DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 8/14 ĐầuĐầu ... 678910 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 71 tới 80 của 137

Chủ đề: Con gái đức Phật

  1. #71
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Tỳ-khưu-ni Paṭācārā


    (Đệ nhất thông Luật)


    Do túc duyên nhiều đời, cô gái sanh ra trong một gia đình ông chủ ngân hàng (Đây là ghi theo Dictionary of Pāḷi Proper Names, còn những nơi khác là thương gia hoặc triệu phú. Gia tài của vị này chừng khoản 400 triệu đồng tiền vàng) tại Sāvatthi, cao sang, giàu có; lại được cha mẹ rất cưng chiều, cho cô ở trên tầng bảy của một tòa lầu, có kẻ ăn người ở hầu hạ sớm hôm.

    Năm cô lên mười sáu tuổi, có một gia đình môn đăng hộ đối với lễ vật trọng hậu dạm hỏi nàng cho con trai của họ, cũng là một công tử con nhà quyền quý. Cô gái lặng lẽ không nói gì, vì cô đã âm thầm yêu thương một chàng trai nô lệ đầy tớ trong nhà. Cậu ta chỉ hơn cô vài tuổi, vừa vai u thịt bắp mạnh khỏe vừa có tướng mạo là một mỹ nam tử. Mối tình này diễn ra đã được mấy tháng, như lửa gần rơm, sức cuốn hút của tuổi thanh xuân, họ đã có quan hệ mặn nồng với nhau.

    Như đã quyết định, hôm kia cô gái nói với chàng trai:

    - Tôi không thể lấy cái anh công tử mặt trắng ẻo lả kia được. Vả lại, tôi đã có “ri khác” với chàng rồi. Chúng ta hãy bỏ trốn thôi!

    - Tôi sợ lắm! Thưa nữ chủ!


    Cô gái cau mày:

    - “Nữ chủ” cái gì nữa! Vợ chồng rồi đấy! Hãy liệu tính cho mai sau chớ không còn kịp nữa. Mau mau lên!

    - Tôi phải làm sao?

    - Ối! Đần đần vừa vừa thôi chứ! Hãy liệu chừng cửa ngõ, xem bọn đầy tớ đi lên đi xuống các cổng lầu, vườn hoa, tường Đông, tường Tây, xem vào khoảng canh hai chúng đã ngủ nghỉ hết chưa. Rồi còn tìm cách cuỗm một con voi rồi chúng ta cùng bỏ trốn! Rõ chưa?

    - Rõ ạ! Thưa nữ chủ!

    - Lại “nữ chủ”!


    Chàng trai cười ngỏn ngoẻn rồi đi lo việc của mình.
    Thế rồi, đúng ngày, đúng giờ, cô gái gom hết của cải, tư trang, tư dụng vào trong một cái đãy lớn rồi cùng với tên nô lệ đầy tớ cỡi trên một con voi, trốn đi. Lúc ấy vào đầu canh ba, mọi người trong nhà đang no say giấc điệp cả.
    Đi được một đỗi, chàng trai hỏi:

    - Nếu ông chủ bắt được, ổng có đánh chết không?

    - Ổng cho người đánh chàng chết thật đấy!

    - Không sợ pháp luật sao?


    Cô gái cười rúc rích:

    - Chàng không có biết gì cả! Chủ đánh chết nô lệ là chuyện thường. Theo luật pháp, đánh chết một tên nô lệ không có tội gì cả, vì nô lệ không phải là người!

    Chàng trai nghe rợn cả tóc gáy, quay lại sau, ngó tả, ngó hữu, lắng tai nghe chừng, thấy chẳng có ai chạy theo bắt, nghe chẳng có tiếng động nào, chàng mới thở một hơi dài nhẹ nhõm!
    Đến một vùng nông thôn, quê cũ của chàng thanh niên, cách kinh thành Sāvatthi chừng ba bốn do-tuần thì họ dừng chân lại. Tại đây, cô gái bán con voi, bán tư trang thêm tiền tậu một mảnh vườn, thuê người làm một căn nhà, sắm sanh tiện nghi ăn ở, những vật dụng cần thiết cho mọi sinh hoạt. Thế rồi, một thời gian sau, hai vợ chồng son trẻ đã trở thành một gia đình nông dân thực thụ.

    Chàng làm vườn, trồng cây ăn trái, rau cải; nàng kiếm củi, bếp núc, chăm sóc quét dọn nhà trong vườn ngoài. Cuộc sống ấy ai cũng tưởng là rất hạnh phúc, nó êm ả, nó đều đặn trôi đi! Được bốn năm tháng, khi cái bụng của nàng ngày càng lớn thì nàng bắt đầu mệt mỏi, chán nản, buồn phiền nên sinh ra cáu gắt, nóng tính vô cớ. Chuyện củi đuốc, bếp núc, quét dọn trong ngoài nàng cũng bỏ phế, chàng trai lại nhẫn nại, lặng lẽ làm hết mọi sự.

    Bản chất của “cô tiểu thư” ưa sai bảo, ưa chỉ tay năm ngón, nhờ tình yêu mặn nồng ban đầu nó chìm khuất đi, bây giờ nó bắt đầu hiện mặt ra, xáo trộn nếp sống gia đình, đảo lộn cái tôn ty “chồng xướng thì vợ thuận theo”. Chàng trai vốn bản chất trung hậu, quen chịu đựng cũng không lấy thế làm điều khi trở lại vai trò của một tên đầy tớ! Lại còn bị cô chủ chê ỉ ôi, eo sèo nấu cho chó ăn, nấu cho bò ăn chớ có phải cho người ăn đâu!

    Cái bụng càng to thì nàng càng khó chịu, càng bướng, càng chướng, thường hay quát tháo chồng, la mắng chồng một cách vô cớ. Nó cũng có lý do chủ quan của nó. Vì càng gần đến ngày sinh, nàng càng cảm thấy bất an và sợ hãi. Sinh làm sao đây? Ai là người có kinh nghiệm chăm sóc, thuốc thang? Nàng có biết gì đâu, và cái ông chồng “con nít” ba cục, ba hòn kia cũng có biết gì đâu! Con người sinh con, cô “tiểu thư” sinh con chớ có phải là con trâu, con bò, con mèo, con chó, con gà, con vịt sinh con đâu! Đến lúc này cô gái mới thật sự thấm thía nhớ đến bàn tay và trái tim của người mẹ. Ở đấy thường là quê hương ấm áp của mọi đứa con ly xứ hướng về! “Mẹ ơi! Con khổ lắm!”Cô gái thốt lên nho nhỏ với hai hàng nước mắt tuôn chảy lặng lẽ, dầm dề, trong đêm, khi bên cạnh, chàng trai ngủ ngáy khò khò vô tư, vô lự! Mà cũng phải thôi, chàng đã làm việc cật lực, vất vả suốt ngày lại còn phải lo đảm đang, quán xuyến nội trợ trong nhà nữa.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  2. #72
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Hôm kia, như đã quyết định, cô gái nói:

    - Tôi phải về nhà cha mẹ để sinh nở thôi! Ông hãy chuẩn bị dẫn tôi đi!

    Chàng trai lắc đầu:

    - Không thể được!

    - Tại sao?

    - Tôi mà đâm đầu về đó, ông chủ lớn sẽ đánh chết! Nếu không đánh chết thì cũng cho tay chân tra tấn đến chín chết một sống. Tôi không đi. Tôi chưa muốn chết!


    Cô gái đưa ra lý do:

    - Không đâu! Dù sao bây giờ tôi là gái đã có chồng! Cha mà đánh chết chồng của con gái để con gái cưng của cha bị ở góa hay sao? Lại nữa, còn có pháp luật mà!

    Chàng trai nhẹ lắc đầu:

    - Không! Nhất định là không! Tôi chỉ là một tên nô lệ! Chủ đánh chết nô lệ là chuyện thường. Theo luật pháp, đánh chết một tên nô lệ không có tội gì cả, vì nô lệ không phải là người!

    - Chà! Cô gái ngạc nhiên! Ông học ở đâu đó?

    Chàng trai chợt cười lạt, trả lời:

    - Của “cô tiểu thư” đấy chớ ai. Đó chính là cái câu của cô nói khi rời khỏi nhà chỉ một đỗi đường!

    - Nhớ dai dữ!

    - Cái mạng sống tôm tép, muỗi lằng chúng cũng muốn sống, không muốn chết. Không muốn nhớ dai thì nó cũng cứ nhớ!

    - Chà! Lại lý sự nữa chứ!

    - Cũng học của “cô chủ” đó! Cái đầu óc “đần đần” này lần hồi nó cũng sáng ra!

    - Lại nói móc nữa!

    - Dạ, không dám!


    Chịu. Hết cách. Đến lúc nàng dù có năn nỉ, chàng trai cứ vẫn cương quyết lắc đầu. Không biết cách nào hơn, đợi một hôm chàng đội nông sản đi bán ở chợ xa, cô gái chuẩn bị một vài đồ dung cần thiết, gởi gắm nhà cửa cho một người hàng xóm rồi lên đường. Khi đi, cô nhờ người nhắn lại với chồng là cô đã trở về nhà cha mẹ để sinh con.

