Bồ-tát sợ nhân chúng sanh sợ quả


Là con người ai cũng sợ khổ cầu vui, song người mê chỉ biết sợ quả khổ cầu quả vui. Ngược lại người tỉnh chỉ sợ nhân khổ, tạo nhân vui. Hai bên có cái nhìn khác nhau, bên nào sẽ đạt được như sở nguyện? Dù ngây thơ thế mấy, người ta vẫn biết, không tạo nhân lành mà cầu quả tốt là chuyện không đâu; sợ quả khổ mà cứ tạo nhân ác là việc khó tránh. Nhân ác không gây, dù chẳng sợ quả khổ, nó vẫn không đến; nhân lành cứ tạo, dù chẳng cầu quả vui, nó vẫn bò sang. Cho nên người trí nhìn từ cái nhân mà chọn lựa, chọn nhân lành bỏ nhân ác. Cả đời mãi gây tạo nhân lành, loại trừ nhân ác, người này bảo đảm gặt hái những kết quả đẹp đẽ an vui. Ai say sưa tạo nhân ác, chẳng bao giờ nghĩ tới nhân lành, chắc chắn sẽ thu lượm được muôn vàn đau khổ, dù họ sợ sệt khẩn cầu quả ấy đừng đến. Cho nên câu châm ngôn nhà Phật, ít Phật tử nào không thuộc, là "Bồ-tát sợ nhân chúng sanh sợ quả".


NGHĨA BỒ-TÁT VÀ CHÚNG SANH


Bồ-tát (Bodhisavattu) là người giác ngộ, thấy tận cái manh nha cái đầu mối của sự khổ đau và an lạc. Muốn hết khổ được vui, không gì hơn ngay cái mầm đau khổ chúng ta đừng gieo, cái mầm an vui phải tung vãi. Không gieo nhân khổ thì quả khổ làm gì có. Cứ tung vãi nhân vui thì quả vui không vời cũng đến. Đây là hành động của người giác ngộ. Chúng sanh là những kẻ mê, chỉ nhìn trên cái quả mà sợ mà cầu. Luôn luôn sợ khổ cầu vui, mà nhân đau khổ không tránh, nhân an vui không tạo. Một khi quả đau khổ đến thì cầu khẩn van xin, song làm sao qua khỏi, vì đã hình thành. Cầu mong mơ ước quả an vui, nhưng nhân không gây thì quả từ đâu mà đến. Đây là hình ảnh trái ngược của kẻ mê người giác. Tuy nhiên, cái mê này ai cũng có thể bỏ, cái giác này ai cũng có thể làm. Chỉ là nhắm vào nhân là giác, ai không thể làm được việc đó. Thế nên, Bồ-tát là chuyện tất cả chúng ta có thể làm được và chúng sanh chúng ta cũng bỏ được.