NGHIỆP

Vào canh hai, khi Phật đạt giác ngộ, ngài chứng một loại hiểu biết hay minh thứ hai, bổ túc cho trí biết về tái sinh hay túc mạng trí, đó là trí biết về nghiệp, định luật tự nhiên của nhân và quả.

“Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy hữu tình chết và tái sinh, người hạ liệt kẻ cao sang, người may mắn kẻ bất hạnh tùy theo hạnh nghiệp của chúng.”

(Tùy nghiệp thú trí, liên hệ đến thiên nhãn. Dịch giả)

Sự thật và năng lực điều động tái sinh là cái mà ta gọi nghiệp. Người ta thường hiểu lầm nghiệp với định mệnh hay tiền định. Tốt nhất nên hiểu nghiệp là luật nhân quả tất yếu điều khiển vũ trụ. Danh từ karma, nghiệp, có nghĩa là “hành động,” và karma vừa là năng lực tiềm tàng trong hành động vừa là hậu quả mà hành động đem lại.

Có nhiều loại nghiệp: Nghiệp quốc tế, nghiệp quốc gia, nghiệp đô thị, và nghiệp cá nhân. Tất cả đều tương quan mật thiết với nhau, và chỉ có một người đã giác ngộ mới hiểu được sự phức tạp của chúng.

Nói giản dị thì nghiệp là gì? Nó có nghĩa là bất cứ gì ta làm, qua thân, lời hay ý, đều sẽ có một hậu quả tương ứng. Mỗi hành vi, dù nhỏ nhất, đều mang nặng những kết quả của nó. Những bậc thầy nói rằng chỉ một chút độc dược cũng có thể gây ra cái chết, một hột nhỏ có thể trở thành một cây khổng lồ. Và đức Phật cũng dạy:

- Đừng khinh việc ác nhỏ chỉ vì nó nhỏ; một đóm lửa nhỏ cũng có thể đốt cháy một đống cỏ khô lớn như ngọn núi.

Ngài còn dạy:

- Đừng xem thường việc lành nhỏ, nghĩ rằng không lợi lạc; những giọt nước tuy nhỏ cũng có thể làm đầy hồ.

Nghiệp không hư hoại như những vật thể ở ngòai hay trở thành vô hiệu lực. Nó không thể bị thời gian, lửa hay nước phá hoại. Năng lực của nghiệp sẽ không bao giờ biến mất cho đến khi nó chín mùi. Mặc dù những hậu quả của nghiệp chúng ta có thể chưa chín, nhưng chúng chắc chắn sẽ chín, khi gặp điều kiện thích hợp.

Thường chúng ta quên những gì mình làm, và thực lâu về sau những hậu quả mới đến đuổi kịp chúng ta. Khi ấy ta không thể nào liên hệ chúng với những nhân, sinh ra chúng. Jigmé Lingpa nói:

- Hãy tưởng tượng, một con đại bàng đang bay cao trên bầu trời, không có bóng, không có gì chứng tỏ nó có ở đấy. Rồi thình lình khi thấy con mồi, nó lượn xuống, sà xuống đất. Và khi nó rớt xuống, thì cái bóng đe dọa của nó xuất hiện.

Những hậu quả hành động chúng ta thường bị triển hạn, ngay cả vào những đời sau; chúng ta không thế gán một nguyên nhân duy nhất, vì bất cứ biến cố nào cũng có thể là một pha trộn vô cùng phức tạp của nhiều nghiệp chín cùng một lúc. Bởi thế chúng ta có khuynh hướng cho rằng mọi sự “tình cờ” xảy đến cho chúng ta, và khi mọi sự tiến hành tốt đẹp, ta chỉ gọi đấy là “may mắn.” Tuy nhiên, cái gì khác ngoài nghiệp, có thể thực sự giải thích thỏa đáng những sai khác kỳ lạ giữa chúng ta? Dù chúng ta có thể sinh ra trong cùng một gia đình hay xứ sở, hay trong những hoàn cảnh giống nhau, chúng ta đều có tính tình khác nhau, gặp những sự việc hoàn toàn khác nhau, có tài năng khác nhau, khuynh hướng và số phận khác nhau.

Như lời Phật dạy:

- Hiện tại ta là những gì trong quá khứ ta đã từng là, và tương lai ta sẽ là gì tùy thuộc vào hiện tại ta làm gì.

Padmasambhava cũng nói:

- Muốn biết đời quá khứ, hãy nhìn tình trạng hiện tại của bạn; muốn biết đời vị lai, hãy nhìn những hành động hiện tại.