    Ngày hôm sau, chàng trai về nhà, biết cớ sự, tự nghĩ thầm: “Cũng tội, con nhà tiểu thư khuê các, chân yếu, tay mềm, vì yêu thương ta mà phải chịu đựng muôn vàn gian khổ. Bây giờ lại là thân gái dặm trường, bụng mang dạ chửa, vò võ một mình, nếu có chuyện chi xảy ra thì ai là người chăm sóc, bảo vệ?”

    Không chậm một khắc nào, chàng trai đùm vội một bọc khoai ăn đường, tay cầm con đao - như cái rựa - rồi hối hả lên đường. Nhờ đi nhanh, đi cả ban đêm nên ba ngày sau thì gặp cô gái bên một bìa rừng. Hóa ra là cô ta đã sinh con rồi, một đứa bé trai bụ bẫm, xinh xắn. Cả hai nhìn nhau, tươi cười rạng rỡ, hạnh phúc; rồi ôm chầm nhau, trao qua đưa lại đứa bé cho nhau để cùng ẵm bồng, hôn hít. Không tính chuyện lên đường nữa. Họ lại cùng dìu nhau trở lại gia đình, mái ấm.

    Chuyện kể rằng, sinh đứa con trai thứ hai cũng tương tự vậy khi đứa con trai thứ nhất đã lững chững biết đi. Cô gái khi bồng, khi dắt đứa trẻ cùng với cái bụng lên đường về nhà cha mẹ. Cũng cỡ chừng nửa đường, cũng tại bìa rừng, cô gái lại sinh con, và chàng cũng tìm đến kịp.

    Tuy nhiên, lần này không còn trời yên biển lặng mà sóng gió lại nổi ba đào cuốn đi những thân những phận! Tử tử sinh sinh! Dâu biển đoạn trường! Mịt mùng đau khổ! Khi đứa con vừa ra khỏi lòng mẹ, một cục thịt đỏ hỏn thì đột ngột một cơn bão ập tới, cây cối vặn mình quằn quại, cây gãy răng rắc, lá rụng rào rào. Dưới một tàn cây đại thụ rung rinh, cô gái chỉ kịp cởi cái áo khoác ngoài quấn cho con, nằm sấp xuống, chịu trận mưa như trút trên lưng, bảo vệ hài nhi bên dưới. Đứa con bên cạnh lại khóc ré lên, nó cũng ướt và lạnh. Chẳng biết sao hơn, cô gái lại phải đổi tư thế, nằm khum khum để che mưa cho cả hai đứa! Chàng trai vừa tới kịp, chưa nói được một lời nào, chưa kịp nhìn đứa con ra sao thì cô gái đã thều thào mệt mỏi, đứt quãng:

    - Hãy kiếm... gấp cho tôi... cái gì đó... để che tạm cái mái ở trên lưng...

    Chàng trai gật đầu, đảo mắt lướt quanh một vòng rồi vội cầm rựa lủi nhanh vào rừng. Thấy một lùm cây có lá to, chàng với cao rựa chặt được một đống. Tiện thể, lựa một số cây rừng cỡ bằng cổ tay, chàng chặt dài chừng một sải, một sải rưỡi với dự định để dựng cái chòi nhỏ. Khi thấy tạm đủ, chàng hươi rựa, kéo xuống một chùm cây mây dùng làm dây cột thì một con rắn to núp sẵn đâu đó, lao ra và cắn chết chàng tại chỗ. Có lẽ là một con rắn cực độc.

    Cô gái nằm bẹp chịu trận lâu quá bèn đổi tư thế cho đỡ mỏi bằng cách quỳ hai chân, úp sấp hai tay xuống để che mưa cho con. Nhưng đợi hoài, đợi mãi không thấy chồng về, cô tự nhủ: “Một chút nữa thôi! Ông ta sắp về đó!”.
    Lâu quá cũng không thấy, lại tự nhủ: “Sắp về rồi! Thôi nằm yên đi hai con! Ngoan nào!” Đứa trẻ lại gào khóc đến khản giọng.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  3. #73
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Trời rạng sáng, bão tạnh, gió tan vẫn không thấy bóng dáng chồng, cô gái khởi sanh ý nghĩ: “Hay là ông ta sợ trách nhiệm, bỏ trốn đi rồi? Đồ hèn hạ!” Nhìn hài nhi nhờ bọc ấm, được che chắn tốt nên sau khi cho bú sữa, nó nằm ngủ yên; riêng đứa trẻ kia thì tái mét, run cầm cập, nàng nghe lòng như muối xát nhưng không biết làm sao. Đãy thức ăn mang theo không còn dùng được vì cái đùm vải đã nằm trong bùn nước.

    Hết còn hy vọng ông chồng trở về, và nàng đã quyết chắc chàng trai vô lương tâm kia đã đành đoạn bỏ vợ bỏ con trong cơn hoạn nạn. Hắn đã xa bay cao chạy rồi! Lảo đảo đứng lên rồi thất thểu tay bồng con, tay dắt con theo lối mòn mà ông chồng đã đi, lần từng bước một, vừa bước vừa thở. Vì nàng đã mệt quá, đã kiệt lực chống chọi suốt đêm qua, lại không có cái ăn! Đến lùm cây, nàng khựng lại. Ông chồng của nàng đã chết rồi, sắc mặt tím bầm đang nằm vô tri cạnh một gò mối, một đàn kiến đỏ, kiến đen bắt đầu đánh mùi tìm đến. Thương chồng quá. Càng nghĩ càng thương vì nàng đã nghĩ oan cho chàng! Núi rừng lạnh lùng, đường về nhà còn xa diệu vợi. Xung quanh không một bóng người, không làng mạc, không một làn khói bốc lên. Cọp, beo, thú dữ? Vừa chớm nghĩ đến điều đó, cô gái vội gạt lệ, quay mặt đi, dẫn con bước nhanh.

    Đến một khúc sông hẹp, nàng dừng lại. Bình thường đây là khúc sông cạn, lội qua được nhưng trận mưa như trút đêm qua đã biến nó thành một dòng nước dữ, cuồn cuộn cây củi cùng rác bèo. Cả ba không thể cùng qua. Suy nghĩ một lúc, nàng đứng dậy, kiếm một ít cành củi khô và lá rác làm tấm đệm để đặt đứa hài nhi trên đó. Nó đang ngủ say vì vừa cho nó bú. Xong, cô gái bồng đứa trẻ lớn lội qua sông, cũng phải dọ dẫm từng bước một trong dòng nước sâu ngang ngực. Lạnh, đói và kiệt lực nhưng trước sự sống chết cùng bản năng làm mẹ, nàng đã vượt qua được bờ kia.

    Vừa đặt được đứa trẻ trên một đám đất khô, thở một vài hơi lấy sức rồi cô gái lại vội lội qua sông lượt nữa. Khi đã đến gần bờ thì một con chim ưng to lớn sà xuống, nhanh như cắt, hai cẳng chân thò ra, quặp đứa hài nhi bay lên cao. Cô gái cả kinh, hai tay đưa lên, vừa vẫy vẫy loạn xạ, vừa chạy đuổi, vừa la, vừa hét một cách điên cuồng. Đứa trẻ bên kia bờ, thấy mẹ vẫy vẫy, tưởng là gọi nó nên nó xuống mép sông, bì bõm lội qua. Chỉ chừng hơn mười bước chân thì gặp dòng nước xiết cuốn nó đi, chỉ còn thấy cái đầu nhấp nhô trong làn nước đỏ, xa mãi, xa mãi rồi mất hút.

    Cô gái rồi cũng qua được bên kia sông, ngồi phịch xuống, lặng câm như hóa đá! Hết rồi, một chồng và hai con! Hết rồi! Chết cả rồi! Tuyệt vọng cùng cực! Không có một giọt nước mắt nào chảy ra trong cái hốc mắt đã ráo hoảnh!
    Nắng đã lên cao. Rồi cũng phải lên đường. Bụng không, lòng trống. Đi, bước như mộng du. Mọi ý thức bây giờ chỉ còn trông cậy vào bản năng. Miệng lẩm bẩm trong vô thức, như điên như dại: “Ông chồng bị rắn cắn chết. Một đứa hài nhi bị chim ưng bắt. Một đứa khác bị nước cuốn trôi! Ha ha! Chết! Chết hết!”

    Đến thành phố, đi vào một con đường, nàng không còn nhớ lối nào về nhà, ý thức lóe lên, cô gái bèn hỏi một người đàn ông đi ngược chiều:

    - Thưa ông, ông có biết nhà của ông chủ ngân hàng không?

    Người đàn ông nhìn nàng có vẻ kinh dị. Vì khi ấy tấm choàng của nàng đã rách tả tơi, dường như chỉ còn dính một vài mảnh trên người. Mặt mũi lại bơ phờ, xanh xao, dính bùn đất trông không ra dáng cô gái hay là phụ nữ, hay một mụ đàn bà điên, nhưng rồi ông cũng thương hại đáp:

    - Tôi biết ông chủ ấy, nhưng bà hỏi làm gì?

