DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 17/18 ĐầuĐầu ... 715161718 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 161 tới 170 của 179
  1. #161
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Thiền Sư có đến ngàn vạn phương tiện, lãnh hội một thì tất cả đều thông. Sau khi thông lý tuyệt đối, có giá trị thế nào ?

    Bởi vì tất cả chúng ta đều trông thấy mọi lẽ tạm bợ của cuộc đời, khiến khát khao tìm kiếm hướng về chỗ trường cửu miên viễn. Song nói đến chỗ này, dường như mọi người đều thở dài tự nhận là vô phần. Hầu hết đều bó tay cúi đầu trước thực thể bất sanh bất diệt ấy. Khao khát ước mơ mà không thể tìm được, không dám mò tới, thực là đau đớn vô cùng. Một khi bất ngờ bắt gặp được nó thì còn gì sung sướng cho bằng. Chính tâm trạng Tôn giả Xá Lợi Phất v.v... ở trong kinh Pháp Hoa cũng thế. Từ khi tu hành cho đến nay, các Ngài chỉ mong được quả Nhị thừa, không khi nào dám ước mơ đến Phật quả. Bất ngờ được đức Phật thọ ký cho sẽ thành Phật, thực là một điều quá sức ước mong. Nói thí dụ chàng cùng tử được ông trưởng giả trao sự nghiệp để bày tỏ tâm trạng của các Ngài. Thiền sư Thủy Lạo nói với đồ đệ : "Từ khi ăn cái đạp của Mã Tổ đến giờ, cười mãi không thôi". Thiền sư Huệ Hải cũng nói : "Từ khi nhận được kho báu nhà mình đến nay, dùng mãi không thiếu". Cười mãi không thôi, vì hạt châu vô giá bị đánh mất, bất chợt tìm thấy nắm được trong tay, kể từ đây hết rồi một kiếp lang thang nghèo đói. Dùng mãi không thiếu, vì nó là kho báu vô tận, ứng dụng tùy tâm, nên gọi là "bảo châu như ý". Có được hạt bảo châu như ý trong tay, tự thân mọi nhu cầu đều toại nguyện, còn thêm tùy ý cứu giúp tha nhân. Thực là tự lợi, lợi tha viên mãn.

    Hạt "Minh châu vô giá" hay "Bảo châu như ý", đều do đức Phật lấy làm thí dụ để chỉ thể tánh tuyệt đối nàỵ. Bởi vì mạng sống là cứu cánh của chúng sanh, mạng sống càng dài thì giá trị càng cao. Cho nên ở thế gian không ơn gì to bằng ơn cứu mạng. Chì cần được cứu sống thêm một vài mươi năm, người ta cho đó là ơn sâu trời bể. Đạt được thể tánh này, là nhận lấy sinh mạng trường tồn miên viễn, vượt ngoài vòng thời gian, không còn dùng con số nào tính kể được. Đức Phật dùng thí dụ "điểm mực" nơi phẩm Như Lai Thọ Lượng trong kinh Pháp Hoa là nói rõ ý này. Đem thế giới tam thiên nghiền thành bụi nhỏ, lấy bụi ấy làm mực, đi sang phương đông trải qua trăm ngàn muôn ức thế giới mới điểm một điểm mực..., gom hết những thế giới có điểm mực không điểm mực đã đi qua, nghiền nát thành bụi, mỗi hạt bụi tính là một kiếp, thử tính tuổi thọ Phật là bao nhiêu ? Dù có nhà toán học tài tình mấy cũng không sao tính nổi tuổi thọ của Phật. Phật ở đây là chỉ Phật pháp thân, tức là thực thể tuyệt đối sẵn có nơi mọi chúng sinh vậy.



  2. #162
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Thực thể này không những vượt ngoài thời gian, mà cũng bao trùm khắp không gian. Kinh Hoa Nghiêm đức Phật dùng thí dụ "phá vi trần xuất kinh quyển", đế nói lên thể rộng lớn của nó. Nói rằng "Có một quyển kinh lượng bằng thế giới tam thiên đại thiên, vò tròn nhét trong hạt bụi nhỏ, có người trí huệ xem biết, dùng phương tiện đập vỡ hạt bụi lấy quyển kinh. Trong quyển kinh ghi chép đầy đủ mọi sự thật của thế giới tam thiên đại thiên...". Quyển kinh dụ thể tánh tuyệt đối hay Phật tánh, hạt bụi dụ thân tứ đại của chúng sinh. Muốn biết mọi sự vật trong vũ trụ, không gì hơn ngay nơi thân này nhận ra thể tánh tuyệt đối, mọi sự thật hiện bày đầy đủ trong ấy. Có ai ngờ trong hạt bụi nhỏ lại chứa quyển kinh to như thế, chỉ người trí huệ (Phật) mới nhận thấy được nó. Chúng ta không khi nào dám thừa nhận mình có thể tánh rộng lớn trùm khắp vũ trụ, mà hằng tự nhận mình như cây lau, cây sậy trên địa cầu, như hạt cát trong bãi sa mạc. Vì thế, đọc Kinh Duy Ma Cật thấy nói "Ông Duy Ma Cật đưa tay nắm thế giới dời di nơi khác...", làm sao chúng dám tin. Tôn giả A Nan sau khi ngộ được chơn tâm, bạch Phật rằng "Con xem thân cha mẹ sanh (so với chơn tâm) như hạt bụi trong hư không, như hòn bọt ngoài bể cả... (Kinh Lăng Nghiêm). Tuệ Trung Thượng Sĩ, một Thiền Sư Việt Nam, có vị tăng hỏi : "Sanh tử là việc lớn làm sao giải quyết ?". Thượng Sĩ đáp : "Trong hư không dài có chướng gì hai vành xe, ngoài bể cả có ngại gì hòn bọt nổi". Ý nói rằng, sự sanh tử của thân này đối với pháp thân như hai vành xe ném trong hư không, như hòn bọt nổi trong bể cả, có nghĩa lý gì mà quan trọng. Hạt bụi sánh với hư không, hòn bọt so với bể cả, giá trị quá rõ ràng, nên nói "viên ngọc vô giá".

    Sống được với thể tánh này thì diệu dụng vô cùng, lợi mình lợi người viên mãn. Hằng ngày chúng ta chỉ sống với vọng tưởng, mà còn có trăm ngàn tác dụng, tạo ra trăm điều ngàn việc. Phương chi sống với thể tánh linh minh thì diệu dụng làm sao lường được. Căn cứ hiện tượng thế gian phán xét, để thấy rõ điều này. Trên thế gian cái gì càng thô thì dụng càng yếu, cái gì càng tế thì dụng càng mạnh. Như đất thể thô hơn nước, nên bị nước cuốn; nước thể thô hơn gió, nên bị gió đùa. Sức mạnh của gió làm tan cả đất, cuộn phăng cả nước mà không thấy hình dáng tướng mạo gì. Sức mạnh của nguyên tử, của khinh khí cũng tương tợ như thế. Vọng tưởng là tướng tâm duyên theo pháp trần, nên có tướng mạo. Khi tâm ta tưởng quả núi, liền có quả núi hiện nơi tâm, tâm nhớ người liền có người hiện... Dấy tâm thì có cảnh, tâm cảnh dính liền nhau. Tâm không rời cảnh, đó là tâm hư vọng cũng gọi là vọng tưởng. Cảnh có đến ngàn vạn nên tâm duyên cảnh cũng cả trăm thứ. Có tướng mạo là tâm thô, chia nhiều thứ là bị phân tán. Tâm thô và phân tán nên công dụng của nó yếu ớt tầm thường. Khi vọng tưởng đã lặng sạch, chỉ còn một tâm thể linh minh, không hình dáng tướng mạo, nên ứng dụng vô cùng. Đến chỗ này gọi là "diệu dụng không thể nghĩ bàn". Bởi diệu dụng không thể nghĩ bàn, nên dụ là Bảo Châu Như Ý. Nắm hạt châu này trong tay thì mọi việc đều như ý, tức là mãn nguyện tự tại. Một bên công dụng tầm thường cuộc hạn, một bên diệu dụng không thể nghĩ bàn tự do tự tại, đối chiếu nhau chúng ta thấy rõ giá trị sai biệt của đôi bên rồi.

    Chơn lý tuyệt đối không có ở bên ngoài, mà nằm sẵn ngay nơi chúng ta. Chúng ta muốn tìm nó, phải biết quay lại mình, dừng chạy ra ngoài tìm kiếm vô ích. Chân lý tuyệt đối nơi mình chính là ông chủ của mình, nhận ra ông chủ thì mọi chân lý trong vũ trụ đều thấy rõ. Nhận ra và sống được với ông chủ của mình thì vòng luân hồi chấm dứt, mọi khổ đau hết sạch, được giác ngộ giải thoát hoàn toàn.


    BBT TVHS chân thành cảm ơn đạo hữu Thùy Thu
    đã rà soát và đánh máy bổ túc phần thiếu
    (từ đoạn Chân Lý Tuyệt Đối đến cuối bài)

    Update 04-19-2013 09:18


  3. #163
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Học Phật bằng cách nào?



    Hỏi học Phật bằng cách nào, tức là hỏi đến phương pháp học Phật. Ở thế gian môn học nào cũng có phương pháp riêng của nó. Ví như môn toán học, người học trò trước phải biết số, kế học thuộc cửu chương, học cách cộng trừ nhân chia, lên nữa phải học công thức, phương trình v.v... Môn văn chương, trước phải biết chữ cái, học ráp vần, viết chánh tả, học văn phạm, tập cách làm văn v.v... Phương chi Phật pháp là môn học giác ngộ, mà không có phương pháp riêng của nó hay sao?
    Phương pháp học Phật tức là ba môn tuệ học: Văn tuệ, Tư tuệ, và Tu tuệ. Bởi vì muốn vào cửa giác ngộ không phải anh tướng trí tuệ thì không sao vào được. Phật pháp là chân lý là những sự thật, nếu không có ngọn đuốc trí tuệ soi sáng, làm sao chúng ta thấy mọi sự thật ở chung quanh, không cần trí tuệ, chỉ dùng lòng tin đến với đạo Phật, để học Phật pháp, thật là sai lầm lớn lao. Đây là chứng bệnh trầm trọng của Phật tử hiện thời. Cần chữa lành bệnh này, chúng ta phải ứng dụng triệt để ba môn tuệ học vào công trình tu học Phật pháp.

    Thế nào là Văn tuệ?

    Văn là nghe, do nghe giáo lý Phật pháp trí tuệ mở sáng, gọi là Văn tuệ. Chúng ta nghe Phật pháp qua lời giảng dạy của chư tăng, của thiện hữu tri thức đã tu học trước ta. Những lời giảng dạy ấy xuất phát từ kinh điển của Phật, trong đó chứa toàn lời lẽ chân chánh, chỉ bày mọi sự thật cho chúng sanh. Càng nghe trí tuệ chúng ta càng sáng. Hoặc chúng ta trực tiếp đọc kinh sách Phật, khiến mở mang trí tuệ cũng thuộc Văn tuệ. Chịu khó nghe giảng dạy, ch?u khó nghiên cứu kinh sách Phật, đó là người biết từ cửa Văn tuệ tiến thẳng vào ngôi nhà Phật pháp.



  4. #164
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Thế nào là Tư tuệ?

    Tư là suy xét phán đoán, do suy xét phán đoán những lời dạy trong Phật pháp, trí tuệ càng tăng trưởng. Chúng ta được nghe lời chỉ dạy của thầy bạn, dẫn từ trong kinh Phật ra, song nghe rồi tin liền là chưa đủ tư cách học Phật. Buộc chúng ta phải dùng trí phán đoán xem đúng hay sai, nếu quả thật đúng, từ đó chúng ta mới tin. có thế mới thực hành đúng câu "các người phải tự thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc lên với chánh pháp", trong kinh Pháp Cú. Chúng ta muốn mở mang trí tuệ, song tự mình làm sao mở được, phải mồi ngọn đuốc trí tuệ của mình với ngọn đuốc chánh pháp của Phật, trí tuệ mới phát sáng.

    Mồi bằng cách nào?

    Ví như chúng ta nghe vị Sư giảng rằng: "Tất cả thế gian đều là vô thường." Sau đó phải dùng trí tuệ của mình phán đoán xem đúng hay không. Chúng ta tự đặt câu hỏi: tất cả thế gian đều là vô thường, có sự vật nào thoát ngoài luật lệ ấy chăng? Nếu có, câu nói này chưa phải chân lý. Bằng không, mới thật đúng chân lý, chúng ta sẽ hoàn toàn tin. Thế rồi, ta tự khảo sát :

    Con người có phải vô thường không? Từ ông bà đến cha mẹ chúng ta đều có sanh ra, lớn lên, bệnh hoạn, già yếu rồi chết. Kể luôn cả ta, khi nào còn nhỏ bé, lớn lên, bệnh hoạn, già yếu, rồi cũng sẽ chết. Trong gia đình thân tộc chúng ta đã thế, ngoài xã hội cũng thế, cả nhân loại trên thế giới cũng thế; ngàn xưa là thế, mãi sau này cũng thế. Quả là con người vô thường.

    Đến những sự vật, nào nhà cửa, bàn ghế, xe cộ... có bị vô thường không? Chính cái nhà của mình, khi mới cất thì tốt đẹp lành lặn, qua vài ba năm thấy cũ dần, đến năm mười năm thì hư sập. Cái bàn viết cũng thế, khi mới đóng xem bóng loáng tốt đẹp, dùng mấy năm thấy đã cũ, tróc sơn khờn mặt, rồi đây sẽ mục nát hư hoại. Chiếc xe đạp khi mới mua đem về mới toanh, chạy được một năm vỏ đã rách, cổ lỏng, các con ốc lờn... vài năm nữa sẽ hư. Thế là, nhà cửa, bàn ghế, xe cộ... những vật cần dùng bên cạnh chúng ta thảy bị vô thường chi phối. Cho đến trăm ngàn vật khác, nếu khảo sát đều thấy đồng một số phận như nhau.

    Chúng ta có thể kết luận rằng: "tất cả thế gian là vô thường", quả thật là chân lý. Ta tin chắc lẽ này, dù có ai nói khác đi, cũng không làm lay động được lòng tin của ta. Bởi lòng tin này đã được gạn lọc qua sàng lý trí, nên nó vững chắc không dễ gì làm lung lay.

    Lại một thí dụ, chúng ta nghe vị Sư giảng lý luân hồi, bảo rằng: "Muôn vật ở thế gian đều xoay quanh vòng luân hồi." Ta tự đặt câu hỏi: Tại sao muôn vật đều luân hồi? Có vật nào không luân hồi chăng? Chúng ta bắt đầu xét từ thực vật:

    Cây cối thành hình bắt nguồn từ hạt, hạt nẩy mầm tăng trưởng thành cây, nở hoa, kết trái; trái sanh hạt, hạt lại nẩy mầm... lộn đi đảo lại không cùng. Song đó là sự lộn đi đảo lại từ cây này sang cây khác, ngay bản thân cây ấy có đảo lộn vậy không? Cũng lộn đi đảo lại như thế. Thân cây hiện sống đây, do châm rễ hút đất nước... nuôi dưỡng mới được sanh trưởng, dần dần thành đại thọ. Rễ hút đất nước nuôi dưỡng thân cành lá, lá rụng biến thành phân đất, cành gãy mục cũng thành phân đất, thân cây ngã mục cũng trở về đất nước. Thân cây nhờ đất nước sanh trưởng, khi ngã mục lại trở về đất nước.

    Nước do ánh nắng bốc thành hơi, hơi lên cao gặp khí lạnh đọng lại, rơi xuống thành nước; nước lại bốc hơi... mãi mãi không cùng.

    To như quả địa cầu vẫn quay tròn quanh cái trục, sáng rồi tối, tối lại sáng. Căn cứ vào sự quay tròn của nó, người ta chia ra ngày giờ tháng năm, thời tiết xuân hạ thu đông, xoay vần thế mãi không cùng.

    Do sự khảo sát trên, chúng ta khẳng định rằng "muôn vật ở thế gian đều xoay quanh vòng luân hồi", là sự thật không còn gì phải nghi ngờ.

    Trên đây tạm cử vài thí dụ làm căn bản cho công cuộc suy xét phán đoán Phật pháp. Căn cứ vào đây, chúng ta phán xét những lời Phật dạy, hoặc chư tăng dạy trong những trường hợp khác. Có thế, mới phân biệt được chánh tà và mới đúng tinh thần người học Phật.



  5. #165
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Thế nào là Tu Tuệ?

    Sau khi phán xét lời Phật dạy là đúng, chúng ta đem áp dụng trong cuộc sống hằng ngày của mình, khiến chánh lý càng bày hiện sáng tỏ, là tu tuệ. Ví như, đã biết rõ "tất cả thế gian là vô thường", chúng ta ứng dụng sự vô thường vào đời sống của mình, trong những trường hợp như sau:

    Đã biết rõ thế gian là vô thường, khi gặp vô thường đến với bản thân, với gia đình ta, ta vẫn giữ bình tĩnh không hốt hoảng hãi sợ. Vì biết chắc điều đó ở thế gian không ai tránh khỏi, sợ hãi kinh hoàng chỉ làm rối thêm vô ích. Bởi không sợ nên tâm ta bình tĩnh sáng suốt, giải quyết mọi việc một cách tốt đẹp. Chúng ta vẫn đủ sáng suốt để khuyên giải cho những người đồng cảnh ngộ bớt đau kh?.

    Biết rõ thế gian là vô thường, mọi sự tranh giành danh lợi, tài sắc... lòng ta nguội lạnh. Tranh giành những thứ tạm bợ ấy làm gì, để rồi chuốc khổ về mình, gây đau khổ cho người, rốt cuộc chỉ thành việc mò trăng bắt bóng. Lòng tham lam giành giật dục lạc thế gian, do đây dứt sạch.

    Do thấy rõ lẽ vô thường, chúng ta không thể ngồi yên chờ chết. Phải cố gắng làm mọi việc lành, nếu cơn vô thường đến, chúng ta có muốn làm cũng không sao làm được. Lại biết quí tiếc thời giờ, một ngày qua rồi không tìm lại được, phải cấp bách nỗ lực làm lợi mình lợi người, không thể chần chờ.

    Đó là ba trường hợp do biết "thế gian vô thường", chúng ta khéo ứng dụng tu hành trong cuộc sống hiện tại của mình. Bao nhiêu sự lợi ích tốt đẹp sẽ theo đó mà tăng trưởng. Sự tu hành ấy, đi đôi với tâm trí tỉnh táo sáng suốt, nên gọi là "Tu tuệ".

    Ví dụ khác, chúng ta nhận rõ "muôn vật luân hồi", liền ứng dụng lý luân hồi vào cuộc sống của mình. Nếu phải luân hồi, chúng ta chọn cái luân hồi nào tốt đẹp an ổn hơn. Ví như, biết các loài thảo mộc từ hạt nẩy mầm, sanh trưởng thành cây, đơm hoa, kết quả; hạt lại nẩy mầm... Chúng ta nên chọn lựa hạt tốt giống ngon đem ương, để sau này kết quả ngon, cho ta và mọi người được thưởng thức vị ngon. Cũng thế, trong vòng luân hồi bản thân ta cũng không thoát khỏi, ta cần tạo những nhân tốt, nhân an vui, để mai kia có lăn lộn cũng lăn lộn trong chỗ tốt, chỗ an vui.

    Đã biết muôn vật luân hồi, chúng ta phải tìm xem nguyên nhân nào lôi cuốn vào trong ấy. Biết rõ nguyên nhân rồi, phải tìm cách thoát ra ngoài vòng luân hồi. Không đầu hàng khuất phục, để chịu lăn mãi trong luân hồi. Như các nhà khoa học nghiên cứu biết sức hút của quả đất, sau đó tìm cách chế phi thuyền đủ sức mạnh vượt ra ngoài vòng hút của quả đất, đi thẳng vào quĩ đạo v.v... Biết luân hồi để tìm cách thoát ra, chính là tinh thần "Tu tuệ".

    Văn tuệ, Tư tuệ rất cần thiết, song Tu tuệ lại càng quan trọng hơn. Nếu có văn tuệ, tư tuệ mà thiếu tu tuệ thì chỉ là tuệ rỗng, không lợi ích thiết thực cho đời sống con người. Nhờ tu tuệ mới thẩm định được giá trị văn, tư ở trên và giúp cho văn, tư được kết quả viên mãn.

    Vì thế, đức Phật dạy hàng Phật tử đi chùa là cốt gặp Sư tăng, Sư ni, gặp Tăng ni rồi cần phải thưa hỏi Phật pháp, thưa hỏi xong phải ghi nhớ, ghi nhớ rồi cần phán xét, phán xét rồi phải tiến tu. Được vậy mới đúng tinh thần Phật tử (Phỏng theo bài kinh Ma-ha-nam trong Tạp A-hàm). Bồ-tát Quán Thế Âm cũng trình với Phật, thuở quá khứ lâu xa Ngài gặp Phật dạy tu phương pháp văn, tư, tu được vào chánh định và cho hiệu là Quán Thế Âm (Kinh Lăng Nghiêm). Chính trong giới Bồ-tát, Phật cũng dạy "dù ở xa trăm ngàn dặm, nghe có người nói kinh luật, người mới thọ giới Bồ-tát cũng phải mang kinh luật đến đó học (Kinh Phạm Võng). Quả nhiên đức Phật không chấp nhận đệ tử tu hành tối dốt, phải đầy đủ ba môn Tuệ học, mới xứng là đệ tử của Ngài.

    Ba môn Tuệ học này hoàn toàn thích hợp với tinh thần khoa học hiện nay. Bất luận môn học nào, trước tiên học lý thuyết, kế phê bình lý thuyết, sau thí nghiệm hay thực hành lý thuyết. Lý thuyết tức là văn tuệ, phê bình tức là tư tuệ, thí nghiệm tức là tu tuệ. Có như vậy môn học mới tiến bộ và phát minh những điều mới lạ.

    Tuy nhiên, về mục tiêu chánh yếu Phật học vẫn khác khoa học. Khoa học cốt phát minh mọi sự thật của ngoại giới, chinh phục giành quyền làm chủ thiên nhiên, bắt thiên nhiên làm theo ý muốn con người, để tạo vật chất dồi dào sung túc cho nhân loại. Phật học xoay lại ngự trị bản thân mình, gạn lọc đào thải những tâm thức nhơ xấu, kiến tạo một tâm hồn trong sáng an vui tự tại. Bởi khoa học gây tạo điều kiện vật chất dồi dào, nên con người dễ tranh đua giành giật kình chống lẫn nhau, Phật học cốt xây dựng tâm hồn trong sáng, nên người biết tu theo, lòng sẽ mở rộng thương yêu bảo bọc lẫn nhau.Vì thế, ba môn tuệ học đều đặt căn cứ trên nguyên tắc "xem lại chính mình". Nắm vững nguyên tắc này, đọc kinh sách Phật, chúng ta nhận định phán xét không bị sai lẫn.



  6. #166
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Làm sao tu theo Phật?


    Chỉ dạy chúng sanh tu hành thành Phật là bản hoài của chư Phật. Song vì trình độ khả năng sai biệt của chúng sanh, không thể đồng tu theo một môn và đồng kết quả như nhau được, bất đắc dĩ Phật phải dạy nhiều phương pháp tu khác nhau. Trong đó đại khái chia làm hai loại: tu còn luân hồi, tu ra khỏi luân hồi (giải thoát).

    I. Tu còn luân hồi

    Trong phần Phật pháp ở trước, Chân lý phổ biến có Nhân quả và Duyên sanh, động cơ chủ yếu của hai lý này là Nghiệp. Cho nên nói "nghiệp quả" và "nghiệp duyên". Do nghiệp lành dữ làm nhân đưa đến kết quả tốt xấu là quả. Bởi nghiệp lôi cuốn thúc đẩy theo duyên kết hợp sanh trưởng, nghiệp mãn duyên rã rời thì hợp thể tan hoại. Thế nên, nghiệp là chủ động trong vòng luân hồi. Nghiệp hệ trọng dường ấy, chúng ta cần biết nó là gì?

    Nghiệp là hành động tạo tác của chúng sanh, xuất phát từ thân miệng ý, nói gọn là tác động. Tác động do chúng sanh tạo ra, rồi chi phối lại chúng sanh. Ví như chàng họa sĩ tưởng tượng vẽ hình một mỹ nữ, vẽ xong ngắm xem những nét kiều diễm của mỹ nữ, chàng ta lại sanh yêu bức họa do chính tay mình vẽ. Cũng thế, chúng sanh do thân miệng ý tạo nghiệp, nghiệp lại lôi cuốn chúng sanh đi thọ quả báo, thọ báo lại tạo nghiệp, mãi mãi không cùng. Sự quanh quẩn xuống lên do động cơ nghiệp thúc đẩy, gọi là luân hồi.

    Nói đến nghiệp là xác định quyền làm chủ của chính mình, mình tạo rồi mình chịu, không do sức thiêng liêng nào tạo nên, cũng không do sự bắt buộc của tha nhân. Chỉ có tác động của chúng ta, lâu thành thói quen có sức mạnh chi phối lại chúng ta. Ví như bệnh hút thuốc, ghiền rượu chẳng hạn. Không có người nào vừa biết ăn biết nói là ghiền thuốc ghiền rượu ngay, phải do buổi đầu tập tành lâu ngày thành thói quen, có sức mạnh thúc đẩy người ta phải tiếp tục đi theo con đường đó, tức là thành bệnh ghiền. Khi đã thành bệnh ghiền thì, chi phối hoàn toàn đời sống của họ, có đôi khi họ chán sợ cái bệnh của mình, muốn dừng bỏ mà không thể bỏ được. Đó là sức mạnh của nghiệp dẫn.

    Nghiệp có chia nghiệp lành và nghiệp dữ, nhưng cả hai đều còn cuốn hút trong vòng luân hồi. Người biết tu cần gây tạo nghiệp lành, chừa bỏ nghiệp dữ. Đó là chúng ta biết chọn lựa sự luân hồi tốt đẹp an ổn trong tương lai. Như ở thế gian:

    Có người muốn tìm thú vui tao nhã một mình, hằng ngày tập uống trà chơi kiểng làm thơ, lâu rồi thành thói quen, thiếu những thứ ấy nghe buồn bực khó chịu, đã thành nghiệp trà thơ.

    Có người thích thú vui cờ nhạc cùng vài tri kỷ đánh nhạc chơi cờ, dần dần thành thói quen, thiếu nó cũng không chịu nổi, đã thành nghiệp cờ đàn.

    Có người ưa cái vui say sưa nhộn nhịp vào cao lâu tửu điếm hí trường, mãi thành thói quen, không đến đó cảm nghe sầu não bứt rứt, đã thành nghiệp rượu chè.

    Có người thích đỏ đen rủ nhau đến sòng bạc, nhiều lần trở nên ghiền cờ bạc, đã thành nghiệp cờ bạc.

    Những nghiệp này đều do người tập tành mà có, không phải ngẫu nhiên được thành. Trong những nghiệp ấy có cái thanh bai tao nhã, có cái vui vẻ nhẹ nhàng, có cái hư người mất nết, chung qui đều do người tập lấy rồi chịu lấy. Thế là chúng ta trọn quyền định lấy số phận hiện tại và vị lai của mình.

    Nghiệp xuất phát từ thân miệng ý của chúng ta. Nơi thân có giết hại, trộm cướp, dâm dật (tà dâm); nơi miệng có nói dối trá, nói ly gián, nói hoa mỹ, nói thô bạo; nơi ý có si mê, tham lam, nóng giận. Những điều này dường như thói xấu ngàn đời đã mang sẵn trong con người chúng ta. Chúng ta có mặt trên nhân gian này là có nó theo, thói quen này làm đau khổ chúng sanh, nên gọi là nghiệp ác. Biết dừng những thói xấu ấy, hay chuyển cái xấu thành tốt là biết tu.

    Tu có hai hạng: dừng nghiệp và chuyển nghiệp.



  7. #167
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    I-1 Tu dừng nghiệp

    Từ xa xưa không biết đạo lý, chúng ta buông lung thân chạy theo sự giết hại, trộm cướp, dâm dật (tà dâm) làm đau khổ chúng sanh, tức là nghiệp ác nơi thân. Giờ đây biết đạo lý, dừng lại không làm nữa, là tu dừng nghiệp của thân. Trước kia nơi miệng ưa nói dối trá, nói ly gián, nói hoa mỹ, nói thô bạo để lường gạt, chia lìa, say mê, bực tức khiến người đau khổ, là nghiệp ác của miệng. Hiện nay biết chận đứng ngăn đón không cho nói những lời ấy nữa, là tu dừng nghiệp nơi miệng. Khi xưa ý phóng túng chạy theo si mê, tham lam, nóng giận lôi cuốn bản thân mình vào đường lầm lạc khổ đau và làm thương tổn đến kẻ khác, là nghiệp ác của ý. Giờ này chúng ta biết hối lỗi, bắt buộc nó dừng lại, là tu dừng nghiệp của ý.

    Biết dừng ba nghiệp làm ác, tức là ba nghiệp lành, vì không còn làm đau khổ chúng sanh. Ta không tạo nghiệp khổ với chúng sanh, làm gì bị nghiệp ác lôi cuốn chúng ta đến nơi đền trả. Song biết dừng nghiệp ác mới là cái thiện tiêu cực, cần tiến lên tu cái thiện tích cực chuyển nghiệp.

    I-2 Tu chuyển nghiệp

    Chuyển nghiệp tức là thay nghiệp xấu đổi thành nghiệp tốt. Thay vì ngày xưa thân ưa giết hại, trộm cướp, dâm dật (tà dâm) nay thích làm việc cứu mạng, giúp đỡ, trinh bạch, là chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện của thân. Ngày xưa miệng thường nói dối trá, nói ly gián, nói hoa mỹ, nói thô bạo, nay đổi thành nói chân thật, nói hòa hợp, nói đúng lý, nói nhã nhặn, là chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện của miệng. Ngày xưa ý hay si mê, tham lam, nóng giận nay sửa lại thành trí tuệ, buông xả, từ bi, là chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện của ý. Tu mười nghiệp lành này có tánh cách xây dựng kiến tạo sự an vui tốt đẹp cho mọi người. Ở nhân gian nếu được đa số người biết tu chuyển nghiệp thì, nhân gian không cầu hạnh phúc mà hạnh phúc cũng tự đến. Biết tu chuyển nghiệp thì hiện tại được an lành, tương lai cũng vui vẻ.

    Tuy còn luân hồi, song người biết tu dừng nghiệp và chuyển nghiệp hằng đến những nơi vui vẻ cao sang. Ngược lại, kẻ buông lung ba nghiệp làm ác thì thường tới lui những nơi đau khổ cơ cực. Như nhân loại hiện sống trên quả địa cầu này, có những nơi vui tươi sung sướng, cũng có những nơi đau khổ nghèo nàn, đến trong một nước một xứ cũng vẫn có kẻ khổ người vui. Quan sát qua những cảnh tượng ấy, chúng ta thấy tùy nghiệp duyên gây tạo, chịu khổ vui sai biệt của chúng sanh thật quá rõ ràng.

    Mặc dù thế, muốn giúp sức mạnh cho việc tu dừng nghiệp và chuyển nghiệp được kết quả viên mãn, điều kiện tiên quyết phải Qui y Tam Bảo và giữ gìn năm giới.

    Qui y là đặt định hướng cho cả cuộc đời của mình. Chúng ta tập tu dừng nghiệp và chuyển nghiệp để nhằm mục đích gì? Phải chăng vì muốn tiến theo gót chân của đức Phật, sống theo chánh pháp của Ngài, nương sự hướng dẫn của chư Tăng, để cuộc sống của chúng ta càng ngày càng vươn cao. Suốt đời chúng ta nhằm thẳng mục tiêu ấy mà tiến, không còn thái độ ngại ngùng chần chờ, dũng cảm cương quyết vượt mọi trở ngại, đến được mục tiêu mới thôi. Được vậy mới đúng tinh thần Qui y Tam Bảo, tức là xứng đáng sự trở về nương tựa Phật, Pháp và Tăng.

    Giới luật là hàng rào ngăn chận ba nghiệp khỏi rơi vào hố tội lỗi. Gìn giữ năm giới là trạm nghỉ chân đầu trên con đường tu dừng nghiệp. Thiếu trạm nghỉ chân này, chúng ta không đủ sức khỏe leo lên ngọn núi thiện nghiệp an toàn. Năm giới cũng là nấc thang đầu trên cây thang giải thoát. Mọi sự an lành siêu thoát đều bắt nguồn từ năm giới. Cho nên là Phật tử phải xem trọng và tuân giữ năm giới, như người gìn giữ hòn ngọc quí, trong khi đi xuyên qua bọn người bất lương.

    Bởi qui y giữ giới có tánh cách quan yếu như thế, nên mọi người muốn trở thành Phật tử trước phải phát nguyện qui y Tam Bảo và gìn giữ năm giới. Đầy đủ qui giới rồi, chúng ta mới có thể tiến tu lên các pháp môn khác.



  8. #168
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    II. Tu ra khỏi luân hồi (giải thoát)


    Chúng ta đã biết chủ động lực trong vòng luân hồi là nghiệp, thân miệng ý là nơi xuất phát nghiệp, nghiệp còn thì còn luân hồi, nghiệp sạch thì hết luân hồi. Nhưng trong ba nghiêïp, ý nghiệp là chủ động, vì có ý nghĩ mới sai khiến miệng nói thân làm. Muốn sạch nghiệp, chúng ta trước phải lo tảo thanh ý nghiệp. Không chịu dọn dẹp ý nghiệp, chỉ lo tu tập thân miệng, là làm việc ngọn ngành.

    Thuở xưa, Tổ Hoài Nhượng ở Nam Nhạc thường thấy Thiền sư Đạo Nhất (Mã Tổ) ra tảng đá ngồi thiền suốt ngày. Tổ đến hỏi: Đại đức ngồi thiền để làm gì? Đạo Nhất thưa: Để làm Phật. Hôm sau, Tổ lấy hòn gạch đến trên phiến đá bên cạnh tảng đá Đạo Nhất ngồi thiền, Tổ mài. Đạo Nhất thấy lạ hỏi: Thầy mài gạch để làm gì? Tổ đáp: Mài để làm gương. Đạo Nhất thưa: Mài gạch đâu thể làm gương được? Tổ bảo: Ngồi thiền đâu thể thành Phật được. Đ?o Nhất hỏi: Vậy làm thế nào mới phải? Tổ bảo: Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, đánh xe là phải, đánh trâu là phải? Đạo Nhất lặng thinh.

    Xe là cái bị động, trâu là chủ động. Muốn điều khiển xe đi phải nhằm thẳng cái chủ động thôi thúc nó. Cắm đầu đánh đập thôi thúc cái bị động chỉ là việc phí công vô ích. Thân miệng là cái bị động, ý là chủ động, không chịu thúc liễm ý, cố kềm thân ngồi ngay thẳng hay khiến miệng đọc tụng mãi, cũng là việc không công. Thúc liễm kềm hãm ý đâu hạn cuộc hình thức ngồi hay đứng, mà cả bốn oai nghi, đi đứng ngồi nằm, đều phải theo dõi luôn. Hằng theo dõi như thế, khả dĩ chận đứng được ý nghiệp. Ý nghiệp dừng lặng rồi, thân nghiệp, khẩu nghiệp theo đó được thanh tịnh.

    Thế nên, những phương pháp tu trong đạo Phật như: tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tọa thiền... đều nhắm thẳng chận đứng ý nghiệp. Các vị Tôn túc thường dạy: "Tụng kinh không loạn tưởng mới đầy đủ phước đức, trì chú tâm không xao động mới linh nghiệm, niệm Phật nhất tâm mới được vãng sanh, tọa thiền tâm lặng lẽ mới được chánh định." Không loạn tưởng, tâm không xao động, nhất tâm, tâm lặng lẽ đều là trạng thái dừng lặng của ý nghiệp. Tuy pháp tu có thô tế khác nhau, song cứu kính đều gặp nhau ở chỗ dẹp sạch ý nghiệp. Đ?ng về mặt cứu kính nhìn nhau, chúng ta dung thông tất cả pháp tu không thấy gì chướng ngại. Từ cửa phương tiện phê bình nhau, chúng ta thấy dường như có mâu thuẫn lẫn nhau. Cho nên người thông là nhìn đến chỗ cứu kính, kẻ hạn cuộc chỉ thấy ở phương tiện. Phật pháp như ngôi nhà nhiều cửa, bất luận từ cửa nào miễn vào được trong nhà đều gặp nhau, đồng chứng kiến những sự vật hiện có như nhau. Băn khoăn thắc mắc tại sao người đó đi cửa kia không đi cửa này, hoặc cố tình khuyến dụ họ trở lại đi cửa này, đừng đi cửa kia, là tâm trạng của kẻ học Phật sơ đẳng. "Hãy tự do chọn lấy một cửa nào thuận tiện với vị trí đang đứng, cố gắng tiến vào nhà sẽ được lợi ích", đây là lời khuyên của người thông suốt.

    Phạm vi quyển sách này, chúng tôi chỉ giải thích đơn giản về hai phương pháp Niệm Phật và Tu Thiền. Nói khác đi là lối tu của Tịnh độ tông và Thiền tông, để hành giả nương theo đó tiến tu giải thoát luân hồi sanh tử.



  9. #169
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    II-1 Phương pháp niệm Phật


    Phương pháp niệm Phật có Quán tưởng niệm Phật và Trì danh niệm Phật. Quán tưởng niệm Phật căn cứ kinh Quán Vô Lượng Thọ, Trì danh niệm Phật căn cứ kinh A-di-đà. Trì danh niệm Phật được đại đa số Tăng Ni và Phật tử tu tập, nên ở đây riêng giải thích.

    Pháp môn tu tập nào của Phật dạy đều có chia Phương tiện và Cứu kính. Phương tiện ví như cửa cổng, cứu kính ví như ông chủ nhà. Muốn gặp ông chủ nhà, trước tiên chúng ta phải từ cửa cổng đi vào nhà. Nếu không nương cửa cổng thì khó vào đến nhà, huống là gặp ông chủ. Cửa cổng là điều kiện tiên quyết để gặp ông chủ, thiếu điều kiện này thì sự mong muốn khó thành đạt. Phương pháp Trì danh niệm Phật muốn được kết quả viên mãn, trước phải khéo ứng dụng phương tiện của nó.

    Thế nào là phương tiện của pháp Trì danh niệm Phật?

    Phương tiện Trì danh niệm Phật là "dùng tình cảm để dẹp tình cảm", nói cụ thể hơn "dùng gai lể gai". Cho nên cửa phương tiện của nó là Ưa (hân) và Chán (yếm) hay hồi hướng. Bởi vì phàm phu chúng ta hằng đắm mê theo dục lạc thế gian, thường ngày tâm niệm cứ tung tăng đuổi theo dục lạc, muốn dừng tâm niệm lại, song không tài nào dừng nổi. Thấy thế, Phật thương xót vì chúng ta nói kinh A-di-đà, chủ yếu trong ấy, trước diễn tả cảnh trang nghiêm đẹp đẽ ở cõi Cực Lạc, sau chê trách sự khổ sở nhơ nhớp ở cõi Ta-bà, khiến chúng sanh sanh tâm ưa thích cõi Cực Lạc, chán ngán cõi Ta-bà. Tâm ưa chán đến cao độ thì niệm danh hiệu Phật dễ được nhất tâm. Nếu không biết ưa chán, dù có niệm Phật cũng chỉ niệm trong loạn tưởng mà thôi. Thế nên, Ưa Chán là cửa cổng đi vào ngôi nhà Cực Lạc.

    Ưa cái gì? Thể theo kinh A-di-đà, đức Phật Thích-ca định nghĩa cõi Cực Lạc là:

    "Chúng sanh trong cõi này không có các thứ khổ, chỉ thọ các điều vui, nên gọi là Cực Lạc."

    Lại nữa, cõi Cực Lạc nào là hàng rào, lưới giăng, hàng cây đều làm bằng bốn thứ báu - bạc, vàng, lưu ly, pha lê - ao nước rất ngon lành đầy đủ tám thứ công đức, trên bờ ao có nhà lầu xây bằng bảy báu -bạc vàng lưu ly pha lê xa cừ xích châu mã não - dưới ao có hoa sen lá to bằng bánh xe, hoa nở phát ánh sáng tùy theo sắc và nhả hương thơm ngào ngạt, có nhạc trời, có mưa hoa, có chim hót thành tiếng nói pháp ...

    Đức Phật chủ cõi Cực Lạc hiệu A-di-đà - Vô lượng quang, vô lượng thọ - đang vì chúng nói pháp. Dân chúng ở cõi này toàn là hàng Thanh văn, Bồ-tát tu hành đều được không còn lui sụt và có những vị chỉ còn một đời được bổ đi làm Phật ..., cho nên ở đây thảy đều là hạng người lành bậc thượng.

    Cõi này chứa đựng đầy đủ những yếu tố mà chúng ta đang ưa thích, nào là thuần vui không khổ, trang nghiêm đẹp đẽ, bảy báu dẫy đầy, thầy thánh bạn hiền, sống lâu khỏe mạnh, ăn mặc tùy ý, lui tới thong dong ... Những hình ảnh này khiến chúng ta khao khát ước mơ, đó là Ưa.

    Chán cái gì? Phần sau kinh A-di-đà, đức Phật Thích-ca nói:

    "Chư Phật ở mười phương cũng khen ngợi ta rằng: Phật Thích-ca Mâu-ni hay làm được việc ít có khó làm, hay ở thế giới Ta-bà xấu ác đầy dẫy năm thứ nhơ nhớp - kiếp người nhơ nhớp, kiến chấp nhơ nhớp, phiền não nhơ nhớp, chúng sanh nhơ nhớp, mạng sống nhơ nhớp - được thành Phật, vì chúng sanh nói pháp khó tin."

    Đó là Phật chê trách cõi Ta-bà nhơ nhớp xấu xa khiến chúng ta nhàm chán xa lánh. Hai bên đã trưng bày rõ ràng trước mắt chúng ta, một bên thì tốt đẹp trang nghiêm sang trọng vui vẻ, một bên nhơ nhớp xấu xa khổ đau, để chúng ta sanh tâm ưa thích bên vui, chán ngán bên khổ. Đó là cửa cổng ưa chán để tiến vào ngôi nhà Cực Lạc.

    Vì ưa thích say mê cảnh đẹp cõi Cực Lạc, chán ngán cái xấu xa nhơ nhớp cõi Ta-bà, nên tâm phiền rộn lăng xăng chạy theo dục lạc thế gian của chúng ta dần dần khô lạnh, chừng đó ứng dụng pháp tu Trì danh niệm Phật mới thành công. Song muốn tâm ưa chán lên đến cực điểm, hằng ngày chúng ta phải phát nguyện hồi hướng.

    Hồi hướng thế nào? Hồi là xoay lại, hướng là hướng đến. Chúng ta xoay sự ưa thích quyến luyến nơi cõi Ta-bà hướng đến cõi Cực Lạc để chán cõi Ta-bà, mến ưa Cực Lạc. Ví như:

    Mỗi khi ra đường thấy rác rến sình lầy nhơ nhớp, chúng ta khởi nghĩ: Cõi Ta-bà thật là bẩn thỉu nhơ nhớp đáng chán, cõi Cực Lạc toàn bảy báu trang nghiêm trong sạch đáng ưa thích. Ta nhất định phát nguyện sanh về Cực lạc để khỏi thấy sự nhơ nhớp này nữa. Đó là hồi nhơ nhớp hướng trong sạch.

    Hoặc khi chúng ta gặp những nghịch cảnh bức bách khổ đau liền khởi nghĩ: Cõi Ta-bà nhiều đau khổ bất như ý, ở Cực Lạc hoàn toàn an vui mãn nguyện. Ta phải chán cõi này, mong mỏi được vãng sanh về cõi Cực Lạc mới toại nguyện. Đây là hồi đau khổ hướng Cực Lạc.

    Hoặc khi ra chợ hay xóm làng nghe những lời chửi bới nguyền rủa, chúng ta khởi nghĩ: Ở Ta-bà thường nghe những lời xấu ác, cõi Cực Lạc hằng nghe tiếng nhạc trời, tiếng chim nói pháp... ta rất chán ngán cõi Ta-bà, nguyện sanh về Cực Lạc để hằng ngày được nghe pháp. Đây là hồi phiền não hướng về Bồ-đề.

    Hoặc trong tình huynh đệ bằng hữu có xẩy ra việc phản trắc, chúng ta khởi nghĩ: Ở cõi Ta-bà bạn bè không thật tốt khiến ta phiền não, cõi Cực Lạc toàn là người lành bậc thượng đáng kính mến. Ta nhất định nguyện sanh về bên ấy để được làm bạn với những người toàn thiện. Đây là hồi bạn ác hướng bạn lành.

    Hoặc vì sanh kế vất vả nhọc nhằn mà kiếm miếng ăn không đủ, tấm mặc chẳng lành, chúng ta khởi nghĩ: Ở Ta-bà làm khổ nhọc mà không đủ ăn không có mặc, cõi Cực Lạc muốn ăn có ăn muốn mặc có mặc, khỏi lo lắng mệt nhọc. Ta quyết định nguyện sanh về Cực Lạc để được ăn no mặc ấm mà không nhọc nhằn. Đây là hồi đói rách hướng no ấm...

    Tóm lại, mọi trường hợp mọi hoàn cảnh vừa xảy đến với chúng ta, chúng ta khéo lợi dụng đ? hồi hướng về Cực Lạc, khiến tâm chán Ta-bà càng ngày càng mãnh liệt, lòng ưa Cực Lạc càng lúc càng tăng trưởng. Đó là chúng ta khéo tận dụng cánh cửa phương tiện ưa chán tiến vào ngôi nhà Tịnh Độ.



  10. #170
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Thế nào là cứu kính của pháp Trì danh niệm Phật?

    Cũng kinh A-di-đà dưới phần giới thiệu cõi Cực Lạc, đức Phật Thích-ca nói:

    "Nếu có người thiện nam thiệïn nữ nghe nói về Phật A-di-đà, chuyên trì danh hiệu, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày nhất tâm không loạn, người ấy khi chết được Phật A-di-đà và Thánh chúng hiện ở trước. Người này khi chết tâm không điên đảo liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Phật A-di-đà."

    Người muốn vãng sanh về cõi Cực Lạc phải giữ niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, hoặc một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn, nhất định được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Bởi vì hành giả đã chán ngán cõi Ta-bà lắm rồi, một lòng hâm mộ cõi Cực Lạc, nên dùng sáu chữ Nam-mô-a-di-đà Phật làm công phu tu trì hằng ngày. Dùng sáu chữ này làm sợi dây xiềng niệt cổ con khỉ ý thức của mình, bắt buộc nó phải nằm im một chỗ. tức là đi đứng ngồi nằm làm việc hay nghỉ ngơi đều niệm danh hiệu Phật, hoặc niệm thầm, hoặc niệm ra tiếng tùy hoàn cảnh. Kiên trì nắm giữ danh hiệu Phật không lơi lỏng, lâu ngày ý thức sẽ kiệt quệ từ từ, cho đến một ngày nào đó sẽ lặng mất. Đó là niệm Phật được nhất tâm. Niệm Phật nhất tâm thì ý nghiệp được lắng sạch, thân nghiệp khẩu nghiệp cũng theo đó sạch luôn. Tức ứng hợp với câu "tam nghiệp hằng thanh tịnh đồng Phật vãng Tây Phương". Ba nghiệp sạch hết, còn động lực nào lôi kéo chúng ta đi vào đường luân hồi?

    Song chúng ta cần giản trạch nhất niệm và nhất tâm. Niệm Phật chỉ còn nhất niệm, được vãng sanh Tịnh độ là sự. Niệm Phật đến nhất tâm, thấy tự tánh Di-đà duy tâm Tịnh độ là lý.

    Chỉ chuyên trì sáu chữ Di-đà không có niệm nào khác chen vào, mượn một niệm dẹp tất cả niệm. Duy giữ một niệm niệm Phật, đi đứng ngồi nằm liên tục không gián đoạn, đến đây là nhất niệm. Nương niệm này cầu vãng sanh về cõi Phật Di-đà chắc chắn sẽ mãn nguyện, là sự niệm Phật.

    Dùng lục tự Di-đà làm diệu dược trị mọi chứng bệnh loạn tưởng, khi bệnh lành thuốc cũng bỏ. Tức là niệm Phật đến chỗ vô niệm, chỉ còn nhất tâm chân như, là nhất tâm. Niệm Phật đến vô niệm, thì thấy tự tánh là Di-đà, bản tâm là Tịnh độ, hiện bày trước mắt. Tự tánh của mình xưa nay hằng giác, nên nói "Vô lượng quang". Tự tánh chưa từng sanh diệt, thoát ngoài vòng thời gian, nên nói "Vô lượng thọ". Bản tâm mình xưa nay hằng thanh tịnh do vọng tưởng dấy động nên bị nhiễm ô, theo nghiệp dẫn đi trong lục đạo, vọng tưởng lắng sạch chỉ còn một tâm thanh tịnh là tịnh độ, nên nói "TÂM TỊNH THÌ ĐỘ TỊNH". Đây là lý niệm Phật, đúng với tinh thần Đại thừa Phật giáo, cùng các pháp tu khác đồng gặp nhau.

    Song buổi đầu, người niệm Phật cần đầy đủ niềm tin vào lời giới thiệu của đức Thích-ca, trông cậy hẳn vào cõi Cực Lạc của đức Phật A-di-đà, gá tâm nơi đó để gầy dựng, lòng ưa chán. Không cần lý luận cõi Cực Lạc có hay không, chỉ tin quyết rằng đức Phật Thích-ca không dối gạt ta, y theo lời Ngài dạy tu hành chắc chắn sẽ được lợi ích lớn. Đủ lòng tin rồi, chuyên tâm trì niệm ngày đêm không lơi lỏng, chẳng kể ngày giờ năm tháng, chỉ khi nào được nhất tâm mới thôi. Đồng thời đối duyên xúc cảnh khéo phát nguyện hồi hướng về Cực Lạc, hành giả đầy đủ lòng tin (tín), chuyên tâm trì niệm (hạnh), thường xuyên phát nguyện hồi hướng (nguyện) là đầy đủ điều kiện tu trì pháp môn Trì danh niệm Phật.

    Tuy nhiên, nhìn pháp môn tu nào, chúng ta phải nhìn thẳng cứu kính, đừng mắc kẹt ở phương tiện. Vì phương tiện là tùy cơ, căn cơ chúng sanh có cao thấp sai biệt, đức Phật vì lợi ích khắp quần sanh, nên lập cửa phương tiện có nhiều sai biệt. Chúng ta đừng chấp vào trình độ mình để phê bình kẻ khác, cũng đừng vin khả năng kẻ khác trở lại khinh rẻ mình. Phải biết căn cơ trình độ mình, chọn lấy pháp tu thích hợp với mình, là người khôn ngoan nhất.



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •