Tinh thần giác ngộ của đạo Phật
qua ngày lễ Vu-lan


Hôm nay nhân ngày lễ Vu-lan, chúng tôi có một thời thuyết pháp với đề tài "TINH THẦN GIÁC NGỘ CỦA ĐẠO PHẬT". Chúng tôi sẽ chỉ rõ tinh thần giác ngộ của lễ Vu-lan như thế nào cho tất cả quí vị thấy, vì chính đó là tinh thần giác ngộ của đạo Phật. Tinh thần giác ngộ đó sẽ diễn tiến từ thấp lên cao, đến chỗ tột đỉnh như thế nào, chúng tôi tuần tự giải thích qua cho tất cả quí vị rõ. Trước tiên tôi nói thẳng về ngày lễ Vu-lan. Theo thường ở chùa, ngày rằm tháng bảy là ngày lễ "Tự tứ" của chư tăng cũng gọi là Phật hoan hỉ nhật, cũng gọi là ngày Vu-lan-bồn, dịch âm tiếng Phạn. Ở Trung Hoa dịch nghĩa là giải đảo huyền, tức là cứu hay cởi tội khổ bị treo ngược. Nói một cách khác là cứu tội khổ của những người đang đọa trong cảnh đau khổ địa ngục ngạ quỉ. Đó là tên gọi, nhưng sở dĩ đặt ngày lễ Vu-lan vào ngày rằm tháng bảy là do ý nghĩa nào, tiêu chuẩn nào đức Phật nhắm như vậy?

Chúng tôi lần lượt giải thích các tiêu chuẩn đó. Bởi ngày xưa, lúc đức Phật tại thế, chư Tăng hoặc bốn vị hay nhiều hơn, đều phân tán đi nơi này nơi nọ giáo hóa. Đến mùa hạ, ở Ấn Độ mưa nhiều, nước lũ cho nên sự đi lại khó khăn. Đức Phật ra lịnh cho chư Tăng đến mùa hạ phải qui tụ một nơi để thúc liễm tu hành và kiểm soát lẫn nhau, để tu hành thế nào cho nghiêm chỉnh. Trong ba tháng hạ, tức là đến ngày rằm tháng bảy, chư Tăng nhắc nhở lẫn nhau trong hành động, ngôn ngữ, tư tưởng còn khuyết, còn sơ sót. Sau đó mỗi nhóm tùy phương tiện mà đi giáo hóa khắp nơi. Như vậy, ba tháng an cư tính từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy. Ngày rằm tháng bảy gọi là lễ "tự tứ", có nghĩa là: Tự: mình, Tứ: mặc tình, tức là chính mình đi ra giữa đại chúng, giữa chư Tăng cầu thỉnh tất cả chư Tăng xét thấy mình có những sơ sót nào, những lỗi lầm nào thì yêu cầu hoan hỉ chỉ dạy để cho mình nhận lấy lỗi lầm, ăn năn chừa cải. Đó là Tự tứ.

Trong bài văn tự tứ nói thế này:

Một vị Tăng hay là vị Tỳ-kheo đến trước những vị Tỳ-kheo khác có đức hạnh hơn thưa:

"Bạch Đại đức một lòng thương xót, con là Tỳ-kheo A hay B gì đó, trong ba tháng an cư, Đại đức hoặc thấy hoặc nghe hoặc nghi con có lỗi lầm gì thì thương xót chỉ dạy cho, con sẽ phát lồ sám hối đúng pháp."

Như vậy, trong ba tháng an cư hoặc đích thân họ thấy những cái sơ sót của mình hoặc là họ nghe những người xung quanh nói lại những cái sơ sót của mình, hoặc là họ thấy cái sơ sót mà không biết có đúng hay không, trong lòng còn nghi ngờ. Trong ba trường hợp đó, mình đều ra cung thỉnh nói thẳng, chỉ thẳng ra cho mình biết dù cái đó chưa phải là tội. Họ còn nghi ngờ mà nói ra mình cũng sẵn sàng nghe, xét thấy đúng là lỗi thì sám hối phát lồ, do đó tội lỗi sẽ giảm bớt. Như vậy mới là người làm lễ tự tứ đúng pháp. Quí vị thấy có gì đặc biệt trong lễ tự tứ này không?

Theo tâm lý con người như quí vị thấy, tất cả chúng ta ít có người muốn nói cái dở của mình, hoặc che cái hay của mình. Có người nào muốn nghe người ta nói cái xấu của mình hay không? Đa số đều muốn khoe cái hay mà sợ thấy cái dở của mình, cho nên luôn luôn người ta khoe cái hay và giấu cái dở mình. Đó là bệnh phổ thông của mọi người. Cái bệnh đó làm cho con người tiến hay lùi? Nếu có hay một chút đem ra khoe khoang, còn xấu thì che giấu để người ta không thấy, đó là tâm niệm hiếu danh. Nếu mình một lần làm xấu giấu được, không ai biết, không ai chỉ, không ai nhắc, thì lần xấu thứ hai, thứ ba sẽ theo đó mà diễn tiến. Càng che giấu tội lỗi thì tội lỗi càng nhiều. Cho nên cái bệnh che giấu khiến con người thoái bộ. Làm cho con người hư hỏng là bệnh hay khoe cái hay và che giấu cái dở của mình.