    - Là nhà của tôi, của cha tôi, mẹ tôi!

    Người đàn ông khựng lại. Im lặng một lát.

    - Thôi! Đừng đến đó nữa!

    - Tại sao?


    Người đàn ông lại ngập ngừng rồi nói:

    - Đêm qua, giông bão dữ dội. Những cái chảo lửa sấm sét tự trên trời cao đã đánh ụp xuống cái lâu đài, trang viện ấy, tan nát cả và cũng cháy tiêu tùng cả. Có lẽ hằng trăm người ở đó ra tro cả rồi! Chẳng còn gì ở đó đâu!

    Người đàn ông quày quả bỏ đi. Cô gái ngồi thụp xuống, không còn biết gì nữa! Cô đã hóa điên thật sự rồi.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  4. #74
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Thế là mấy ngày hôm sau, các đường phố kinh thành Sāvatthi mọi người trông thấy một cô gái điên, dường như không có cái gì che kín thân thể đi lang thang lếch thếch. Tới chỗ nào cũng bị mọi người đuổi như đuổi tà. Người nguyền rủa đồ điên khùng. Kẻ quăng cây, quăng đất, tung rác bẩn, tay xua, miệng chửi. Cô gái thì bước đi lắc lư, cười ha ha, cười hì hì, lâu lâu lại lẩm bẩm: “Chồng chết, hai con chết, cha mẹ chết, anh chị em chết, tôi trai tớ gái chết, chó mèo chết, chết hết rồi, chết hết thật rồi!”

    Đức Đạo sư lúc ấy đang ở tại đại tịnh xá Kỳ Viên, vào sáng sớm, nửa cuối canh ba, quan sát thế gian, ngài thấy biết chuyện cô gái. Họ là bảy chị em thời đức Chánh Đẳng giác Kassapa đây mà. Trong trầm luân sinh tử, do công hạnh xưa, họ đã có mặt ở đời này rồi, nhưng cô gái này đã chịu đựng nổi thống khổ nhất trong bảy chị em mà sức người thế là đã cùng cực rồi.

    Trong vô thức, buổi chiều, cô gái lang thang bước vào cổng đại tịnh xá Kỳ Viên, sau lưng là một bầy trẻ nít la hét cười giỡn ầm ĩ, quăng đất, quăng rác cùng với những lời mắng chửi đuổi theo.
    Lúc ấy, đức Thế Tôn đang thuyết pháp tại đại giảng đường. Một số người tạp dịch thấy cô gái điên lõa lồ đang lần bước đã gần đến chỗ tôn nghiêm, một số hổ thẹn không dám nhìn, một số khác tìm cách đuổi cô đi, đuổi luôn cả đám con nít nữa.

    Đức Phật sử dụng năng lực thần thông giúp cô gái tỉnh trí lại rồi cất tiếng nói vọng ra từ giảng đường:

    - Hãy để cho Paṭācārā đi vào chỗ Như Lai!

    Ngay lúc ấy, cô gái như tỉnh cơn mê dài, ngoảnh nhìn mình, thấy thân thể không có gì che, sợ hãi ngồi thụp xuống, rồi ngồi úp bụng, úp mặt xuống đất. Người đàn ông làm tạp dịch nghe tiếng nói của đức Phật, ông cởi tấm áo của mình, quăng cho cô gái:

    - Này chị! Hãy mặc vào cho kín đáo! Đức Thế Tôn cho gọi chị đấy!

    Bây giờ, mọi người mới dám đến gần bên, kẻ đưa khăn lau mặt, kẻ đưa thêm khăn quàng, người đưa thêm dải buộc... để cô ta đi vào giảng đường cho đàng hoàng. Đã hoàn toàn tỉnh táo, tuy gầy ốm xanh xao nhưng sau khi choàng áo, buộc áo, lau mặt sạch sẽ, cô gái đã hiện ra một phần nào nét vẻ trẻ trung, xinh đẹp cũ, trông chưa đến hai mươi tuổi.

    Đến chỗ đức Phật, cô gái nằm sấp năm vóc sát đất, khóc lặng lẽ, khóc như chưa bao giờ được khóc; vừa khóc vừa kể chuyện con chết, chồng chết, cha mẹ chết... với giọng nói rất là bi thương, thê thảm.
    Đức Phật cứ để cho cô gái khóc “cho đã”, lát sau, vừa sử dụng năng lực từ bi, vừa sử dụng pháp âm dịu dàng, ấm cúng, nói với cô gái rằng:

    - Thôi đủ rồi con, Paṭācārā! Không chỉ có nay con mới khóc con, khóc chồng, khóc cha, khóc mẹ! Thật ít ỏi làm sao là những lượng nước mắt ấy. Trong ba cõi, sáu đường, trầm luân sinh tử, con cũng đã từng khóc triệu triệu người con, triệu triệu người chồng, triệu triệu người cha, triệu triệu người mẹ trong những hoàn cảnh khác nhau như: Bị bệnh tật, ốm đau, bị chặt đầu, treo cổ, bị tán gia bại sản, bị tù tội, bị vu oan, bị động đất, bị nhà tan cửa nát, bị lửa cháy, bị voi chà, bị hổ ăn thịt, bị rắn độc cắn, bị tên bắn, bị đao chém, bị phản bội, bị nước cuốn, bị phanh thây, bị lóc thịt, bị bỏ thây nơi chiến trường... mà những giọt nước mắt ấy cộng lại còn nhiều hơn nước của bốn đại dương nữa kìa!

    Cô gái tên là Paṭācārā ấy đã ngưng khóc sau ý nghĩa lời nói của đức Phật, nàng lau ráo lệ, quỳ năm vóc sát đất đảnh lễ ngài một lượt nữa rồi nói:

    - Bạch đức Thế Tôn! Hiện con không có chỗ nương tựa, không có chỗ bảo vệ. Xin ngài hãy giúp con!

    - Này Paṭācārā! Trên cõi đời này, chẳng ai nương tựa được ai, chẳng ai bảo vệ được ai, chẳng ai có thể giúp ai! Vợ chồng, con cái, cha mẹ, thân thuộc... cuối cùng đều phải bị thần chết mang đi cả thảy!
    Và này con! Chỉ có ai ở bờ bên kia của sinh tử, những ai biết vứt bỏ, lìa xa những tham, những sân, những dục vọng tầm cầu, những khát ái, những mê mờ vọng tưởng; lìa xa những thấy biết sai lầm về bản thân, về ngã ái, về ngã chấp, về ngã thủ; thấy rõ tất thảy đều rỗng không, vô thường, vô ngã; kẻ ấy mới thật sự có chỗ nương tựa vững chắc, chỗ bảo vệ an toàn trước thần chết, này Paṭācārā!

    Vừa nghe xong lời pháp này của đức Thế Tôn, cô gái đắc quả Nhập lưu, pháp nhãn phát sanh, thấy rõ lộ trình, đường đi nước bước. Cô quỳ lạy xin được xuất gia. Đức Phật bảo gởi cô sang Ni viện để nhờ chư Ni chăm sóc sức khỏe; sau đó cô được trưởng lão ni Gotamī cho thọ đại giới, sống đời xuất gia phạm hạnh.

    Một ngày kia, tỳ-khưu-ni Paṭācārā lấy nước để rửa chân. Lần thứ nhất, nước chảy được một đoạn ngắn rồi dừng lại, thấm xuống đất. Lần thứ hai, nước chảy được một đoạn dài hơn rồi dừng lại, thấm xuống đất. Lần thứ ba, nước chảy một đoạn xa hơn nữa rồi dừng lại, thấm xuống đất. cô đăm chiêu suy nghĩ:

    “Sinh mệnh của con người quả giống như thế này, là ba giai đoạn của cuộc sống. Lần thứ nhất, nước chỉ chảy một đoạn ngắn là cái chết của thời niên thiếu. Lần thứ hai, nước chảy dài hơn một chút, là cái chết của thời trung niên. Và lần thứ ba, nước chảy dài xa hơn một chút nữa, là cái chết của thời lão niên! Rồi ai cũng phải chết cả, trẻ hay già mà thôi! Hóa ra cái gì có sanh thì cái ấy có diệt!”

    Lúc ấy, đức Phật đang ở tại hương phòng, ngài sử dụng thần thông, với ánh sáng rực rỡ, với bóng sắc kỳ ảo, hiển hiện ngay trong tầm mắt của cô rồi ngài nói:

    - Đúng vậy đó, này Paṭācārā! Tất cả mọi chúng sanh đều phải chết, đấy là điều tất yếu. Vậy quan trọng nhất là phải sống như thế nào cho có ý nghĩa, sống như thế nào để lợi mình, lợi người, đem đến an vui cho mình và cho người. Cao hơn tất thảy những điều ấy, là sống sao để thấy cho rõ sự thật, sống sao để thấy rõ sự sanh diệt của ngũ uẩn trong từng khoảnh khắc, trong từng sát-na.

    Để tóm tắt ý nghĩa ấy, đức Phật đọc lên bài kệ:

    Trăm năm sống có ích gì
    Pháp đi, pháp đến vô tri chẳng tường
    Một ngày quả thật khó lường
    Thấy pháp sanh diệt vô thường ra sao!


    (Pháp Cú 113: “Yo ca vassasataṃ jīve apassaṃ udayabbayaṃ, ekāhaṃ
    jīvitaṃ seyyo passato udayabbayaṃ!”
    )

    Lời kệ của đức Thế Tôn vừa chấm dứt, cô đắc quả A-la-hán, có thắng trí và tứ vô ngại giải.
    Quá khứ tiền kiếp của tỳ-khưu-ni Paṭācārā như sau này cô kể lại, cũng tương tự như bảy chị em công chúa thời đức Phật Kassapa, và thuở ấy cô là thứ ba, tên là Bhikkhunī.
    Từ đó, cô để tâm nghiên cứu, học hỏi về luật, sống theo luật nghi và chu toàn hạnh kiểm rất nghiêm túc, gương mẫu. Cô cũng là người nổi tiếng vì những bài giảng và những câu kệ sâu sắc, thâm thúy về sự khổ trên cuộc đời; và thường ủi an, chia sẻ bằng cả tấm lòng đến với những phụ nữ có hoàn cảnh bi thương, bất hạnh. Đệ tử nữ của cô rất đông, cả tại gia và xuất gia.
    Tỳ-khưu-ni Paṭācārā được đức Phật tuyên dương do nhờ đời sống mẫu mực, quy củ; là đệ nhất về thông luật và trì luật bên Ni giới tương tự như tôn giả Upāli bên Tăng vậy.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  5. #75
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Tỳ-khưu-ni Ambapālī

    (Hoàng hậu kỹ nữ)


    Là một kỹ nữ danh tiếng bậc nhất, không những là kinh thành Vesāli mà còn lan xa nhiều quốc độ, Ampapālī có duyên lành gặp được đức Phật, được nghe một thời pháp rồi sau đó thu xếp đời mình trong nếp sống của một cận sự nữ thuần thành. Kỹ nữ Ampapālī đắc pháp nhãn trong thời pháp thứ hai của đức Phật, sau đó cô dâng cúng vườn xoài xinh đẹp đến ngài và Tăng chúng. Cô cũng đã bỏ ngân khoản lớn để sửa sang Ni viện cùng hộ độ tứ sự đến hội chúng Tăng Ni không mệt mỏi. Lúc nhân duyên đầy đủ, cô xuất gia và đắc quả A-la-hán.

    Cuộc đời trầm luân trong dòng nước đục, trong bụi bặm phiền não của cô cần được kể lại để mọi người thấy rõ một điều: Ai cũng có khả năng giác ngộ, giải thoát dù kẻ đó bị thế gian xem là xấu xa, là tội lỗi, nếu biết quy hướng, trung thực, thấy rõ mình, biết chuyển hóa đời mình, biết tinh cần và nỗ lực tu tập.

    Hôm kia, đột ngột, đức Phật bảo vị tỳ-khưu thị giả triệu tập chừng hai mươi vị tỳ-khưu trẻ cùng lên đường với ngài. Sau đó, với đại y màu san hô vắt vai, bát cầm tay, đức Phật và hội chúng bước lần ra ngoại ô kinh thành Vesāli, đi mãi. Dọc theo con đường đầy bụi, rác rưởi, phân bò, phân dê... đoàn sa-môn qua mấy cánh đồng lúa, những vườn xoài, vườn ca-ri, vườn chà là; luồn trong hương lộ có bóng tre, bóng dừa, bóng thốt nốt rồi đến ngôi làng Koṭigāma trù phú và thạnh mậu. Tại đây, sau khi tuần tự đi trì bình khất thực qua các xóm nhà, không kể giàu nghèo; lúc vật thực vừa đủ dùng, đoàn sa-môn ghé đến dưới khóm cây mù u có bóng mát để độ thực. Các vị tỳ- khưu trẻ đi theo chiếc bóng của ngài cảm thấy thanh bình và an ổn. Đức Phật không dạy bảo họ điều gì, mà họ học được sự tĩnh tại từ nơi đôi mắt nhìn xuống, sự chậm rãi và nhẹ nhàng nơi từng bước chân đi; sự cẩn trọng trong cung cách đưa bát để thọ nhận vật thực; lòng từ ái nơi bài kệ phúc chúc, cách độ thực với từng ngón tay vo tròn chánh niệm rồi từ tốn đưa vào miệng một cách gọn gàng và sạch sẽ; cách đi kinh hành thanh thản và cả cách yên lặng trải tọa cụ dưới gốc cây để tọa thiền nữa... Tất cả. Tất cả. Và đấy chính là thân giáo của ngài.

    Cách đấy không bao xa, chừng nửa do tuần, có một khu rừng xoài sum suê và xanh mát của một người kỹ nữ có tên là Ambapālī. Nàng là một kỹ nữ xinh đẹp và tài hoa nhất của kinh thành Vesāli và của cả trong các nước cộng hòa liên bang phía Bắc sông Gaṇgā. Vốn được hóa sanh lạ lùng nơi một cành xoài (Do quá khứ cô đã từng nhàm chán, ghê tởm thai sanh nên bây giờ hóa sanh nơi cành xoài, là trường hợp đặc biệt hy hữu). nên cô bé có tên là Ambapālī, với nước da sáng như ngọc và tỏa mùi trầm; môi đỏ như thoa son và có cả đôi mắt xanh biêng biếc. Có một vị vương tử trông thấy nên mang về làm con nuôi. Lớn lên, cô bé còn có tư chất bẩm sinh là múa dẻo và có giọng hát rất hay, trong thanh như tiếng chim Ca-lăng-tần-già. Các thầy bà-la- môn tướng pháp nói rằng, cô bé bị một phá cách, một phá tướng; nếu không trong tương lai sẽ làm một quý nhân, không đắc ngôi hoàng hậu thì cũng làm một vương phi tài sắc vẹn toàn.

    - Vậy tương lai, cô bé sẽ thế nào? Vị vương tử hỏi.

    Vị bà-la-môn già thở dài:

    - Cũng là hoàng hậu, nhưng là hoàng hậu trong giới kỹ nữ, cũng quý cách và giàu sang không ai bằng!

    Thuở ấy, các cô kỹ nữ đều là thành phần được xã hội quý trọng (Tương tợ các cô Geisha Nhật Bản).
    Vị vương tử thương con bèn gởi cô bé đến Bārāṇasī, một thành phố nổi tiếng ăn chơi và có nhiều trường dạy nghề kỹ nữ với học phí rất cao, để học nghệ. Thế là số phận cô bé đã được định đoạt. Bảy tám năm sau, lúc trở lại Vesāli thì các cô kỹ nữ khác đều bị lu mờ. Ông bố vương tử hào sảng đã cho con cả một dinh thự nguy nga cùng với tôi trai tớ gái mấy chục người để hầu hạ, phục dịch nàng. Giá một buổi được nghe và xem nàng biểu diễn phải là một ngàn đồng tiền vàng kahāpaṇa. Ban đầu nàng cương quyết bán nghệ chứ không bán thân, nhưng sau có quá nhiều công tử trẻ trung, hào hoa, quỳ phục dưới chân nàng, dám đánh đổi cả gia tài để được hầu nàng một đêm. Nàng xiêu lòng. Nhưng sau đấy thì nàng rất khắt khe trong việc lựa chọn. Cũng chẳng ai dám làm gì được nàng vì nàng có quá nhiều thế lực ở cung đình cũng như tiền rừng, bạc bể bảo trợ.

    Mãi mãi những cuộc vui. Mãi mãi những khúc đàn, tiếng hát. Mãi mãi với cao lương mỹ vị, kiệu đón xe đưa, hầu tiếp các vương tôn, công tử, danh gia, đại gia, đại phú gia... cô hoàng hậu không ngai, kỹ nữ Ambapālī, cảm thấy mệt mỏi, rã rời, chán nản. Nàng bèn tậu một khu rừng xoài xa và sâu về phía ngoại ô, thỉnh thoảng tìm về đấy, trốn mọi người và cũng để thư giãn tâm hồn. Giữa thiên nhiên khoảng khoát, trong lành, nàng tìm được những giây phút thanh bình. Trong vô thức mơ hồ, nàng cảm thấy tất cả mọi tiện nghi xa hoa vật chất này không phải là hạnh phúc thật sự của đời người. Phải là cái gì khác. Phải là thế giới nào khác.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  6. #76
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Thời gian qua đi, cô kỹ nữ tài sắc vẹn toàn năm xưa đã trở thành một lão bà tóc trắng nhưng sắc đẹp tiềm tàng vẫn làm xiêu lòng người, vẫn toát ra cốt cách phong lưu, đài các. Tuy có nhiều cơ ngơi, dinh thự, nơi mở lớp đào tạo kỹ nữ với rất đông gia nhân, người hầu nhưng bà vẫn thích về nơi thanh vắng này.

    Mấy năm trước, nghe tin đồn về thái tử Siddhattha khi tuổi còn thanh xuân, tóc đang còn đen nhánh đã khẳng khái từ bỏ ngai vàng như quăng đôi dép cũ để xuất gia tầm đạo, bà đã đặt một dấu hỏi về hạnh phúc đời người! Vị ấy bây giờ đã là một vị Phật, với đoàn sa-môn áo vàng, thanh thản đầu trần chân đất đi hóa độ nhiều phương. Nghe nói, lời pháp của ngài đầy uy vũ như sấm gióng giữa trời mưa, như ánh mặt trời rọi tan mây mờ tăm tối. Cả năm vị hiền triết uy đức ở Vườn Nai đã được ngài cảm hóa trở thành đệ tử theo hầu! Chàng trai công tử con một bá hộ nổi tiếng ăn chơi ở Bārāṇasī và bạn hữu năm mươi lăm người đã đi theo đoàn sa-môn. Ba mươi vương tử trẻ trung của nước Kosala oai hùng cũng đã được đức Thế Tôn kia giác ngộ. Một ngàn đạo sĩ tóc búi cùng với thầy là ba anh em giáo chủ Kassapa tóc bạc già nua, thờ thần lửa tại Uruvelā cũng đã quy giáo với ngài. Đức vua Bimbisāra kiêu ngạo, tài hoa, trẻ tuổi, cơ trí hơn đời và cả triều đình đều xin quy y và thọ trì ngũ giới. Khu rừng Veḷuvana mênh mông và xinh đẹp phía Bắc kinh thành Rājagaha của đức vua cũng đã được dâng cúng cho giáo hội độc thân ấy. Rồi đến việc chàng thần y Jīvaka Komārabhacca trẻ tuổi nổi tiếng và kiêu hãnh đã tâm phục, khẩu phục, phát khởi đức tin hiến cúng khu vườn xoài...

    Ôi! biết bao nhiêu câu chuyện lạ lùng như huyền thoại được thêu dệt qua cửa miệng của mọi người. Nhưng rõ ràng là vị Phật ấy cùng đoàn samôn y vàng thanh thoát, thánh hạnh được mọi người quý trọng; ngay chính ngoại giáo cũng phải nể phục. Chuyện đức Phật cảm hóa tên biện sĩ ngông nghênh Saccaka vừa xong thì xảy ra ba thảm nạn tại Vesāli, cũng chính giáo đoàn ấy cùng với quân lính, thực phẩm của đức vua cư sĩ mang sang đây để cứu trợ. Ôi! Năm trăm vị sa-môn trẻ trung, xinh đẹp đã đọc kinh an lành suốt đêm khắp ba vòng kinh thành Vesāli mà không cần một đền đáp nào! Quả thật là đã có một tôn giáo cứu khổ cho muôn sinh đang có mặt trên cuộc đời hư vô huyễn hóa này hay sao?

    Bà kỹ nữ Ambapālī nghĩ mình là phận nữ nhi, lại làm một cái nghề, dù được xã hội quý trọng nhưng trong miệng lưỡi thế gian, người ta vẫn nói nàng là một dâm nữ! Trong sâu thẳm tâm hồn, nàng vẫn mang một mặc cảm nặng nề không dám tìm gặp đức Thế Tôn thánh hạnh ấy để nghe giáo pháp, để học hỏi giáo pháp. Vừa mới đây, nghe tin đồn, đức Phật đã mở rộng cánh cửa cho nữ nhân các giới có cơ hội tu tập. Và giáo hội tỳ-khưu-ni đã được thành lập rồi, ngay cạnh khu rừng Mahāvana của tỳ-khưu Tăng. Mấy trăm công nương, cung nga thể nữ dòng tộc Sakyā, dẫn đầu là hoàng hậu Gotamī, công nương Yasodharā, sương phụ của đức Phật, đã được gia nhập đoàn nữ samôn. Và nghe đâu, đức Phật ấy không phân biệt nữ nhân thuộc giai cấp, tầng lớp nào trong xã hội.

    Còn nữa, bà có một đứa con trai, thanh niên Vimala, là kết quả mối tình giữa bà và đức vua Bimbisāra, nó cũng đã xuất gia rồi, bây giờ có tên là tỳ-khưu Vimalakoṇḍanna, nghe đâu đã đắc thánh quả, cũng thường hay khuyên nhủ bà rũ bỏ tất cả để xuất gia sống đời thanh tịnh, giải thoát.

    Bà kỹ nữ Ambapālī thở phào, vậy là mình sẽ có dịp diện kiến ngài, mọi nhân, mọi duyên có lẽ đã chín muồi rồi.
    Tin đức Phật sáng hôm nay bộ hành về các thôn làng ngoại ô đã đến tai nàng do gia nhân trông thấy, báo lại. Nghe nói, hiện tại, đức Phật đang ở tại làng Koṭigāma. Không chần chờ phút giây nào nữa cả, nàng tức tốc cho thắng một cỗ xe lộng lẫy, sang trọng với bốn con ngựa trắng cũng lộng lẫy, sang trọng... với người hầu đánh xe, với hai thị nữ rời khu rừng xoài trực chỉ ngôi làng Koṭigāma. Đến chỗ ngựa không còn đi được, hỏi đường, bà cùng với thị nữ đi bộ đến khu rừng mù u. Đến nơi, bà trông thấy một sa-môn dung nghi trong sáng và dịu dàng như ánh trăng rằm đang ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây! Ôi! đẹp quá! Thanh khiết quá! Và lác đác xung quanh chừng vài mươi sa-môn trẻ trung dường như cũng đang tĩnh định trong thiền duyệt. Khung cảnh trang nghiêm và thiêng liêng làm sao! Bà sợ hãi, rón rén đến gần...

    Giọng đức Phật chợt vọng vào tai nàng:

    - Này Ambapālī, hãy đến đây! Như Lai cũng đang cố ý chờ đợi cuộc viếng thăm này đấy!

    Bà Ambapālī rùng mình: “Hóa ra ngài biết cả tên ta! Mà ôi! Cái giọng nói sao mà mát mẻ và êm dịu cái lỗ tai đến vậy!” Bà Ambapālī mạnh dạn bước tới, khom người xuốngrất mực lễ độ, cung tay xá lễ. Đức Phật chỉ một tảng đákhá sạch sẽ bên cạnh rồi nói:

    - Bà hãy ngồi xuống đấy, và nội tâm có điều gì bất ổn thì cứ nói ra hết cho Như Lai nghe!

    Rồi bà Ambapālī nói. Bà kể về thân thế là đứa con vô danh nơi gốc xoài lúc hóa sanh. Kể về sự lao khổ của bao nhiêu năm học nghệ trên đất khách. Kể về cái nghề của bà khi đã thành đạt. Kể về đời sống xa xỉ bạc tiền. Kể về phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân, vũ ca đàn hát để phục dịch, hầu hạ cho giai cấp quý tộc, cho giới trưởng giả giàu có. Thân mệt mỏi mà tâm cũng mệt mỏi. Chắc hẳn vang ngọc và vinh hoa hư dối ấy không phải là hạnh phúc. Cuộc đời này, chẳng lẽ nào trên cái bề mặt của phú quý, danh vọng, tài sản, thỏa mãn ngũ dục... có vẻ huy hoàng kia lại có cái mặt trái của nó là tối tăm, đau khổ và buồn phiền? Và đấy có phải là trò biến hóa của Māyā chăng?


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  7. #77
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Đức Phật nắm bắt ngay căn cơ và trình độ. Theo với tâm sự của Ambapālī, đức Phật khơi bày về sự-thật-khổ, nó là cái gì hiện thực đang chi phối chúng sanh trong ba giới bốn loài; là cái gì tất định mà tất thảy giống hữu tình phải gánh chịu, phải mang vác trên trần thế. Đức Phật chưa đi sâu vào tứ đế mà ngài tiếp tục nói về thuận thứ của con đường thoát khổ. Ngài nói về tri kiến chơn chánh, về đức tin chơn chánh làm nơi nương tựa vững chắc cho đời sống tinh thần. Không có đời sống tinh thần với những niềm vui thiêng liêng, lành mạnh thì sự sung mãn vật chất chỉ đáp ứng được đời sống bản năng, hạ liệt, sa đọa và sẽ rơi vào thảm nạn. Phải có chỗ để quy hướng. Phải biết bố thí, cúng dường; phải biết xả ly, ly tham cho tâm hồn được nhẹ nhàng, rộng mở, thanh thản... Phải thực hiện những pháp như vậy, phải tu tập những pháp ban đầu như vậy thì chúng sẽ xua tan những đám mây mờ, u tối ở trong con... Như Lai chúc phúc sự bình yên cho con, này Ambapālī!

    Xúc động quá, bà Ambapālī quỳ năm vóc sát đất và gục khóc lặng lẽ. Thời pháp êm dịu của đức Phật đã làm cho tâm hồn khô hạn của bà được tẩm mát, nhẹ lâng lâng. Để cho xúc cảm lắng xuống, bà Ambapālī nói:

    - Tri ân đức Thế Tôn! Con đã có chỗ nương tựa rồi! Xin đức Thế Tôn cho con được quy y làm người cận sự nữ từ đây cho đến trọn đời!

    Sau khi đức Phật cho thọ trì quy giới, ngài im lặng nhận lời mời của kỹ nữ Ambapālī, cùng với hội chúng đến vườn xoài của bà thọ trai vào ngày hôm sau. Bà Ambapālī đảnh lễ đức Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, hướng vai phải nhiễu quanh tỏ lòng kính trọng rồi ra về.

    Vào buổi trưa hôm ấy, các vương tử, công tử trẻ tuổi cộng hòa Licchavī, thủ đô Vesāli, nghe tin đức Thế Tôn ngự đến ngôi làng Koṭigāma nên đã cùng thông báo với nhau, tổ chức một hội chúng đông đúc để đi diện kiến ngài. Thế là đúng giờ hẹn, tại chỗ tập trung, họ bước lên hằng chục cỗ xe sang trọng, lộng lẫy, sáng chói dát bạc, dát vàng như một cuộc hội lớn, rầm rộ khởi hành.

    Đến con đường nhỏ vào làng Koṭigāma, những vương tử, công tử Licchavī trông thấy một cỗ xe bốn ngựa trắng sang trọng trên đường ngược chiều. Họ bàn tán với nhau:

    - Cỗ xe thắng bốn con ngựa trắng cao đẹp kia với rèm sáo lanh canh, óng ánh ngọc vàng như thế thì có ai ngoài bà vương hậu kỹ nữ của chúng ta?

    - Đúng là bà mỹ nhân kiêu hãnh Ambapālī rồi!


    Trông xa đã biết đấy là các vương tử, công tử Licchavī trẻ tuổi, giàu sang, hiển hách và đầy quyền uy, nhưng bà Ambapālī bảo người hầu cương quyết không nhường đường. Bốn con tuấn mã sức mạnh như sư tử vẫn an nhiên càn lướt, còn hí lên những tràng dài đầy vẻ thị uy. Thế là gọng xe, càng xe, bánh xe, trục xe đụng nhau tạo nên những âm thanh lắc cắc, lốp bốp... Những cỗ xe của các vương tử không đương cự nổi cỗ xe được thiết kế chắc bền bởi những kim loại quý của bà kỹ nữ, đành phải dạt ra ngoài lề với một số chi tiết bộ phận nào đó đã bị gãy bể, hỏng hóc. Tuy nhiên, họ không để tâm vào điều ấy; một số vương tử, công tử nhảy xuống, họ không giận mà chỉ cất tiếng hỏi:

    - Cái cỗ xe trị giá trăm ngàn đồng tiền vàng của bà lại cố ý ngăn chặn giữa đường, không cho chúng tôi đến diện kiến đức Thế Tôn là tại làm sao hở?

    Bà Ambapālī cho dừng xe, vén rèm, mỉm cười, dịu dàng đáp:

    - Vì chính tôi đã thỉnh mời hội chúng tỳ-khưu và đức Thế Tôn đến thọ trai ngày mai tại vườn xoài của tôi rồi, thưa chư vương tử!

    - Chúng tôi cũng muốn đến Koṭigāma với ý nguyện như vậy. Hay là bà hãy nhường lại buổi cúng dường thọ trai ngày mai nhé?

    - Không thể được, thưa vương tử!

    - Chúng tôi sẽ tặng lại bà cùng hai nàng thị nữ xinh đẹp đây một ngàn đồng tiền vàng kahāpaṇa ngay tức khắc!

    - Các vương tử xem thường tôi quá đấy!

    Một vị vương tử nhảy phóc xuống xe, nói lớn:

    - Hai ngàn, ba ngàn kahāpaṇa được chăng? Cứ ngã giá vậy nhé, thưa bà hoàng hậu kỹ nữ?

    Bà Ambapālī, buông rèm xuống, nói vọng ra:

    - Xin lỗi! Xin chư vị đừng lấy tiền bạc ra mà hù dọa tôi. Cho dẫu cả thủ đô Vesāli, cả tài sản và cư dân, tôi cũng không chịu nhượng đâu!

    Thế là bà bảo người hầu dong xe đi. Các vương tử, công tử Licchavī tấm tức nhìn theo. Có vị buột miệng:

    - Kiêu hãnh quá đấy!

    Có vị nói:

    - Bà kỹ nữ vườn xoài đã nhanh tay hớt phần phước đầu của chúng ta rồi! Rồi y vỗ tay, la với theo cỗ xe của Ambapālī

    - Chúng tôi đã bị đo ván một cách rất tồi tệ, hỡi bà vương hậu mỹ miều, xinh đẹp ơi!

    Mọi người có vẻ chẳng buồn giận gì, cười ha hả. Rồi sau đó, họ cũng lại lên đường, rầm rộ đến thăm đức Phật. Chiếc xe nào hư hỏng, các vị thản nhiên quăng bỏ lại không thương tiếc. Đến chỗ xe không còn đi được, họ đi bộ đến cụm cây mù u. Đức Phật biết tất cả mọi chuyện xảy ra, ngài chợt nói với hội chúng, lúc ấy họ đang ngồi xung quanh ngài:

    - Này các thầy tỳ-khưu! Ở đây, ai chưa thấy chư thiên cõi trời Tāvatiṃsa (Đao Lợi hoặc Ba Mươi Ba) thì hãy nhìn hội chúng các vương tử, công tử Licchavi kia là có thể hình dung được! Chư thiên Tāvatiṃsa cũng tương tợ như vậy về cách phục sức nhiều sắc màu đầy ấn tượng. Hãy nhìn kìa! Một số vương tử thích màu xanh, thế là ngựa kéo nhuộm xanh, cỗ xe màu xanh, y phục màu xanh, trang sức cũng màu xanh! Một số vương tử thích màu vàng thì ngựa, xe, y phục và trang sức đều màu vàng. Cũng như thế là màu bạch ngọc, màu chu sa, màu san hô, màu nước biển, màu xanh lá cây, màu bình minh rạng... Họ đi đâu là mang theo cả thiên nhiên, cả vườn hoa thật là phong phú sắc màu, tươi vui và đẹp mắt...

    Các vị tỳ-khưu trẻ cảm thấy thích thú nhìn ngắm hội chúng ấy đi đến, chào hỏi cung kính đức Thế Tôn rồi ngồi lác đác chỗ này chỗ kia với những tượng người sắc màu di động.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  8. The Following User Says Thank You to Hoàng Mai For This Useful Post:

    Thiện Tâm (11-18-2015)

  9. #78
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Đức Phật lại thuyết một thời pháp nói về cảnh giới các cõi trời, nhấn mạnh về trang phục sắc màu của họ tương ưng Thiên chúng cõi trời Tāvatiṃsa như thế nào, nhân và quả ra sao. Rồi ngài nói tiếp nhân sanh các cõi trời cao hơn, chánh báo, y báo ở đấy. Thuyết về bố thí, trì giới với những câu chuyện, dụ ngôn, đoản ngôn đầy ấn tượng và rất thú vị. Thứ đến mới nói đến đức tin Tam Bảo, con đường thắng phước, hạnh phúc và an lạc cho nhiều đời... Trong lúc thuyết pháp, đức Phật đã cố ý vận dụng thần thông, phóng ra một loại hào quang sắc trắng, như mặt trăng mùa thu dịu dàng tỏa sáng ra xung quanh, bao trùm cả hội chúng, lại còn làm cho không gian trở nên sạch trong, không một chút bụi dơ. Như thế là đức Phật đã làm cho họ vô cùng thỏa thích và hoan hỷ.

    Cuối buổi pháp thoại, hội chúng vương tử, công tử Licchavī thỉnh mời đức Toàn Giác và hội chúng thọ trai ngày hôm sau; đức Phật bảo là đã nhận lời mời của bà Ambapālī rồi. Họ kể lại chuyện đụng đầu bà kỹ nữ giữa đường như thế nào. Rồi một chàng trai Licchavī thốt lại câu nói cũ:

    - Bạch đức Thế Tôn! Chúng con bị bà kia nhanh tay hớt phần phước mất rồi; bị bà ta hạ đo ván một cách rất chi là oanh liệt.

    Đức Phật mỉm cười:

    - Ừ! Trên con đường tiến hóa tâm linh, nếu như các chàng trai còn ham vui quá, ham chơi quá, ham thụ hưởng quá - thì coi chừng, sẽ bị bà ta hớt mất phần phước, bị hạ đo ván một lần nữa đấy!

    - Bạch, tại sao?

    - Vì mới nghe pháp chỉ mới một lần, đức Phật nói, mà bà ta đã có đức tin khá vững chắc.

    - Tri ân đức Thế Tôn! Chúng con sẽ ghi nhớ lời này! Chúng con rồi sẽ có đức tin vững chắc như thế!


    Sau khi hội chúng Licchavī đi rồi, đức Phật dọn dẹp chỗ ngồi, xếp lại tọa cụ, tăng-già-lê... rồi cùng với hội chúng tỳ-khưu rời Koṭigāma đến ngôi làng Nākikā lúc trời đã về chiều. Đến một rừng cây, trời lất phất mưa, gió lạnh rì rào - đức Phật tìm thấy một ngôi nhà gạch bỏ hoang, ngài và hội chúng trải qua đêm ở đây.

    Sáng ngày, người hầu nam của cô kỹ nữ đánh xe đến thông báo là buổi đặt bát cúng dường tại vườn xoài đã sẵn sàng, thỉnh đức Thế Tôn và hội chúng lên đường. Tại đây, bà kỹ nữ đã dâng cúng thức ăn thượng vị loại cứng, loại mềm... đầy thành kính và trân trọng vào bát của đức Phật và Tăng chúng. Khi đức Thế Tôn ngọ trai xong, bà dâng nước rửa tay, nước uống và tăm xỉa răng rồi ngồi một bên để nghe pháp. Đức Phật lại ân cần chỉ dạy cách lập tâm, cách an trú tâm vào thiện pháp - tức là phải biết lấy việc lành, việc tốt làm niềm vui thanh cao cho tâm hồn. Cuối buổi giảng, bà kỹ nữ Ambapālī, quỳ thưa:

    - Bạch đức Thế Tôn! Con đã phát khởi tâm tịnh tín đối với giáo pháp. Vậy, xin ngài cho phép con được làm một số việc hữu ích.

    - Như Lai nghe đây!

    - Thứ nhất, cho con được thỉnh thoảng lui tới Mahāvana để nghe pháp; thỉnh thoảng lui tới hội chúng tỳ-kheo-ni, tùy theo khả năng, con có thể cúng dường gì đó phù hợp nhu cầu ở nơi cơ sở còn quá mới mẻ ấy!

    - Còn việc thứ hai?

    - Vườn xoài này của con cũng khá rộng lớn lại có nhiều cây to bóng mát, có thể làm nơi lưu trú cho tỳ-khưu Tăng; nếu Mahāvana mai kia đã trở nên chật chội, xin đức Thế Tôn cho con được noi theo gương của cậu thần y Jīvaka Komārabhacca cúng dường cơ sở này.


    Đức Phật im lặng nhận lời. Rồi ngài nói:

    - Con nên tác ý cúng dường vườn xoài này đến cho thập phương Tăng, có Như Lai là vị đứng đầu, như thế phần phước này sẽ lớn rộng hơn nhiều!

    Bà Ambapālī cúi đầu ưng thuận, lấy bình đựng nước nhỏ bằng vàng, đổ nước lên bàn tay của ngài cho đúng với thủ tục dâng cúng cổ truyền. Đức Phật nói kệ chúc phúc, mong rằng, phước sự này sẽ như sông biển của bốn đại dương, làm cho đầy tràn tín tâm, chân phúc mai hậu cho thí chủ. Sau đó, do thấy căn duyên của bà kỹ nữ đã sẵn sàng, đức Phật thuyết một thời pháp nói về Tứ đế với câu cú, văn nghĩa vừa giản dị, vừa sâu rộng, gần gũi với đời thường. Cuối thời pháp thoại, bà kỹ nữ rời bỏ tập khí, xa lìa trần cấu, thấy pháp, chứng quả Nhập lưu!

    Ngay chiều hôm ấy, đức Phật trở lại Mahāvana, Sảnh Đường Nóc Nhọn, Kūṭāgāra, ngài kể lại câu chuyện ở vườn xoài; rồi yêu cầu hai vị đại đệ tử cho một hội chúng tỳ-khưu có vài vị trưởng lão dẫn đầu đến tiếp nhận cơ sở mới.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  10. #79
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    * Khúc thán ca vô thường bất hủ

    Thời gian sau, kỹ nữ Ambapālī xin được xuất gia phạm hạnh rồi sống ở Ni viện do trưởng lão ni Gotamī lãnh đạo.
    Tỳ-khưu-ni Ambapālī không được vui do tuổi già, không còn đủ lanh lẹ trong mọi sinh hoạt như các vị khác. Có một dao động mãnh liệt khi thấy bản chất già yếu, lụm khụm, mệt mỏi... và sự biến đổi, thay đổi của thân xác.
    Hôm kia, ngồi bên bờ suối vắng vẻ, nhìn ngắm chiếc bóng già nua thấp thoáng ẩn hiện trong dòng nước, tỳ- khưu-ni Ambapālī kinh cảm, tràn đầy xúc động, thốt lên một bài kệ như sau:

    Ôi! Mái tóc thanh xuân của ta,
    Mái tóc màu xanh sậm tợ mắt con ong chúa
    Và bồng bềnh sóng gợn từ gốc tới ngọn
    Bây giờ sắc đẹp ấy đã bị phá hủy
    Do bệnh hoạn, do tuổi già
    Do lửa thời gian thiêu đốt
    Nó khô rang giống như sợi vỏ cây gai dầu
    Ai rồi cũng phải bị tuổi già khống chế
    Bị sự vô thường chi phối
    Đúng như lời dạy bảo của đấng Giác Ngộ, không sai!

    Ôi! Một thời,
    Mái tóc của ta tỏa hương thơm
    Giống như một hộp đựng châu báu
    Hoặc như một hộp đựng hương
    Do trên đầu ta luôn phủ đầy hoa puppheti,
    Hoa campaka, hoa aribian
    Cùng bột hương và các loại hương liệu tế nhị, quý phái
    Còn nữa, mái tóc ta dày rậm
    Như một khu rừng khéo trồng,
    Mỗi sợi tóc là mỗi gốc cây luôn được bảo vệ,
    Chăm sóc như trong công viên của hoàng gia,
    Nó mềm mại, êm ái và sực nức thơm tho.
    Lại còn được làm đẹp
    Với lược gắn bằng vàng ròng tinh chất,
    Với trâm cài có đính kim cương -
    Nó óng ánh, đẹp đẽ
    Và chói sáng giống như ngày hội của muôn sao
    Bây giờ thì nó đã thưa thớt dần
    Sau khi cạo bỏ
    Nó lại phảng phất mùi hôi như lông chú cún,
    Khó chịu như mùi lông cừu
    Ôi! Quả đúng là một rừng bất tịnh
    Đúng như lời dạy bảo của đấng Giác Ngộ, không sai!

    Ôi! Một thời,
    Đôi làn mi của ta
    Đã được họa sĩ trứ danh khéo vẽ
    Đẹp tựa vầng trăng lưỡi liềm
    Nó không những điểm màu xanh tinh tế,
    Màu gợi cảm tinh tế
    Mà còn pha thêm hồn của liễu rũ,
    Hồn của những sợi tơ con ngài
    Phải nói là nó đẹp đến tuyệt mỹ, vô song
    Bây giờ đôi làn mi ấy
    Chỉ còn là những sợi rơm rạ khô vàng
    Kéo theo những tia nhăn nheo phủ xuống mệt mỏi
    Báo hiệu sự già lão, chết chóc

    Ôi! Một thời,
    Đôi mắt của ta đen huyền và xanh thẳm
    Như đôi mắt của chúa bồ câu,
    Chúa thiên nga, chúa nai trong rừng sâu
    Nó lại còn rực rỡ, chói ngời
    Nhưng xanh trong và tỏa sáng dịu dàng
    Như hai luồng châu báu
    Bây giờ, tháng năm biến đổi
    Nó đã đục lờ như nước sữa chua
    Nó đã lấm tấm mọc lên li ti
    Những mụn bụi, mụn cát màu xám nâu
    Nó xấu xí, bạc nhược và vô hồn đến nỗi,
    Có thể đem so với đôi mắt con cá chết,
    Nhưng mà con cá chết ươn!

    Ôi! Đang lúc tuổi trẻ dậy thì
    Mũi của ta mềm dịu,
    Ngay thẳng và sáng trong
    Sống mũi là một gò núi tinh tế, tuyệt hảo
    Nó kiều diễm như châu ngọc không có tỳ vết
    Bây giờ thì nó sụp xuống như ống cống bị gãy
    Lại còn tươm rỉ nước mũi lệt sệt hôi hám
    Ôi! Sự thật vô thường thật là khó kham, khó nhẫn;
    Đúng như lời dạy bảo của đấng Giác Ngộ, không sai!

    Ôi! Một thời,
    Đôi tai của ta, vành tai,
    Trái thùy châu của ta
    Nó được những vòng vàng, vòng ngọc,
    Vòng bạc khéo chế tạo, tế nhị điểm trang
    Nó sáng chói như ngọc chuốt
    Bây giờ thì nó chảy xệ xuống,
    Nhăn nheo rũ xuống như hai miếng giẻ rách
    Ôi! Sự thật vô thường thật đáng sợ
    Đúng như lời dạy bảo của đấng Giác Ngộ, không sai!

    Ôi! Một thời,
    Hàm răng của ta trắng tinh như ngà,
    Đều đặn như hạt lựu, hạt bắp,
    Trắng nõn như búp măng chuối mới sinh
    Nay thì nó bị bể, bị gãy, bị sâu đục
    Rồi chiếc rụng, chiếc long
    Và chúng ngả sang màu vàng, đen xỉn
    Trông mới ghê sợ, thê thảm dường bao!

    Ôi! Một thời,
    Giọng nói, âm sắc của ta ngọt ngào, ngọt lịm
    Nó êm ái, du dương
    Nó mê ly, thánh thót
    Nó quyến rũ mê hồn
    Khi ta thốt lên thì nó thỏ thẻ, đường mật,
    Gợi tình như tiếng chim cu
    Sống chung trong cánh rừng
    Cùng những ca sĩ non xanh líu lo tấu nhạc
    Trong một khúc trường xuân miên viễn
    Nay thì nó rè rè, khan khàn, đứt đoạn
    Giống như gió thổi qua ống sáo trúc bị nứt bể!

    Ôi! Một thời,
    Chiếc cổ của ta thật là kiều diễm
    Nó đầy đặn, mềm mại, tròn sáng
    Như vỏ ốc xà cừ bằng vàng
    Được đánh bóng công phu, khéo tay và tinh tế
    Giờ đây trông nó như vỏ mướp đắng phơi khô,
    Có nhiều ngấn quăn queo,
    Chỉ còn là bì da đựng lớp mỡ thừa,
    Chảy xệ, nhão nhoẹt

    Ôi! Một thời,
    Hai cánh tay trần của ta mềm mại, tròn trịa
    Vàng sáng như được tô ngọc
    Hòa thêm với ánh trăng đêm mười sáu
    Nó còn giống như hai ống ngọc tròn
    Vòng quanh ngôi đền tình ái
    Nay thì nó đã xiêu đổ, biến dạng, đổi hình
    Và nó yếu ớt, tàn tạ
    Như đóa hoa kèn trắng bệch
    Không còn chút huyết sắc nào

    Ôi! Một thời,
    Hai bàn tay của ta trắng trẻo, mềm dịu,
    Sáng trắng như trứng gà bóc
    Lại còn nhẫn vàng, nhẫn ngọc,
    Nhẫn kim cương, hột xoàn trang điểm
    Tô chuốt óng ánh bóng ngời
    Nay thì nhăn nheo, nhũn nhèo
    Mềm xèo như cây hành héo
    Như nhúm cải luộc!

    Ôi! Một thời,
    Cặp nhũ của ta căng phồng, tròn trịa
    Mơn nõn như hai trái đào tiên
    Đầu vú cứng cáp tràn trề sinh lực
    Và đỏ hồng như điểm chu sa
    Nay thì nó chảy xệ xuống
    Như bầu da khô sữa không còn căng đầy
    Như túi nước đã rỉ hết nước
    Ẻo xèo và nhăn nhúm

    Ôi! Một thời,
    Thân ta thon thả và chói sáng
    Như áo giáp vàng đánh bóng
    Sau khi đã bôi lên một chất son tinh khiết
    Đâu cũng mịn màng, láng lẩy
    Đâu cũng tròn căng và thơm tho
    Nay thì chúng đã xuống cấp
    Như ngôi nhà mối mọt
    Đã tàn tạ và mục rữa ở khắp mọi nơi
    Cả những sinh bào bé tí
    Cũng cau mặt, nhăn nhiu thảm hại

    Ôi! Một thời,
    Cặp đùi của ta múp míp đầy đặn
    Ánh ngời như cặp ngà voi
    Mềm mại và uyển chuyển
    Như bước đi của tiên nữ
    Và nó đã làm cho bao nhiêu
    Vương tôn công tử chết đứng chết ngồi
    Vì nó đã được ông thợ trời khéo khắc, khéo tạc
    Thành một tác phẩm tuyệt mỹ
    Nay thì giống như hai ống tre khô giòn
    Đến thời quăng vào lửa đốt!
    Cặp bắp chân của ta cũng thế
    Như được uống nước no,
    Mịn màng và vàng óng
    Lúc nào cũng giống như đôi giày được độn đầy bông
    Nay thì nó gầy gò, teo tóp, xương xẩu
    Rất ít thịt và máu
    Giống như thân cây mè khô
    Được cắt bỏ ngoài đồng ruộng
    Khô nỏ, nứt nẻ
    Những sợi lông chân của ta
    Cũng mịn màng vàng óng
    Bây giờ thì như cây cỏ
    Trong ngôi rừng vừa bị lửa cháy!

    Ôi! Cái thân, cái thân!
    Các pháp hữu vi kết hợp này
    Nó chịu cái già lão hủy hoại
    Cái ngôi nhà được vô minh và ái dục xây nên
    Nay đã cũ kỹ
    Cột kèo, đòn dông đã bị hư mục
    Mái lợp, tấm che đã xiêu rách tả tơi
    Và những lớp vôi trét tường đã đến hồi rụng rã
    Cái thân vô thường này
    Là một cái bọc chứa đầy bất tịnh và đau khổ
    Lời dạy của đức Tôn sư
    Muôn đời là sự thật
    Tham luyến, chấp thủ gì nữa
    Mà không chịu rời xa?



    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

  11. #80
    Avatar của Hoàng Mai
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    254
    Thanks
    241
    Thanked 163 Times in 98 Posts


    Sau khi thốt lên lời thán ca về sự vô thường, biến đổi, bất tịnh của cái thân như thế, tỳ-khưu-ni Ambapālī nắm ngay tướng bất tịnh ấy, lìa tham ái, chấp thủ, đoạn trừ năm triền cái, năm thiền chi xuất hiện đi vào định thiền, tuần tự sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền chỉ trong thời gian bảy ngày. Nhờ tâm định vững chắc, kiên cố, bà quán sát danh sắc, thấy được thực tánh, tam pháp ấn hiển lộ, chứng đắc các tầng tuệ giác, từ cạn vào sâu, chứng quả A-la-hán với đầy đủ ba minh.
    Bổi hổi, bồi hồi, lạc phúc và an tịnh, nàng dùng thiên nhãn, sanh tử minh, rồi túc mạng minh, chiêm quan nhìn ngắm các kiếp sống trầm luân sinh tử của mình; cảm thán, nàng thốt lên một bài kệ tán ca nữa:

    Hóa ra ta đã có căn duyên
    Từ thời Phật Phussa
    Ta thuộc dòng dõi Sát-đế-lỵ
    Là chị gái của đức Hiền Trí ấy
    Tuy nhiên, dẫu lắng nghe chánh pháp
    Dẫu bố thí cúng dường lớn lao
    Ta cũng chỉ biết
    Cầu mong có được sắc đẹp diễm kiều
    Đến thời Phật Sīkhī xuất hiện
    Ta sinh ra
    Trong kinh đô Aruṇa tuyệt vời thanh lịch
    Ta xuất gia tỳ-khưu-ni trong giáo pháp này

    Hôm kia,
    Dẫn đầu đoàn Ni chúng đông đúc
    Đến chùa nghe pháp đức Thế Tôn
    Có một vị Trưởng lão Ni lậu hoặc đã tận
    Do hắt xì hơi nhổ ra một bãi đờm
    Ta bước qua, thấy bãi đờm
    Cất lời nguyền rủa
    “Con kỹ nữ nào
    dám nhổ cái đống bất tịnh ở đây!”
    Do lời ác khẩu
    Phỉ nhổ bậc thánh vô nhiễm
    Ta bị đọa sanh ở cõi hỏa ngục
    Chịu nhiều cực hình đau đớn
    Sau đó bị dư nghiệp của quả báo
    Ta bị làm kỹ nữ suốt mười vạn kiếp nữa
    Đến thời Phật Kassapa
    Ta được xuất gia tỳ-khưu-ni
    Với bậc Đại Chiến Thắng
    Nhờ giới hạnh trong sạch
    Tích lũy thiện nghiệp
    Ta được hóa sanh vào cõi Tam thập tam
    Đến thời Phật Sakyā Muni hiện tại
    Do đã chán các thai bào dơ uế
    Nên tuy sanh làm người
    Nhưng ta lại hóa sanh tại cây xoài
    Nên được đặt tên là Ambapālī
    Do nghiệp còn dư sót
    Ta vẫn làm kỹ nữ
    Do sắc đẹp, tài năng
    Thế gian không ai sánh nổi
    Nên được phong danh hoàng hậu kỹ nữ
    Khi tuổi chiều bóng xế
    Ta lại được nghe pháp của đức Thế Tôn
    Duyên xưa trổ sanh
    Được xuất gia tỳ-khưu-ni
    Và không mấy chốc
    Ta đã đạt Tam minh
    Mọi lậu hoặc, kiết sử không còn nữa
    Ta thênh thang giải thoát
    Ta vô ngại giải thoát
    Ta chẳng còn tái sanh, luân hồi nữa
    Ta đã làm trọn hảo phận sự của mình
    Thực hiện đúng đắn lời dạy của đức Tôn sư
    Chẳng còn gì để làm nữa trên cõi đời
    Vô lượng tri ân bậc Vô tỳ vết,
    Bậc Chiến thắng tam giới,
    Đã cho con nếm thưởng
    Hương vị Pháp bảo vô sanh bất diệt!


    Những đoạn kệ, nhất là bài thán ca vô thường bất hủ của tỳ-khưu-ni Ambapālī không mấy chốc được lan truyền đi khắp nơi. Một vị Thánh ni, xuất thân là một kỹ nữ vừa được sanh ra trong giáo pháp của đức Thế Tôn là một biến cố trọng đại, được mọi người xưng tán, tôn trọng; do vậy bài tụng ca này hàm tàng không biết bao nhiêu là ý nghĩa, khó nói cho hết được.


    Rỡ rỡ mai vàng, đâu chẳng đạo sư !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •