DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/18 ĐầuĐầu 123412 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 179
  1. #11
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    V.- NGHI THỨC QUI Y

    Trọng tâm chủ yếu trong buổi lễ Qui y, chính lúc Phật tử quì trước Tam Bảo, ba lần phát nguyện: "Đệ tử... xin suốt đời qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng." Câu phát nguyện này tự đáy lòng Phật tử phát xuất, không do sự ép buộc xúi giục nào. Ba lần phát nguyện như vậy là gieo hạt giống vào sâu trong tàng thức, khiến đời đời không quên. Đây là tinh thần tự giác tự nguyện. Hình thức nghi lễ chỉ giúp thêm ấn tượng quan trọng cho giờ phút phát nguyện ấy thôi. Khi chúng ta tỉnh giác nguyện theo Tam Bảo thì đời ta được lợi ích. Nếu trên đường tu có lúc nào bị vô minh che đậy không nhớ Tam Bảo, chúng ta tự chịu thiệt thòi. Nhà Phật không bắt buộc chúng ta thệ những gì nặng nề để không bỏ đạo. Của báu cho người nếu ưng nhận lời thì được lợi ích, không ưng nhận thì thôi, bắt buộc làm gì. Trừ ra có hậu ý gì, mới bắt buộc những câu thề nặng để không dám bỏ. Người hiểu được chỗ này mới thấy giá trị chân thật của đạo Phật. Tất cả sự dụ dỗ ép buộc để theo đạo, nhà Phật hoàn toàn phản đối. Mỗi người tự nhận thức rõ ràng về đạo Phật rồi phát tâm đến với đạo, mới đúng tinh thần Phật tử. Hiểu rồi mới theo là hành động đúng với tinh thần giác ngộ. Dùng thuật hay, phép lạ để dẫn người vào đạo, đó là mê tín. Dùng mọi quyền lợi để dụ người ta vào đạo, đó là cám dỗ kẻ ngu si, không phù hợp với tinh thần giác ngộ. Chúng ta có bổn phận giải thích để người khác hiểu phát tâm qui y là, người truyền đạo chân chánh. Nghi thức trịnh trọng trong buổi lễ qui y, chỉ là trợ duyên cho lời phát nguyện của chúng ta được thành tựu viên mãn. Nghi lễ này không có nghĩa là Phật sẽ ban ơn cho chúng ta trọn đời được an lành.

    VI.- KHẲNG ĐỊNH LẬP TRƯỜNG

    Sau khi qui y Tam Bảo, chúng ta khẳng định lập trường một cách tỏ rõ: "Qui y Phật, không qui y thiên, thần, quỉ, vật." Chúng ta đã nhận định kỹ càng quyết chí theo Phật là đấng giác ngộ, không lý do gì lại theo thiên, thần, quỉ, vật. Bởi vì thiên, thần, quỉ, vật vẫn chưa giác ngộ, còn bị luân hồi như chúng ta. Song cũng có một số Phật tử đã qui y Phật, mà vẫn chạy theo quỉ thần. Những người này vì tham lợi lộc, vì thích mầu nhiệm, nên đã đi sai đường Phật pháp. Thậm chí vì sự mê tín của họ, họ trở lại kính trọng quỉ thần hơn Phật. Đây là hiện tượng xấu xa để khách bàng quang phê bình Phật giáo.

    "Qui y Pháp, không qui y ngoại đạo tà giáo." Chánh pháp của Phật là chân lý, cứu giúp chúng sanh một cách thiết thực, như ông thầy thuốc đối với bệnh nhân. Hiểu được lẽ chân thực này, còn lý do gì chúng ta chạy theo ngoại đạo tà giáo. Chúng ta tự nhận mình yêu chuộng chân lý, cầu mong sự thoát khổ thiết thực, ngoại đạo tà giáo còn gì hấp dẫn được chúng ta. Chỉ có những kẻ ba phải nghe đâu chúc đó, mới có những hành động đổi thay vô lý như vậy. Dù có những phép tà ngoại linh thiêng muốn gì được nấy, chúng ta cũng không khởi lòng tham theo họ. Hoặc họ có những phương thuốc linh mầu nhiệm bệnh gì cũng cứu khỏi, là Phật tử chân chánh thà chịu chết chớ không cầu xin. Thân này có giữ gìn khéo mấy, cuối cùng cũng tan hoại, lạc vào đường tà kiếp kiếp khó ra khỏi.

    "Qui y Tăng, không qui y bạn dữ nhóm ác." Chúng ta đã chọn lựa những vị hiền đức nương theo, khiến đời mình về gần với đức hạnh. Bạn dữ nhóm ác đối với người biết đạo cần phải tránh xa. Bởi vì "gần mực thì đen gần đèn thì sáng", hay "gần đồ tanh hôi mình bị hôi lây, gần vật thơm tho mình được thơm lây". Vì thế, chúng ta phải can đảm đi đúng đường của mình đã chọn, dù có bị khinh khi mạ lỵ, ta cũng cứ thế mà đi. Bởi vì chúng ta đâu phải là kẻ mù quáng, mà đành bỏ cái tốt gần cái xấu. Khẳng định lập trường rõ ràng là người có ý chí cương quyết. Nếu người tu hành mà thiếu ý chí này, dễ bị gió lung lay.

    VII.- KẾT LUẬN

    Qui y Tam Bảo là nền móng tòa nhà giác ngộ, là nấc đầu trên cây thang giải thoát, là những bước đầu trên con đường về quê hương vô sanh. Muốn tòa nhà vững chắc, cần phải có nền móng kiên cố. Cần vượt tột cây thang giải thoát, nấc đầu phải bước cho vững. Thích sự an lành ở quê hương vô sanh, những bước đầu trên con đường trở về phải đi cho đúng. Thiếu nền móng Tam Qui thì tòa nhà giác ngộ không sao xây cất được. Không có nấc đầu, khó ai có thể leo tận cây thang giải thoát. Những bước đầu trên con đường về quê đã sai, trăm ngàn bước sau cho đến càng đi càng sai. Vì thế, Qui y Tam Bảo có tầm quan trọng vô cùng. Mỗi người muốn đến với đạo Phật phải từ cửa Qui y mà vào, không như thế thì học Phật mất căn bản. Bởi nó đóng một vai trò quan trọng như vậy, nên người Phật tử phải thận trọng trong việc phát nguyện Qui y. Đừng vì là Qui y cho có phước, cho khỏi bệnh hoạn, cho Phật gia hộ qua tai ách..., đều là lý do mê tín trái với tinh thần tự giác tự nguyện của Đạo Phật.



  2. #12
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Ngũ giới



    I.- MỞ ĐỀ

    Con người là đối tượng của đạo Phật, bao nhiêu luật, bao nhiêu pháp môn, đức Phật đều vì con người lập bày. Đem lại sự an vui hạnh phúc cho con người, là mục tiêu chánh yếu của đạo Phật. Song quan niệm đạo Phật, không phải được nhiều của cải, nhiều tình yêu v.v... là con người có hạnh phúc. Hạnh phúc là người sống biết tiết chế, biết tôn trọng hạnh phúc của mọi người, biết thành thật thương mến nhau. Một dân tộc văn minh là biết tôn trọng sanh mạng của nhau, tôn trọng những quyền tự do căn bản của con người. Vì thế, ngũ giới là nền tảng căn bản đem lại hạnh phúc cho con người, xây dựng con người sống đúng ý nghĩa văn minh của nhân loại. Ngũ giới là cơ bản đạo đức của người Phật tử, khi bắt đầu bước chân trên con đường giác ngộ giải thoát. Thiếu căn bản đạo đức này, dù chúng ta có nói đạo đức cao siêu đến đâu cũng là lối nói rỗng. Sự tu hành thiết thực phải gầy dựng cơ bản trước, sau mới tiến lên những bậc cao siêu. Đó là tầm quan trọng của ngũ giới.

    II.- ĐỊNH NGHĨA

    Ngũ giới là năm điều ngăn cấm do đức Phật chế ra, bảo các Phật tử phải tuân hành theo. Sau khi qui y người ấy đã tự nhận là đệ tử Phật, để đủ tư cách một Phật tử cần phải gìn giữ năm giới. Năm điều răn cấm này, Phật vì thương xót chúng sanh mà chế ra, cốt khiến đời sống họ được an lành hạnh phúc. Gìn giữ năm giới này là vì mình, không phải vì Phật. Hình thức năm giới:

    1. Không sát sanh: Không sát sanh nghĩa là không được giết hại mạng sống của con người. Chúng ta tự quí sanh mạng của mình, vô lý lại sát hại sanh mạng kẻ khác. Trên lẽ công bằng nhân đạo không cho phép chúng ta làm việc ấy. Nếu làm, chúng ta đã trái lẽ công bằng thiếu lòng nhân đạo, đâu còn xứng đáng là đệ tử Phật. Giết hại mạng sống người có ba: trực tiếp giết, xúi bảo người giết, tùy hỉ trong việc giết hại. Phật tử không tự tay mình giết mạng người, không dùng miệng xúi bảo đốc thúc kẻ khác giết, khi thấy họ giết hại nhau chỉ một bề thương xót không nên vui thích. Đó là giữ giới không sát sanh. Nhưng suy luận rộng ra, chúng ta quí trọng mạng sống, những con vật cũng quí trọng mạng sống, để lòng công bằng tràn đến các loài vật, nếu không cần thiết, chúng ta cũng giảm bớt giết hại sanh mạng của chúng.



  3. #13
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    2. Không trộm cướp: Của cải tài sản của chúng ta, không muốn ai xâm phạm đến, của cải tài sản của người, chúng ta cũng không được giựt lấy hay lén lấy. Bởi cướp giựt hay lén lấy của người là hành động trái nhân đạo, phạm luật pháp chánh quyền, phải bị trừng phạt. Trộm cướp là do lòng tham lam ác độc, chỉ nghĩ lợi mình, quên nỗi đau khổ của người, mất cả công bằng và nhân đạo, người Phật tử quyết định không được làm.

    3. Không tà dâm: Người Phật tử có vợ chồng đôi bạn như mọi người thế gian khác. Khi có đôi bạn rồi tuyệt đối không phạm đến sự trinh bạch của kẻ khác. Nếu phạm thì mắc tội tà dâm. Bởi vì đây là hành động làm đau khổ cho gia đình mình và gia đình người, tạo thành nguy cơ tán gia bại sản. Do một chút tình cảm riêng tư của mình, khiến nhiều người khổ đau liên lụy, quả là thiếu lòng nhân. Để bảo đảm sự an ổn của gia đình mình và hạnh phúc của gia đình người, Phật tử nhất định không phạm tà dâm.

    4. Không nói dối: Nói lời trái với sự thật để mưu cầu lợi mình, hoặc hại người là nói dối. Do động cơ tham lam ác độc, sự kiện xảy ra thế này lại nói thế khác, sửa trái làm mặt, đổi phải thành quấy, khiến ngườimắc họa. Người nói như thế trái với đạo đức, mất cả lòng nhân, không xứng đáng là một Phật tử. Phật tử là người đạo đức nên ăn nói có mẫu mực, thấy biết thế nào nói thẳng thế ấy, không điêu xảo dối trá. Trừ trường hợp vì lợi người lợi vật, không nỡ nói thật để người bị hại hoặc khổ đau, do lòng nhân cứu người cứu vật nói sai sự thật mà không phạm. Không nói dối là giữ lòng tin đối với mọi người chung quanh.

    5. Không uống rượu: Đạo Phật chủ trương giác ngộ, muốn được giác ngộ trước phải điềm đạm tỉnh sáng, uống rượu vào gan ruột nóng bức, tâm trí quay cuồng, mất hết bình tĩnh không còn sáng suốt, trái hẳn mục đích giác ngộ. Chính vì nóng bức cuồng loạn, có những người khi say sưa tội lỗi họ cũng dám làm, xấu xa gì họ cũng không sợ, mất hết lương tri. Vì thế, người biết đạo đức phải tránh xa không uống rượu. Uống rượu chẳng những làm mất trí khôn, lại gây nên bệnh hoạn cho thân thể, còn di hại cho con cái sau này đần độn. Quả là một họa hại cho cá nhân và xã hội. Người Phật tử vì sự nghiệp giác ngộ, vì lợi ích cho mình cho người quyết hẳn không uống rượu. Trừ trường hợp mắc bệnh y sĩ bảo phải dùng rượu hòa thuốc uống mới lành, Phật tử được uống thuốc rượu đến khi lành bệnh thì chấm dứt, cần phải trình cho chư Tăng biết trước khi uống.



  4. #14
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    III.- LỢI ÍCH BẢN THÂN

    Người biết giữ gìn năm giới đã tạo thành căn bản đạo đức và sự an lành cho bản thân. Không sát sanh, bản thân ta không bị người giết, hoặc tù tội về giết người, cũng không có thù hận về nợ máu với nhau. Thế là sống chúng ta không kinh hoàng sợ hãi do thù hằn gây nên. Không trộm cướp, bản thân ta không mắc tội tù về trộm cướp, ở đâu hay đi đến chỗ nào khỏi sợ người theo dõi nghi ngờ. Tới lui tự do, đến đi an ổn, không phải hạnh phúc là gì? Không tà dâm, bản thân ta khỏi phải lao thần tổn trí, khỏi sợ ai bàn tán dở hay, mọi người đều tín nhiệm và tin cậy ta. Bản thân ta trinh bạch, khiến người tự quí mến. Tự mình an ổn, gia đình cũng an ổn. Không nói dối, chính ta không phải hối hận, lời nói tự có giá trị, gây được niềm tin của mọi người.

    Người hay nói dối sẽ bị xã hội đánh giá thấp, đề xướng điều gì đều bị nghi ngờ, làm việc gì ít ai tán trợ. Không uống rượu, chính ta khỏi bị cái tệ điên cuồng mất trí, khỏi gây cho cơ thể bệnh hoạn suy yếu, khỏi bị người khinh thường trong lúc say sưa. Trái lại, bản thân ta điềm đạm bình tĩnh, thân thể khỏe mạnh, đối với mọi người đều được quí kính, sanh con cũng thông minh sáng suốt. Đó là lợi ích bản thân ngay trong hiện tại. Nếu về mai sau, không sát sanh thân tráng kiện sống lâu; không trộm cướp, được tài sản sung túc; không tà dâm, thân thể đẹp đẽ; không nói dối, ăn nói khôn ngoan mọi người yêu chuộng; không uống rượu, trí tuệ sáng suốt.

    IV.- LỢI ÍCH GIA ĐÌNH XÃ HỘI

    Mọi người trong nhân loại đều tự nhận sanh mạng là tối thượng. Biết tôn trọng sanh mạng là nếp sống văn minh, chà đạp trên sanh mạng là con người dã man. Biết giữ năm giới là nguồn hạnh phúc của gia đình, là nếp sống văn minh của xã hội. Đức Phật nhìn thẳng vào con người, đem lại cho con người một đời sống an lành, một gia đình hạnh phúc, một xã hội văn minh, Ngài chế ra năm giới.

    Sanh mạng là giá trị tối thượng của con người mọi người đều phải tôn trọng, vì tôn trọng sanh mạng con người, Phật cấm Phật tử không được sát sanh. Sanh mạng con người được tồn tại vững bền, nhờ tài sản nuôi dưỡng, vì tôn trọng tài sản của người, Phật cấm Phật tử không được trộm cướp. Sự sống của con người cần có gia đình, gia đình là tổ ấm của nhân loại, tổ ấm ấy bị lung lay là mất hạnh phúc, vì tôn trọng hạnh phúc của gia đình, Phật cấm Phật tử không được tà dâm. Sự sống chung đụng trong gia đình và ngoài xã hội cần phải tin tưởng nhau, thiếu lòng tin thì không thể thông cảm thân yêu, vì đem sự tin yêu lại cho mọi người, Phật cấm không được nói dối. Trật tự của gia đình và xã hội là sự an ổn, một duyên cớ gây xáo trộn trong gia đình và ngoài xã hội là làm mất trật tự chung, vì tôn trọng trật tự của gia đình và xã hội, Phật cấm Phật tử không được uống rượu.

    Chỉ trong năm giới thôi, nếu gia đình nào gìn giữ trọn vẹn là gia đình ấy có hạnh phúc, trên thuận dưới hòa, tin yêu thuần cẩn. Nếu mọi người trong xã hội ứng dụng triệt để là một xã hội văn minh, chan hòa sự cảm thông và thương mến. Chúng ta vì lợi ích bản thân, vì hạnh phúc của gia đình, vì sự an lạc của xã hội, nỗ lực gìn giữ năm giới. Gìn giữ năm giới là tôn trọng nhân bản, là nếp sống văn minh, là nền tảng đạo đức vậy.

    V.- KẾT LUẬN

    Sự khổ đau tột độ của con người không gì hơn, khi họ nghĩ đến sanh mạng họ bị đe dọa, tiền của họ bị mất mát, người yêu họ bị xâm phạm. Chính đây là nỗi thống khổ khắc nghiệt nhất của con người. Vì cứu khổ đem vui lại cho con người, Phật cấm người Phật tử không được làm ba điều ấy. Tình thương vĩnh viễn không có, nếu con người không tin tưởng và cảm thông nhau. Điều này cũng là nỗi đau khổ thứ yếu của con người. Bởi vì trong cuộc sống mà không có tình thương, là loài người đang lạc loài ở giữa bãi sa mạc hay chốn rừng hoang, còn đâu sự đùm bọc thân yêu chia sớt cay đắng ngọt bùi. Muốn đem tình thương cho nhân loại, trước tiên phải có tin tưởng thông cảm nhau, nên Phật cấm người Phật tử không được nói dối. Chính bao nhiêu đó, chúng ta đã thấy lòng từ bi lênh láng của đức Phật. Tinh thần cứu khổ ban vui của đạo Phật đã thể hiện rõ ràng trong năm giới này. Vì thương mình thương người, Phật tử chúng ta phải cố gắng gìn giữ và khuyên người gìn giữ. Đó là căn bản của Đạo làm người hiện tại và mai sau.



  5. #15
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Đi lễ chùa



    I.- MỞ ĐỀ

    Người xưa nói "làm việc có nghĩa do tâm tỉnh ngộ, làm việc vô nghĩa do tâm mê mờ". Chúng ta thao thức ước mơ có thì giờ rảnh đi chùa để được nghe những lời chỉ dạy đạo lý của Tăng, Ni. Quả là do tâm tỉnh ngộ làm động cơ thúc đẩy chúng ta. Nếu chúng ta mong có lúc rảnh để đến hí trường, lại tửu điếm, chính do tâm mê mờ làm động cơ thúc đẩy chúng ta. Chọn lấy một hành động có nghĩa là để làm theo, đích thực là người trí. Chạy theo những hành động vô nghĩa hư hèn, quả là kẻ ngu. Đã có mặt trên cõi đời, chúng ta phải chọn lấy một lối đi để đưa đời mình đến chỗ rạng ngời tươi đẹp. Vô lý, chúng ta mãi đua đòi theo sự ăn mặc vui đùa, đến một ngày kia thân này sắp hoại, tự ta nghĩ sao về thân phận mình? Vì thế, sự đi chùa lễ Phật là một việc làm do động cơ tỉnh ngộ thúc đẩy, với một tinh thần cố gắng vươn lên, gầy dựng cho mình một ngày mai sáng đẹp.

    II.- ĐI CHÙA

    Mục đích đi chùa không phải là để cúng lạy, mà vì học hỏi chánh pháp, tập tu đức hạnh. Người Phật tử mới đến với đạo chưa thấm nhuần Phật pháp, nếu không được sự chỉ dạy của Tăng Ni thì làm sao hiểu đạo tu hành. Muốn hiểu đạo lý, Phật tử tới lui Tự viện để thưa hỏi học tập là sự đương nhiên không thể thiếu. Vì sự sống bận rộn ngoài xã hội, Phật tử đâu đủ thì giờ nghiên cứu giáo lý, chỉ gặp Tăng, Ni trong nửa giờ, một giờ, Phật tử có thể học được nhiều điều trước kia chưa biết. Vì thế, đến chùa để gặp Tăng, Ni là điều thiết yếu không thể thiếu, đối với mỗi Phật tử tại gia. Đi chùa có hai trường hợp, đi chùa ngày thường và đi chùa ngày lễ vía.

    Đi chùa ngày thường: Bất cứ ngày nào thấy rảnh việc nhà, người Phật tử có thể đi chùa. Khi đi chùa, Phật tử phải nhắm thẳng mục đích thưa hỏi đạo lý. Vì hỏi đạo lý, Phật tử phải ghi lại những điều gì mình chưa hiểu để đem ra hỏi. Mỗi lần đến chùa, Phật tử phải có ít nhất đôi ba vấn đề thưa hỏi Tăng, Ni. Những vấn đề ấy, hoặc do thấy nếp sống sanh hoạt nhà chùa chưa hiểu đem ra hỏi, hoặc đọc trong kinh sách chỗ nào không biết đem ra hỏi. Biết thưa hỏi như vậy, người Phật tử học đạo rất chóng tiến. Đi chùa hỏi đạo là đúng tinh thần học vấn của người Phật tử.

    Nhưng cũng có những khi không vì hỏi đạo mà vẫn đi chùa. Đây là trường hợp vì đua chen trong cuộc sống, người Phật tử thần kinh bị căng thẳng, vội vàng bỏ việc đến chùa. Đến đây để ngồi yên trên tảng đá dưới bóng mát tàn cây, nghe tiếng gió thì thào trên ngọn cây, giọng chim líu lo trong cành râm, khung cảnh tịch mịch của nhà chùa, khiến tâm hồn lắng xuống thần kinh dịu lại. Không cần gặp ai, chẳng màng thưa hỏi, chỉ cần mắt ngắm mấy cội tùng xanh, mũi ngửi mùi hương nhẹ của hoa lan, hoa nguyệt quới, ngồi đặt lưng tựa bên vách chùa, chúng ta cảm nghe lòng nhẹ nhàng khoan khoái, những giờ phút này gánh nợ đời oằn oại đôi vai bỗng dưng như quẳng mất. Chính cảnh cô liêu tịch mịch của nhà chùa đã giải tỏa xoa dịu phần nào nỗi bực dọc não phiền của Phật tử.

    Đến chùa ngày lễ vía: Cùng Phật tử với nhau như con một cha, những ngày lễ vía là ngày huynh đệ sum họp. Ngày thường mỗi Phật tử có hoàn cảnh riêng gia đình riêng, ít khi gặp được nhau để thăm hỏi sự tu hành, nhắc nhở nhau về đức hạnh. Nhân ngày lễ vía ở chùa, toàn thể Phật tử tụ hội về cùng thăm hỏi nhau trong tình đạo bạn, cùng giãi bày nhau về kinh nghiệm tu hành, thật là một cơ hội quí báu. Chúng ta đâu không nghe ông cha chúng ta đã nói "ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đoàn tụ dưới mái chùa, huynh đệ ngồi gần nhau đàm đạo mật thiết thân tình, đây là một niềm vui để dắt dìu nhau trên con đường đạo đức. Mến thương nhau, đoàn kết nhau, khích lệ nhau, cùng nỗ lực leo lên cho đến tận đỉnh ngọn giác ngộ.

    Càng cao cả hơn, khi chúng ta nghe Tăng, Ni kể lại hành trang nhuộm mùi từ bi đượm màu giác ngộ của chư Phật, Bồ-tát, hoặc nghe giải thích giáo lý cao siêu thoát tục của Phật dạy, làm sáng tỏ thêm đường lối tu hành. Thật là những cơ hội hiếm có để Phật tử thấm nhuần chánh pháp. Vắng mặt trong những ngày lễ vía, là một thiệt thòi đáng kể của người Phật tử. Có nghe giáo lý, có học công hạnh của Phật, Bồ-tát, Phật tử mới biết phương hướng tu hành, mới thấy những gương sáng ngời để noi theo. Dù đã qui y mấy mươi năm, không chịu học hỏi giáo lý, không siêng nghe giảng dạy, Phật tử này vẫn mờ mịt không hiểu gì về đạo Phật. Là Phật tử phải tỏ ra xứng đáng với danh nghĩa của mình, nghĩa là học và hành đúng với đường lối Phật dạy. Vì thế, đi chùa nghe giảng là điều tối cần thiết của người Phật tử.




  6. #16
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    III.- LỄ PHẬT

    Lạy Phật không vì van xin tha tội, không vì cầu mong ban ân, chỉ vì quí kính một đấng lòng từ bi tràn trề, trí giác ngộ viên mãn. Vì quí kính công đức trí tuệ của Phật nên chúng ta lạy Ngài. Lạy Phật để thấy mình còn thấp thỏi ti tiện, bỏ hết những thói ngạo mạn cống cao. Quí kính gương cao cả của Phật để mình noi theo. Phước đức lạy Phật là tại chỗ đó.

    Lễ Phật vì dẹp ngã mạn - Bản chất con người chúng ta lúc nào cũng tự cao tự đắc, vênh váo nghênh ngang. Đó là tánh xấu khiến mọi người chán ghét, tiêu mòn công đức. Phật tử biết được cái dở này, kính lạy Phật, Bồ-tát, các bậc tôn túc, để diệt trừ tâm ngã mạn của mình. Kính lạy các ngài là tự mình thấy không bì kịp các ngài, biết mình thấp thì tánh ngạo mạn từ từ biến mất. Khi lạy các ngài không mong một ân sủng nào, chỉ vì một lòng kính trọng đức hạnh của các ngài, tự thấy mình hèn hạ thấp thỏi, thế là mọi công đức từ đó phát sanh. Bởi đứa ăn trộm thì phục kẻ ăn trộm giỏi, chàng võ sĩ thì nể tay vô địch, kính trọng Phật, Bồ-tát, các bậc tôn túc tự nhiên chúng ta có dự phần trong ấy rồi. Quả như câu nói "kính thầy mới được làm thầy". Chúng ta muốn dẹp bỏ những tánh xấu, tập tành đức hạnh, kính lễ những bậc đức hạnh là điều cần thiết vậy.

    Lễ Phật vì noi gương - Kính lạy Phật, chính vì chúng ta muốn học đòi noi theo gương của Ngài. Tại sao chúng ta phải học đòi theo gương đức Phật? Bởi vì, Phật đã đầy đủ mọi công đức, trí tuệ từ bi viên mãn, nên chúng ta phải học theo. Đây chúng tôi đơn cử một công hạnh nhỏ xíu của Ngài, thử xem chúng ta có theo kịp không?

    Một hôm, đức Phật một mình mang bình bát vào thôn xóm khất thực, bỗng có một người ngoại đạo biết Ngài và biết rõ Phật đi đến đâu ắt đệ tử của chúng đều bỏ đạo qui kính Phật. Nổi tức, ông đi theo sau lưng Phật mạ lỵ đủ điều, Phật vẫn chậm rãi tiến bước đều đều không một lời đối đáp. Đến đầu đường, ông ta chạy đón trước mặt Phật, chặn lại hỏi: Cù-đàm thua ta chưa? Phật ung dung trải tọa cụ xuống đất, ngồi kiết già đọc bài kệ:

    Kẻ hơn thì thêm oán
    Người thua ngủ chẳng yên
    Hơn thua hai đều xả
    Ấy được an ổn ngủ.
    -- (Kinh Trung A-hàm)

    Ngoại đạo hối lỗi ăn năn lễ tạ.

    Thử hỏi hành động này của đức Phật, chúng ta có ai dám tự hào cho mình làm được. Nếu đem danh vọng giá trị so sánh, đức Phật là một vị giáo chủ trong tôn giáo, một vị Thái tử ở thế gian, chúng ta hiện nay là một tín đồ trong tôn giáo, một kẻ tay trắng ở thế gian, đức Phật bị mạ lỵ mà không tức giận, chúng ta bị mạ lỵ có tức giận chăng? Nếu chúng ta không tức giận cũng chưa dám bì với đức Phật, vì giá trị danh vọng của chúng ta có ra quái gì. Huống là, bị mạ lỵ chúng ta liền nổi giận ầm ầm. Nhìn lại đức Phật thử xem chúng ta cách Ngài bao xa? Thế thì lạy Ngài bao nhiêu mới xứng đáng trong việc noi gương theo Ngài? Đến như tâm từ bi, trí giác ngộ của Phật, sánh với chúng ta thật là trời cao vực thẳm. Đời đời kính lễ Ngài, cũng là cái hãnh diện của chúng ta, biết kính người đáng kính. Thế mà, có một ít người thấy chúng ta lạy Phật, họ tỏ vẻ ngạo nghễ. Hãy nghe câu chuyện đối đáp này:

    Một em gái đi chùa lễ Phật, lễ xong em vừa ra đến sân chùa, gặp một quân nhân đứng ngắm cảnh. Thấy em, quân nhân liền hỏi: em đi đâu thế? Bé gái đáp: em đi chùa lễ Phật. Quân nhân hỏi: tượng Phật bằng gỗ bằng xi măng, em lễ cái gì? Bé gái hỏi lại: Ở doanh trại anh mỗi sáng có chào cờ không? Quân nhân đáp: sáng nào cũng chào cờ. Bé gái hỏi: cờ bằng vải bằng màu, tại sao phải nghiêm trang chào? Quân nhân đáp: chào tinh thần Tổ quốc được tượng trưng qua lá cờ, chớ không phải chào tấm vải màu. Bé gái nói: Cũng thế, em lạy tinh thần từ bi giác ngộ của Phật được tượng trưng qua hình tượng chớ không phải lạy gỗ lạy xi măng. Quân nhân đành thôi.

    VI.- KẾT LUẬN

    Chọn một hành động có ý nghĩa là con người tỉnh sáng. Khi đã nhận định kỹ việc làm của mình, dù có bị chê khen, chúng ta vẫn an ổn thực hành. Chỉ có những kẻ xu thời, thấy ai khen cái gì chạy theo cái nấy, mới bàng hoàng khi bị ai phê bình hành động của mình. Đi chùa lạy Phật đã mang sẵn những ý nghĩa của nó, dù có ai chê là mê tín..., ta vẫn an nhiên. Đạo đức có hay không, do lòng ta biết kính trọng người đạo đức hay không. Do lòng kính trọng mới thúc đẩy chúng ta học đòi và bắt chước theo người đức hạnh. Lạy Phật là động cơ đẩy mạnh chúng ta tiến mãi trên đường giác ngộ.



  7. The Following User Says Thank You to thubuon For This Useful Post:

    lamebay (10-23-2015)

  8. #17
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    Sám hối



    I.- MỞ ĐỀ

    Mắc bệnh ung nhọt làm mủ trong thân, người bệnh cần phải gan dạ mời giải phẫu sư mổ ra và cạo rửa mủ máu cho sạch, có thế thì bệnh chóng lành. Nếu bệnh nhân hèn nhát không dám cho mổ, để ấp ủ lâu ngày, ung nhọt có thể làm nguy hiểm đến tánh mạng. Cũng như thế, người tu lỡ phạm những điều tội lỗi, gan dạ đến những bậc đức hạnh thành tâm phát lồ sám hối thì tội lỗi chóng sạch. Ngược lại, kẻ ấy hèn nhát cứ một bề che giấu, tội lỗi càng ngày càng trầm trọng, đến mai kia có thể sa đọa không thể cứu. Chúng ta là phàm phu, là kẻ đang tập tu, không sao tránh khỏi những điều sai lầm tội lỗi, chỉ quí ở chỗ có lỗi biết thành tâm sám hối, không dám tái phạm, khiến tội lỗi sạch dần cho đến ngày nào đó hoàn toàn thanh tịnh. Hèn nhát không chịu sám hối là kẻ chấp nhận sự lui sụt của mình, tự hủy bỏ đời sống tu hành của chính mình. Sám hối là phương pháp sách tiến mạnh mẽ nhất, đối với người chân thật tu hành, bỏ sám hối khó ai từ phàm phu tiến lên thánh được.

    II.- ĐỊNH NGHĨA

    Sám hối là ăn năn hối cải. Những tội lỗi đã làm, chúng ta hổ thẹn, ăn năn không dám tái phạm; những tội lỗi đang làm và sẽ làm, chúng ta hứa sửa đổi không làm. Không phạm tội cũ, không tạo lỗi mới, là chủ yếu của pháp sám hối. Sám hối cũng nói là phát lồ sám hối. Phát lồ là vạch trần những tội lỗi mình đã làm phơi bày trước bậc đức hạnh để thành tâm sám hối. Làm thế, do tâm hổ thẹn, cầu tiến mới dám gan dạ đến trước bậc đức hạnh phơi bày hết tội lỗi của mình cầu xin sám hối. Giá trị căn bản nhất là, hổ thẹn và cầu tiến, hai tâm này là động cơ chính yếu trong việc sám hối. Vì hổ thẹn và cầu tiến chúng ta mới sám hối, sau khi sám hối dứt khoát không tái phạm gây tạo nữa. Trọng tâm của sám hối là ở chỗ này.



  9. #18
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    III.- HÌNH THỨC SÁM HỐI

    Sám hối tương tợ nghĩa xin lỗi của người thế gian. Người thế gian lỡ phạm lầm lỗi với ai khiến họ phiền muộn, biết mình có lỗi gan dạ đến xin lỗi, lỗi lầm ấy liền được tha thứ, nếu người rộng lượng, hoặc giảm bớt buồn phiền, nếu người cố chấp. Biết nhận lỗi mình và gan dạ đi xin lỗi, quả là người tiến bộ đáng khen. Người tu cũng thế, nếu vì ba nghiệp không khéo gìn giữ, có ngôn ngữ hành động làm cho người chung quanh mình phiền não, nhận rõ lỗi mình, gan dạ đến ngay đương sự thành tâm sám hối. Nếu người thật tu hành, không ai chẳng tha thứ cho người đã biết lỗi sám hối. Thế là tội lỗi liền đó dứt sạch.

    Nếu người tu vì si mê che đậy lỡ phạm những giới của mình đã thọ, cần phải hổ thẹn gan dạ đến trước những vị đức hạnh phát lồ sám hối. Do lòng thành của mình và nhờ sự chứng minh của bậc trưởng thượng, chúng ta nỗ lực cố gắng không tái phạm những lỗi lầm cũ và không tạo tội lỗi mới. Các bậc đức hạnh không thể tha tội lỗi cho chúng ta, song nhờ các ngài làm đối tượng cao quí khiến những lời hứa nguyện của chúng ta có thêm sức mạnh, cho đến cả đời không quên. Biết ăn năn lỗi cũ, không tạo tội mới, đây là lý do hết tội của người sám hối.

    Trên đường tu hành, chúng ta thấy chướng nhiều thuận ít, hoặc trong khi phát nguyện tu hành gặp toàn những trở ngại, hoặc thân thể bệnh hoạn ngăn trở sự tu, hoặc túc nghiệp ác duyên khiến mờ mịt ngu tối... gặp hoàn cảnh này, chúng ta nên đến trước hình tượng Phật, Bồ-tát thành tâm sám hối. Bởi những nghiệp duyên đời trước, hiện nay chúng ta không nhớ không biết, chỉ thấy những hiện tượng bất tường, nhận ra mình còn nhiều ác chướng, đến trước Phật, Bồ-tát thành tâm sám hối. Với lòng thiết tha tâm chân thành, chúng ta đảnh lễ Phật, Bồ-tát, quì gối chí thành phát lên những lời chí thiết sám hối và hứa nguyện, cầu Phật, Bồ-tát chứng minh. Bởi lòng thành khẩn thiết tha này, nên sám hối tội lỗi chóng sạch. Lời văn sám hối những nghiệp chướng cũ thu gọn trong bốn câu này:

    Xưa con đã tạo bao ác nghiệp
    Đều bởi muôn thuở tham sân si
    Từ thân miệng ý mà phát sanh
    Tất cả, nay con xin sám hối.




  10. #19
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    IV.- TINH THẦN SÁM HỐI

    Sám hối đúng ý nghĩa của nó phải có đủ tâm hổ thẹn và cầu tiến. Vì hổ thẹn, chúng ta không thể chứa chấp tội lỗi mãi, cần thành tâm sám hối rồi mới an ổn. Với tinh thần cầu tiến chúng ta phải dứt khoát những lỗi lầm đã qua bằng cách sám hối, để vui vẻ tiến lên con đường đạo đ?c. Có thế, sự tu hành tinh tấn không bị chướng ngại. Bởi hổ thẹn và mong mỏi vươn lên, sau khi sám hối, chúng ta tuyệt đối không để tái phạm những lỗi cũ. Chính khi sám hối không phải bị ai bắt buộc, chỉ do tâm hổ thẹn thúc đẩy, chí thành tha thiết sám hối. Lòng chí thành tha thiết sẽ giúp chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.

    Tuy nhiên, đã thành tâm sám hối lý đáng không được tái phạm lỗi ấy nữa, song vì hoàn cảnh bất khả kháng, hoặc vì tâm yếu mềm chống chọi không lại, rồi dẫm lại vết xưa. Thế đã dở lắm rồi, nhưng chúng ta cũng thành tâm sám hối đừng nản. Còn biết sám hối, chúng ta còn thấy đó là tội lỗi, nếu buông xuôi luôn, tội lỗi càng ngập đầu. Vì thế, có khi một lỗi phạm đến đôi ba lần, lần nào chúng ta cũng vẫn mạnh dạn sám hối, đừng vì tự ái không dám sám hối những lỗi đã tái phạm, tự ái này là gốc khiến ta buông lung tột độ.

    Tinh thần sám hối buộc chúng ta phải thành khẩn thiết tha, hổ thẹn cầu tiến, vạch trần những lỗi lầm đã làm, cầu xin sám hối. Vì vậy, khi sám hối đương sự phải cần cầu tha thiết, lời lẽ trình bày chân thành rành rõ thiết yếu, phát nguyện chừa cải một cách mạnh dạn, mới đúng ý nghĩa sám hối. Nhưng gần đây các chùa cứ theo lệ xưa, chiều mười bốn và chiều ba mươi tổ chức lạy sám hối Hồng Danh, sau khi lạy quì xuống tụng nguyên bản văn dịch âm chữ Hán, Phật tử đọc thuộc lòng mà không hiểu biết gì hết. Như thế, cứ lạy tụng xong gọi là xong thời sám hối. Sám hối như thế mất hết tinh thần cao cả, ý nghĩa thâm sâu của nó. Hằng ngày Phật tử làm những tội lỗi gì cũng được, miễn đến ngày mười bốn và ba mươi đi sám hối một thời là sạch. Quả là một việc làm lấy lệ không đúng tinh thần đạo Phật.



  11. The Following User Says Thank You to thubuon For This Useful Post:

    phuctoan (10-27-2015)

  12. #20
    Avatar của thubuon
    Tham gia ngày
    Oct 2015
    Bài gửi
    276
    Thanks
    127
    Thanked 195 Times in 110 Posts


    V.- LỢI ÍCH SÁM HỐI

    Nếu người phạm tội một lòng thành khẩn thiết tha sám hối, sau khi sám hối tuyệt đối không tái phạm, người này chưa phải là thánh, nhưng đã là bậc hiền. Bởi vì tất cả thế gian này có ai không có tội lỗi, chỉ khác nhau nhiều hay ít, biết chừa cải hay không biết chừa cải ấy thôi. Đã có tội lỗi mà biết ăn năn hối cải, tội lỗi ấy sẽ giảm xuống dần dần, cho đến hết, người như thế không phải bậc hiền là gì? Cho nên trong cuộc sống này, chúng ta đừng đòi hỏi mình hay mọi người không có tội lỗi, chỉ cần khi lỡ phạm tội lỗi mình cũng như mọi người phải hổ thẹn ăn năn thành tâm sám hối, nguyện chừa cải hẳn sau này. Được thế, chúng ta đều là con người tiến bộ, là kẻ sẽ vươn lên bậc Hiền Thánh ở mai kia. Sám hối muốn hết tội phải nhắm thẳng động cơ chánh yếu của nó. Như bài kệ này:

    Tánh tội vốn không do tâm tạo
    Tâm nếu diệt rồi tội sạch trong
    Tội trong tâm diệt cả hai không
    Thế ấy mới là chân sám hối.

    Hành động ăn cướp ăn trộm, tự nó không thể thành nghiệp phải do lòng tham thúc đẩy. Lòng tham là động cơ chánh yếu của hành động trộm cướp. Thế nên nói "tánh tội vốn không do tâm tạo". Lòng tham dứt rồi thì hành động trộm cướp làm gì còn. Quả là cả tâm cả tội đều sạch, sự sám hối này mới là chân chánh sám hối. Chân chánh sám hối thì tội lỗi nào mà chẳng sạch.

    Hoặc khi sám hối thì thành khẩn tha thiết, song sau đó lại mau quên thỉnh thoảng lại tái phạm. Tái phạm lại sám hối, năm lần mười lượt như vậy, tuy tội không sạch được, mà do bền chí sám hối nó cũng mòn dần. Đây có thể là trường hợp của hạng trung bình chúng ta. Chúng ta chưa được một lần sám hối là dứt khoát không phạm, mà lâu lâu lại tái phạm tội cũ. Đừng thối chí đừng nản lòng, chúng ta lại dập đầu sám hối nữa. Biết như thế là dở, song dở phải chịu dở chớ sao; biết dở chịu dở còn hơn người không biết không chịu.

    Có sám hối là có suy giảm tiêu mòn, chúng ta hằng ngày mang tâm hổ thẹn, lòng thiết tha sám hối mãi. Nhắc đi lập lại đôi ba mươi lần, nó cũng có sức mạnh, đây là hành động thấp mình khiến tâm ngạo mạn tiêu mất, lâu ngày công đức cũng được đầy đủ. Dám sám hối cũng là một việc làm can đảm, nó là sức mạnh đẩy chúng ta tiến lên. Tu mà không gan dạ sám hối, quả là người hèn nhát che dấu không thể nào tiến lên được.

    VI.- KẾT LUẬN

    Người đời đa số có tội lỗi tìm mọi cách khéo léo che giấu đắp điếm cho người khác đừng thấy lỗi mình, chúng ta có lỗi can đảm nhận chịu và can đảm phơi bày cho người khác biết để sám hối. Thế đã vượt hơn người đời một bậc đáng kể rồi. Huống là, biết lỗi rồi ăn năn hổ thẹn quyết tâm chừa cải để khỏi phạm lại lần thứ hai, người này hẳn đã đi theo bước đường của Hiền Thánh. Căn bản của sự tu hành là sửa đổi những điều dở, nếu chúng ta không còn dở thì ai cần tu. Sửa đổi những đi?u dở, sám hối là thượng sách. Người biết sám hối, là biết tu, ngược lại có lỗi mà không biết sám hối, dù có mang hình thức nhà tu kẻ ấy cũng chưa biết tu. Sám hối với một tâm chí thành, với một lòng tha thiết, xấu hổ những lỗi đã làm, quả quyết không tái phạm, người này không còn tội lỗi nào mà chẳng sạch. Dù có tạo tội bao nhiêu, họ vẫn là người tốt ở mai sau.



  13. The Following User Says Thank You to thubuon For This Useful Post:

    phuctoan (10-27-2015)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •