trả lời:

    - Này mẹ! Chúng tôi định kiếm một nơi yên tĩnh, một nơi khất thực vừa đủ dùng để tu tập.

    Bà hỏi:

    - Thế quý ngài thấy nơi này có được không?

    - Nơi này khá lý tưởng, thưa mẹ!

    - Vậy thì chúng tôi xin thỉnh quý ngài ở đây; và mỗi nhà, mỗi nhà sẽ cúng dường đặt bát hàng ngày cho quý ngài, khỏi cần phải đi đâu xa nữa.


    Vị trưởng lão và chư Tăng im lặng nhận lời.

    Bà mẹ người thôn trưởng khi được biết thái độ im lặng ấy là chấp thuận, bà rất hoan hỷ rồi tỉ mỉ thăm hỏi cách thức làm nhà hội họp, các cốc liêu lác đác nơi này nơi kia như thế nào để dân chúng trong làng cùng chung tay lo liệu. Sau khi nắm bắt rõ nhu cầu cư trú, sinh hoạt của chư Tăng rồi, bà còn hỏi tiếp là bà và mọi người có thể tu tập được không, bắt đầu như thế nào, tuần tự từ thấp lên cao như thế nào. Vị trưởng lão cặn kẽ nói về tam quy, ngũ giới, bát quan trai giới, bố thí cúng dường... tuy rất khái quát nhưng khá đầy đủ cho một cận sự nữ phải hành trì.

    - Vậy thì một số trong chúng tôi sẽ xin thọ trì tam quy, ngũ giới, bát quan trai giới, sau đó xin quý ngài hướng dẫn tiếp cho những bước cao hơn.

    Lựa chọn một khoảng đất rộng ven rừng, dân làng phụ nhau làm một căn nhà hội, rồi lác đác bên những cội cây, sườn đồi, ven suối... xa gần xung quanh nhà hội, họ làm thêm những cốc liêu, những mái lợp, những vòm che... tuy tạm bợ nhưng cũng là chỗ tu tập khá tốt trong bốn tháng an cư mùa mưa cho chư Tăng.

    Khi đâu đó đã xong xuôi, vị trưởng lão tụ họp chư Tăng ở căn nhà hội rồi nhắc nhở rằng:

    - Được bà mẹ và dân làng lo cho đầy đủ tứ sự như thế này thì chúng ta không thể biếng nhác, giải đãi được. Phải tu tập cho tốt, hành đạo cho đàng hoàng; nếu không, tám cảnh địa ngục1 sẽ mở cửa ra, chào đón những ông chủ là chúng ta, sắp trở về nhà đấy.

    Cả hội chúng tỳ-khưu im lặng lắng nghe một cách rất nghiêm túc; vị trưởng lão chậm rãi nói tiếp:

    - Không nên đứng, ngồi hay ở chung hai vị cùng một chỗ, ngoại trừ mỗi buổi sớm tụ hội ở đây để đi vào làng với y bát được chăm sóc, lục căn phải thu thúc, râu tóc trông sạch sẽ, tướng mạo cần trang nghiêm để nuôi dưỡng đức tin cho mọi người. Hãy tâm niệm ta là người không phóng dật, ta là người có chú niệm, có tinh cần, có ý chí duy trì phạm hạnh. Sau khi đi trì bình trở về, chúng ta gặp nhau ở đây, quét dọn trong ngoài, sắp đặt chỗ ngồi, ghè nước, giẻ chùi chân... đâu đó xong xuôi rồi cùng thọ thực trong yên lặng. Ngọ trai xong, dọn dẹp sạch sẽ đâu đó một lượt nữa, không bàn chuyện phiếm, không trao đổi chuyện vô ích rồi vị nào trở về liêu cốc của vị nấy, tấn tu chỉ quán. Chư huynh đệ có đồng ý như thế không?

    - Thưa, hoàn toàn nhất trí.

    - Khi có người bị bệnh hoặc phát giác có trường hợp cấp bách như gió bão, lửa, đạo tặc phá phách, hoặc cần họp Tăng do có khách đặc biệt, do chư vị trưởng lão ghé thăm, do thí chủ cần thưa thỉnh việc gì... thì ở đây hằng ngày sẽ có người báo trực, đánh lên ba hồi bảng gỗ, khi ấy chúng ta mới xả thiền, yên lặng đi về nhà hội... Chuyện ấy nữa, huynh đệ có thêm ý kiến gì nữa chăng?

    - Thưa, rõ rồi! Đầy đủ quá rồi!

    - Đây là bản giao ước bất thành văn. Chúng ta nghiêm túc chấp hành chứ?

    - Thưa vâng!


    Thế rồi, ai về chỗ trú cư nấy. Họ tu hành rất tốt, rất có hiệu quả. Ai cũng thành tựu được ấn chứng này, thành quả khác.

    _________________________

    1 Tám cảnh địa ngục là: 1, Địa ngục Sañjīva: Chúng sanh bị gươm đao đâm chém, gậy gộc đánh đập, cối xay nghiền giã; nhưng khi có gió mát thổi tới thì tỉnh lại, sống lại như cũ nên gọi là Sañjīva (sống lại). 2, Địa ngục Kāḷasutta: Chúng sanh bị sợi dây thừng đen (kāḷa là đen, sutta là sợi dây) căng tứ chi ra rồi cưa, cắt chặt tứ chi, thân thể ra từng khúc. 3, Địa ngục Saṅghāta: Những tội nhân tụ họp nhau lại (saṅghāta) mà cắn xé nhau. 4, Địa ngục Roruva: Tội nhân chịu nhiều cực hình, đau khổ quá nên kêu la, khóc gào (roruva) thảm thiết 5, Địa ngục Mahā roruva:Như 4 nhưng kinh khiếp hơn nên gọi là đại (mahā). 6, Địa ngục Tāpana: Tội nhân bị lửa thiêu cháy làm cho thân thể khô héo (tāpana), lụi tàn dần dần, đau khổ không kể xiết. 7, Địa ngục Mahā tāpana: Như 6 nhưng gia bội lửa cháy kinh khiếp hơn. 8, Địa ngục Avīci: Tội nhân chịu cực hình liên tục, không gián đoạn nên còn gọi là vô gián (Vīci là khoảng cách, avīci là không khoảng cách, không gián đoạn). Tám địa ngục này trong Luận Câu Xá lần lượt ghi nghĩa tương đương là: Đẳng hoạt, hắc thằng, chúng hợp, khiếu hoán, đại khiếu hoán, viêm nhiệt, đại viêm nhiệt, vô gián (Rất nhiều tự điển Phật học có ghi và có giải thích).


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  6. The Following User Says Thank You to Hoàng Mai For This Useful Post:

    senvang (12-01-2015)

  7. #94
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Hôm ấy, vào buổi chiều, bà mẹ người thôn trưởng dẫn theo mấy chục người gồm con cái, dâu rễ, cháu chắt rất đông cùng mang theo bơ, đường, sữa, dầu thắp, dầu thoa, thuốc ngừa bệnh đi đến căn nhà hội. Nhưng nhìn xung quanh, họ không thấy một ai. Chỉ có một vị tỳ-khưu trẻ ở đâu đó vì thấy đông người nên bước lại. Họ hỏi:

    - Các ngài đi đâu cả rồi, thưa sư?

    - Vị nào cũng tìm chỗ cho mình để tu tập.

    - Nhưng sao các cốc liêu quanh đây cũng không có ai?

    - Thấy trời tạnh ráo, mát mẻ như thế này, các vị muốn tìm một hốc đá, một cội cây nào đó trong rừng...

    - Vậy nếu muốn gặp các ngài thì phải làm sao?


    Vị tỳ-khưu mỉm cười trả lời:

    - Hôm nay tôi trực canh. Để tôi gọi các ngài xuống.

    Nói xong, vị tỳ-khưu lấy khúc cây đánh ba hồi bảng gỗ. Lát sau, từ đâu đó trong rừng, hướng này, hướng kia, lần lượt chư vị tỳ-khưu đi xuống căn nhà hội, rất lặng lẽ, riêng từng người, không ai đi chung với ai.

    Thấy tình hình vậy, một ý nghĩ khởi sanh trong tâm bà mẹ: “Thế là các con trai của ta (mamaputta) bất hòa với nhau rồi! Đã không thèm đi chung với nhau mà còn không hề nói chuyện với nhau nữa!”

    Khi chư Tăng đã tụ họp đầy đủ trong căn nhà hội, bà mẹ cùng mọi người đến đảnh lễ, dâng mọi thứ vật dụng mang theo.
    Rồi bà mẹ nhìn vị trưởng lão cất tiếng hỏi:

    - Chư Tăng có chuyện bất hòa hay sao, thưa ngài?

    - Không có chuyện đó đâu! Chư sư ở đây sống rất hòa hợp, thưa mẹ!

    - Thế tại sao mọi người đi riêng lẽ, sống riêng lẻ, lại còn không hề nói chuyện với nhau?

    - Ai cũng đang nghiêm túc, chú mục chánh niệm, tỉnh giác để thực hành sa-môn hạnh đó, thưa mẹ!

    - Pháp tu sa-môn hạnh đó ra sao, thưa ngài?


    Vị trưởng lão đành phải giải thích từ việc mặc y, mang bát, đi trì bình khất thực phải chánh niệm ra sao. Trên đường đi phải thu thúc làm sao, về đến căn nhà hội phải thọ thực như thế nào. Sau đó, mỗi người tự tìm chỗ riêng lẻ để tu tập các đề mục thiền định hay thiền quán... Từ tờ mờ sáng cho đến tận đêm khuya, một vị tỳ-khưu không được lơ là thất niệm, không được phóng dật, giải đãi ra sao... Tất cả, vị trưởng lão đều giải thích rất cặn kẽ.

    Nghe xong, bà mẹ tán thán:

    - Thật tuyệt vời làm sao là sa-môn hạnh!

    Rồi bà dè dặt hỏi:

    - Thế cái sa-môn hạnh ấy, tôi thực hành chút chút được không? Chút chút ấy có đem lại lợi ích thật sự cho tôi không?

    - Được chứ!
    Vị trưởng lão hoan hỷ nói - Mẹ cũng có thể tu tập được, cứ từ từ đi từ cạn vào sâu thì có thể thành tựu được an lạc và hạnh phúc trong đời này và nhiều đời sau nữa đó!

    - Vậy thì xin ngài hãy chỉ dạy cho tôi!


    Thế là vị trưởng lão hướng dẫn cho bà mẹ cách niệm ba hai thể trược, quán bất tịnh của thân. Rộng hơn một chút, nói về các đề mục khác thuộc các định khác nhau. Sâu hơn một chút nữa, giải thích thế nào là danh tâm, sắc tướng; cái gì gọi là ngũ uẩn; cái gì được gọi là danh và sắc; và sau cùng, phải nhìn ngắm, quán chiếu ra sao để thấy rõ tam tướng vô thường, dukkha, vô ngã của chúng...


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  8. The Following User Says Thank You to Hoàng Mai For This Useful Post:

    senvang (12-01-2015)

  9. #95
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Hóa ra, bà mẹ tuy lớn tuổi mà nắm bắt rất nhanh rồi về nhà tu tập cũng tiến bộ rất nhanh như vậy. Trong vòng mới hơn bảy ngày mà bà đã xả ly, ly tham khá nhẹ nhàng rồi lần lượt đi từ các định từ cạn vào sâu. Ít hôm sau nữa, bà mẹ quán danh sắc, ngũ uẩn thấy rõ sanh diệt, thấy rõ các pháp trống không, vô ngã; bà chứng quả A-na-hàm, có tuệ phân tích, có luôn cả tha tâm thông.

    Sau khi thọ hưởng an lạc của thiền, an lạc của đạo quả siêu thế, trở lại cận hành định, bà mẹ suy nghĩ: “Thật vi diệu và thù thắng thay là pháp sa-môn hạnh. Mình mới tu tập chút ít mà thu hái thành quả như thế này thì chắc các con trai của ta phải là mùa màng bội thu, sum suê trái quả!”

    Tò mò, bà mẹ hướng tha tâm thông rà soát một lượt tâm ý sáu mươi vị sư lác đác nơi này và nơi khác - thì bà thấy rõ, hóa ra chưa ai được cái gì cả, thiền chứng cũng như đạo quả. Các trở ngại của các vị là tham nhiều, sân nhiều, phóng tâm, trạo cử nhiều, các tưởng quá khứ chi phối nhiều nên không trú tâm được. Và trên tất cả, cụ thể nhất là máu huyết, khí huyết của các vị có cái gì đó bất ổn, có cái gì đó bị xáo trộn. Thân bất an kéo theo tâm bất an. “Hóa ra là do vật thực không thích hợp mà sinh ra!” Kết luận như vậy xong, hôm sau, bà mẹ sắm sanh, nấu nướng nhiều thức ăn khác nhau, đầy đủ chất béo các loại, chất ngọt các loại, chất bùi, chất đắng, chất cay, chất xơ các loại... rồi thỉnh chư Tăng độ thực ở căn nhà hội.

    Quả thật, nhờ vật thực thích hợp, tối hôm ấy, bà mẹ thấy chư Tăng hành thiền tốt hơn, có vị đã an trú tâm, có vị đã đi vào cận hành định, có vị quán danh sắc, ngũ uẩn rất có hiệu quả.

    Hôm sau, hôm sau nữa, bà cụ yêu cầu chư Tăng sau khi đi trì bình khất thực quanh làng, trở về căn nhà hội thì cho bà được cúng dường thêm. Và ai cũng ngạc nhiên, không hiểu làm sao mà bà cụ thường đặt bát cho từng vị những món mà họ cần, những món mà họ thích! Có lạ gì đâu, bà đã âm thầm theo dõi từng vị nên biết rõ nhu cầu cơ thể của từng người.

    Nhờ sự hộ độ siêu việt của bà mẹ, trải qua gần mùa an cư, cả sáu mươi vị tỳ-khưu đều đắc quả A-la-hán!
    Ngày cuối cùng chư Tăng tụ họp ở căn nhà hội. Vị trưởng lão nói:

    - Khi đến đây, chúng ta đều là kẻ vô văn phàm phu; sau an cư mùa mưa, chúng ta đều chứng quả vô học, vô vi, giải thoát. Công lao ấy, công đức ấy, ai trong chúng ta cũng biết rõ là do nhờ bà mẹ của chúng ta: Một vị thí chủ hộ độ tuyệt vời. Vậy trước khi về Kỳ Viên yết kiến đức Đạo sư, chúng ta hãy đi chào bà mẹ, tri ân bà mẹ và chào cả dân làng đã cưu mang, hộ độ tứ sự chu đáo bấy lâu.

    Thế rồi, dẫn đầu là vị trưởng lão, chư Tăng ôm bát đi vào làng. Gặp bà mẹ, và gặp cả dân làng, họ nói lời tri ân và từ giã. Bà mẹ cười:

    - Từ rày, tôi không dám gọi các ngài là “con trai của ta” nữa! Tâm các ngài ở cao hơn, tôi tìm mà không thấy.Thật là kỳ diệu. Tôi thật là hạnh phúc để được hộ độ.Tôi thật hạnh phúc khi các ngài đã cho ngôi làng này, thọ thần và thiên thần ở đây cũng được an lạc theo. Về gặp đức Đạo sư, hãy cho tôi được gởi lời chào kính, tri ân bậc Vô Thượng Giác!

    Vị trưởng lão cũng cười, chân tình khuyên bảo:

    - Mẹ đừng nên quá đi sâu vào các thắng trí; chỉ cần miên mật quán những ái vi tế của sắc và vô sắc, quán những dính mắc vi tế của ngã ở nơi thọ, tưởng và tâm hành là làm xong những việc cần phải làm trên đời này!

    Bà mẹ chợt quỳ sụp xuống:

    - Đúng là vậy! Tri ân trưởng lão.

    Khi tiễn chư Tăng ra đầu làng, bà còn nói:

    - Khi nào hành cước du hóa, tiện dịp, tiện đường tôi thỉnh mời quý ngài ghé qua ngôi làng sơn cước này. Ở đây lúc nào cũng sẵn sàng cung đón đệ tử của đức Thế Tôn.

    Về đến đại tịnh xá Kỳ Viên, sáu mươi vị A-la-hán vào đảnh lễ đức Phật, vấn an sức khỏe của ngài. Xong, vị trưởng lão kể lại đầu đuôi tự sự, những nhân, duyên và quả tại ngôi làng Mātikagama ấy cho đức Phật nghe.

    Đức Phật mỉm cười:

    - Đúng là như vậy! Đúng là có chuyện hy hữu như vậy! Bà mẹ Mātikagama1 đúng là một thí chủ hy hữu và tuyệt vời!


    ____________________


    1 Bây giờ đã trở thành tên của bà mẹ.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  10. The Following User Says Thank You to Hoàng Mai For This Useful Post:

    senvang (12-01-2015)

  11. #96
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Cả mấy ngày hôm sau, chư Tăng Kỳ Viên ai cũng nghe được câu chuyện tại ngôi làng sơn cước và sáu mươi vị đắc quả A-la-hán. Ai cũng tỏ ra hâm mộ và tán dương công hạnh của bà mẹ ấy. Nhiều vị bàn tán rộng rãi hơn:

    - Trước đây, chúng ta có trưởng giả Cấp Cô Độc là thường cúng dường hỷ mãn về tứ sự, không chê vào đâu được.

    - Bà Visākhā thì sao? Không hỷ mãn tứ sự sao? Thức ăn không hợp khẩu vị mọi người sao?

    - Đúng vậy! Đến bà ấy thì người bệnh cũng thích hợp nữa là...

    - Cận sự nam Citta cũng vậy. Cận sự nữ Suppiyā cũng vậy. Cô Sirimā cũng thế. Nhiều người lắm chứ!

    - Nhưng chưa ai cúng dường hợp khẩu vị từng người, từng ngày một như cái bà mẹ Mātikagama này!

    - Cái ấy thì đúng!


    Có vị tỳ-khưu chợt cười xòa:

    - Vậy là “nhờ ăn” mà đắc quả sao? Coi chừng trật lấc đó nghe!

    Mọi người cùng cười theo. Ai cũng biết, đấy chỉ là duyên hỗ trợ tốt mà thôi!

    Chuyện kể tiếp thêm rằng, có một vị tỳ-khưu nghe chuyện, thích quá, ông ta đến xin đức Phật, được ngài đồng ý nên hối hả thu vén vật dụng, y bát rồi lặn lội tìm đến ngôi làng có bà mẹ hộ độ hy hữu để hy vọng rằng, nhờ ăn uống hợp khẩu vị sẽ chóng đăc quả A-la-hán.

    Đến căn nhà hội, để đãy ta-bà và y bát một bên, vị tỳ- khưu khởi sanh ý nghĩ:

    - Chà, đi đường xa mệt mỏi! Ước gì bà mẹ cho một cận sự nam đến quét dọn trong ngoài cùng làm đầy những lu nước thì hay quá!

    Lát sau, quả thật có một thiếu niên mang theo vật dụng cần thiết và đáp ứng ngay những yêu cầu trong tâm của vị tỳ-khưu. Thấy sự việc diễn ra quá nhiệm mầu, vị tỳ-khưu khởi tâm muốn uống nước ngọt, khởi tâm muốn ở tu tại cái cốc lá dưới gốc cây to kia, khởi tâm rằng là sáng mai, trước khi đi khất thực có món cháo béo, nấu thật nhừ để điểm tâm thì quý hóa quá...

    Ước gì được nấy. Đến nỗi, vị tỳ-khưu không cần đi khất thực đâu xa, vì mới bước ra khỏi cốc lá chỉ vài chục bước chân thì đã có thí chủ đặt một bát đầy thực phẩm với những thức ăn ngon lành. Tối hôm ấy, nơi chỗ nghỉ của mình, vị tỳ-khưu chợt thấy lạt miệng, tự nghĩ: “Bây giờ trời tối rồi, lui tới khó khăn, nhưng nếu có mấy viên kẹo ngọt ngọt thì thú vị biết mấy!”
    Rồi mấy viên kẹo “ngọt ngọt” cũng được một thiếu niên mang đến với một cây đèn trên tay.
    Vị tỳ-khưu vừa ăn kẹo vừa nghĩ tiếp:

    - Bà mẹ Mātikagama này là người như thế nào mà có khả năng thắng trí lạ lùng như thế? Ta ước ao được gặp bà vào buổi đặt bát ngày mai. Xem nào, bà sẽ đi tay không và con cháu bà sẽ mang theo vật thực loại cứng, loại mềm!


    Sự việc ngày mai xảy ra đúng y như vậy.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  12. The Following User Says Thank You to Hoàng Mai For This Useful Post:

    senvang (12-01-2015)

  13. #97
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Bà mẹ sau khi cúng dường đầy đủ, đảnh lễ vị tỳ-khưu rồi nói rằng:

    - Này con trai! Cứ ở đây, và hãy an tâm mà tu tập đừng ngại gì cả.

    Độ thực xong, vị tỳ-khưu hỏi:

    - Thưa mẹ Mātikagama! Dường như mẹ có tha tâm thông phải chăng?

    - Sao con trai lại hỏi vậy?

    - Vì tôi ước gì thì có nấy!

    - Nhiều vị tỳ-khưu họ cũng biết như vậy mà, con trai!

    - Tôi không nói các vị tỳ-khưu khác. Tôi hỏi mẹ thôi!

    Vì là bậc thánh, không khoe pháp bậc cao nhân nên bà mẹ vừa cười vừa đáp:

    - Này con trai! Mẹ biết con cần những thứ ấy nên giúp con những thứ ấy! Con còn nhỏ nên mẹ giúp đỡ con như con trai của mẹ vậy thôi! Cũng là chuyện thường mà!

    Trả lời vậy là hết hỏi. Nhưng vị tỳ-khưu đã có kết luận trong tâm: “Đích thị mẹ Mātikagama có tha tâm thông rồi!Và chưa chừng còn có nhiều thông khác nữa đấy!”

    Khi bà mẹ về rồi, sực nghĩ đến một chuyện, vị tỳ-khưu hoảng kinh: “Chết rồi! Nguy hiểm rồi! Mình là kẻ phàm phu tục tử, biết bao nhiêu là ý nghĩ xấu quấy xảy ra trong ngày, trong đêm? Nếu rủi mà lúc ấy, đôi thần nhãn của mẹ Mātikagama quét tới thì những ý nghĩ ô trọc, dơ nhớp, bẩn thỉu của ta biết trốn vào đâu? Ối! Mẹ Mātikagama sẽ thấy rõ trái tim đen của ta? Ta sẽ giống y như tên ăn trộm, bị mẹ nắm đầu, nắm tay bắt ngay tại trận tiền? Sẽ xấu hổ quá! Xấu hổ quá!”

    Nghĩ thế xong, vị tỳ-khưu hối hả thu xếp vật dụng, y bát rồi cũng hối hả rời liêu cốc, trốn đi!

    Ngay lúc ấy thì bà mẹ mỉm cười, tự nghĩ: “Con trai ta sợ ta bắt ngay tại trận những ý nghĩ xấu quấy nên trốn đi rồi! Tới cũng hối hả mà đi cũng hối hả. Nhưng chạy đằng trời! Đức Đạo sư, bậc thiên nhãn siêu việt, sẽ bắt con trai ta quay trở lại đây thôi. Và con trai ta sẽ gặt hái được lợi ích!”

    Quả đúng như mẹ Mātikagama nghĩ.

    Khi gặp lại đức Phật, ngài hỏi vị tỳ-khưu:

    - Sao ông lại quay trở lại đây?

    - Nguy hiểm quá, bạch đức ThếTôn!

    - Tại sao?

    - Thưa, vì bà mẹ Mātikagama có tha tâm thông, đệ tử nghĩ cái gì là bà biết cái ấy! Vì tâm đệ tử còn nhiều ý nghĩ xấu quấy nên sợ quá!

    Đức Phật nghiêm khắc nói:

    - Vậy thì ông lại càng cần tới nơi ấy! Những ý nghĩ xấu quấy nếu có sanh lên thì nó cũng diệt mất. Kệ nó. Ông chỉ việc giữ cái tâm, theo dõi cái tâm mà thôi!

    Vâng lời đức Phật, vị tỳ-khưu trở lại ngôi làng Mātikagama, nơi cái cốc lá của mình.

    Bà mẹ theo dõi mọi sự, biết rõ mọi sự nhưng xem như không có chuyện gì xảy ra, vẫn quán sở thích, nhu cầu vật thực của vị tỳ-khưu rồi cho người hộ độ chu đáo, đầy đủ. Trong lúc ấy, thì vị tỳ-khưu chăm chuyên gìn giữ cái tâm, theo dõi cái tâm, rà soát cái tâm một cách sít sao, tinh cần; ông thấy rõ sự sanh diệt, sanh diệt liên tục của các cảm giác, của các tri giác, của các tâm hành, của các ý nghĩ, nhận thức. Thế rồi, vị tỳ-khưu đắc A-la-hán quả, tuệ phân tích luôn cả các thắng trí.

    Trong đêm, thọ hưởng hạnh phúc siêu thế, vị tỳ-khưu vô cùng tri ân đức Phật cùng bà mẹ. Tri ân đức Phật là chuyện của trời, người ba cõi. Còn bà mẹ này mới thật là kỳ diệu. Ông nghĩ: “Không rõ do nhân duyên gì từ quá khứ mà bà đã giúp ta đến bờ siêu thế? Kiếp này thì thấy rõ rồi, còn các kiếp khác thì sao?” Vị tỳ-khưu liền sử dụng túc mạng thông hướng tâm đến bà mẹ. Thì thấy rõ rằng, kiếp thứ chín mươi chín, bà là bạn gối chăn của ông. Nhưng bà đã sanh tâm ngoại tình, với một người, và đã ra tay giết ông một cách dã man! Ông nghĩ: “Hóa ra, bà ta không những lang tâm trắc nết mà còn hung dữ, ác độc nữa!”

    Trong lúc ấy thì bà mẹ cũng đang theo dõi vị tỳ-khưu xem thử tu tập ra sao. Bà thấy nhờ minh sát cái tâm mà vị tỳ-khưu đi vào đạo quả thứ nhất, đạo quả thứ hai, đạo quả thứ ba rồi sau đó bà không thấy gì được nữa. Bà nghĩ, phải chăng ông ta đã đi vào đạo quả A-la-hán rồi! Ồ! Đúng sự thật là vậy rồi!

    Trong thời gian sau này, bà mẹ cũng chỉ dừng ngang nơi quả vị A-na-hàm chưa chứng rốt ráo được, nhưng bà lại có thêm một vài thắng trí khác nữa. Khi vị tỳ-khưu dùng túc mạng thông, theo dõi bà chín mươi chín kiếp thì bà cũng thấy rõ kiếp thứ chín mươi chín ấy, bà là bạn đời của ông ta, thấy rõ mình ngoại tình và giết chồng! Bà bèn đi thử lên kiếp thứ một trăm thì thấy mình cũng là vợ của ông ta, nhưng kiếp này mình đã hy sinh mạng sống để cứu chồng!


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  14. The Following User Says Thank You to Hoàng Mai For This Useful Post:

    senvang (12-01-2015)

  15. #98
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Lúc vị tỳ-khưu dừng lại nơi kiếp thứ chín mươi chín, bà sử dụng thiên nhĩ thông, gởi vào tai ông ta rằng: “Đi tiếp một kiếp nữa, kiếp thứ một trăm, nó sẽ khác!”.

    Nghe lời bà, vị tỳ-khưu xem kiếp một trăm thì thấy bà hy sinh mạng sống cho mình! Ông nghĩ: “Quả thật, kiếp ấy, bà là ân nhân thật sự của ta đó!”.

    Khi bức màn tử sinh đã được vén mở. Và hai người có duyên nợ với nhau. Vị tỳ-khưu thử đưa lên bàn cân: “Nếu coi việc bà giết ta rồi cứu ta là nhân quả sòng phẳng thì mình vẫn còn mắc nợ bà trong kiếp này”. Nghĩ thế xong, vị tỳ-khưu dùng tha tâm thông, thiên nhĩ thông cùng tuệ vô lậu hướng dẫn bà mẹ Mātikagama cắt đứt những sợi dây ràng buộc vi tế còn lại. Nhờ vậy, bà mẹ Mātikagama đắc đạo quả A-la-hán.

    Câu cuối cùng mà vị tỳ-khưu nghe được bên tai mình:

    - Tôi xin cảm ơn ông! Mọi gánh nặng tử sinh và phiền não đã buông xuống trọn vẹn rồi. Bây giờ tôi đi trước vì tôi không còn việc gì để làm trên cuộc đời này nữa.

    Thế là bà mẹ Mātikagama vô dư Niết-bàn ngay tại chỗ! Sau này, đức Phật thuyết lại câu chuyện này, và ngài kết thúc bằng một bài kệ:

    Tâm ta nhanh nhạy, lẹ làng
    Kiếm tìm dục lạc, chạy quàng, chạy xiêng
    Lành thay! Chế ngự thành hiền
    Tâm khéo điều phục, diệt phiền, được an!
    1

    _______________________________


    1 Pháp Cú 35:“Dunniggahassa lahuno yattha kāmanipātino; cittassa damatho sādhu cittaṃ dantaṃ sukhāvahaṃ”


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  16. The Following 2 Users Say Thank You to Hoàng Mai For This Useful Post:

    senvang (12-01-2015),thubuon (11-28-2015)

  17. #99
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Tỳ-khưu-ni Subhā

    (Người cho con mắt đẹp)


    Vốn là con gái của một bà-la-môn danh giá nổi tiếng ở kinh thành Rājagaha (Vương Xá), vì có thân hình và tay chân rất đẹp nên nàng có tên là Subhā (người đẹp).

    Khi bậc Đạo sư ở Jetavana (Trúc Lâm), nàng hay đi nghe pháp nên có đức tin và trở thành một cận sự nữ. Càng nghe pháp chừng nào, nàng càng thấm thía sự mong manh của kiếp người, thấy sự nguy hiểm trong các dục và chỉ mong sự an tịnh trong đời sống viễn ly. Do vậy, nàng đã xuất gia với trưởng lão ni Gotamī, được hướng dẫn thiền quán, không lâu sau nàng đắc quả Bất lai.

    Hôm kia, sau khi trì bình khất thực, ngọ trai xong, tỳ- khưu-ni Subhā đi vào rừng xoài của thần y Jīvaka để nghỉ trưa. Trên con đường vắng, chợt một chàng trai du côn, du đãng thấy nàng đi một mình nên chận lại và trân tráo đòi thỏa mãn dục lạc. Tỳ-khưu-ni Subhā đã giảng dạy cho tên thanh niên hư hỏng một bài học về sự nguy hiểm của các dục, về sự an tịnh của đời sống viễn ly. Nói gì thì nói, lời nàng chỉ như nước đổ đầu vịt, thanh niên cứ đòi thỏa mãn cơn khát dục của mình cho bằng được.

    Không biết sao hơn, tỳ-khưu-ni Subhā bèn hỏi lý do tại sao cứ khăng khăng đòi hỏi vô lý khi nàng đã xuất gia, sống đời vô dục. Thanh niên bảo là vì nàng đẹp quá, không cầm lòng được. Tỳ-khưu-ni Subhā bèn hỏi là đẹp ở chỗ nào? Thanh niên bảo là đôi mắt cô đẹp quá!

    Tỳ-khưu-ni Subhā bèn móc một con mắt, trao cho chàng thanh niên rồi nói: “Đây là con mắt mà ngươi bảo là đẹp, ngươi hãy lấy đi; còn đối với ta nó là con mắt có tội!”

    Chàng thanh niên sợ hãi quá, khủng khiếp quá và xin nàng xá lỗi cho.
    Tỳ-khưu-ni Subhā sau đó gặp đức Phật, do thần thong lực của ngài và còn do tâm xuất ly quá vi diệu của nàng mà con mắt khuyết được trở lại như cũ.

    Bậc Đạo sư biết được tâm trạng, căn duyên và trình độ của nàng nên ngài đã giáo giới những điều cần thiết. Tỳ-khưu-ni Subhā cố trấn giữ sự hỷ lạc dâng đầy khắp cả người, phát triển thiền quán, chứng được quả vị A-la hán, với hiểu biết ý nghĩa và hiểu biết về pháp. Sau thời gian an trú niềm vui siêu thế, nghĩ đến những gì đã chứng được nàng nói lên câu chuyện của nàng với chàng thanh niên du đãng bằng những bài kệ; và các vị kết tập sư đã thuật lại như sau:

    - Nơi khu rừng xoài của thần y Jīvaka. Có cây xanh, bóng mát. Có suối hát, lá reo. Có bềnh bồng hương và bồng bềnh nắng ấm. Có tỳ-khưu-ni Subhā. Một vị thánh A-na-hàm. Dung nghi dịu dàng. Từng bước đi nhàn thoát, thảnh thơi. Hướng đến khu vườn. Một trú xứ tuyệt vời. Để thọ hưởng lạc thiền, lạc quả. Bất chợt có con trai người thợ bạc. Tướng mạo bảnh chọe, đẹp trai. Du gót lang thang. Nổi tiếng điếm đàng. Du côn, du đãng. Thấy nàng, hắn bèn ngáng đường chận lại. Cất lời sàm sỡ. Chọc ghẹo Thánh ni!

    Nàng đưa đôi mắt dịu hiền, cất tiếng hỏi:



    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  18. The Following User Says Thank You to Hoàng Mai For This Useful Post:

    senvang (12-01-2015)

  19. #100
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Này! Ta có gì sái quấy
    (aparāddhaṃ)
    Ta có gì lầm lỗi
    Ta có gì không phải
    Đã xúc phạm đến ngươi
    Mà ngươi lại chận đường ta
    Một nữ Ni phạm hạnh
    Thật chẳng thích hợp chút nào
    Chẳng phải lẽ chút nào
    Khi mà một người đàn ông
    Lại đụng đến một người nữ xuất gia
    Đã lựa chọn con đường rời xa các dục
    Con đường trong sạch
    Con đường thiêng liêng
    Con đường không chút bợn nhơ
    Sao ngươi dám cản đường ta
    Kẻ đã viễn ly sắc dục
    Tâm ta thật thanh tịnh
    Tâm ngươi không thanh tịnh
    Ngươi đầy tham, đầy uế
    Ta không tham, không uế!

    Chàng trai con người thợ kim hoàn nghe vậy, cất lời tán tỉnh say sưa:

    Ôi! Nàng trẻ trung và xinh đẹp xiết bao!
    Sao lại phải xuất gia
    Xuất gia làm gì cho uổng phí
    Hãy quẳng áo cà-sa đi
    Và hãy đến đây cùng ta
    Vào cánh rừng trổ đầy hoa
    Mà tha hồ vui chơi dục lạc
    Nàng có thấy không
    Cây cối tỏa hương thơm
    Ngạt ngào khắp mọi nơi
    Chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua
    Là đất trời tràn ngập phấn hoa
    Báo hiệu mùa xuân bắt đầu


    (paṭhama-vasanto)


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  20. The Following User Says Thank You to Hoàng Mai For This Useful Post:

    senvang (12-01-2015)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •